À Paris (part 2): Nghĩa trang Père Lachaise (part 3)

Sáng hôm sau. 9h30 rời khách sạn, tôi đến nghĩa trang lúc 10h15. Chỉ có rất ít người ở đấy vì buổi sáng, trời mưa và Paris vẫn chưa có nắng.

Nhìn bản đồ tôi đi đến khu 97, nơi có mộ Oscar Wilde và người VN nào đó (người giới thiệu tôi bảo là ngôi mộ đấy to lắm, đẹp lắm.

Vì vậy, tôi càng tò mò hơn. Ai vậy nhỉ?.

Cái đoạn đường đến đấy nó mới xa làm sao. Không một ai xung quanh, gió lạnh và xung quanh toàn là mộ, toàn là những chiếc nhà con xây trên mộ.

Tự nhiên, tôi nghĩ bụng, nếu có đứa xấu bụng nào xồ ra thì biết đâu đấy. Hoặc một con ma nào đó ra chỉ đường cho tôi?

Lại tưởng tượng. Rồi tôi nhìn lên trên, bắt đầu có những tia nắng. Tôi biết là ma sẽ không xuất hiện lúc trời sáng. Chúng sẽ tan ra khi mặt trời lên.

Ấy là phim Liêu trai chí dị nói thế. Nhưng ma cà rồng thì vẫn xuất hiện bình thường, nhỉ? Biết đâu đấy.

Đoạn đường dài lê thê, tôi thấy sợ hơn nữa và bắt đầu chán chụp ảnh linh tinh. Đầu chỉ nghĩ đến làm thế nào để ra được cái nghĩa trang này.

Lác đác gặp vài người. Nhìn thấy đàn ông là sợ. Sao mặt ai trông cũng gian thế nhỉ? Cố lên nữa đi. Tôi nhìn bản đồ liên tục để biết rằng mình đang đi đúng đường.

Tôi không dám nghĩ đến viễn cảnh mình bị lạc trong nghĩa trang. Nếu thế thì chết mất. Gió vẫn lạnh, nhưng trời sáng hơn một chút.

Các ngôi mộ thì vẫn im lặng, không có người nào trong mộ ngồi dậy hỏi thăm tôi có mệt không. (He he).

Cuối cùng, tôi cũng đến được khu 97. Nó vẫn rộng.

Khu này có nhiều tượng đài tưởng niệm các kiểu chiến tranh, những nạn nhân của xung đột hay thảm kịch. Tôi đi dọc bên ngoài tìm ngôi mộ VN.

Đúng lúc cảm thấy tuyệt vọng nhất thì thấy hàng chữ VN. Đó là ngôi mộ của ông bà Nguyễn Văn Long. Ông mất năm 75, bà thì mới mất năm 90 gì đấy.

Ngôi mộ xây bằng đá hoa cương màu đen, bề thế, sạch sẽ. Trên mộ có nhiều hoa lắm, còn tươi, chứng tỏ ngôi mộ được chăm sóc tốt, khác hẳn đa phần những ngôi mộ khác trong nghĩa trang.

Trên một trong những lọ hoa có một tấm thiệp viết bằng bằng, tiếng Pháp, tôi đọc mà chả hiểu gì. Xin lỗi các cụ, con cũng chưa biết các cụ là ai.

Vậy là một trong những mục đích (bất ngờ) khi đến nghĩa trang đã hoàn thành. Tôi quay ra tìm mộ Oscar Wilde.

Đi một đoạn dài vào bên trong khu mộ, tôi vẫn chưa tìm thấy, nhưng gặp 3 người khác. Họ cũng đang đi tìm mộ của ông.

Nhìn bản đồ, nhìn bia mộ vẫn không thấy. Lòng nhủ thầm ông Oscar Wilde ơi, ở đâu thì ra đi, để cháu tìm mệt lắm. Cháu phải về sớm vì có hẹn rồi.

Cuối cùng cũng tìm được. Mộ Oscar Wilde to lắm. Thực ra nó là một tác phẩm kiến trúc kiểu Ai Cập.

Một người nằm úp, chẳng mặc cái gì, lưng bị đè cái gì đấy. Cái chỗ quý quý ấy bị cắt.

Hình như tôi đọc ở đâu đó, cái chỗ bị cắt đấy đang được dùng để làm cái chặn giấy trên bàn làm việc của giám đốc nghĩa trang.

Không biết điều này có liên quan gì đến giới tính của ông hay không. Theo nhiều tài liệu, Oscar Wilde là người như vậy, dù ông có vợ.

Ông không che giấu điều đó. Cuối đời, ông sống cuộc đời không dư dả tiền bạc. Trên tổng thế tác phẩm kiến trúc đó là những nụ hôn.

Đây là một tác phẩm của nhà điêu khắc Jacob Eipstein. (Đọc thêm ở đây)

Dù rất tiếc và còn nhiều nơi ở nghĩa trang tôi chưa đến, tôi cũng đành phải tạm
biệt nó để ra về vì đã đến giờ hẹn.

Không biết có dịp đến cái nghĩa trang đấy nữa không, nhưng nó thực sự gây ấn tượng mạnh với tôi.

Một mình lang thang nơi nghĩa trang mà. Bảo tàng Louvre hay Tháp Eiffel hay nhiều địa điểm khác của Pháp không khiến tôi dựng tóc gáy như cái nghĩa trang này. Hè hè.

Cái xứ đó

Chuyến đi Hy Lạp vừa rồi, có duy nhất một chuyện đáng nhớ. Đó không phải:

– Athens là thành phố xấu nhất châu Âu; Đảng Cộng sản chiếm 8% trong quốc hội, người ta bảo không đáng để ý. Tiếc là không có thời gian vào gặp các đồng chí. :p

Cái nôi bắt nguồn của văn minh châu Âu có những di tích lịch sử thật đáng phải ngả mũ kính chào.


– Các đảo của Hy Lạp thì đúng là thiên đường nơi hạ giới. Ước sẽ được trở lại tắm biển và tắm nắng ở đây. Ước lần vừa rồi có một anh yêu của mình đi cùng.

– Giai Hy Lạp thì đẹp giai như thần, nhưng lỗ mãng, kém lịch sự. không cảm tình. chỉ để ngắm chứ không ăn.


– Gái Hy Lạp đẹp khủng khiếp. Cô nào cũng như thiên thần.


– Dân Hy Lạp mà đeo kính mát thì đảm bảo, gái VN chết hết (trừ mình!)

– Dân Hy Lạp rất thích dùng hàng hiệu, dù thu nhập của họ chỉ bằng 1/2 thu nhập của dân châu Âu và bọn châu Âu coi họ là công dân hạng hai.

Không hiểu bọn này đã thế mà còn bị coi là thế thì chúng ta bị bọn châu Âu coi là công dân hạng gì?


– Đồ ăn ở Hy Lạp dù là xứ Địa Trung Hải vẫn được xem là tuyệt vời và rất tốt cho sức khỏe, nhưng ăn riết rồi phát khùng luôn.

Được cái món salad của nó rất ngon, nhưng tìm ra cá to để ăn thì khó quá.
– Dầu olive rất tốt cho sức khỏe – thông tin được kiểm định sau khi đi Hy Lạp.

Ở đây, người ta ăn bánh mỳ chấm dầu olive vào đầu bữa ăn, như dân Pháp ăn bánh mỳ với bơ vậy.

Nhưng bà con nếu mua ở nhà thì nhớ mua loại extra virgin olive ở siêu thị, đừng ăn dầu thường nữa.


– Nhìn cái hệ thống giao thông công cộng của nó, hiểu là VN không bao giờ có cái hệ thống đó. Hết mơ mộng rồi!

(Bài viết ngày 17.11.2008 12:44)

Tương lai của báo chí: Á, sẽ chết?

Không ai đoán trước được tương lai một cách chính xác. Mỗi một sự kiện, sự việc xảy ra đều vì mối quan hệ tương tác khách quan và chủ quan. Giống cụ rùa đại sư trong Kungfu Panda: Không có gì là bỗng dưng cả.


Huyên thuyên một hồi tới mục đích chính hôm nay: Viết về các converged newsroom – phòng tin tức kết hợp giữa báo in và báo mạng.

Thực tế là gì: đó là xu hướng tất yếu và là tương lai gần, tương lai của những tòa soạn báo muốn giành giật – tôi dùng từ nghiêm túc đấy – giành giật độc giả. Giành giật, hay là chết?


Ở VN, chưa có tòa soạn nào thực hiện mô hình này, dù điều này không còn mới mẻ nữa.

Tháng 6- 2006, tờ The Guardian của Anh bắt đầu thực hiện mô hình xuất bản tin tức lên mạng trước, rồi mới in ra giấy (máu chưa!?), tháng 10-2006, tờ The Financial Times hoàn thiện quy trình thống nhất giữa báo in và báo online.

Tháng 4-2006, tờ The New York Times bắt đầu tiến trình thiết kế lại hoàn toàn trang web (mà chủ trò là một người Mỹ gốc Việt, nhưng bận wa’ hổng có thời gian ngó gì tới dự án của báo mình hết trơn!).

Tháng 9-2006, tờ The Telegraph tuyên bố bắt đầu cải cách sâu rộng mô hình phối hợp giữa hai loại hình báo mạng và báo in.


Báo mạng có phải là đe dọa của báo in không? Cho đến nay, sau khi dự nhiều cuộc hội thảo, lắng nghe nhiều chuyên gia, quan sát nhiều tờ báo, mình nói rằng: không.

Ngược lại, báo mạng giúp cho thông tin của bạn đến được với lượng độc giả khổng lồ hơn, và nếu bạn làm khéo, người ta vẫn thích báo in của bạn, vẫn bỏ tiền mua tờ đó.


Cái này giống như “gỗ” và “sơn”. Tại sao tôi lại phải chọn gỗ, khi tôi thích cả gỗ và sơn, khi cả gỗ và sơn mới là hoàn hảo?


Ở các nước phát triển, thông tin trở nên bão hòa, đến được với nhiều đối tượng bằng nhiều con đường khác nhau. So với VN, quả là thị trường thèm khát thông tin ở VN rất lớn, hơn 80 triệu dân vẫn thèm THÔNG TIN.


Nhiều tờ báo trên thế giới đã bắt đầu kết hợp báo online và print làm một. Online phụ trách TIN. Cái gì là tin, đưa lên.

Có sợ trễ, có sợ ngày mai mình không có gì đăng không? Không. Báo in không nên mơ mộng về tốc độ thông tin, cạnh tranh thông tin với truyền hình, website, radio…Thua là chắc. Vậy, tốt nhất là kiếm đường khác để đi.


Đường khác, có thể là cách tiếp cận thông tin khác, cách trình bày thông tin khác, bài viết chuyên sâu hơn.

Hình ảnh trên online nhiều hơn, đa phương tiện được sử dụng triệt để. Graphic trên print và hình ảnh trên print được chú trọng tối đa. Để làm gì? Để người đọc mở báo ra, xem, thấy mình như đang xem TV và lượt web. Ăn điểm.


Print mời độc giả mở trang web, nơi chúng tôi đem đến cho bạn nhiều hình ảnh tuyệt vời hơn, tin tức video cụ thể hơn, podcast để bạn có feeling hơn.

Trang web mời độc giả nhớ ngày mai mua báo, trên đó, chúng tôi có những bài phân tích chuyên sâu hơn, có ý kiến các nhà chuyên môn cụ thể hơn. Vì chúng tôi đã có cả một buổi chiểu để hỏi để tìm hình ảnh thật đẹp, để trang trí trang báo thật hay…Hấp dẫn quá.


Nhưng nói đi thì nói lại, thành Rome không xây xong trong một ngày. Có quá nhiều việc phải làm, mà quan trọng nhất là nhân sự.

Nhân lực, trong bất kỳ cơ quan, tổ chức…nào cũng cần được xem là cốt lõi của việc thành hay bại.

Nếu không đào tạo nhân sự, để họ làm quen với yêu cầu mới trong công việc thì coi như thất bại rồi.

Một phóng viên vốn chỉ quen với việc viết, ghi âm chỉ để cho mình nghe, chụp ảnh xấu đẹp không mấy ai để ý, lại chẳng bao giờ dùng máy quay phim, bỗng nhiên, được cử đi tác nghiệp với các yêu cầu: Chụp ảnh đẹp, quay phim, ghi âm, viết bài…để có thể dùng tất cả trên website được.


Họ cần được bồi thường lắm chứ, nhỉ? Vất vả hơn quá mà.


Một điều nữa, quan trọng không kém, là duy trì tiêu chuẩn của báo chí. Tin tức 24 giờ, không có nghĩa là bạn được phép làm ẩu.


Và điều quan trọng, hãy thử nghiệm. Đừng sợ thất bại. Không có gì đúng ngay lập tức. Một sản phẩm hoàn hảo cho độc giả của bạn, và nhân viên của bạn, chỉ có thể được tìm thấy qua những lần thử nghiệm và đúc kết từ những sai lầm.


Và đừng tiếc tiền thuê chuyên gia. Chất xám thật, bao giờ cũng không rẻ.


(Bài viết ngày 18.07.2008 15:42)

Khi nguồn tin đòi duyệt bài

Một ngày đẹp trời, phóng viên phỏng vấn một người nổi tiếng. Mọi việc rất suôn sẻ, email nhanh, trả lời nhanh. Rồi nguồn tin nổi tiếng đó đòi…xem bài của phóng viên trước khi đăng báo. Đẹp trời thành xấu trời.


Chuyện này thường xuyên xảy ra, vì …theo quy định về phỏng vấn của VN (không phải thế giới). Lỗi này, nhìn xâu xa ra, là lỗi của mọi bên.


Người đồng ý trả lời phỏng vấn sợ mình lỡ lời, lên báo thì…tội nợ đủ đường. Mà họ lại có quyền, nên họ đòi..duyệt bài trước.


Người phỏng vấn đôi khi …bịa đặt, không nói thành có, cắt dán loạn xì ngầu nên riết rồi người được phỏng vấn …hãi.


Đôi khi, người phỏng vấn chiều chuộng người được phỏng vấn, để giữ quan hệ bang giao nên email cho người phỏng vấn…xem trước.


Trên thế giới, chuyện này hiếm xảy ra.


Có hai người có quyền duyệt bài của phóng viên. Một là sếp trực tiếp của phóng viên đó, hai là người trên sếp đó.

Ngoài ra, không còn ai khác. Dù là ông to đến mức nào.

Vì vậy, mới có email của mình rằng:


Cám ơn em đã nhanh chóng trả lời câu hỏi của chị. Về chuyện gửi em đọc trước, chị rất tiếc là không thể đáp ứng yêu cầu này. Về nguyên tắc làm việc, chị tuyệt đối trung thành với những thông tin mà em đã suy nghĩ ký trước khi trả lời, và em cũng đã được thông báo là chị email để phỏng vấn em và đăng báo.


Chắc em cũng hiểu rằng không có nguyên tắc nào buộc phóng viên phải đưa bài cho nguồn tin của mình đọc trước khi đăng bài, vì chúng ta được dạy rằng đây không nên là cách làm việc của báo chí. Nếu em đồng ý trả lời phỏng vấn, tức là chị chịu trách nhiệm đưa tin tức đến độc giả một cách trung thực, không
bóp méo, sai lệch. Còn em chịu trách nhiệm về các phát ngôn của mình.


Chị viết hơi dài để em hiểu rằng, chị có những nguyên tắc làm việc và những quy chuẩn đạo đức của mình, cũng như em đã rất nghiêm túc và chuyên nghiệp trong công việc người mẫu của mình.

Niềm tin là nền tảng của mọi quan hệ. Chị hy vọng em hiểu và ok với
chuyện này, và chúng ta sẽ tiếp tục hợp tác trong tương lai. Chúc em luôn vui và hạnh phúc. Ký tên ABCD.


Và nguồn tin trả lời:

Ý của em là, nếu như chị giữ đúng câu chữ và nội dung của trả lời của em thì hoàn toàn OK.

Nếu chị có những thay đổi mà không nằm trong chủ ý của em thì chị thông báo để em biết và có thỏa thuận của em trước khi đăng.

Em cẩn thận vậy vì phóng viên báo VN nhiều người tự ý sửa đổi văn phong và câu chữ của người phát ngôn trước khi đăng.

Nhưng nếu chị nói vậy thì em yên tâm về sự chuyên nghiệp và nghiêm túc trong công việc của chị rồi. Cám ơn chị nhiều. Ký tên YXZ.


(Bài viết ngày 09.07.2008 17:25)

Tiền!

Hãy luôn nhớ “trả thứ gì, nhận thứ ấy”. Đó là một trích dẫn trong một cuốn sách mình đang đọc.

Điều này chẳng có gì mới, ai làm lãnh đạo hay quản lý cũng có thể đã hiểu. Đã qua cái thời người ta sống bằng lý tưởng, hoài bão và uống nước thiên nhiên rồi.


Ai cũng có quyền khát khao mình một cuộc sống đủ đầy, và đòihỏi chất lượng cuộc sống xứng đáng với khả năng của họ.


Tác giả cuốn sách kể chuyện gặp một nhà lãnh đạo trẻ. “Người này sau khi thảo luận với các nhà lãnh đạo khác, chợt nhận ra rằng mình đang trả cho nhân viên của mình quá thấp.


Anh liên họp với hội đồng quản trị và thay đổi khung lương.

Anh nói rằng công ty của anh giờ có một đội ngũ nhân viên tốt nhất từ trước tới nay, và họ thật sự “đáng đồng tiền bát gạo”.


Anh không muốn mất một thành viên quý giá nào chỉ vì vấn đề tiền lương.

Một lãnh đạo có thể thuê nhân viên với giá rẻ. Và đôi khi, vẫn có thể giữ chân vài người giỏi dù trả lương không cao.



Nhưng về lâu dài, bạn cần trả mức mà họ xứng đáng được nhận. Nếu không, rốt cục, bạn sẽ ở lại với những người xứng đáng với mức lương bạn trả,” tác giả viết.


Chuyện này, nhắc lại, là không mới.


(Ngày viết 24.09.2008 07:42)