Người da đen đi bộ – hay cảm giác của người da đen trong xã hội Mỹ

Vài ngày sau khi tôi rời Mỹ về thăm Kingston, bão Katrina tràn đến và nhấn chìm New Orleans. Tôi rời Mỹ không phải vì bão, mà do bà Pearl, bà nuôi của tôi đang hấp hối vì ung thư. Tôi không lang thang trên những con phố đã 8 năm rồi, và trở lại đúng khi đêm bắt đầu buông, thời điểm tôi nghĩ rằng tốt nhất để mình có thể nghĩ, cầu nguyện và cả khóc. Tôi dạo bộ để cảm thấy mình không xa lạ, ít nhất với bản thân mình, vật vã với nỗi đau nhìn thấy bà đau ốm không có cách nào cứu chữa, không thấy xa lạ với ngôi nhà của mình ở New Orleans đang chìm trong nước và bị bỏ hoang; không thấy xa lạ với quê hương, nơi có ngôi nhà thân yêu thời thơ ấu, ấy vậy mà tôi lại cảm thấy xa lạ. Tôi ngạc nhiên vì cảm giác thân thuộc với những con phố nơi đây. Đây là góc mà món gà nướng kiểu Jamaica chào đón tôi, cùng với giọng tenor nồng ấm và thông điệp tình yêu-hòa bình từ chương trình “Greetings” của Half Pint, phát ra từ cái loa nhỏ nhưng công suất mạnh đến mức cách cả cây số vẫn nghe được. Cứ như tôi bước trở về năm 1986, hòa mình vào mớ âm thanh đấy. Cả cửa tiệm thân quen của khu phố, trang trí màu đỏ, vàng, xanh của người theo đức tin Rastafari cùng với hình ảnh của những người hùng Jamaica và thế giới như Bob Marley, Marcus Garvey, và Haile Selassie. Một đám trai làng dúi mũi vào xem và  bỡn cợt; gương mặt thì khác, nhưng câu chuyện họ nói vẫn vậy.

Tôi thấy ngạc nhiên về cảm giác an toàn mà đường phố đem lại, một lần nữa, người da đen giữa nhiều người da đen, không còn phải đoán xem sự có mặt có mình liệu có khiến ai đó sợ hãi, hay làm sao có cử chỉ khiến người khác an tâm. Đi qua xe cảnh sát bình thường. Cảnh sát Jamaica có thể hơi tàn nhẫn, nhưng họ không chú ý tôi như kiểu cảnh sát Mỹ. Tôi có thể vô hình ở Jamaica giống như tôi luôn hiện hình ở Mỹ.

Việc đi bộ đã trả lại cho tôi rất nhiều khả năng. Và vì sao lại đi bộ nếu không phải để tạo ra một mớ khả năng mới? Tình cờ, tôi vạch thêm những cung đường mới vào bản đồ trong đầu đã có sẵn từ thời thành phố thơ ấu đến thành phố khi tôi đã trưởng thành, rồi tôi đi theo nhiều cách khác nhau trên những con đường xưa đó. Như một người thầy đã từng nói với tôi, tình cờ là cách diễn đạt muôn thuở về sự duyên dáng; đó là một ân huệ không kiếm mà có. Nhìn dưới góc độ logic lý thuyết, đi bộ chính là hành vi của đức tin. Chúng ta nhìn thấy, nghe, nói, tin rằng mỗi bước chân sẽ không phải là bước cuối cùng, nhưng sẽ giúp ta hiểu rõ hơn về bản ngã và thế giới.

Ở Jamaica, tôi lại cảm thấy rằng cứ như thân nhân duy nhất quan trọng là chính tôi, chứ không phải chính cái kẻ mà người khác tạo dựng ra trên con người tôi. Tôi chìm vào bản thể tốt đẹp hơn của mình. Tôi nói, như Kierkegaard, “Tôi đã dẫn mình vào suy nghĩ tốt đẹp nhất của mình.”

Comments