Cha mẹ chỉ cần yêu con và lắng nghe con

Kiran Bir Sethi

Bài viết đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Link ở đây.

“Lời khuyên duy nhất của tôi là cha mẹ hãy xây dựng quan hệ với con mình” – KIRAN BIR SETHI, một trong 10 giáo viên xuất sắc nhất của giải thưởng Giáo viên toàn cầu năm 2015, nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.

Thầy cô sẽ dạy về vấn đề sử dụng lao động trẻ em như thế nào? Không phải là chuyến tham quan đến địa điểm sử dụng lao động trẻ em, hay yêu cầu các trò đọc sách rồi thảo luận trên lớp. Các em sẽ ngồi làm nhang trong 8 tiếng.

Thực tế chỉ cần 2 tiếng thôi, khi lưng đau nhức, các em sẽ tự “ngộ” ra thế nào là lao động trẻ em, tác hại của nó và tìm cách nói chuyện với những người đang sử dụng lao động trẻ em để thuyết phục họ thay đổi.

Cách tiếp cận ấy nhằm xóa mờ lằn ranh giữa thực tế cuộc sống và trường học, đặt trẻ em vào bối cảnh thực và phức tạp của cuộc sống để các em cảm nhận, tưởng tượng cách thay đổi, hỗ trợ để các em tự tạo ra thay đổi là triết lý giáo dục của Riverside – trường học mà Kiran Bir Sethi từ Amedabad (Ấn Độ) thành lập năm 2001.

Giờ đây, Riverside trở thành một điểm đến nghiên cứu của các nhà giáo dục khắp thế giới. “Ngày nào chúng tôi cũng có khách tới tìm hiểu” – Kiran nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Kiran có niềm tin lớn lao vào khả năng của trẻ em.

Trong vai trò hiệu trưởng, Kiran không chỉ để học trò quyết định những vấn đề của chính các em, mà còn đưa các em tham gia những quyết định quan trọng của lớp, trường, cộng đồng.

Ngoài giáo trình học riêng, không gian thiết kế của trường thể hiện rõ triết lý giáo dục của Kiran: giúp trẻ em cảm thấy được chào đón và an toàn khi đến học qua việc bỏ mọi rào cản vật lý, tường ngăn cách, ai cũng nhìn thấy người khác và được nhìn thấy trong không gian thiên nhiên.

Trường học có rất nhiều không gian mở, không có phòng hiệu trưởng hay phòng nhân viên riêng. “Chúng tôi ngồi làm việc, giảng dạy ở khắp nơi trong khuôn viên”.

Riverside giống một Ấn Độ thu nhỏ với 20% học sinh nghèo nhất được miễn học phí. Năm 2013, họ có lứa đầu tiên tốt nghiệp để bước vào đại học. Riverside cũng nhượng quyền chương trình học ra nhiều nơi trên thế giới.

Từ triết lý của mình, Kiran sáng lập phong trào Design for Change – tổ chức phi lợi nhuận quốc tế với mục tiêu giúp trẻ em thiết kế và áp dụng phương pháp của chính các em để giải quyết vấn đề xung quanh mình.

Design for Change đã đi từ Ấn Độ (với 30.000 trường) tới 24 quốc gia trong một năm, hiện phát triển ra 51 nước và vùng lãnh thổ, tác động đến 2,2 triệu trẻ em cùng 65.000 giáo viên toàn cầu.

Sáng kiến “Thành phố thân thiện với trẻ em”, dự án của Riverside tôn vinh trẻ em, đến nay đã lan tới 68 thành phố của Ấn Độ sau 10 năm hoạt động.

Tháng 11 tới, Kiran sẽ chính thức ra mắt trên mạng I Can School (Trường học “Tôi có thể”), nơi chứa tất cả tư liệu về mô hình, hoạt động… của Riverside, Design for Change… để bất kỳ ai, dù ở đâu, cũng có thể tham khảo để “xây dựng trường học I can của mình”.

Triết lý giáo dục của bà là đưa trẻ em vào bối cảnh thật của cuộc sống, khuyến khích các em giải quyết những vấn đề lớn lao. Chẳng phải từ trước tới nay chúng ta vẫn tin rằng trẻ em chỉ cần ăn ngủ, học hành, còn thế giới sẽ có người lớn lo sao?

– Suy nghĩ đó chính là xuất phát điểm khiến chúng ta làm sai. Chúng ta gắn chiều cao, tuổi tác, giới tính của trẻ em với khả năng của chúng, đó là hành vi gây tổn hại lớn nhất mà chúng ta làm đối với trẻ em.

Trong thế giới khắc nghiệt như rừng Amazon hay sa mạc, trẻ em vẫn được sinh ra, tồn tại, hợp tác, giải quyết vấn đề. Bọn trẻ ra đời, ngồi được, bò rồi đứng, đi, chạy và hào hứng nói với chúng ta rằng: “Ba mẹ hãy xem con làm được gì này”.

Rồi người lớn cho chúng vào trong trường học, bắt chúng trật tự, lắng nghe, không được nói. Trong 15 năm tiếp theo đó, chúng ta bắt bọn trẻ yên lặng.

Đó phải chăng là chúng ta đảo ngược quá trình phát triển tự nhiên? Chúng tôi đang thay đổi điều đó. Ở Ấn Độ, thời vẫn còn dưới sự kiểm soát của đế chế Anh, lực lượng cầm quyền cần tầng lớp lao động tuân thủ, yên lặng.

Họ thiết kế chương trình học để tạo ra dân chúng biết thuần phục, không suy nghĩ, chỉ biết vâng lời. Tôi nghĩ 80% phương pháp giáo dục trên thế giới hiện nay là đồng phục, “một kiểu dùng cho tất cả”.

Vậy có phải đặt bọn trẻ có trách nhiệm xử lý vấn đề hiện thực của thế giới là gánh nặng với chúng không? Không đâu, thật ra chúng ta chỉ chấm dứt hành vi ngăn cản quá trình phát triển tự nhiên, tức là gỡ gánh nặng ra khỏi bọn trẻ.

Chúng ta đặt quá nhiều rào cản trước mặt bọn trẻ. Triết lý của tôi là: Hãy cùng nhìn lại bọn trẻ. Hãy lắng nghe chúng. Chúng ta dành quá nhiều thời gian nói với bọn trẻ chúng phải làm gì mà không dành thời gian nghe chúng nói.

Cuộc sống có rất nhiều vấn đề lớn mà bọn trẻ cũng phải đối mặt, từ tham nhũng tới đói nghèo, lạm dụng, sự ấm lên trên Trái đất…

Bọn trẻ có thể nhận ra rằng những vấn đề này không hẳn chỉ là vấn đề của chính phủ, hay chỉ chính phủ mới giải quyết được.

Tư duy “Tôi có thể làm gì đó” được tạo dựng và phát triển ngay từ khi còn nhỏ, trở thành sự tích cực chủ động trong cuộc sống sau này, giúp trẻ em tự tin suy nghĩ “Khi có điều gì khiến mình không hài lòng, mình có thể tham gia giải quyết nó”. Đó là mục tiêu giáo dục thực sự mà tôi theo đuổi.

Cha mẹ chỉ cần yêu con và lắng nghe con
Trong một giờ học ở Trường Riverside -schoolriverside.com

Triết lý đó đòi hỏi nhận thức và thay đổi mạnh mẽ ở giáo viên và phụ huynh – hai lực lượng vô cùng khó thay đổi khi thói quen đã hằn sâu. Bà đã làm như thế nào để thay đổi họ?

– Tôi không nghĩ có thầy cô đi dạy học với mong muốn trở thành thầy cô tồi, hay cha mẹ muốn mình là cha mẹ tồi trong mắt con cái.

Chỉ là chúng ta không biết cách làm khác vì được dạy dỗ xưa nay là thế, rồi ta bắt chước, rồi cứ làm theo quán tính.

Khi chúng tôi khích lệ người lớn thử cách làm mới thì họ phản hồi rằng cách mới “dễ hơn nhiều” cho họ, vì họ không phải nghĩ giùm cho trẻ em nữa khi nhìn với mắt của trẻ em, sát cánh bên trẻ. Người lớn không phải lo lắng đến chuyện dạy nội dung gì vì có Internet rồi.

Tất nhiên có rất nhiều khó khăn. Nhưng tôi đến từ quê hương của Mahātmā Gāndhī, người đã dành hơn 40 năm để buộc đế chế hùng mạnh nhất thế giới rời khỏi Ấn Độ một cách phi bạo lực, nên tôi rất kiên nhẫn.

Ở Việt Nam có nhiều phương pháp học được nhập khẩu, được nhiều trường áp dụng. Theo bà, làm thế nào để cha mẹ tìm được phương pháp phù hợp cho con mình?

– Không có công thức nào cả. Cha mẹ chỉ cần yêu con, ôm con, lắng nghe con. Tôi không nghĩ giờ đây chúng ta có thể làm điều gì đó nhiều hơn thế.

Cha mẹ không cần phải lo lắng dạy con học môn này môn kia vì đã có Internet dạy mọi thứ, ví dụ với Khan Academy. Cha mẹ chỉ cần hiện diện bên con cái khi các con cần.

Đôi khi cha mẹ bận với công việc thuê người khác làm cha mẹ thay mình khi yêu cầu con phải đến lớp này, phải đến lớp kia. Lời khuyên duy nhất của tôi là cha mẹ hãy xây dựng quan hệ với con mình.

Nhiều cha mẹ lo lắng tìm kiếm hành trang chuẩn bị cho con mình. Theo bà, hành trang đó nên là gì?

– Ta thấy có khi cha mẹ chẳng có vai trò gì trong cuộc sống của con vì họ quá bận bịu, có khi lại tham gia quá nhiều vào cuộc sống của con, muốn kiểm soát cả những chi tiết rất nhỏ trong cuộc sống của con vì lo sợ về một thế giới mà chúng ta không biết.

Điều này đều khiến con cảm thấy mất tự tin về khả năng của mình với cuộc đời của chính các con.

Là mẹ, trách nhiệm lớn nhất của tôi là đảm bảo rằng nếu con trai tôi cần tôi lắng nghe, tôi sẽ thực sự lắng nghe.

Tôi đặt niềm tin lớn lao rằng con mình sẽ giải quyết được vấn đề của nó, để con mình tự tin là nó sẽ quản trị được thế giới này, để con mình cảm thấy tự tin về chính nó. Việc của mình là cái lưới an toàn cho trường hợp khẩn cấp của con.

Đừng nói rằng đứa trẻ chưa sẵn sàng làm việc này việc kia, chúng sẵn sàng rồi, ngay hôm nay, ngay bây giờ. Đứa trẻ là công dân của thành phố, nhưng nếu nó cảm thấy thành phố chẳng quan tâm tới nó, nó không có vai trò gì trong mọi quyết định thì khi lớn lên, chúng sẽ chẳng quan tâm tới thành phố mình sống đâu.

Box:

“Điểm đặc biệt trong triết lý của Kiran là trong khi phần lớn các triết lý đó bắt nguồn từ các nước Âu – Mỹ phát triển, Kiran thực hiện được triết lý này trong môi trường kém phát triển gần giống như ở Việt Nam xét về điều kiện kinh tế, hay sự quản lý của nhà nước trong giáo dục” – Nguyễn Thúy Uyên Phương, giám đốc điều hành Trường ngoại khóa Tomato tại TP.HCM, người đã đến thăm Riverside và tìm hiểu mô hình này, nói.

Phương nhận thấy học sinh ở đây thực sự làm chủ ngôi trường của mình: người dẫn Phương tham quan và trả lời câu hỏi về trường chính là hai học sinh lớp 1.

“Tôi thử đặt ra cho các em ấy rất nhiều câu hỏi khó và thấy là các em không chỉ hiểu mọi ngóc ngách trong ngôi trường mình, mà còn cả những tinh thần quan trọng” – Phương cho biết. Học trò nơi đây có kết quả học tập nằm trong nhóm tốt nhất của hệ thống giáo dục Ấn Độ.

Bài viết đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Link ở đây.

Comments