Đạo trà, đạo đời

Uống trà Nhật Bản và thưởng thức không khí trà đạo ở London thì thế nào nhỉ? Thú vị lắm. Làm thế nào một đất nước có nền kinh tế vào hàng đầu thế giới lại vẫn giữa được truyền thống hay ho như vậy?
Làm thế nào những nhân viên văn phòng bị coi là nghiện làm việc, đi như ma đuổi vẫn có thể dành thời gian để thưởng thức cái không khí đầy vẻ tĩnh mịch, yên ắng, đầy sự trân trọng và chậm chạp lề mề khi uống trà như vậy?
Đó không phải là cái quán trà, đó chỉ là một cái phòng ấm cúng, trang trí giản dị, tông màu hồng từ hoa và hai chiếc quạt xoè ra (cái này làm mình liên tưởng đến chiếu chèo ở nhà). Thầy pha trà (gọi là tea master) là Chizuko Kimura, người phụ nữ đến từ cố đô Kyodo của Nhật Bản. Bà khoảng hơn 40 tuổi, sống ở London từ năm 1991. Không khí trong phòng im lìm, tự nhiên nó thế đấy. Có lẽ một phần vì âm nhạc phát ra. Nhạc truyền thống Nhật Bản có tác dụng rất tốt trong việc ru ngủ. Mô phật. Lại nghĩ không tốt rồi. Hí hí.

Trà đạo là nghệ thuật. Hẳn rồi. Nghệ thuật nên từ lúc bắt đầu đến lúc uống đựơc ngụm trà nó mới lâu đến thế. Vài lần cúi gập người xin phép, vài lần nâng chiếc chén lên ngắm nghía. Khác hẳn Starbuck nhỉ?

Lễ uống trà được du nhập vào Nhật Bản từ Trung Quốc khoảng năm 600 trước Công nguyên. Đây là sự kết hợp giữa tính chất Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật uống trà. Dân Tây không hiểu, cứ mắt tròn mắt dẹt nhìn cách bà Chizuko pha trà. Họ không thể hiểu được tại sao lại phải lâu như thế mới uống được trà như

vậy. Từ nhỏ đến lớn, họ ăn nhiều đồ ăn nhanh, mua hàng làm sẵn trong siêu thị, yêu nhau thì hôn nhau chùn chụt ngoài đường thì khó mà hiểu được cái sự tôn kính, cung kính giữa chủ và khách khi uống trà của người Nhật Bản.

Mục đích của lễ uống trà, như mà Chizuko giải thích, là nhằm tìm sự thư thái trong tâm hồn, sóng gió cuộc đời để qua một bên, cả chủ và khách cùng thưởng thức cái hương vị của trà, cùng nhau đàm đạo, tận hưởng cuộc sống yên bình, thanh khiết.
Thủ tục uống trà rất loằng ngoằng. Bạn phải quỳ gối xuống, rồi nâng rổ con con đựng bánh ngọt lên ngang mặt, cúi đầu xuống, tỏ ý sẽ ăn bánh. Bạn lấy một tờ giấy được để sẵn gần rổ bánh, nhặt một chiếc bánh cho vào giấy. Sau đó, bẻ vụn ra, nhặt từng miếng nhỏ đưa vào miệng. Nhai nhỏ nhẹ thôi, ăn bánh thì khác nhai thịt, nhỉ? Bánh ngọt, tí nữa uống trà đắng. Aáy là cuộc đời cả ngọt và đắng vậy. Người ta phải ăn bánh xong rồi mới uống trà.
Có ba loại trà là bancha, sencha và matcha. Tôi thưởng thức loại trà matcha. Đây là bột trà màu xanh. Bình thường, ta cho trà vào, quấy nước lên rồi uống một lèo. Nhưng thế thì còn gì là trà đạo nữa. Người pha trà làm các động tác tráng bát, lau bắt, pha trà, quấy trà thật nghệ thuật, nhẹ nhàng, không thừa động tác nào. Mọi thứ đều được sắp đặt ngăn nắp, trật tự. Người pha trà thì cứ pha, ai uống trà thì cứ tròn mắt ra nhìn.

Khi bát trà để trước mặt khách, khách cúi gập người xuống, để hai tay xuống chiếu, nói “Tôi sẽ uống trà”. Người chủ cũng cúi gập người xuống. Khách nâng bát trà lên bằng tay phải, đặt vào lòng bàn tay trái. Rồi lấy ngón tay cái và đầu những ngón tay còn lại của bàn tay phải, xoay hai lần bát trà theo chiều ngược kim đồng hồ để mặt ngoài của bát trà hướng ra ngoài. Rồi khách uống thử lần đầu tiên, nhấp môi. Chủ sẽ hỏi: “Trà thế nào ạ?” Khi ấy, dù ngon hay không, khách cũng nên nói rằng: “Ngon tuyệt”.

Lượng trà trong bát rất ít, chỉ đủ dùng cho ba lần nhấp môi. Khách cũng được khuyên là chỉ nên đưa bát lên miệng ba lần. Uống hết rồi, khách lấy ngón tay cái và đầu ngón tay trò, lau nhẹ trên miệng bát chỗ vừa uống, lau tay bẩn vào tờ giấy đựng bánh cũng được. rồi xoay bát hai lần theo chiều kim đồng hồ để nó trở về vị trí ban đầu. Khách sẽ cúi nhẹ người xuống, giơ bát lên để ngắm các chi tiết trên bát làm từ chất liệu gốm, có thể khen nếu thấy đẹp. Sau đó, đặt bát lại về phía chủ nhà.
Nói chung, kể ra thì ngắn vậy, nhưng để uống trà theo đúng kiểu Nhật thì rất mệt (chứ không phải là hết mệt à? He he). Bà Chizuko đã dành 12 năm để học và trở thành tea master. Ngày nay, không phải cô gái Nhật nào cũng biết cách pha trà giống bà, nhưng lễ uống trà vẫn được xem là một nét văn hoá rất đặc trưng của người Nhật, có ảnh hưởng lớn tới lối suy nghĩ và cách sống của họ. Nhiều gia đình có con gái lớn chuẩn bị lấy chồng (và cả con gái lớn sắp quá tuổi lấy chồng. He he) vẫn gửi con theo học những trường dạy cách pha trà. Đó cũng là cách người Nhật giữ truyền thống của mình dù đã rất phát triển về kinh tế.
Cảm giác sau khi uống trà: Tỉnh như sáo vì trà đặc quá; Càng tò mò hơn về văn hoá Nhật Bản.

Comments