Học thế nào

Nhiều bạn bè hỏi tôi học báo chí ở trường City ở London thế nào. Tôi cứ lần lữa không trả lời cụ thể vì ngại dài dòng. Entry này dành riêng cho việc giải thích một phần rất nhỏ việc học hành của tôi ở trường City.
Thực ra, hồi ở VN, trước khi đăng ký học tại trường này, tôi chả biết City là trường nào. Thậm chí, đi học rồi, thấy nhiều người trầm trồ bảo rằng khoa báo chí trường đấy xịn lắm, tôi cũng mới ớ người ra “thế à?”. Lý do tôi đăng ký nhập học trường này rất đơn giản: tôi tìm thấy nó trên mạng đầu tiên, nó ở ngay trung tâm London và nó nhận tôi làm sinh viên, với mức học phí 11 ngàn bảng/năm.
Mức học phí này so với trường Cardiff ở xứ Wales của công nương Diana xinh đẹp thì ở mức “đắt đắng”. Mà trường Cardiff cũng rất xịn, là sự gợi ý của nhiều thầy giáo người nước ngoài của tôi. Nhưng tôi làm các thầy thất vọng vì tôi vẫn chọn City.
Lý do vì tôi không phải lo tiền học phí và tôi thích sống ở London. Khi chưa sống ở London thì tôi chưa giải thích được vì sao lại thích, tôi thích vì nó là thủ đô.
Bây giờ, và tôi cho rằng sau này cũng vậy, tôi sẽ nói với những người đi học ở nước ngoài, nếu có điều kiện về kinh tế, hãy chọn thủ đô để học. Vấn đề không phải chỉ học kiến thức, mà còn là văn hoá, lối sống, là cách suy nghĩ, là văn hoá của chốn thành thị phương Tây. Nói điều này ra, chắc các bạn của tôi cùng đi học với tôi sẽ không phản đối.
Khoa báo chí của tôi gọi là “Khoá đào tạo sau đại học về báo
chí thế giới” – MA International Journalism Course. Nó được đánh giá cao về tính thực tiễn và giảng dạy kiểu truyền đạt
kiến thức “vứt con ra đường”. Nói thế cũng chưa rõ lắm, đại khái là lý thuyết rất ít, mỗi tuần ít nhất cần phải viết được một cái tin thật, hoặc bài thật để nộp cho giảng viên.
Giảng viên – vốn là những phóng viên kỳ cựu – chỉ tư vấn chút ít, còn học viên tự xoay xở lấy, viết lấy để nộp, đừng để bị trễ hạn là được. Các kỹ năng cơ bản như research, inteview, kỹ năng viết được dạy một cách đơn giản, không kéo dài lê thê.
Các học viên của khoá học hầu hết là học viên quốc tế. Chỉ
có 3 học viên là người Anh, còn lại là học viên đến từ khoảng 25 nước khác nhau. Có một bạn người Việt cùng học lớp này với tôi. Tất cả mọi người đều nói tiếng Anh theo âm điệu của nước mình. Vì vậy, đôi khi tôi không hiểu mọi người đang nói gì
vì nghe như chim, còn tôi cũng chắc chắn rằng có nhiều lúc họ cũng chả hiểu tôi đang nói gì với cái tiếng Venglish của mình. Tuy nhiên, đây là chuyện nhỏ.
Chuyện lớn hơn là khi các học viên tạo thành từng nhóm để làm bài tập nhóm. Có rất nhiều bài tập làm theo nhóm cho hầu hết các môn. Lúc này đòi hỏi kỹ năng làm việc tập thể, kỹ năng thảo luận và đưa ra ý kiến, bảo vệ ý kiến, kỹ năng lắng nghe… Dù đã trải qua tất cả những điều này trước đây, nhưng lần nào với tôi cũng là một thử thách.
Mỗi người mỗi tính, mỗi thói quen, mỗi sở thích và quan điểm, lại xuất phát từ những môi trường hoàn toàn khác nhau. Hoà hợp được tất cả để nhóm mình làm việc thành công là rất khó. Làm thế nào để chủ động hoà nhập và học hỏi, lắng nghe bạn bè khi làm việc nhóm đòi hỏi sự tự tin và một kiến thức xã hội nhất định.
Khoá báo in học nhiều môn như tin tức quốc tế, viết, báo điện
tử, báo chí và xã hội, sản phẩm báo chí…Môn tin tức quốc tế chủ yếu là nghe các phóng viên, các biên tập viên kỳ cựu từ các toà soạn báo, hoặc các chuyên gia về các vấn đề quốc tế đến nói chuyện. Các vấn đề được thảo luận thường rất nóng, như báo Independent quyết định đăng các tin quốc tế như thế nào, làm báo ở Trung Quốc ra sao…Thích ghi gì thì ghi, thích chép gì thì chép, thích hỏi gì thì hỏi. Vừa nghe vừa ăn sáng, uống cà phê cũng được. Sau buổi học, có vấn đề thảo luận được đưa ra trên mạng nội bộ của khoa, tất cả học viên đều online để đóng góp ý kiến. Sau đó, các học viên sẽ phải viết bài thu hoạch theo yêu cầu.
Đề tài ví dụ như: “Tại sao ở thời đại tin tức 24/24 giờ hiện nay, vấn đề Dafur lại bị truyền thông lãng quên như vậy. Gợi ý những bước thay đổi thực tế này.” Bài viết đừng có dài quá, nhiều lắm là 1.000 từ. Điều này hoàn toàn khác với các bạn học các khoa khác, thường phải viết bài thu hoạch dài khoảng 5.000 từ. May mà tôi học báo.
Các yêu cầu đưa ra cho các học viên thường rất cụ thể. Kỹ năng biên tập thì “Hãy biên tập bài viết sau”; kỹ năng báo điện tử thì “Hãy làm một website, hoặc hãy viết blog theo chủ đề”; kỹ năng tìm kiếm thông tin online thì “Hãy tìm chiều dài quãng đường từ Damacus đến Jerusalem, hoặc, trong ba loài thực vật A, B, C (tên của cả ba loài này mình chưa nghe đến bao giờ), loài nào không sinh sống ở khu Islington – đây là khu trường mình ở, tìm địa chỉ liên lạc một bác sỹ chuyên gia về thần kinh ở London; lay-out một trang báo bằng Quark Express…
Nhìn bề ngoài thì có vẻ khá thảnh thơi. Dân học báo chả mấy
khi thấy có mặt trong thư viện, đi học như đi chơi, đi làm việc như đi nghỉ. Nhưng bao giờ cũng thế, muốn nâng cao kiến thức thì chịu khó…đi chơi và chịu khó đọc thêm.
Có thể đọc ở thư viện hoặc đọc báo hàng ngày. Đọc ở thư viện thì sách vở rất nhiều, cuốn nào cuốn nấy dầy cồm cộp. Tôi cần yêu quý chúng khi phải làm bài tập. Báo ra hàng ngày thì có thể đọc ở khoa, và mua một tờ để về nhà tối đọc, học cách thiên hạ viết xem sao. Tuy nhiên, chả mấy khi tôi đọc hết cả tờ, vì mỗi tờ đến cả trăm trang, ai mà đọc hết nổi. Cái này thì tôi không thể so sánh với báo chí ở nhà mình được, vì nó quá khác biệt. So sánh sẽ không công bằng.
Hôm nay viết thế đã nhé. Lúc khác tôi sẽ viết thêm.
(Bài viết 28.02.2007 04:00)

Comments