Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 50, tháng 7.2017. Xin mời xem bản đầy đủ trên báo in.
Bản quyền: Forbes Việt Nam
Tác giả: Khổng Loan
Cuối tuần tháng 5.2017, gần 100 người tụ tập trong căn phòng ấm cúng ở Hôtel des Arts Saigon, khách sạn ở trung tâm TP.HCM. Sau khi thưởng ngoạn tranh của danh họa như Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Lưu Công Nhân… họ tham dự phiên đấu giá lần thứ hai do nhà đấu giá Lý Thị (LYTHI Auction) tổ chức, với 18 bức tranh. Bức Buổi hoàng hôn rực rỡ của Văn Đen, giáo sư trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn trước 1975, được đấu giá thành công ở mức 19 ngàn đô la Mỹ. Ở phiên đầu tiên của Lý Thị vào cuối tháng 12 năm ngoái, tác phẩm được bán với giá cao nhất là bức Mẫu đơn đỏ của Lê Phổ (40 ngàn đô la Mỹ).
Cũng trong khoảng thời gian đó, ở Hà Nội, nhà đấu giá nghệ thuật Chọn’s tổ chức phiên đấu giá thứ ba, với 35 tác phẩm. Trong số 24 tác phẩm được đấu giá thành công, bức có giá bán cao nhất là Bán trừu tượng của họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, với giá sáu ngàn đô la Mỹ. Trong phiên đấu giá thứ hai vào tháng 3.2017, bức tranh Cô gái thỏ của họa sĩ Nguyễn Phan Bách, 41 tuổi, được bán giá 25 ngàn đô la Mỹ.
Các tác phẩm của họa sĩ Việt Nam lâu nay vẫn được bán đấu giá tại các nhà đấu giá nước ngoài như Christie’s hay Sotheby’s, với các bức họa của các tên tuổi nổi tiếng thời mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, hay Phạm Hậu, Trần Lưu Hậu… Một năm trở lại đây, các tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Việt Nam bắt đầu xuất hiện tại các phiên đấu giá thương mại tổ chức trong nước của Lý Thị và Chọn’s. Nếu Lý Thị có xu hướng chọn các tác phẩm chủ yếu có giá cao thì Chọn’s thiên về các tác phẩm có giá “mềm” hơn. Việc lần đầu tiên ở Việt Nam có nhà bán đấu giá mỹ thuật theo hướng thương mại sẽ thúc đẩy thị trường thứ cấp, mắt xích quan trọng trong quá trình hình thành thị trường mỹ thuật đúng nghĩa. Continue reading →