Phần 1 ở đây.
Tôi rời Jamaica năm 1996 để học đại học tại New Orleans, nơi tôi nghe nói được gọi là “thành phố cực bắc của Caribean.” Tôi muốn khám phá, dĩ nhiên là bằng đôi chân, Caribbean là gì và nó liên quan thế nào với Mỹ. Những ngôi nhà uy nghiêm nằm bên đường trải bóng cây sồi, đầy xe qua lại, và cả những căn nhà được sơn màu sáng rực rỡ khiến cả khu phố như vào mùa lễ hội; người dân mặc trang phục lộng lẫy nhảy múa cùng ban nhạc ngẫu hứng giữa đường; đồ ăn, mùi vị hòa quyện từ khắp nơi, từ châu Phi, châu Âu, châu Á và Nam Mỹ, và thế giới cũ sát ngay thế giới mới, kỳ lạ và quen thuộc: Ai lại không muốn khám phá nơi này.
Ngày đầu tiên đến, tôi dạo bộ vài tiếng để cảm nhận về nơi này và mua ít thứ lặt vặt để biến căn phòng ký túc tù túng thành một nơi dễ chịu. Khi vài người của trường biết tôi đã làm vậy, họ cảnh báo tôi chỉ nên đến những nơi được cho là an toàn cho du khách và phụ huynh của sinh viên mới. Họ bày ra số liệu về tỉ lệ tội phạm ở New Orleans. Nhưng so với tỉ lệ tội phạm ở Kingston thì con số này quá nhỏ, nên tôi quyết định tảng lơ lời cảnh báo thiện chí đó. Cả một thành phố đang chờ đợi được khám phá, và tôi không thể để thực tế khó chịu này cản trở. Những tên tội phạm của Mỹ chả là gì so với ở Kingston, tôi nghĩ vậy. Họ không hề là mối đe dọa đối với tôi. Điều mà chẳng ai nói cho tôi biết rằng chính tôi mới bị coi là mối đe dọa.
Chỉ vài ngày sau tôi nhận ra nhiều người trên phố có vẻ e sợ tôi: Một số liếc nhìn thận trọng khi đến gần, rồi bất ngờ băng ngang qua đường; ai đi trước thì liếc nhìn về sau, thấy tôi liền bước nhanh hơn; phụ nữ da trắng lớn tuổi giữ chặt túi xách; thanh niên da trắng chào hỏi tôi với điệu bộ lo lắng, giống như làm vậy để được an toàn: “Anh bạn thế nào?” “What’s up, bro?” Trong chưa đầy một tháng kể từ khi đến đây, có lần, trên đường, tôi cố giúp một người đi xe lăn; ông dọa sẽ bắn vào mặt tôi, rồi nhờ người đi bộ da trắng khác giúp.
Tôi không hề chuẩn bị cho điều này. Tôi đến từ đất nước đa phần dân là da đen, không ai sợ tôi vì màu da của tôi cả. Bây giờ tôi không biết chắc ai sợ tôi. Đặc biệt tôi không hề chuẩn bị đối phó với cảnh sát. Họ thường yêu cầu tôi dừng lại và bắt nạt, hỏi những câu cứ như đương nhiên là tôi có tội. Chưa ai nói với tôi về “The Talk” (cuộc nói chuyện về những nguy hiểm mà thanh niên da đen có thể gặp phải). Không cha mẹ nào dạy tôi hành xử khi cảnh sát chặn lại, lịch sự và hợp tác ở mức nào, cho dù cảnh sát làm gì hay nói gì đi nữa. Thế nên tôi phải soạn ra những mánh riêng để đối phó. Như nhấn mạnh âm sắc Jamaica khi trả lời. Nhanh chóng nhắc đến tên trường học. “Vô tình” lôi thẻ sinh viên ra khi bị yêu cầu xuất trình bằng lái xe.
Những chiến thuật để tồn tại đó bắt đầu từ trước khi tôi rời ký túc. Tôi rời phòng tắm với hình ảnh cảnh sát lởn vởn trong đầu, chuẩn bị mặc bộ đồ vía chống cảnh sát, gồm áo sơ mi màu sáng, áo len cổ chữ V, quần khakhi, giày cổ cao đến mắt cá chân. Áo len hay áo sơ mi có gắn tên trường đại học. Khi đi, tôi thường bị hỏi về nguồn gốc, nên tôi tìm cách thể hiện luôn. (bằng cách mặc kiểu sang chảnh thoải mái của giới thượng lưu, rồi gắn thêm yếu tố dòng dõi Jamaica bằng đôi giày Clarks Desert Boots mà người Jamaica ưa thích khi đi bộ.) Nhưng tất cả những lựa chọn may mặc thuần Mỹ đó, gồm áo sơ mi trắng và quần jeans, mà nhiều cảnh sát xem lại đồng phục của những kẻ da đen ưa gây rắc rối, là quá sức với tôi. Ít nhất là tôi muốn được di chuyển tự do như cách mình muốn.
Ở thành phố có nhiều con đường rợp bóng mát này, đi bộ trở nên là chuyện phải suy tính phức tạp và thường mang tính áp chế ngột ngạt. Ban đêm tôi thấy một người phụ nữ da trắng đi về phía mình, nên tôi liền băng ngang qua đường để bà an tâm rằng mình sẽ an toàn. Khi phát hiện mình quên đồ gì đó ở nhà, thường tôi không lập tức quay lại nếu có người đằng sau, vì tôi phát hiện ra hành vi đột ngột đó có thể khiến họ cảnh giác. (Tôi có nguyên tắc cốt yếu: Giữ chu vi rộng với những người có thể nghĩ tôi nguy hiểm. Nếu không, nguy hiểm có thể đến với tôi.) New Orleans bỗng nhiên trở nên nguy hiểm hơn Jamaica. Lề đường giống bãi mìn, mọi sự lượng lự hay tự tính toán cách hành xử đều khiến phẩm giá của tôi giảm đi. Dù nỗ lực, tôi không bao giờ cảm thấy đường phố an toàn. Ngay cả lời chào hỏi đơn giản cũng bị nghi ngờ.
Một đêm, trên đường trở về nhà, ít ra tôi nghĩ mình đã có một nơi mà có quyền gọi là nhà sau 8 năm ở Mỹ, một cảnh sát vẫy tôi vào. Nháy mắt sau, tôi bị ép sát vào xe, và còng tay. Với thái độ hết sức nhũn nhặn, tôi hỏi lý do mình bị bắt. Viên cảnh sát trả lời tại chào hỏi của tôi khiến anh ta nghi ngờ. “Không ai vẫy cảnh sát cả,” anh giải thích. Khi tôi kể chuyện này cho bạn bè, họ nói chính cách hành xử của tôi, chứ không phải của cảnh sát, mới là ngớ ngẩn. “Sao lại lại dở cái trò ngốc ra như vậy?” một người hỏi. “Anh thừa biết là tỏ ra vui vẻ với cảnh sát thì sẽ thế nào mà.”