Người da đen đi bộ – hay cảm giác của người da đen trong xã hội Mỹ

Tôi đến TP.New York, sẵn sàng lạc trong “những đám đông Manhattan của Whitman, với dàn đồng ca náo nhiệt!” Tôi kinh ngạc về điều mà Jane Jacobs ngợi ca là “bản ballet của vỉa hè thành phố tốt” tại nơi ở cũ của bà, Làng phía Tây (the West Village). Tôi đi bộ qua những tòa nhà chọc trời giữa phố thị, tràn đầy năng lượng y như dòng người trên đường, hoặc lên phía Upper West Side, nơi có những khu căn hộ theo phong cách Beaux Arts hoàng gia, cư dân sành điệu và các con phố như mắc cửi. Đi về phía Washington Heights, khu đi bộ đầy những cư dân người Mỹ gốc Domican cả già cả trẻ sôi nổi, khu Inwood rợp bóng, với những công viên đầy hoa hồng nhìn tuyệt đẹp về phía song Hudson, đến nhà tôi tại Kingsbridge ở Bronx, nơi có dãy nhà bungalow gạch và khu căn hộ gần phố đi bộ đông đúc gần Broadway và công viên Van Cortlandt yên bình. Tôi đến khu Jackson Heights ở Queens để gặp những người đang tụ tập trò chuyện quanh khu vườn bằng đủ thứ tiếng, từ Urdu, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Nga và Hindi. Và khi tôi muốn có cảm giác về quê hương, tôi đến Brooklyn, ở Crown Heights, để thưởng thức đồ ăn và âm nhạc, cả sự hài hước trộn lẫn với hương vị của TP.New York. Thành phố này thân thuộc quá đỗi.

Tôi khám phá thành phố cùng bạn bè, và rồi với cả người yêu. Nàng đi bộ khắp hang cùng ngõ hẻm với tôi, thưởng thức mọi thú vui của New York. Quán cà phê mở cửa đến tận rạng sáng; nhiều xe của người bán hàng dạo; đồ ăn và âm nhạc khắp nơi trên thế giới; khu dân cư với cư dân sành điệu. Cứ mỗi nhịp chân lại giúp tôi có thêm ấn tượng về thành phố này.

Cũng như chuyện tình yêu, vài tháng đầu khám phá đầy thi vị. Thành phố gợi nên niềm hi vọng, đầy sống động khiến ta hồ hởi. Nhưng chẳng bao lâu sau thực tế nhắc nhở rằng tôi không phải là người không thể bị tấn công, đặc biệt là khi tôi đi một mình.

Một đêm ở East Village, tôi đang chạy vội đến chỗ hẹn ăn tối thì một người đàn ông da trắng trước mặt quay ngược lại, đấm vào ngực tôi mạnh đến nỗi có cảm giác xương sườn rụng ra khỏi cột sống. Tôi đoán anh say rượu, hay nhầm tôi với kẻ thù nào, nhưng sớm phát hiện ra anh chỉ đơn giản tưởng tôi là tội phạm vì chủng tộc của tôi. Khi thấy không phải vậy, anh ta liền nói mọi sự tại tôi, vì tôi chạy sát sau anh ta. Tôi cho rằng tai nạn này chỉ là lầm lạc nhất thời, nhưng sự bất tín lẫn nhau giữa tôi và cảnh sát là điều khó có thể tảng lơ. Nó dường như là chuyện thâm căn cố đế. Họ vào ga tàu điện ngầm; tôi nhận ra họ (và tôi nhận ra mọi người da đen khác đều nhận thấy sự có mặt của họ, trong khi hầu như mọi người khác đều vẫn không hề chú ý). Họ nhìn tôi chằm chằm. Tôi thấy lo lắng và liếc lại. Họ quan sát tôi chăm chú. Tôi cảm thấy không thoải mái lắm. Tôi quan sát họ lại, lo lo rằng có thể trông mình khả nghi. Nghi ngờ tăng lên. Chúng tôi tiếp tục đối thoại trong im lặng và khó chịu cho tới khi con tàu chạy đến và đưa mỗi người về một phía.

Tôi trở lại các nguyên tắc mình đã đặt ra ở New Orleans, chi tiết hơn. Không chạy, đặc biệt vào ban đêm; không tự động di chuyển; không mặc áo có mũ; không cầm vật gì, đặc biệt là lấp loáng; không đợi bạn ở góc phố, ít nhất để không bị nhầm là bán ma túy; không đứng gần góc đường nghe điện thoại (lý do như trên). Khi cảm thấy thoải mái, rõ ràng tôi cũng phá vỡ một vài nguyên tắc, cho tới khi một vụ việc xảy ra ban đêm khiến tôi phải quay lại với những quy tắc này, do hiểu rằng không thận trọng cũng có nghĩa là cẩu thả.

Sau một bữa ăn tối xa hoa kiểu Ý và uống vài ly với bạn bè, tôi đi bộ về tàu điện ngầm ở Columbus Circle. Tôi đã trễ giờ hẹn với nhóm bạn khác đi xem hòa nhạc ở trung tâm. Tôi nghe thấy ai đó đang la hét, ngước lên thì thấy cảnh sát  đang chĩa sunsg hướng về phía mình. “Úp mặt vào xe!” Nháy mắt, 6 cảnh sát ào tới, ép sát tôi vào thành xe, còng tay chặt. “Vì sao anh chạy?” “Anh đi đâu?” “Anh từ đâu tới?” “Tôi hỏi, vì sao anh chạy?!” Vì tôi không thể trả lời từng người một, tôi quyết định trả lời người trông có vẻ sẵn sàng đánh tôi nhất. Tôi bị cả một bầy vây quanh và cố tập trung vào một người mà không sơ suất chọc tức người khác.

Nhưng không ăn thua. Khi tôi trả lời, người khác lồng lộn gào lên tôi không trả lời họ nhanh. Một người thò tay vào cái túi rỗng của tôi, hỏi xem tôi có vũ khí không, và đặt câu hỏi như lời buộc tội. Người khác hỏi liên tục xuất thân của tôi, cứ như đến lần hỏi thứ 15 thì tôi sẽ nói cho anh ta sự thật giống anh ta tưởng tượng. Dù tôi liên tục, một cách bình tĩnh, tức là kiềm chế giọng điệu dù tim đập thình thích và họ la hét phun đầy nước bọt vào mặt tôi, nói tôi vừa tạm biệt bạn mình cách đây 2 dãy phố, bạn tôi vẫn ở đó, và có thể xác minh, để gặp đám bạn khác, tin nhắn của họ vẫn trong điện thoại là bằng chứng. Vâng, thưa ngài, dĩ nhiên, thưa ngài, điều đó cũng chả thay đổi được gì.

Với người da đen, khẳng định phẩm giá của mình trước cảnh sát là tạo ra rủi ro bị tấn công. Thực tế, phẩm giá của người da đen ít có ý nghĩa với cảnh sát. Đó là lý do tôi luôn cảm thấy an toàn hơn nếu bị chặn lại trước những nhân chứng da trắng hơn là da đen. Cảnh sát ý chú ý hơn tới nhân chứng da đen, trong khi sự quan sát của các nhân chứng da trắng luôn khiến họ lưu tâm. Một nhân chứng da đen hỏi hay lịch sự lên tiếng phản đối có thể nhanh chóng bị bắt giữ. Sự khác biệt với cảnh sát, khi đó, chỉ là hành động đương nhiên cần thiết để tiếp cận đối phương an toàn.

Cảnh sát tảng lơ lời giải thích và gợi ý của tôi, tiếp tục cằn nhằn. Tất cả đều vậy, chỉ trừ một người, vị chỉ huy. Anh ta để tay đằng sau lưng tôi, nói bâng quơ: “Nếu nó chạy lâu rồi thì chắc chắn đổ mồ hôi.” Rồi anh ta yêu cầu tháo còng ra. Anh kể một người da đen vừa đâm ai đó chỉ cách 2,3 dãy nhà và họ đang truy tìm. Tôi phát hiện người mình không dính máu, và nói với những cảnh sát đi cùng về nơi mà tôi vừa đến, và làm thế nào để kiểm tra chứng cớ ngoại phạm, mà không nhận ra rằng nó thậm chí là chứng cớ ngoại phạm, vì không ai nói với tôi lý do tôi bị giữ lại, và dĩ nhiên, tôi không dám hỏi. Theo những gì tôi đã chứng kiến, bất kỳ thứ gì vượt quá thái độ thụ động cũng có thể bị diễn dịch là thái độ công kích.

Viên chỉ huy nói tôi có thể đi. Không ai trong số những người bắt tôi nghĩ họ cần nói lời xin lỗi. Giống như gã đã đấm tôi ở East Village, họ dường như nghĩ lỗi tại tôi, tại tôi chạy.

Cảm thấy bị bẽ mặt, tôi cố không nhìn những người đang đứng xem ở hai bên đường, và tôi miễn cưỡng đi qua họ. Viên chỉ huy, có lẽ thấy sự xấu hổ của tôi, gợi ý chở tôi đến nhà ga tàu điện ngầm. Khi anh thả tôi xuống, tôi cảm ơn, anh nói: “Đó là vì cậu lịch sự nên chúng tôi thả cậu đi. Nếu cậu chống đối thì mọi việc đã khác.” Tôi gật đầu và không nói gì thêm.

Comments