Phụ nữ có thể làm gì để tiếp tục phát triển sự nghiệp?

Chúng ta sẽ phải sống lâu dài trong dịch bệnh. Đó là tin xấu. Thế giới sẽ còn cần nhiều tháng nữa để có thể kiểm soát được đại dịch, và chúng ta có thể đến công ty, gặp gỡ mọi người, sống an toàn với virus corona chủng mới, trở lại cuộc sống bình thường.

Chúng ta sẽ còn làm việc từ xa còn lâu dài, tính bằng nhiều tuần. Làm việc ở nhà kéo dài vì COVID đã gây ra hơn 200 triệu chứng bất thường trong người lao động, và cứ 5 người thì có 1 người không thể làm việc. Các triệu chứng có  thể kể đến liên quan tới 10 cơ quan nội tạng của chúng ta, gồm mất trí nhớ, ảo giác, run rẩy, mệt mỏi…,theo như khảo sát mới vừa được công bố hôm 22.7 cung cấp cái nhìn chi tiết về tác động của việc phải làm việc ở nhà với người lao động việc ở nhà với người lao động.

Còn nhớ, năm ngoái, chúng ta khá hí hửng được làm việc ở nhà. Giờ chán tới tận cổ rồi. Vì làm việc ở nhà có nghĩa là làm việc nhiều hơn, thời gian dài hơn, và ít hiệu quả hơn. Quá nhiều thứ khiến ta phân tâm.

Công việc nhà, con cái, dễ biến ta trở thành một bà nội trợ trong khi vẫn phải lo cho công việc. Việc ngồi thu lu một góc nhìn vào cái màn hình máy tính dễ khiến ta bị stress, cáu kỉnh. Có bao nhiêu người trong chúng ta đã thành công trong việc kiểm soát cơn cáu giận, kiềm chế tiếng rú của mình với con cái, không tét vào mông chúng nó mỗi ngày vài bận? Rồi đi ra vào thở dài thườn thượt không biết bao giờ nhìn được mặt người?

Đó là chưa kể phải lo cho sự an toàn của người thân, lo ăn uống đầy đủ, trong khi thu nhập  sụt giảm (chỉ một số ít những người trong xã hội, trong một số lĩnh vực có thể hưởng lợi từ dịch bệnh như sản xuất ngành hàng thiết yếu, công nghệ thông tin, trading, chứng khoán…là có thể có thu nhập thậm chí tăng hơn trong dịch. Cái này khá hên xui. Chúc mừng những người win thị trường).

Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ cách tôi làm nhằm tiếp tục công việc, giữ cho mình bình tĩnh, làm việc hiệu quả. Nếu bạn muốn take a break sau dịch bệnh thì không cần đọc tiếp. Nếu bạn muốn phát triển, tiến về phía trước, thì có thể những chia sẻ của tôi sẽ hữu ích với bạn. Continue reading

Rượt bám tốc độ

Công ty chuyển phát nhanh quốc tế DHL Express VIETNAM tiếp tục mở rộng hoạt động tại Việt Nam, lạc quan trong bối cảnh nền kinh tế trong nước
kết nối sâu với thế giới thông qua các hiệp định
thương mại song phương thế hệ mới.

Điểm giao nhận hàng hóa của DHL Express Vietnam ở quận 2 (TP.HCM) nổi bật với logo màu đỏ trên nền vàng, rộng tầm 15m2, đủ để đặt quầy lễ tân và hàng ghế cho khách. Nhân viên dịch vụ bận rộn trả lời thắc mắc của khách hàng muốn chuyển thùng quần áo đi Mỹ. Một khách hàng khác đang gửi giấy tờ tài liệu. Khách hàng đến đây có chung đặc điểm: cần gửi hàng đi quốc tế với tốc độ nhanh và đảm bảo an toàn, dù chi phí cao hơn so với thị trường. 24 chuyến bay riêng của DHL mỗi tuần xuất phát từ sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đi nước ngoài sẽ đáp ứng nhu cầu đó. DHL Express làm các thủ tục hải quan hằng ngày để vận chuyển hàng hóa nhanh nhất. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thời gian vận chuyển sẽ lâu hơn so với bình thường, thay vì 3-4 ngày hàng sẽ đến Mỹ như trước, giờ đây có thể mất tới một tuần.

Continue reading

Vị chủ nhà chuyên nghiệp

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 66, tháng 11.2018, chuyên đề Bất động sản.

Bất kỳ một người khách nào lần đầu tiên mở cánh cửa vào một căn nhà – khách sạn – không gian sống chung (co-living, social accomodation) do công ty Christina’s phát triển có thể sẽ ngạc nhiên và thích thú, khi thấy tên mình trên tấm bảng nhỏ màu đen kèm dòng chữ “Welcome”. Với khách đang ở tại đây, tên họ sẽ đi kèm với dòng chữ “Hearts in House” – Những trái tim ở trong nhà. Từ lúc đặt phòng tới lúc đặt chân tới Việt Nam, làm thủ tục nhận phòng và lưu trú, họ được chủ nhà – vốn là các nhân viên của Christina’s được gọi là host entrepreuner (chủ nhà có tinh thần kinh doanh) theo dõi và hỗ trợ mọi nhu cầu. Các câu hỏi của khách được trả lời trong vòng ba phút trên một ứng dụng kết nối với khách hàng. So với mô hình khách sạn truyền thống mang màu sắc công nghiệp hay nền tảng cho thuê nhà còn trống của các cá nhân, dịch vụ Christina’s cung cấp được cá nhân hóa hơn. Không có biển hiệu cơ sở, nhân viên không đeo bảng tên, không có người bảo vệ, không có bàn check-in mà chỉ là bộ bàn ghế sofa, Christina’s tạo ra một không gian ấm cúng khéo léo. Continue reading

Trồng kế sinh nhai lâu dài

Sản xuất sản phẩm gỗ tại nhà máy AA, Long An. Ảnh: Danny Bách

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 62, tháng 7.2018

Nhà máy AA Corporation, công ty hàng đầu về thiết kế và sản xuất đồ nội thất cho thị trường tầm trung và cao cấp tại Việt Nam, có diện tích 14 héc ta ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tại đây, với 1.800 công nhân, AA sản xuất phục vụ các hợp đồng cho khách hàng tại Việt Nam và hơn 20 quốc gia khác. Họ thực hiện tất cả các công đoạn và sản phẩm tại nhà máy, rồi đưa đến lắp ráp tại hiện trường với 800 người phụ trách ở công trường. Trên phần đất trước đây là văn phòng, một khu nhà xưởng mới đang được xây dựng nhằm mở rộng khả năng sản xuất, và công nhân phải tăng ca thường xuyên từ 17h đến 21h để đáp ứng đơn hàng. Mỗi tháng, nhà máy AA có  khả năng thực hiện hoàn chỉnh nội ngoại thất một công trình khách sạn 5 sao 200 phòng theo dạng “chìa khóa trao tay.”

Gần 20 năm trước, ông Nguyễn Quốc Khanh, sáng lập và chủ tịch của AA, đã mua mảnh đất bị bỏ hoang do nhiễm phèn để xây dựng nhà máy. Giờ đây, ngoài nhà máy đặt ở Long An, công ty còn có các nhà máy quy mô nhỏ hơn ở Hà Nội, Bhutan và Myanmar.

Sự phát triển của AA là một điển hình cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất tại Việt Nam lớn mạnh không ngừng trong 20 năm qua.

Năm 2017, xuất khẩu gỗ của Việt Nam trị giá 8 tỉ đô la Mỹ, trong đó, đồ gỗ khoảng 6,7 tỉ đô la Mỹ, còn lại là những sản phẩm lâm sản ngoài gỗ như mây, tre, nứa, lá… Bên cạnh đó, giá trị sản xuất đồ gỗ nội địa khoảng 1,65 tỉ đô la Mỹ. Nhiều năm liên tục, gỗ nằm trong tốp 10 nhóm mặt hàng xuất khẩu nhiều nhất Việt Nam. Trong số khoảng 100 quốc gia xuất khẩu đồ gỗ, với tổng giá trị xuất khẩu là 141 tỉ đô la Mỹ và nhu cầu thế giới tiêu thụ được dự báo là 600 tỉ đô la Mỹ, sự tham gia của Việt Nam tuy tạo ấn tượng trong thời gian qua nhưng còn chiếm cơ cấu khiêm tốn. Bởi vậy, ngành chế biến gỗ và nội thất, lĩnh vực thâm dụng lao động “có nhiều dư địa để phát triển, phù hợp với người Việt Nam,” theo ông Nguyễn Quốc Khanh, người cũng đang nắm vai trò chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA). Continue reading

Bộ sưu tập chứng nhân

Vũ công (2005) của Trương Tân.

Bài viết đăng trên Forbes Vietnam số 52, tháng 10.2017. Xem bản đầy đủ và các hình ảnh trên tạp chí in. Bản quyền Forbes Vietnam. Tác giả: Khổng Loan

Khu lễ tân của tòa nhà dịch vụ căn hộ Saigon Domain Luxury Residences yên ả bên bờ bán đảo Thanh Đa (Bình Thạnh, TP.HCM) gây ấn tượng bằng những tác phẩm nghệ thuật nguyên bản và đa dạng chất liệu. Hai bức vẽ phiên chợ quê với chất liệu giấy xé của Hồ Hoàng Đài; những tác phẩm điêu khắc “Vô đề” ở hình dạng nhọn, màu đen với chất liệu men tráng trên thép và hình cuộn tròn như kén bằng ván gỗ MDF của nghệ sĩ người Úc George Papadimas. Một tác phẩm gợi mở về văn hóa Việt Nam và một khiến người xem suy tưởng ở tầng mức ý niệm.

Tác phẩm của Hồ Hoàng Đài

Những tác phẩm này thuộc Post Vidai, bộ sưu tập nghệ thuật đương đại tư nhân lớn nhất Việt Nam hiện nay. Người đặt nền móng của bộ sưu tập cũng là chủ và CEO của Saigon Domain, ông Olivier Mourgue d’Algue, 55 tuổi. Bắt đầu sưu tập từ năm 1993, sau này kết hợp cùng vợ và một người bạn thân kiêm đối tác kinh doanh, bộ ba này đồng sở hữu khoảng 500 tác phẩm nghệ thuật. “Đây là bộ sưu tập mang tính chứng nhân, vì nó chứng kiến sự phát triển của nghệ thuật đương đại Việt Nam kể từ sau cuộc đổi mới kinh tế vào cuối những năm 1980,” Olivier nói với Forbes Việt Nam trong cuộc trò chuyện đầu tiên với báo chí trong nước kể từ khi ông bắt đầu sưu tập cách nay khoảng ¼ thế kỷ.

Nghệ thuật đương đại là nghệ thuật của hiện tại,  thể hiện góc nhìn của các nghệ sĩ với xã hội đương thời, và khán giả trở thành một phần quan trọng trong việc tạo nên ý nghĩa và sự biểu đạt của tác phẩm. Post Vidai – Hậu Vĩ đại – sưu tầm tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam, Việt kiều và nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Họ có thể đã định danh quốc tế, trong nước, và cả những tên tuổi mới, đang lên, với những góc nhìn phản biện ở một đất nước trong quá trình định hình và tái định hình đặc tính văn hóa của mình. Continue reading