Tủi thân

Chưa bao giờ dân Trung Quốc lại lấn chiếm vỉa hè ở London đến như vậy. Ở đâu cũng thấy người Trung Quốc, tiếng Trung Quốc, đèn lồng đỏ treo cao ở khắp các con phố chính ở London. Dân Tây cũng có người thắc mắc, what is happening, và tiếng trả lời ngay lập tức là “Chinese New Year”.
Năm nay, dân Trung Quốc ăn mừng năm mới rất hoành tráng. Cả London biến thành nhà của họ. Vị trí quan trọng nhất ở London là quảng trường Trafagar – nơi tập trung du khách đông nhất ở London – đã trở thành nơi người Trung Quốc thể hiện talawas ở nước Anh. Người Trung Quốc còn sở hữu vị trí buôn bán tốt nhất ở London là China Town – nằm giữa West End – trung tâm giải trí của London. Mọi ngả đường đều dẫn đến West End!
Đây là năm thứ hai năm mới âm lịch được tổ chức ở London, với sự ủng hộ của Thị trưởng London.
Tất cả những trò hay ho nhất của văn hoá Trung Quốc được biểu diễn trong tiếng trầm trồ và lời tán thưởng “It is amazing” của dân đến xem. Mà quả thật, nếu không có cuộc “cách mạng văn hoá” chôn vùi biết bao văn hoá Trung Quốc thì hẳn là nền văn hoá của họ sẽ giàu có bao nhiêu. Ngoài ra là những tư tưởng mà người ta vốn nghĩ là tốt cho xã hội lại không được những người ngoài Trung Quốc đánh giá cao, vì nó kéo ngược sự phát triển và trái với tự nhiên. “It does not work”, như một người bạn mình đã nói.
Đi xem người Trung Quốc ăn Tết để thấy rằng, hoá ra Tết Trung Quốc cũng là Tết của dân Tây à?
Mình cũng có New Year, vậy mà chả ai biết đến nhỉ? Tủi thân
thế cơ chứ! Khóc vì tức đấy!

(Bài viết 19.02.2007 04:47)

Tết muộn

Chiều 25-2, tức mùng 8 tết, người Việt Nam tại Anh mới tổ chức mừng xuân mới. Khoảng 100 người đến dự. Con số nhỏ tí. Cũng phải thôi, nếu xét về tính chất khá đặc biệt của cộng đồng người Việt Nam tại Anh, và độ “rải rác” của các gia đình.
Buổi gặp mặt đơn giản như không thể đơn giản hơn. Nơi gặp gỡ là một khu nhà cộng đồng ở Deptford. Hình như ngôi nhà là nhà trẻ hay sao ấy, vì nhà vệ sinh chỉ có cái hố xí bệt bé tí dành cho trẻ con.
Deptford là khu có người Việt sinh sống đông thứ 2 ở London,
sau Hackney. Đông bao nhiêu thì chưa biết (sorry). Phông màn sân khấu màu đỏ, có vài hình cắt dán mang dáng dấp cành đào đỏ, chữ chúc mừng năm mới Đinh Hợi màu đỏ, chữ Hội người VN tại Anh và Đại sứ quán Anh thấp ở dưới phông, màu xanh. Sân khấu gỗ. Có khoảng 50 chiếc ghế dựa, sau
những chiếc ghế là 2 dãy bàn để đồ ăn. Bánh chưng có vẻ giống ở nhà (sau khi ăn thì thấy nó not bad), nem rán (món nem nay không hiểu ai làm, hoặc mua ở siêu thị nào mà nó chẳng giống ai nên mình không ăn), có quýt, có giò, có món nộm mà mình chưa kịp ăn món nào thì đã hết (chắc vì ngon). Bằng đấy món thì không thể gọi là nhiều và hoành tráng được. Mình chỉ ăn một miếng bánh chưng và một miếng giò.
Buổi gặp mặt có đủ thành phần: đại sứ quán, hội người VN tại
Anh, doanh nhân, sinh viên, người già sống ở Anh 28 năm đến em bé mới 5 tuổi. Bé 5 tuổi đáng chú ý nhất trong cuộc gặp mặt (theo thiển ý của mình). Bé tên Samantha, có mẹ người Việt bố người Triều Tiên. Bé xinh xắn dễ thương, nhưng không nói được tiếng Việt, mình phải nói chuyện với bé bằng tiếng Anh. Bé mặc áo dài đỏ, tết tóc cài nơ đỏ. Mình khen đẹp lắm, xinh lắm. Chỉ mong bé vì yêu chiếc áo dài đỏ, bé sẽ học tiếng Việt, và yêu quý nước Việt Nam khi bé lớn lên. Đơn giản thế thôi đã.
Buổi gặp mặt có đủ màn lễ tân: lời chào mừng từ một tờ giấy
gấp nhỏ; dáng vẻ rụt rè chắp hai tay đằng trước của một nhân vật mà đáng lẽ theo mình cần phải ăn nói đĩnh đạc, đàng hoàng; bài diễn văn kể vài công trạng, vài tiết mục văn nghệ văn gừng, số xố có thưởng, ăn uống, vận động gây quỹ…
Vẫn biết là không thể so sánh với người khác được, nhưng có
ai cấm mình cảm thấy tủi thân phần hai, có ai cấm mình mong muốn một cộng đồng vững mạnh, tổ chức một cái Tết đúng ngày giờ, vui tươi, hào hứng, đúng nghĩa Xuân.

Tâm trạng khiến mình cáu với người bán hàng ở Sainbury. Mua chai rượu, tự nhiên họ nó hỏi mình ID card để chắc rằng mình trên 18 tuổi. Oái giời ôi, trông già chát thế này rồi còn nghi dưới 18 tuổi. Mình cáu, và trả lại chai rượu, với lý do là không thích đưa ID card. Họ bảo đây là nguyên tắc, nếu không làm thế, họ sẽ bị phạt tiền. Mình bảo, kệ , mình không thích mua nữa.Bực cả mình.
(Bài viết 26.02.2007 06:18)

Học thế nào

Nhiều bạn bè hỏi tôi học báo chí ở trường City ở London thế nào. Tôi cứ lần lữa không trả lời cụ thể vì ngại dài dòng. Entry này dành riêng cho việc giải thích một phần rất nhỏ việc học hành của tôi ở trường City.
Thực ra, hồi ở VN, trước khi đăng ký học tại trường này, tôi chả biết City là trường nào. Thậm chí, đi học rồi, thấy nhiều người trầm trồ bảo rằng khoa báo chí trường đấy xịn lắm, tôi cũng mới ớ người ra “thế à?”. Lý do tôi đăng ký nhập học trường này rất đơn giản: tôi tìm thấy nó trên mạng đầu tiên, nó ở ngay trung tâm London và nó nhận tôi làm sinh viên, với mức học phí 11 ngàn bảng/năm.
Mức học phí này so với trường Cardiff ở xứ Wales của công nương Diana xinh đẹp thì ở mức “đắt đắng”. Mà trường Cardiff cũng rất xịn, là sự gợi ý của nhiều thầy giáo người nước ngoài của tôi. Nhưng tôi làm các thầy thất vọng vì tôi vẫn chọn City.
Lý do vì tôi không phải lo tiền học phí và tôi thích sống ở London. Khi chưa sống ở London thì tôi chưa giải thích được vì sao lại thích, tôi thích vì nó là thủ đô.
Bây giờ, và tôi cho rằng sau này cũng vậy, tôi sẽ nói với những người đi học ở nước ngoài, nếu có điều kiện về kinh tế, hãy chọn thủ đô để học. Vấn đề không phải chỉ học kiến thức, mà còn là văn hoá, lối sống, là cách suy nghĩ, là văn hoá của chốn thành thị phương Tây. Nói điều này ra, chắc các bạn của tôi cùng đi học với tôi sẽ không phản đối.
Khoa báo chí của tôi gọi là “Khoá đào tạo sau đại học về báo
chí thế giới” – MA International Journalism Course. Nó được đánh giá cao về tính thực tiễn và giảng dạy kiểu truyền đạt
kiến thức “vứt con ra đường”. Nói thế cũng chưa rõ lắm, đại khái là lý thuyết rất ít, mỗi tuần ít nhất cần phải viết được một cái tin thật, hoặc bài thật để nộp cho giảng viên.
Giảng viên – vốn là những phóng viên kỳ cựu – chỉ tư vấn chút ít, còn học viên tự xoay xở lấy, viết lấy để nộp, đừng để bị trễ hạn là được. Các kỹ năng cơ bản như research, inteview, kỹ năng viết được dạy một cách đơn giản, không kéo dài lê thê.
Các học viên của khoá học hầu hết là học viên quốc tế. Chỉ
có 3 học viên là người Anh, còn lại là học viên đến từ khoảng 25 nước khác nhau. Có một bạn người Việt cùng học lớp này với tôi. Tất cả mọi người đều nói tiếng Anh theo âm điệu của nước mình. Vì vậy, đôi khi tôi không hiểu mọi người đang nói gì
vì nghe như chim, còn tôi cũng chắc chắn rằng có nhiều lúc họ cũng chả hiểu tôi đang nói gì với cái tiếng Venglish của mình. Tuy nhiên, đây là chuyện nhỏ.
Chuyện lớn hơn là khi các học viên tạo thành từng nhóm để làm bài tập nhóm. Có rất nhiều bài tập làm theo nhóm cho hầu hết các môn. Lúc này đòi hỏi kỹ năng làm việc tập thể, kỹ năng thảo luận và đưa ra ý kiến, bảo vệ ý kiến, kỹ năng lắng nghe… Dù đã trải qua tất cả những điều này trước đây, nhưng lần nào với tôi cũng là một thử thách.
Mỗi người mỗi tính, mỗi thói quen, mỗi sở thích và quan điểm, lại xuất phát từ những môi trường hoàn toàn khác nhau. Hoà hợp được tất cả để nhóm mình làm việc thành công là rất khó. Làm thế nào để chủ động hoà nhập và học hỏi, lắng nghe bạn bè khi làm việc nhóm đòi hỏi sự tự tin và một kiến thức xã hội nhất định.
Khoá báo in học nhiều môn như tin tức quốc tế, viết, báo điện
tử, báo chí và xã hội, sản phẩm báo chí…Môn tin tức quốc tế chủ yếu là nghe các phóng viên, các biên tập viên kỳ cựu từ các toà soạn báo, hoặc các chuyên gia về các vấn đề quốc tế đến nói chuyện. Các vấn đề được thảo luận thường rất nóng, như báo Independent quyết định đăng các tin quốc tế như thế nào, làm báo ở Trung Quốc ra sao…Thích ghi gì thì ghi, thích chép gì thì chép, thích hỏi gì thì hỏi. Vừa nghe vừa ăn sáng, uống cà phê cũng được. Sau buổi học, có vấn đề thảo luận được đưa ra trên mạng nội bộ của khoa, tất cả học viên đều online để đóng góp ý kiến. Sau đó, các học viên sẽ phải viết bài thu hoạch theo yêu cầu.
Đề tài ví dụ như: “Tại sao ở thời đại tin tức 24/24 giờ hiện nay, vấn đề Dafur lại bị truyền thông lãng quên như vậy. Gợi ý những bước thay đổi thực tế này.” Bài viết đừng có dài quá, nhiều lắm là 1.000 từ. Điều này hoàn toàn khác với các bạn học các khoa khác, thường phải viết bài thu hoạch dài khoảng 5.000 từ. May mà tôi học báo.
Các yêu cầu đưa ra cho các học viên thường rất cụ thể. Kỹ năng biên tập thì “Hãy biên tập bài viết sau”; kỹ năng báo điện tử thì “Hãy làm một website, hoặc hãy viết blog theo chủ đề”; kỹ năng tìm kiếm thông tin online thì “Hãy tìm chiều dài quãng đường từ Damacus đến Jerusalem, hoặc, trong ba loài thực vật A, B, C (tên của cả ba loài này mình chưa nghe đến bao giờ), loài nào không sinh sống ở khu Islington – đây là khu trường mình ở, tìm địa chỉ liên lạc một bác sỹ chuyên gia về thần kinh ở London; lay-out một trang báo bằng Quark Express…
Nhìn bề ngoài thì có vẻ khá thảnh thơi. Dân học báo chả mấy
khi thấy có mặt trong thư viện, đi học như đi chơi, đi làm việc như đi nghỉ. Nhưng bao giờ cũng thế, muốn nâng cao kiến thức thì chịu khó…đi chơi và chịu khó đọc thêm.
Có thể đọc ở thư viện hoặc đọc báo hàng ngày. Đọc ở thư viện thì sách vở rất nhiều, cuốn nào cuốn nấy dầy cồm cộp. Tôi cần yêu quý chúng khi phải làm bài tập. Báo ra hàng ngày thì có thể đọc ở khoa, và mua một tờ để về nhà tối đọc, học cách thiên hạ viết xem sao. Tuy nhiên, chả mấy khi tôi đọc hết cả tờ, vì mỗi tờ đến cả trăm trang, ai mà đọc hết nổi. Cái này thì tôi không thể so sánh với báo chí ở nhà mình được, vì nó quá khác biệt. So sánh sẽ không công bằng.
Hôm nay viết thế đã nhé. Lúc khác tôi sẽ viết thêm.
(Bài viết 28.02.2007 04:00)

Bí quyết học ngoại ngữ

Các bạn tôi sẽ cười hí hí khi đọc những dòng này, vì một đứa như mình mà dám loằng ngoằng lên mặt nói “bí quyết” học tiếng Anh. Sorry các bạn trước nhé, mình không dám múa rìu qua mắt thợ. Entry này dành riêng tặng một em. Em ấy muốn mình nói cho em cách học để em học tốt hơn tiếng Anh.
Những ý kiến sau được chị rút ra sau hơn 10 năm học tiếng Anh (nhân tiện cũng nói luôn đây là một quãng đường quá dài và phí phạm). Những điều này chị không áp dụng hết cho bản thân chị, vì ngày đó chị không biết là phải làm vậy ngay lập tức. Dần dần, thời gian trôi qua thì chị tìm ra cách học tốt hơn.
Trước hết, em hãy nghĩ rằng dù em có cố gắng đến đâu thì em cũng không thể giỏi tiếng Anh như người Anh được, nhẩy? Nghĩ thế cho nó đỡ nặng đầu, cho tinh thần thoải mái. Chị cũng không bao giờ mơ rằng mình giỏi tiếng Anh như người Anh. Hé hé. Ta cùng thực tế một chút. Ngôn ngữ là phương tiện để người khác hiểu mình. Chỉ cần họ hiểu mình là ok, nhỉ?
Vậy, làm thế nào để giỏi tiếng Anh gần bằng người Anh? (Ặc ặc)
Muốn giỏi tiếng Anh em hãy giỏi tiếng Việt. (Nhưng không có nghĩa là ai giỏi tiếng Việt cũng giỏi tiếng Anh nhá) Em suy nghĩ và tư duy bằng tiếng Việt thật nhuần nhuyễn thì khi em diễn đạt và hiểu vấn đề qua ngôn ngữ khác sẽ dễ hơn. Chị chả khoái lắm việc cho trẻ em học ngoại ngữ sớm quá. Tiếng Việt chưa hiểu thì diễn đạt tiếng Anh thế nào?
Ngôn ngữ là văn hoá và lịch sử. Em cần tìm hiểu về nền văn hoá và lịch sử Anh và những quốc gia nói tiếng Anh. Tất cả những điều này rất thú vị, nó sẽ khiến em cảm thấy gần gũi hơn với ngôn ngữ em đang theo học. Người ta thường chỉ yêu cái gì họ hiểu, mà phải hiểu thì mới giỏi, nhỉ?
Xem phim có 2 phụ đề. Một phụ đề bằng tiếng Anh ở dưới và phụ đề bằng tiếng Việt ở trên. Stop phim lại khi có cấu trúc hay mà em muốn học. Nói lại câu đó theo âm điệu giống vậy, từ nào không phát âm được thì tra từ điển. Phim sẽ cho em bối cảnh sử dụng từ ngữ, cấu trúc câu. Nhiều thứ em học trong sách, ngoài đời họ lại chẳng nói như vậy. Một người bạn của chị, thi IELTS 8 điểm nói rằng bí quyết học tiếng Anh của bạn ấy là xem phim nhiều. Chuyện thật như đùa phải không?
Về cách học từ ngữ và ngữ pháp, bí quyết là chịu khó, chăm chỉ. Cái này chả yêu cầu em thông minh. Em hãy để ý đến các loại hình từ, và đặt từ đó trong bối cảnh để đặt câu. Khi nào em dùng danh từ, khi nào dùng động từ, khi nào dùng tính từ…Cái này sách vở đầy ra đấy, em chịu khó mua về, làm bài tập. Chỗ nào không hiểu thì hỏi chị.
Chị nghĩ rằng ngoại ngữ không khó, vấn đề là em dành bao nhiêu thời gian cho nó trong một ngày. Mỗi ngày em hãy dành cho nó 1 tiếng đồng hồ, học hành thật nghiêm túc.
Ngoại ngữ vô cùng quan trọng (nhưng không phải quá quan trọng để lơ là những kỹ năng khác). Vì vậy, em hãy dành cho nó thời gian và công sức xứng đáng, nó sẽ không phụ em. Nó đem lại cho em rất nhiều thứ mà khi chưa có ngoại ngữ, em không thể hình dung được. Ngoại ngữ sẽ đem lại cho sự chủ động khi em tìm hiểu về thế giới bên ngoài. Còn gì sung sướng hơn việc em tự tìm hiểu thông tin, tự tiêu hoá nó mà không cần phải nhờ người nào đó dịch cho mình? (Trong khi em thậm chí còn nghi ngờ trình độ của họ. Hí hí).
Chị mong em kiên trì. Ít ra, em có thuận lợi hơn chị ngày xưa là em có người để hỏi. Cách đây 10 năm, chị không có ai để hỏi cả. Không có Internet, không có phim phụ đề, không có Tây nhiều. Vì vậy, bây giờ, không có lý do gì mà em không sử dụng tốt tiếng Anh cả, phải không?
Trang hay:
http://www.pdictionary.com/
http://wikipedia.org/
http://encarta.msn.com/
(Bài viết 04.03.2007 07:27)

Những ngày sung sướng đã qua

Bốn ngày qua là những ngày sung sướng. Nhưng hôm nay đã chấm dứt. Ôi thật là buồn. (Híc, cải lương quá!)
Mình đón hai chị ở Tèo phọt lên chơi. Các chị cứ bảo là các chị từ middle of no where lên London chơi nên lạ nước lạ cái. Vậy mà các chị đi chơi vèo vèo, một chị trong một ngày chạy sô 3 cái bảo tàng, một cái Kew Garden (là di sản thế giới, là cái vườn to dã man ở London). Thế đấy, em bái phục các chị.
Bốn ngày vừa qua là những ngày sung sướng trong cuộc đời sinh viên của em ở cái xứ sương mù mà chả có sương mù này. Em được ăn những món ăn ngon lành như gà rán (ngon gấp đôi Kentucky he he), trứng rán, cá nấu, thịt kho tàu, rau cải xào. Ôi, giá mà các chị biết em sung sướng thế nào. He he.
Đại khái là em cũng chịu khó nấu nướng vì buộc phải ăn để sống, mà lại thích ăn ngon thì phải lăn vào bếp thôi. Nhưng không chỉ có kinh tế thế giới đi theo kiểu lên rồi xuống rồi lên, cái sự yêu quý nấu nướng của em nó cũng thế. Nó trồi sụt một cách bất thường. Bây giờ nó đang sụt một cách thảm hại. Tự nhiên Trời thương người tốt, gửi hai nàng tiên từ tàu điện ngầm (chứ không phải từ quả thị bước ra), đến nấu cho em ăn. Mô Phật. Em hứa sẽ là người tốt. Hè hè.
Không những thế, các chị còn mua đủ mọi thứ mang về chất đống trong tủ lạnh cho em ăn. Khổ thân em, bao giờ mới ăn hết nhỉ? Rồi một chị lại còn kho cả một nồi thịt kho tàu để cho em ăn dần. Thế này thì cả tuần tiếp theo em sẽ ăn cơm và thịt kho tàu rồi.

(Bài viết 07.03.2007 06:53)