Vài ba tuần gần đây, báo chí liên tục viết về cái gọi là “thảm họa dịch thuật”, nhất là sau câu chuyện cái “l***” trong cuốn “Những thứ họ mang” của Tim O’brien. Tôi nghĩ chuyện này quá nhỏ để tranh cãi ầm ĩ một thời gian như thế. Tôi tôn trọng cách chuyển ngữ của tác giả, điểm thiếu sót duy nhất ở phía biên tập là đã để rõ cả từ “l***” mà thôi. Họ có thể in tắt thì sẽ không vấn đề gì, vì trong tiếng Anh, người ta vẫn dùng từ “f****” trong các tác phẩm. Văn mình vợ người, cãi nhau cái gì hay cái gì dở thì có mà cãi nhau cả ngày, ai mà chả đúng!
Những sai sót trong các cuốn sách dịch gần đây khiến những nhà dịch thuật bị chỉ trích dữ dội. Đó là điều khó tránh khỏi, dư luận có quyền làm thế vì họ muốn tiền bỏ ra phải nhận được những thứ, ít ra là chính xác chứ chưa nói là cần hay. Nhưng là một người mà đa số thời gian làm công việc chuyển ngữ từ tiếng Anh sang tiếng Việt hơn 10 năm qua, vốn liếng lận lưng vẫn còn quá ít ỏi so với bao bậc tiền bối cao nhân, tôi cũng chỉ dám đứng bên cạnh mà quan sát, mà học hỏi, chứ chưa dám chỉ trích gì vội vàng.
Ai sai thì phải nhận sai và xin lỗi. Đó là điều tối thiểu cần làm. Dù lý do gì đi nữa, thì tác phẩm cuối cùng phát hành có sai sót thì ê-kip phải nhận lỗi và rút kinh nghiệm. Nhưng dịch thuật là một việc làm khó, nhất là với những tác phẩm văn học. Với tôi, nó khó đến nỗi tôi sẽ chẳng làm nổi. Vì thế, tôi luôn trân trọng và ngả mũ kính phúc những người dịch, dịch giả. Họ vật vã với linh hồn mình để cho ra những câu chữ hay ho nhất. Tôi quá hiểu điều đó.
Tranh luận sai đúng ra sao, cần phải làm gì để hạn chế sai sót trong tương lai là điều quan trọng nhất, cần thiết nhất. Đừng vì 1 vài câu dịch dở mà vùi dập cả 1 dịch giả hay người dịch. “Phong độ là nhất thời đẳng cấp là mãi mãi”. Tuy nhiên, tôi cũng không cho rằng chỉ có những người chuyên môn, hay giới chuyên môn mới nên tham gia tranh luận trong lĩnh vực dịch thuật như nhận định ở đây, hay ở đây. Ai cũng có quyền đưa ra nhận định của mình, với tư cách của cá nhân (người đọc), hay người làm chuyên môn, hay báo chí.
Ở đời, phàm đã làm một việc gì đó, đừng bao giờ nói là sẽ không thể có sai sót. Cũng đừng cho rằng chỉ quá khứ mới tốt đẹp, hiện tại thì tồi tệ. Các dịch giả hiện nay họ cũng nỗ lực, cũng cố gắng, cũng có tấm lòng, chứ đừng nghĩ chỉ có người xưa mới thế như ý kiến này. Tôi cho rằng nhận định chỉ có quá khứ mới tốt đẹp và rồi cứ âu yếm quá khứ như vậy là phiến diện và không đem lại ích lợi gì cho hiện tại.
Tôi đọc ở đâu đó, thấy cũng hay, đại ý “con khỉ cũng có lúc ngã từ trên cây xuống đất”. Tôi chưa bao giờ dịch trọn vẹn một cuốn sách vì không đủ kiên nhẫn và cũng vì thù lao quá ít ỏi mà công việc thì quá vất vả. Ai làm được phải là người kiên nhẫn lắm, yêu việc lắm. Vì vậy, tôi rất cảm phục họ. Nếu tôi có làm việc liên quan tới tí ti dịch thuật thì hoàn toàn vì mục đích phi lợi nhuận như cuốn We the Media mà nhóm này thực hiện.
Nhưng cá nhân tôi thì nếu mua sách dịch, thấy hay thì sẽ khen nức nở, gặp ai cũng nhắc tới cuốn sách đó. Còn dở thì tôi chỉ đọc vài trang rồi thôi, không đọc nữa, không nhắc tới nữa, ai hỏi thì gợi ý họ không nên mua. Suy cho cùng, trí tuệ con người được tạo nên đâu phải chỉ từ ba cái thứ lẻ tẻ đó. Nếu rủng rỉnh tiền thì tôi cũng có thể mua sách gốc tiếng Anh bản in hoặc bản Kindle.
Kết luận: Cẩn thận kẻo con khỉ lại rơi từ trên cây xuống bây giờ!