Bánh của nàng Sally Lunn

Cách đây bốn thế kỷ, khi nàng Sally Lunn từ nước Pháp đặt chân đến thành phố Bath cổ kính của nước Anh, chắc nàng chưa hình dung rằng ở thế kỷ 21 này, du khách khắp nơi trên thế giới khi đến chơi ở Bath vẫn đều mong muốn được cắn một miếng bánh của nàng. Đến Bath mà chưa ăn bánh Sally Lunn thì nghĩa là chưa đến Bath.

Bath là thành phố còn nhiều di sản từ thời người Roman để lại. Bath là thành phố duy nhất trên thế giới mà cả thành phố di sản văn hoá thế giới. Nàng Sally Lunn có mặt ở đây từ năm 1680. Nàng bắt đầu làm chiếc bánh đầu tiên của mình phục vụ người dân địa phương và trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.
Nàng đã mang theo công thức làm bánh để tạo ra một loại bánh ngọt vừa phải, vị nhẹ mà thanh, ăn vào không
nặng bụng, được gọi là Sally Lunn Bun. Bánh của nàng nhanh chóng trở nên nổi tiếng đến mức, từ thời đấy, thói quen của mọi người là ăn bánh Sally Lunn và uống trà vào buổi chiều. Bây giờ, khi du khách đến Bath, họ phải đợi bên ngoài để được xếp chỗ vào ăn bánh và uống trà trong tiệm của nàng.
Du khách có thể cảm nhận được một không gian cổ xưa nhưng rất ấm cúng (vì chật. Hì) trong ngôi nhà, thưởng thức món bánh, uống ly trà đen nóng mà họ tự pha cùng sữa và đường.
Điểm đặc biệt là loại bánh ngày nay vẫn y nguyên như loại bánh từ thế kỷ 17. Bánh to tròn tròn, màu vàng ươm, cắt ngang đôi ra, phết một ít bơ bên trên, được bày trên một cái đĩa màu trắng. Bạn có thể ăn nó cùng với jam và cream đi kèm. Ăn bánh, uống trà Anh, nhìn ngắm những đồ vật cổ được bày xung quanh để cảm nhận miếng bánh tan mềm trong miệng.
Vị trí tiệm bánh của nàng cũng rất đặc biệt. Đó là ngôi nhà cổ nhất ở Bath, có từ năm 1492. Ngôi nhà này
cách năm phút đi bộ từ điểm tắm suối nước nóng thiên nhiên duy nhất ở Anh. Ở dưới ngôi nhà, các nhà khảo cổ học đã “đào bới” và tìm thấy nhiều chứng tích từ thời Roman và trung cổ, và họ vẫn giữ lại để trưng bày cho khách tham quan.
Tiệm bánh nhỏ và xinh xắn, cầu thang nhỏ. Nhà vệ sinh cũng nhỏ nhưng nó được lắp đặt các thiết bị hiện đại để tạo sự tiện nghi cho người dùng. Nếu bạn đi lên cầu thang hẹp, rồi lại đi xuống một cầu thang hẹp nữa thì sẽ thấy một điều độc đáo: Bảo tàng bếp. Ở đây, người ta vẫn giữ lại hình ảnh nàng Sally Lunn bằng sáp và chiếc lò nướng bánh cùng căn bếp nhỏ của nàng. Cái bếp nhỏ xinh, nàng Sally mặc váy xanh và đội mũ trắng đứng bên chiếc lò lửa. Trong lò, lửa cháy bập bùng, một chiếc xẻng để cho bánh vào và lấy bánh ra vẫn đặt trên lò, vài chiếc bàn để trộn bột, xô múc nước…Ở ngay cạnh đó là cửa hàng lưu niệm nhỏ xinh để du khách mua bánh mang về. Một chiếc giá 1,48 bảng. Nếu mua ba chiếc thì chỉ phải trả tiền hai chiếc.
Ngày nay, thương hiệu bánh Sally Lunn đã được nhân rộng ra nhiều nơi trên thế giới. Nhưng có lẽ, ăn bánh Sally Lunn ở Bath sau khi tắm nước khoáng nóng thì mới đúng kiểu. Ăn bánh xong, du khách có thể dạo quanh Bath, để chạm vào những di sản có từ xa xưa, để cảm nhận được một tâm hồn Bath cổ kính, hay ngồi ở quảng trường, lắng nghe những bản nhạc được các nghệ sỹ chơi theo một phong thái phóng khoáng nhưng hào hoa. Bất chợt, du khách quên rằng chiều đang xuống dần. Du khách thấy nuối tiếc, muốn ngày dài hơn để tiếp tục thưởng thức không gian yên bình của Bath. Nhiều người trong số họ lại đến với tiệm của nàng Sally Lunn vào hôm sau nữa.
Nàng Sally Lunn ạ, em chả biết làm bánh, chưa bao giờ làm bánh. Nhưng em sẽ làm đấy. Song có lẽ bánh em làm khó mà ngon như của nàng được. Thôi, để sau này nấu phở hay bún, rồi em mở tiệm phục vụ bà con gần xa.

Tiệm của em biết đâu cũng trở nên đông khách. Điểm thu hút khách của em là: ai ăn ba tô bún cùng một lúc thì chỉ phải trả tiền hai tô thôi! Hè hè.

(Bài viết 26.03.2007 07:29)

free hit counter

web counter

Cứu em!!!!

Hôm nay tâm trạng của mình rất lạ lùng. Hai cô giáo khen mình hai lần trên lớp vì viết bài tốt, có góc nhìn tốt về tin tức. Nhưng mình không thể vui được, mình đang rất buồn. Đáng lẽ mình phải vui mới đúng phải không? Nhưng mọi việc đều có lý do của nó.
Xin nói trước là hôm nay mình không mệt vì ăn ít đâu nha. Sáng 10h30 ăn một cái bánh croissant, uống một ly cà phê mocha, 2h ăn một quả táo, 7h ăn một gói chip, lại còn uống một chai nước nữa nha. Ây ây, đừng bực mình mắng em. Chúng ta cùng đi vào việc chính nào.

Lần được khen đầu tiên hôm nay có vẻ xịn lắm nhé. Cả lớp chia thành từng nhóm nhỏ để tập trung đưa tin về sự kiện Bộ trưởng tài chính Anh Gordon Brown tuyên bố về các kế hoạch sử dụng ngân sách của chính phủ Anh trong năm tới. Mỗi nhóm sẽ như một ban biên tập và phóng viên quyết định nội dung sẽ đưa trong tờ báo đặc biệt về ngân sách của chính phủ.

Nhóm mình có 5 người, mỗi người chọn làm một việc: tin, phóng sự, bình luận…cho tờ Daily Mail – một tờ báo dành cho những người có sự hiểu biết vừa phải ở Anh đọc.Mình chọn viết về môi trường. Gordon Brown sẽ đề cập đến các chính sách mới của chính phủ Anh trong việc vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ môi trường.

Bọn mình phải chuẩn bị trước cả tuần cho cái gọi là “big project” này, thậm chí có nhiều bạn đã viết bài xong trước khi Gordon Brown chính thức phát biểu trước Quốc hội.
Oái giời ôi, nhưng mình không làm giống họ được vì cái đề tài nó đã vốn dĩ lạ lẫm, rồi rối rắm lắm nên chỉ làm research trước thôi cũng đã đủ tẩu hoả nhập ma rồi. Lại còn chưa nói đến việc chọn vấn đề, góc nhìn, cách thể hiện…
Vì vậy, sáng nay đến lớp, thấy nhiều bạn thậm chí viết xong cả bài bình luận về tuyên bố trước khi nó được tuyên bố mà choáng, muốn xỉu.

Tiện đây nói luôn là tối hôm trước mình đi xem nhạc kịch đến nửa đêm mới về. He he he.

Thế nhá, đến lớp với tình hình là chưa phỏng vấn ai (thực ra cũng cố gắng gọi điện phỏng vấn rồi nhưng các tổ chức từ chối bình luận vì sự kiện đã xảy ra đâu hả giời!).
Mình bị stress vì cái gọi là “ngày quan trọng” này.
12h30 Gordon Brown bắt đầu phát biểu. Mình thích hình ảnh Gordon Brown cầm va ly màu đỏ vào quốc hội. Các bộ trưởng tài chính Anh luôn cầm va ly màu đỏ để đựng tài liệu phát biểu, trong đó có cả chai bia hoặc nước uống, tuỳ.
Các quan chức của đảng cầm quyền tiếp tục ngồi chịu trận để nghe đảng đối lập moi móc đủ thứ chuyện, nào là chính sách dở hơi biết bơi, nào là nói nhiều làm ít…. Mà đảng cầm quyền phải ngồi đấy nhá, không được đi đâu. Sượng lắm mà cũng phải chịu. He he he.
Thôi quay về chủ đề chính, tức là mình vẫn chưa có gì trong tay, nhưng đã kịp đăng ký vào danh sách email của Bộ tài chính Anh. Ở đây, khoái một cái là cần gì ở cơ quan nào thì chỉ cần gọi điện đến hỏi người phụ trách báo chí là có ngay lập tức.
Mình nhận email 30 phút sau khi Gordon bắt đầu phát biểu. Trong đó có những ý chính của bài phát biểu liên quan tới môi trường. Thật là may quá vì mình đang loay hoay với cái máy ghi âm của mình. Ông ấy nói tiếng Anh mà như tiếng Nhật ấy nhỉ? Nghe chả hiểu giề! He he he he.

Ok, kiếm vài ý chính để viết vào cái tin 500 từ. Một ý có vẻ hay chính phủ sẽ trợ cấp 300-4000 bảng cho những người hưởng lương hưu nếu họ lắp thiết bị cách nhiệt trong nhà (hiện vẫn chưa hình dung nó là cái chi chi) để tiết kiệm năng lượng. Mình loay hoay viết tin, rồi tìm trên mạng Internet vài địa chỉ để gọi điện phỏng vấn các tổ chức có thể bị ảnh hưởng từ chính sách mới về môi trường của chính phủ.

Câu hỏi phải trả lời là: Chính sách của chính phủ sẽ ảnh hưởng tới tôi như thế nào??? Tới gia đình tôi thế nào? Tới túi tiền của tôi thế nào?
Phi ra ngoài đường. Giời lạnh cắt da cắt thịt. Việc liên quan đến người nghỉ hưu thì phải hỏi người nghỉ hưu chứ nhỉ!
Một cụ già bảo: Ông ấy nói vớ vẩn. Chúng tôi ở nhà của nhà nước, nhà nào chả có sẵn cái thiết bị ấy. Ông ấy đang cho cái mà chúng tôi chả cần!

Ô hô, hay quá. Đưa ngay vào bài.
Được khen trước lớp vì đã ra đường phỏng vấn, vì cách nhìn vấn đề, cách quote câu nói.
Dĩ nhiên là ở lớp có người viết hay hơn nhiều, nhưng chắc vì các bạn không ra đường do thời gian dành cho việc viết lách chỉ có khoảng 2 tiếng.

Giời ơi, thế có buồn không?
Sao lại khen mình nhỉ? Phải khen bà già ấy mới đúng chứ. Nếu bà ấy không dám nói gì để phản đối cái chính sách “cho mà thật ra là không cho” của ông Brown thì mình lấy đâu ra mà viết nhỉ?! Mà phóng viên thì phải ra đường để hỏi thôi, có gì là lạ đâu mà khen? Híc híc. Chả hiểu giề! Kiểu này cũng giống như khen cảnh sát từ chối nhận tiền hối lộ ấy mà. Hà hà.
Còn lời khen thứ hai? Lời khen này khiến mình buồn lắm, vì nghĩ rằng mình không xứng đáng với lời khen đó. Kiểu này cũng giống như đội vương miện lên đầu một hoa hậu là mình (há há) mà mình biết (bản thân mình biết) là mình không xứng đáng như vậy. Sự dằn vặt trong lương tâm mới là sự trừng phạt khủng khiếp nhất.
Đáng lý mình được phép vui, nhưng thực ra lại cảm thấy rất nặng nề và buồn bã.
Thôi không kể lời khen thứ hai này đâu. Mệt rồi!
Ôi giời ôi, thiên thần quỷ sứ ơi. Cứu em!!!!!!
(Bài viết 22.03.2007 07:14)

free hit counter


web counter

Chạm tay vào lịch sử

Người đàn ông làm ở bảo tàng đó nói rằng tôi là người Việt Nam đầu tiên mà ông từng gặp trong cuộc đời làm nhân viên hướng dẫn tại bảo tàng của mình. Có hai khả năng để giải thích cho lời nói này.
Một là ông ấy không may nên không được gặp người VN đến bảo tàng. Họ đến mà ông không có đấy nên không gặp. Hai là ông ấy bị đãng trí nên quên. He he. Dứt khoát không thể có việc chưa bao giờ có người VN nào đến cái bảo tàng thành phố London đó được. Thế đấy, tôi kiêu ngạo thế đấy.
Người ta nói rằng muốn hiểu lịch sử London thì đến bảo tàng thành phố London, còn bảo tàng nước Anh thì toàn là những thứ của thiên hạ. Đúng thế thật.
Lịch sử thành phố được thể hiện và sắp đặt một cách khoa học và hấp dẫn với sự trợ giúp của các kỹ thuật tiên tiến. Người ta có thể ngồi vào một cái nhà có từ năm 1000 để thực sự xem cuộc sống của người London thời đó thế nào, rồi họ có thể xem cách phục chế gương mặt của một người phụ nữ từ xương sọ từ những năm 1200, người ta có thể xem lại hình ảnh của London sau trận cháy lịch sử.
Bảo tàng đem lịch sử đến cho người xem bằng đủ mọi giác quan: xúc giác, vị giác, khứu giác…Cuộc sống thiên nhiên? Có tiếng chim hót líu lo và tiếng lửa cháy tí tách vui tai, tiếng gió xào xạc, cuộc sống của những nơi buôn
bán sầm uất ở London thời xưa? Có ngay tiếng trò chuyện mặc cả ồn ào. Cuộc sống của những người thợ rèn? Có ngay tiếng đinh búa chát chát. Muốn xem cuộc sống của một tiểu thư quyền quý thế nào? Mời bạn tham gia trò chơi trên vi tính sau khi tham quan phòng ốc của nàng. Các em học sinh mang sách đến bảo tàng để học, đến từng vật trưng bày một thì các em lại mở sách ra xem, đối chiếu.

London từ lịch sử bước ra, gần gũi và dễ hiểu, dễ nhớ. Nhìn những em bé được cha mẹ hoặc thầy cô đưa đi xem bảo tàng, mình thấy vui, vì khi lớn lên, các em sẽ luôn giữ trong lòng một lịch sử London giàu có, để tự hào và hãnh diện. Một nền tảng vững vàng để dù đến nơi nào chăng nữa, các em cũng biết mình xuất thân từ đâu, có gì để nhớ, để các em không thảng thốt, không hoang mang trong thế giới rộng lớn này.
Mình nói chuyện với người đàn ông hướng dẫn trong bảo tàng, khen rằng bảo tàng rất đẹp và hay. Ông ấy nói rằng vì lịch sử London có từ hàng ngàn năm. Mình bảo, không hẳn lịch sử hay mà đã có bảo tàng hay, vì nhiều nơi có lịch sử hay nhưng không biết sử dụng nên thành chán, hoặc chẳng giữ được những lịch sử hay đây theo thời gian. Mất hết, vì chiến tranh loạn lạc, vì người ta không nghĩ rằng nên giữ những tồn dư của quá khứ, vì không hiểu mình phải giữ để làm gi, vì không thể giữ.
Mình có của mà không biết giữ thì biết trách ai nhỉ?
(Bài viết 17.03.2007 19:56)

free hit counter


web counter

Không gia đình

London dư thừa của cải. London là nơi mà rất nhiều người trên thế giới đổ xô đến làm việc, để học tập, hay thậm chí chỉ để hưởng trợ cấp xã hội. Những giữa những sự lộng lẫy kiêu sa đó là những cuộc đời không nhà, không cửa, không người thân, không việc làm. Họ sống thế nào? Ai lo cho họ?
Ai đó nói rằng cuộc đời mỗi người như những dòng sông, uốn quanh co khúc khuỷu. Sông có khúc, người có lúc. Ấy là nói đến cuộc đời lúc thăng lúc trầm, lúc tốt đẹp, lúc lại bất hạnh. Khi không hạnh phúc, họ cần sự giúp đỡ.
Các trung tâm bảo trợ của các nhà thờ được xem là những địa chỉ dành cho những người không có gia đình và không có việc làm. Tôi đến trung tâm Webber gần ga Waterloo vào một ngày tháng 2.2007 để viết bài cho một tạp chí dành cho người vô gia cư ở Anh. Đây là một tạp chí miễn phí do một luật sư người Anh lập ra, với sự góp công sức và bài vở của rất nhiều phóng viên của các báo nổi tiếng ở Anh.
Tôi là một đứa lớ ngớ tham gia vào đội này.
Lớ ngớ cũng là cảm giác của tôi khi đến Webber. Tôi đến cùng với một phóng viên ảnh – một người có công ty riêng về thiết kế mỹ thuật nhưng vẫn dành thời gian đi làm từ thiện kiểu này.
Lần đầu tiên đến một trung tâm dành cho người vô gia cư, mùi vị đầu tiên khi vào trung tâm là mùi khét lẹt của quần áo lâu ngày không giặt từ những người đàn ông thô ráp.
Tất cả mọi ánh mắt đều nhìn tôi. Chắc hẳn trong đầu họ đặt câu hỏi: Cô gái kia đến đây làm gì? Cô ta cần gì ở đây? Cô ta có vẻ không cần gì ở đây cả. Không, tôi không cần gì ở họ cả. Tôi nghĩ mình đang may mắn hơn họ rất nhiều.
Khoảng 50 người, mà trong đó chỉ có vài người phụ nữ, đang ăn sáng. Một bữa ăn sáng truyền thống của Anh, miễn phí, bao gồm đậu ninh cà chua, 2 lát bánh mỳ, 2 xúc xích con con.

Ngày nào cũng thế, bữa ăn sáng bắt đầu từ 9h. Sau đó, họ có thể lấy phiếu để đi tắm, quần áo có người giặt, có người cắt tóc, có bác sỹ tới khám bệnh hàng tuần, có người tư vấn để xin việc. Họ gặp nhau, nói chuyện, chơi cờ, đọc báo. Họ bế tắc
trước cuộc sống, nhưng họ có nơi để đến hàng ngày.

Khu nhà này khá sạch sẽ, thậm chí, nhà vệ sinh trông giống như ở khách sạn 3 sao ở VN. Chỉ có điều ánh sáng ở đây màu xanh để không cho những người này tiêm chích ma tuý trong nhà vệ sinh. Ánh sáng xanh sẽ khiến cho ven không thể nổi lên để họ tiêm ma tuý được.
(Bài viết 14.03.2007 09:13)

free hit counter


web counter

Đạo trà, đạo đời

Uống trà Nhật Bản và thưởng thức không khí trà đạo ở London thì thế nào nhỉ? Thú vị lắm. Làm thế nào một đất nước có nền kinh tế vào hàng đầu thế giới lại vẫn giữa được truyền thống hay ho như vậy?
Làm thế nào những nhân viên văn phòng bị coi là nghiện làm việc, đi như ma đuổi vẫn có thể dành thời gian để thưởng thức cái không khí đầy vẻ tĩnh mịch, yên ắng, đầy sự trân trọng và chậm chạp lề mề khi uống trà như vậy?
Đó không phải là cái quán trà, đó chỉ là một cái phòng ấm cúng, trang trí giản dị, tông màu hồng từ hoa và hai chiếc quạt xoè ra (cái này làm mình liên tưởng đến chiếu chèo ở nhà). Thầy pha trà (gọi là tea master) là Chizuko Kimura, người phụ nữ đến từ cố đô Kyodo của Nhật Bản. Bà khoảng hơn 40 tuổi, sống ở London từ năm 1991. Không khí trong phòng im lìm, tự nhiên nó thế đấy. Có lẽ một phần vì âm nhạc phát ra. Nhạc truyền thống Nhật Bản có tác dụng rất tốt trong việc ru ngủ. Mô phật. Lại nghĩ không tốt rồi. Hí hí.

Trà đạo là nghệ thuật. Hẳn rồi. Nghệ thuật nên từ lúc bắt đầu đến lúc uống đựơc ngụm trà nó mới lâu đến thế. Vài lần cúi gập người xin phép, vài lần nâng chiếc chén lên ngắm nghía. Khác hẳn Starbuck nhỉ?

Lễ uống trà được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc khoảng năm 600 trước Công nguyên. Đây là sự kết hợp giữa tính chất Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật uống trà. Dân Tây không hiểu, cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn cách bà Chizuko pha trà. Họ không thể hiểu được tại sao lại phải lâu như thế mới uống được trà như

vậy. Từ nhỏ đến lớn, họ ăn nhiều đồ ăn nhanh, mua hàng làm sẵn trong siêu thị, yêu nhau thì hôn nhau chùn chụt ngoài đường thì khó mà hiểu được cái sự tôn kính, cung kính giữa chủ và khách khi uống trà của người Nhật Bản.

Mục đích của lễ uống trà, như mà Chizuko giải thích, là nhằm tìm sự thư thái trong tâm hồn, sóng gió cuộc đời để qua một bên, cả chủ và khách cùng thưởng thức cái hương vị của trà, cùng nhau đàm đạo, tận hưởng cuộc sống yên bình, thanh khiết.
Thủ tục uống trà rất loằng ngoằng. Bạn phải quỳ gối xuống, rồi nâng rổ con con đựng bánh ngọt lên ngang mặt, cúi đầu xuống, tỏ ý sẽ ăn bánh. Bạn lấy một tờ giấy được để sẵn gần rổ bánh, nhặt một chiếc bánh cho vào giấy. Sau đó, bẻ vụn ra, nhặt từng miếng nhỏ đưa vào miệng. Nhai nhỏ nhẹ thôi, ăn bánh thì khác nhai thịt, nhỉ? Bánh ngọt, tí nữa uống trà đắng. Aáy là cuộc đời cả ngọt và đắng vậy. Người ta phải ăn bánh xong rồi mới uống trà.
Có ba loại trà là bancha, sencha và matcha. Tôi thưởng thức loại trà matcha. Đây là bột trà màu xanh. Bình thường, ta cho trà vào, quấy nước lên rồi uống một lèo. Nhưng thế thì còn gì là trà đạo nữa. Người pha trà làm các động tác tráng bát, lau bắt, pha trà, quấy trà thật nghệ thuật, nhẹ nhàng, không thừa động tác nào. Mọi thứ đều được sắp đặt ngăn nắp, trật tự. Người pha trà thì cứ pha, ai uống trà thì cứ tròn mắt ra nhìn.

Khi bát trà để trước mặt khách, khách cúi gập người xuống, để hai tay xuống chiếu, nói “Tôi sẽ uống trà”. Người chủ cũng cúi gập người xuống. Khách nâng bát trà lên bằng tay phải, đặt vào lòng bàn tay trái. Rồi lấy ngón tay cái và đầu những ngón tay còn lại của bàn tay phải, xoay hai lần bát trà theo chiều ngược kim đồng hồ để mặt ngoài của bát trà hướng ra ngoài. Rồi khách uống thử lần đầu tiên, nhấp môi. Chủ sẽ hỏi: “Trà thế nào ạ?” Khi ấy, dù ngon hay không, khách cũng nên nói rằng: “Ngon tuyệt”.

Lượng trà trong bát rất ít, chỉ đủ dùng cho ba lần nhấp môi. Khách cũng được khuyên là chỉ nên đưa bát lên miệng ba lần. Uống hết rồi, khách lấy ngón tay cái và đầu ngón tay trò, lau nhẹ trên miệng bát chỗ vừa uống, lau tay bẩn vào tờ giấy đựng bánh cũng được. rồi xoay bát hai lần theo chiều kim đồng hồ để nó trở về vị trí ban đầu. Khách sẽ cúi nhẹ người xuống, giơ bát lên để ngắm các chi tiết trên bát làm từ chất liệu gốm, có thể khen nếu thấy đẹp. Sau đó, đặt bát lại về phía chủ nhà.
Nói chung, kể ra thì ngắn vậy, nhưng để uống trà theo đúng kiểu Nhật thì rất mệt (chứ không phải là hết mệt à? He he). Bà Chizuko đã dành 12 năm để học và trở thành tea master. Ngày nay, không phải cô gái Nhật nào cũng biết cách pha trà giống bà, nhưng lễ uống trà vẫn được xem là một nét văn hoá rất đặc trưng của người Nhật, có ảnh hưởng lớn tới lối suy nghĩ và cách sống của họ. Nhiều gia đình có con gái lớn chuẩn bị lấy chồng (và cả con gái lớn sắp quá tuổi lấy chồng. He he) vẫn gửi con theo học những trường dạy cách pha trà. Đó cũng là cách người Nhật giữ truyền thống của mình dù đã rất phát triển về kinh tế.
Cảm giác sau khi uống trà: Tỉnh như sáo vì trà đặc quá; Càng tò mò hơn về văn hoá Nhật Bản.