Huế ơi, hay là …4 năm mình hãy tổ chức festival một lần, nhé?

nhung-diem-nhan-khong-the-bo-qua-tai-festival-hue-2016Sau 9 lần tổ chức festival, làm cách nào để Huế có thể khiến du khách chi nhiều tiền hơn, và cảm nhận tốt hơn về Huế?

Festival Huế hiện được tổ chức 2 năm một lần, là một sự kiện văn hóa lớn được tổ chức tại Huế vào các năm chẵn nhằm mục đích tôn vinh các di sản văn hóa Huế.

Nếu nhìn vào các con số thuần túy thì có vẻ oách, theo các báo cáo của của chính quyền:

2016: 6 ngày,  gần 1 triệu lượt người tham dự. Trong đó, du khách đến Huế khoảng 250.000 người, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước;

2014: 9 ngày, 2,4 triệu lượt khách, có hơn 23 vạn khách lưu trú tại các khách sạn, nhà nghỉ, tăng 25% so với festival  trước;

2012: hơn 2 triệu lượt người tham gia, hơn 180 ngàn lượt khách du lịch lưu trú, trong đó có hơn 80 ngàn lượt khách quốc tế, tăng 62% so với cùng kỳ năm 2011;

2010: 410.000 lượt người tham dự, trong đó có 41.000 lượt khách du lịch, với 6000 lượt khách quốc tế;

2008: 180.000 lượt khách du lịch, trong đó có 30.000 lượt khách quốc tế;

2006: thu hút 150.000 lượt khách du lịch, trong đó có 20.557 lượt khách quốc tế;

2004: 9 ngày,  1,2 triệu lượt khách, 101.950 lượt khách du lịch, trong đó có 11.950 lượt khách quốc tế;

2002: thu hút trên 1 triệu lượt người tham dự, 75.000 lượt khách du lịch, trong đó có 18.000 lượt quốc tế.

2000: 50.000 lượt khách đến Huế trong đó có 20.000 lượt khách nước ngoài.

Như vậy, festival năm nay có vẻ đông khách đến nhất. Nhưng cần lưu ý rằng: festival trùng với kỳ nghỉ lễ 30.4 và 1.5, không cần festival thì người ta cũng có thể đến Huế.  Và con số khách đến Huế là thống kê của 12 ngày đêm tính từ 24-4 đến 5-5, còn festival chỉ diễn ra trong 6 ngày đêm.

Bây giờ, dưới góc độ của một du khách tự do, đến Huế vào dịp festival 2016, và đang nghĩ cách làm thế nào để Huế có thể khiến du khách chi nhiều tiền hơn, và cảm nhận tốt hơn về Huế, mình kể về lịch trình của mình:

Trước festival:

Mình và bạn đồng hành đọc và nghiên cứu khá kỹ những gì muốn làm trong 3 ngày ở Huế, trong đó trở lại Tử Cấm Thành để xem quá trình trùng tu các di tích đến đâu rồi. Ngoài ra, mình cũng đọc trang festivalhue và biết rằng giao diện của trang này hầu như không thay đổi kể từ mua festival đầu tiên. Bởi vậy, lẽ dĩ nhiên là nó cũ kỹ, thông tin thì có nhưng cách thông tin không đặc biệt. Trên các trang mạng xã hội hầu như không có ai trong mạng lưới của mình nhắc đến festival. Có lẽ một phần vì xã hội đang chú ý nhiều tới thảm họa sinh thái ở miền Trung, trong đó có Huế.

Trên các báo thì cũng lác đác đưa tin, nhưng không nhiều. Một số người đổ tại rằng tại các báo đăng tải không tích cực (đôi khi) về các kỳ festival trước nên cũng ảnh hưởng tới không khí. Thưa các bạn, thực ra không phải như vậy. Mỗi khách hàng, mỗi du khách chính là một đại sứ, một nhà tiếp thị hàng hóa xuất sắc nhất của bạn. Với công cụ truyền bá thông tin được cá nhân hóa như hiện nay, chỉ cần hàng của bạn tốt, đương nhiên họ sẽ nói tốt về bạn. Báo chí là một trong nhiều kênh thông tin, nhưng nó không còn sức mạnh tuyệt đối như ngày xưa nữa.

Mình đặt khách sạn xong thì tính chuyện đặt vé vào xem các sự kiện của festival, trong đó có lễ khai mạc, đêm Hoàng Cung. Cái này cũng dễ hiểu thôi, khi mình đi các nước khác cũng vậy, mình thường đặt mua vé trước, để đảm bảo mình sẽ có vé. Ở festival Huế, chỉ có một cách là gọi điện đặt.

Mình vào trang festivalhue để biết nơi mua vé, gọi trước 1 tháng để đặt thì được biết là quá sớm. Một thời gian sau, gọi điện cho đại lý ở SG theo hướng dẫn trên trang web festivalhue, họ ú ớ một hồi bảo ơ không biết có biết gì đâu sao lại để số điện thoại công ty họ là đại lý bán vé hihi. Thời buổi này, tích hợp công cụ mua vé qua mạng và thanh toán luôn chắc không phải quá khó.

Đến Huế:

Chuyến bay của mình đến Huế tầm trưa. Hạ cánh xuống Phú Bài yên ổn, nhưng cô tiếp viên chả nói gì đến festival đang diễn ra cả, cho dù vẫn cảm ơn quý khách đã bay cùng VietjetAir và mời quý khách truy cập website để biết về các chương trình khuyến mãi. Thế là Huế đã mất một cơ hội tốt để quảng cáo về festival, mình nghĩ thế. Chính quyền hoàn toàn có thể “hợp tác” với các hãng bay đến Huế vào dịp này, theo cách là họ để tờ rơi trên ghế máy bay, hay cô tiếp viên xinh đẹp có nhắc tới các chương trình vui chơi trong festival. Việc này mình đã chứng kiến khi du lịch đến những nơi khác. Ví dụ, cô tiếp viên có thể nói rằng: “Với những quý khách đến Huế dự festival, chúng tôi xin chúc quý khách có thời gian thật vui và thú vị ở xứ thần kinh. Có rất nhiều sự kiện mới lạ đang chờ đón quý khách…blah blah.” Thông báo mà như kể chuyện, chia sẻ, mời gọi. Cái này phải học, phải tập, nhưng sẽ làm tốt. Đó là cơ hội hợp tác tốt giữa chính quyền và các hãng vận chuyển (kể cả đường bộ), chứ không chỉ là các hãng vận chuyển trả tiền tài trợ hay chở các khách mời miễn phí, giảm giá.

Đây là lần thứ 9 Huế tổ chức festival, chắc nhà tổ chức cũng học được nhiều bài học về tổ chức. Mình xốc lại tinh thần để bước vào ga. Nhà ga tuyệt nhiên không có thông tin gì về festival, theo như ấn tượng của mình. Hoặc có thể có poster ở đâu đó mà mình không biết? (Khi bay về thì lúc xếp hàng, mình ngước lên thấy nhà ga có treo một cái poster thông tin thời gian về festival như hình bên trên bài, hết).

Mình thấy buồn quá, không dám nói là thất vọng vì đến tuổi này rồi thì cũng hiểu là thất vọng chỉ khiến mình bị trầm cảm mà già đi, không ích lợi gì. Trong lúc chờ đợi người đi cùng lấy hành lý, mình vào quầy Information  (chơi tiếng Anh có oách, vì họ cũng chỉ dùng tiếng Anh) để lấy bản đồ. Có vài cái lèo tèo để rất khuất, khó nhìn, mình lấy 1 cái. Đi ra thì người đi cùng nói lấy giúp 1 cái nữa. Thế là mình vào lấy 1 cái nữa. Cô phục vụ (đang có bầu) không vui vẻ gì lắm. Chắc cô mệt. Nơi này đáng lý nên là nơi cung cấp thông tin cho du khách, để các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, dịch vụ của Huế (bất kỳ ngành nghề  gì pháp luật không cấm) được  để tờ rơi của họ, miễn phí càng tốt, để du khách biết  có những lựa chọn gì cho mình. Cái này thì không cần đi đâu xa, mời bạn đến sân bay Bali, bé tí cũng như của Huế, nhưng thông tin ngập tràn. Có khó làm không? Tôi không nghĩ là khó đâu.

Thế là hết, không hề có thông tin gì về festival Huế ở cửa ngõ của Huế. Nếu bạn hình dùng festival là vui vẻ, là hào hứng, là nhiều trò vui tươi, thì bạn sẽ không thấy ở sân bay Huế đâu. Nó chả có gì cả, như bình thường.

Nhưng hãy đừng chỉ nghĩ quảng cáo, quảng bá chỉ là ở sân bay hay bến xe. Thử nghĩ về một trang quảng cáo trên các tờ báo lớn, về các bài  quảng cáo trả tiền, về các quảng cáo trên mạng xã hội…về bất kỳ phương tiện nào.

Hãy thử nghĩ như một người làm dịch vụ, bán hàng, cần khách hàng, càng nhiều khách hàng càng tốt. Và quảng cáo như một khoản đầu tư xứng đáng và cần thiết.

Đừng trông chờ vào báo chí. Hãy nhớ là báo chí, ngoài trách nhiệm thông tin trung thực, họ có có nhiệm vụ giám sát, và họ phải độc lập, họ không phải cái loa của ai cả, họ là họ, họ mang sứ mệnh mà nhân dân gửi gắm và giao phó, họ không có trách nhiệm phải quảng bá giúp địa phương. Nếu họ quảng bá, điều đó tốt thôi, nếu không, hãy để họ làm nhiệm vụ giám sát, như vậy sẽ tốt hơn về lâu dài cho địa phương. Nhiệm vụ của họ không phải là tiếp thị hay quảng cáo cho dù nếu thiếu 2 thứ đấy họ không sống được. Nhưng chúng ta cần để cho họ độc lập làm nhiệm vụ của mình để xã hội văn minh lên.
Tôi lên taxi vào thành phố. Hỏi anh tài xế, anh nói festival năm nay ít khách hơn so với những năm trước, anh ấy cũng có vẻ không hào hứng lắm. Tôi nghĩ thế này, chính những tài xế taxi hay xe ôm, hay xích lô là những lực lượng quảng bá tốt đấy. Họ cần gì? Họ cần được tập huấn, hãy biến họ thành một phần của festival. Họ chính là trung tâm thông tin di động, hãy cho họ biết điều gì đang diễn ra ở đâu, nó khác lạ gì, nó quan trọng như thế nào? Nếu tổ chức thi cũng tốt, ai vượt qua đợt sát hạch đơn giản ngắn gọn, họ được verify – xác nhận – bằng một logo của festival dán trên phương tiện kiếm sống của họ. Họ sẽ có thêm khách hàng, họ sẽ tự hào vì mình góp phần làm cho festival tốt đẹp hơn, chứ không chỉ đơn thuần có thêm vài khách trong dịp này.

Đến khách sạn ở ngay trung tâm. Một cái bàn đặt ở cửa ra vào. Một tấm biển đặt trên bàn “chào mừng các đại biểu về dự festival”.  Thế không chào mừng các loại khác à? Đó là dở, một sự thiếu nhạy cảm của người làm dịch vụ. Làm dịch vụ là bất kỳ ai đến với ta, ta đều dang tay chào đón, không phân biệt. Khách sạn cũng không có thông tin gì liên quan tới festival cả. Mình check-in, hỏi mua vé, anh phục vụ chạy đôn đáo lấy được 1 tờ lịch trình festival và 1 vài tờ rơi, trong đó có triển lãm tranh và chương trình ở lầu Tứ phương vô sự của Lê Quý Dương. Mình đợi 10 phút để anh phục vụ photo cho mình một bản lịch trình.

Đáng lý, khách sạn nên có lịch trình được in sẵn, nhân viên phát cho bất kỳ du khách nào check in, hoặc để sẵn trong tất cả các buồng khách sạn. Thậm chí cập nhật hàng ngày có gì ở đâu bằng tờ rơi luồn vào cửa phòng vào mỗi buổi sáng trong kỳ   festival. Nếu không, mỗi quầy lễ tân ở mỗi khách sạn đều có một ký hiệu gì đó để thông báo với khách rằng họ chính là một nơi để thông tin cho khách về festival.  Điều này sẽ rất hữu ích.

Nhân viên khách sạn chỉ tôi ra một nơi khác để mua vé chương trình. Đó là một ki-ốt nhỏ, có một anh nhân viên ngồi trực giữa trưa. Anh lục trong chồng giấy vở nhàu nát ra tờ chương trình. Tôi mua vé chương trình khai mạc, lễ hội áo dài và đêm Hoàng Cung. Định mua yến tiệc Hoàng Cung nhưng quyết định không mua nữa, vì anh ấy nói rằng tiệc này là tiệc buffet thôi. Buffet mà 2 triệu đồng thì hâm quá. Tôi không mua, nhưng sau khi tiệc diễn ra thì biết rằng đây là yến tiệc cung đình, với các món rất đặc biệt của hoàng gia trong tiếng nhạc cung đình. Kể ra đây để thấy rằng, mỗi  người bán vé cần là những đại sứ thật sự cho sản phẩm. Họ phải hiểu, phải cảm nhận rất rõ về sản phẩm, họ phải yêu sản phẩm, phải tư vấn chính xác cho khách hàng về sản phẩm. Trong trường hợp này, anh tư vấn chả hiểu gì về sản phẩm.

16 năm, 9 kỳ festival. Và mọi việc như vậy ư?

13h trưa. Đi ăn trưa.

(Còn tiếp)

Mời bạn đọc hết rồi hãy bình luận. Chuyện vui còn ở phía trước.

Comments

2 thoughts on “Huế ơi, hay là …4 năm mình hãy tổ chức festival một lần, nhé?

  1. Chị có đọc comment của em trên fb 1 anh nào đó. Hình như comment ấy lại được kéo qua 1 fb khác để thảo luận

    Trong các thảo luận có rất nhiều comment của 1 anh tên là Hoàng Khanh thì phải, không đọc hết được nhưng tóm lại có lẽ mấy thứ làm em thất vọng về Huế là lỗi tại… em hehe

    Chị đến Huế 1 lần và không bao giờ muốn quay lại vì nhiều lý do. Trong đó lý do lớn nhất là dân làm du lịch Huế (những người chị gặp) có suy nghĩ kiểu “tao hay ho thế này mà mày không thấy là tại mày ngu”

Comments are closed.