Vấn đề ăn

Ăn mà thành vấn đề mới khổ chứ! Trước khi đến cái xứ London này, mình chả bao giờ để ý rằng mình ăn cái gì. Tức là hàng ngày vẫn ăn cơm, ăn thịt, ăn cá, ăn rau là được. Có đồ ăn là tốt rồi, còn đòi hỏi gì nữa nhỉ?! À, còn quan tâm đến việc ăn rau thì có thuốc trừ sâu không, ăn hoa quả thì cứ lo bị đau bụng.
Sang đây, các vấn đề đây không còn là vấn đề nữa. Thức ăn đảm bảo không đau bụng, trừ phi mình ăn hổ lốn các thứ lẫn với nhau thì khiến chúng nó đánh nhau trong bụng thôi.
Nhưng vấn đề khác lại nảy sinh: ăn thế nào cho khoẻ mạnh.
Thức ăn ở đây quá bổ dưỡng, giàu chất đạm, giàu đủ các loại chất, lại nhiều, lại bày biện đẹp. Hấp dẫn quá.
Chả trách thiên hạ cứ béo phì ra.
Chả trách thiên hạ cứ tròn mắt nhìn mình và tấm tắc khen người mình đẹp. Chuyện!
Mình ăn gì nhỉ? Ăn bình thường thôi. Nấu ăn. Ăn nhiều đồ tươi.
Tránh ăn đồ làm sẵn vì chúng có nhiều chất bảo quản – nói cách khác là chất hoá học độc hại cho cơ thể.
Ăn vừa phải, không quá no, ăn làm nhiều bữa, ăn nhiều hoa quả. Ăn sáng là một ly nước cà rốt và táo ép tươi và một trái chuối.
Tối trước khi đi ngủ thì uống một ly sữa. Da đẹp không có mụn và eo không thừa một tẹo thịt nào. Đẹp!
Cố gắng ăn cá một tuần một lần (phải cố vì thường mình hay bị dị ứng với cá. Trừ phi chế biến thật ngon như làm cá cuốn gỏi thì ok, nếu không thì ăn phải cẩn thận kẻo cá lại phi ra ngoài qua đường miệng).
Mình vẫn ăn thịt. Mình vẫn bảo là mình không thể sống thiếu thịt. Thịt, ừ, nói đến thịt.
Ở Anh nhiều người ăn chay, tức đồ ăn của họ hoàn toàn không có thịt động vật. Họ được gọi là vegetarian.

Họ ăn hoa quả, ăn rau, bánh mỳ… Họ ăn đồ organic, tức là trồng trọt hoàn toàn tự nhiên mà không có các phụ
gia bảo quản.
Các đồ này thường đắt hơn gấp đôi so với thực phẩm cùng loại mà trồng kiểu tiêm chích.
Còn một kiểu ăn khác nữa gọi là vegan đang trở thành xu hướng mới ở Anh.

Đây là những người hoàn toàn không dùng bất kỳ các sản phẩm nào từ động vật.

Kiểu ăn này là cấp cao hơn của ăn chay, họ không uống sữa, không dùng áo lông chim lông gà, không ăn bơ. Đồ ăn của họ hoàn toàn là tự nhiên và hầu như không qua chế biến trước.

Họ ăn chay kiểu này vì nhiều lý do: họ muốn khoẻ mạnh, vì lý do tôn giáo, vì lòng thương cảm động vật (hình dung chúng ta ăn thịt chó mà con chó đó trước đây là bạn của chúng ta; hay ăn thịt gà mà con gà lại gọi ta dậy hàng sáng, vắt sữa con dê hay con bò – nếu bạn nữ hình dung mình cũng bị vắt như thế thì như thế nào nhỉ? Ha ha), hay họ muốn bảo vệ môi trường…

Họ có lý của họ. Cơ thể của chúng ta thể hiện rõ chúng ta đã cho cái gì vào miệng.
Nếu thức ăn quá béo, quá mặn, quá nhạt, quá cay, quá các loại quá, chúng ta sẽ mắc bệnh.

Không những bệnh lý cơ thể, mà là bệnh trong đầu óc nữa. Một dạng bệnh tâm lý.
Trung Quốc chứng kiến một thế hệ mới trẻ em béo phì không kiểm soát nổi. Tác hại của thực phẩm dư thừa và các loại thực phẩm ăn nhanh làm sẵn.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng, các thực phẩm ăn nhanh khiến con người bị nghiện. Sáng ăn bánh mỳ Mc Donald, chiều ăn gà rán Kentucky.
Mình khiếp kiểu ăn của người Anh. Nó không giống ai cả, nó là một thứ thập cẩm các loại và không theo trường phái nào.
Mình ngưỡng mộ những người ăn chay và cho rằng mình chả bao giờ có thể làm giống họ được.
Mình không dám nhìn cảnh người ta giết động vật, nhưng không đủ can đảm để từ chối một miếng thịt ngon. Đến khổ!
Mình nói chuyện với Ben, một người là vegan 20 năm nay và là chủ một cửa hàng ăn chuyên bán đồ cho người vegan.
Ông ấy nói là vegan không chỉ là không ăn thịt, mà còn là một lối sống lành mạnh, tức là ăn đủ chất, tập thể dục và uống nhiều nước và sống trong thiên nhiên.
Người ta không cần ăn thịt vẫn có thể đủ chất. Tất nhiên, phải mất thời gian tìm hiểu các chất dinh dưỡng trong từng loại thức ăn và kết hợp cho khoa học.
Mình hỏi: Bận lắm, thời gian đâu mà làm những cái đấy?
Ben nói: Nếu bạn bận đến mức bạn không thể quan tâm tới đồ ăn mà bạn cho vào miệng để bạn có một cơ thể khoẻ mạnh, thì bạn bận chả để làm gì cả.

Ai mà chả biết thế, nhỉ? Nhưng mình có đủ dũng khí để từ chối những món ăn làm từ động vật hấp dẫn không?
Cái gì đến sẽ đến thôi. Đang ham sân si lắm, ép toàn ăn rau thì sao chịu nổi! Nhưng có lẽ ít ăn thịt hơn là một lựa chọn chăng?

Viết ngày 25.05.2007 23:58

free hit counter


web counter

Báo cuối tuần

Tờ Telegraph có khổ báo giống tờ Lao Động. Báo này ra hàng ngày. Cuối tuần, tờ báo này nặng khoảng 1kg, gồm những phần báo sau:
* Tờ báo chính: 36 trang.

* Chuyên mục Thể thao: 24 trang
* Chuyên mục du lịch: 24 trang

* Chuyên mục mô tô xe máy: 12 trang
* Chuyên mục bất động sản trong nước + nước ngoài: 30 trang
* Chuyên mục Tiền của bạn: 14 trang

* Chuyên mục bình luận về nghệ thuật, sách và cuộc sống số: 32 trang
* Chuyên mục Cuối tuần (sống khoẻ, thực phẩm đồ uống, gia đình, đất nước): 20 trang
* Chuyên mục làm vườn: 8 trang
* Tạp chí chuyên về du lịch (giấy bóng, dày, bìa đẹp): 92 trang
* Tạp chí chuyên về truyền hình và phát thanh: 32 trang
* Tạp chí xã hội: 114 trang (giấy bóng dày đẹp)
* Một đĩa CD kể chuyện thời lịch sử.
Giá: 1,4 bảng, tương đương giá tiền ½ ly ca phê Starbuck. (giống như 1.400 đồng ở nhà mình, tính thế cho nó tiện)

Miễn bình luận, nhờ!
(Bài viết 13.05.2007 23:39)

free hit counter


web counter

Tiệc ôm

Khoảng 15 người lạ gặp nhau ở một phòng nhỏ. Việc đầu tiên, họ thay quần áo. Họ mặc đồ ngủ dài. Trước hết, họ nói chuyện với một người hướng dẫn để biết những quy tắc của tiệc ôm, rồi họ nói chuyện với nhau.
Những câu chuyện vui vẻ, dễ chịu, chia sẻ và những tiếng cười. Rồi họ mát-xa vai, lưng, họ nắm tay nhau, họ ôm nhau. Họ im lặng. Lắng nghe nhịp đập và cảm xúc của nhau.

Loại tiệc này mới du nhập vào London từ đầu năm 2007. Nói là tiệc nhưng chẳng có cái gì ăn đâu.
Những người lạ mặt gặp nhau để chia sẻ tình cảm, động viên nhau vượt qua nỗi cô đơn. Nhiều người ở London cô đơn lắm.
Theo một nghiên cứu hồi Giáng sinh năm ngoái, 43% số người ở London đón ngày lễ trọng của gia đình này một mình. Ở cái thành phố 7 triệu dân này, người ta có thói quen đi trên đường nhìn xuống đất chứ không ngó nghiêng xung quanh. Trên tàu ngầm hoặc xe bus, những kẻ nói năng rổn rảng hoặc cười phớ lớ đích thị là từ ngoài London đến, hoặc là dân du lịch. Bị dân bản địa lườm là cái chắc. Vẻ mặt người London nghiêm túc
lắm. Nghiêm nghị í. Khó đăm đăm ấy. Người London được xem là những người lúc nào cũng bị căng thẳng nhất, mệt mỏi nhất, thô lỗ nhất châu Âu.
Sự ra đời của loại tiệc này – mà hiện nay nó đã trở thành một loại hình dịch vụ tại London – có nên bị xem là một lời cảnh báo cho xã hội tràn ngập nỗi cô đơn hay không? Có thể lắm chứ.
Nước Anh cần nhân lực nên hàng loạt nhân công từ nhiều quốc gia khác kéo đến đây làm việc. Lương không cao nhưng nếu so tỉ giá hối đoái với quê nhà thì cũng là khoản khá khá. Kiếm tiền ở nơi xứ người cũng khó mà bù đắp được nỗi cô đơn. Gia đình và người thân yêu của họ đều ở quê nhà. Trống vắng chiều nay, dâng trong lòng anh/em/tớ/bạn…
Văn hoá phương Tây cổ suý cho lối sống cá nhân và lối suy nghĩ cá nhân. Tốt thôi, vì nó thúc đẩy sự sáng tạo và tính đa dạng trong xã hội. Nhưng cái gì cũng có hai mặt của nó. Đến bây giờ, người ta mới giật mình nhìn lại khi thấy một kết cấu xã hội lỏng lẻo. Không hiếm gia đình mà bố ở châu Phi, mẹ ở châu Mỹ, một con học ở châu Âu và một con làm việc ở châu Á. Bà nội ông ngoại cho vào viện dưỡng lão. Sò-zý.
Tiến sỹ tâm lý học Malcom Cross nói rằng một lý do nữa khiến cho loại tiệc ôm này trở thành hiện tượng ở phương Tây là vì tâm lý sợ người khác làm hại của con người ở đây. Thứ tâm lý khiến con người ta mỏi mệt nhất chính là lúc nào cũng nghĩ người khác là kẻ thù của mình. Thay vì chia sẻ, người ta đóng cửa lại, ngồi trong nhà cho an toàn. Cái tội này một phần là cái tội của báo chí, lúc nào cũng toàn tin trộm cắp, cướp của, giết người, khủng bố. Tiệc ôm sẽ giúp dẹp bỏ nỗi lo ngại ấy.

Người mang loại tiệc ôm này đến London là Sam, một chuyên gia về liệu pháp massage. Cô này có thể ngồi nói nhiều giờ đồng hồ về liệu pháp này. Nói nhiều lắm, nhưng mình nhớ nhất là cô ấy nói: Trẻ em nếu được ôm ấp và vuốt ve tình cảm đầy đủ, khi lớn lên, bé sẽ có xu hướng ngoan hơn, biết nghe lời hơn, và tình cảm hơn.
Riêng cái vụ này thì cả người lớn cũng thế, chứ chả cứ gì là trẻ em, nhể?
Mình gọi Sam là người hàn gắn những lỗ hổng trong xã hội hiện đại. Sam thích lắm.
Một lúc nào đó, ở VN sẽ xuất hiện loại hình tiệc ôm này.

Hình như bây giờ cũng có nhu cầu rồi thì phải. Con người ở đâu chẳng cần được nắm tay, âu yếm và vuốt ve.

Đạt Lai Lạt Ma nói rằng: Chúng ta có thể sống mà không cần tôn giáo hay ngồi thiền, nhưng chúng ta không thể sống sót nếu không có tình yêu thương lẫn nhau.
Ghi chú: Nói đến tiệc ôm thì chắc nhiều người sẽ nghĩ đến tình dục. Phải tội chết nhé. Hoàn toàn trong sáng đấy. Có sẵn các nhà tâm lý và tình dục học để tư vấn cho những người bỗng nhiên không kiểm soát được phần
đấy. He he.
À, mà tớ cũng chưa thử. 30 bảng/2 tiếng. Hình như chưa có nhu cầu. May quá!
(Bài viết 22.04.2007 13:52)

free hit counter


web counter

Hổ ơi là xấu hổ ơi!

Vụ 41 con hổ được các cá nhân nuôi ở Bình Dương đang gây tranh cãi. Không ai chịu ai về giải pháp đối với số phận 41 chú này. Nuôi tiếp? Cho chết nhẹ nhàng? Ai nuôi? Nuôi thế nào? Có phạt không? Có tù không?

Bác giám đốc công ty bia Pacific nuôi 23 chú, được báo chí VN đưa tin khá dày đặc. Tuy nhiên, theo dõi vụ này khiến mình tẩu hoả nhập ma. Mình cũng ngố giống dân tình thôi. Dân tình bênh vực bác nuôi hổ, cho bác ấy là người có lòng thương yêu súc vật, rằng chính quyền đòi tịch thu hổ là bắt nạt dân…Sự thực thì thế nào?
Tự đặt câu hỏi và tự trả lời sau khi em tham khảo ý kiến các chuyên gia như sau:
1/ Ông ấy nuôi hổ thì có phải là nhân đạo không?
Ban đầu thì có thể có, vì 6 con hổ con ốm sắp chết (thì thấy ông ấy bảo thế thì biết thế! Có giấy bác sỹ bảo hổ ốm thật không?). Nhưng sau đó ông ấy lại cho chúng sinh sôi nảy nở ra vài chục con thì lại thành không tốt.
2/ Vì sao nuôi hổ đẻ ở nhà ông ấy lại không nên?

Vì nuôi hổ là mốt của nhà giàu (Giàu thì mới nuôi được hổ nhá. Tốn chết tạo ra thị trường buôn bán hổ các bác thợ săn vào rừng đi được ấy!) tìm hổ vì săn hổ có sẵn đỡ tốn kém hơn phải nuôi một chú mới, các chú hổ trong tự nhiên vốn ít ỏi lại càng bị teo.
3/ Nuôi hổ có phải là bảo tồn hổ không?
Không. Bảo tồn là giữ lại nguyên vẹn, tức là loài hổ phải được sống trong môi trường tự nhiên, có tác động với loài khác, săn mồi tự nhiên. Hổ được sống với mẹ (cho đến khi em lớn!), được mẹ dạy cho cách sinh tồn như ăn con gì, không ăn con gì, tự bảo vệ mình như thế nào.
Làm sao gọi là bảo tồn được nếu nuôi hổ trong chuồng, trong nhà có máy lạnh, thi thoảng thả mấy con gà vào cho nó ăn, rồi khen hổ hiền như mèo, rồi cho nó uống sữa bò hay sữa dê. Ở Thái Lan người ta còn cắt vuốt hổ và nhổ răng hổ (cho nó móm và khỏi cào cấu nhé!). Ở VN thì em không dám nói có vụ này không vì em chưa đến tận nơi để xem. Nhưng em thấy có hình chụp trên VNN bác nào đó cho hổ uống sữa bằng bình sữa mà trẻ con nó bú í. “Yêu” ghê!
4/ Nuôi cũng được chứ sao? Nuôi kiếm tiền mà không tốt à?
Không tốt. Hổ đang bị tuyệt chủng. Nếu cho phép nuôi thế thì ai cũng nuôi thì có mà loạn à? Nuôi hổ cho chúng đẻ, tức là làm yếu đi gen của loài hổ. Lúc nó lớn thì sao? Thả vào tự nhiên thì có nhiều khả năng: Nó chết vì nó không biết săn mồi và bị con khác giết chết vì …ghét! Nó đi lung tung rồi khéo mồm tán tỉnh các em/anh hổ rừng rồi lại đẻ ra đống con làm suy thoái gen hổ gốc. Cái này là hỏng đấy!
Mà tiếp tục nuôi thì tốn chịu không nổi. Nghe nói mỗi tháng tốn cả trăm triệu đồng. Tốn thì phải thu lại vốn thôi. Thế là thành nuôi hổ vì mục đích thương mại. Điều này bị tuyệt đối cấm.
Nuôi hổ + mua bán hổ + tàng trữ hổ = Nuôi + Mua bán + tàng trữ hàng quốc cấm.

5/ Bằng việc cho phép cá nhân nuôi hổ, VN có đứng trên luật pháp quốc tế được không? Biết đâu mình tạo một cột mốc “vô tiền khoáng hậu” – đi trước thời đại cho phù hợp với tình hình VN?
Câu hỏi vớ vẩn! Nhưng vẫn phải trả lời. VN đã ký công ước quốc tế về bảo tồn loài hổ hoang dã. Đây là sứ mệnh của mọi quốc gia, mọi chính quyền, và mỗi người dân đều phải “xắn tay áo” làm việc này. Đây không phải là việc riêng của các tổ chức bảo tồn thiên nhiên hay động vật hoang dã. Ai muốn thấy một lúc nào đó loài hổ tự nhiên chỉ còn là trong các câu chuyện cổ tích về ông ba mưới?
6/ Vậy nuôi hổ là tốt với nó hay tàn nhẫn với nó?
Tốt thật, có tâm thật thì phải giao đàn hổ gốc mà mình may mắn sở hữu đấy cho các tổ chức có chức năng hay các nhà khoa học để họ trả đàn hổ về thiên nhiên và bảo vệ chúng ngay cả khi chúng sống ở thiên nhiên. Sau đó chu cấp tiền (nếu thích) cho các nhà chuyên môn nuôi cho phù hợp. Không có môi trường nhân tạo nào hoàn hảo bằng môi trường tự nhiên để loài hổ sinh sống, tức là nó có những tương tác với môi trường như bình thường.
Hoàn hảo nhất là: Bảo vệ loài hổ ở vòng ngoài cùng của khu bảo tồn, còn bên trong thì kệ nó.
7/ Vì sao vẫn có người bảo là nuôi hổ là tốt, là bảo tồn?

Vì họ không hiểu vấn đề theo khía cạnh khoa học mà để tình cảm lấn át lý trí. Thực tế, đôi khi ý kiến các nhà khoa học không được lắng nghe.
8/ Hổ có ăn thịt người không?
Lại hỏi vớ vẩn nữa. Không! Hổ tránh người, bản năng nó ghét thấy người. Hổ ăn tuần lộc, lợn hoang dã, voi con, trâu, gấu, chim, các loài bò sát, cá. Khi “xử lý” những con mồi lớn hơn mình, cách ăn thịt của nó là cắn vào cổ họng con mồi cho đến khi nó chết. Như vậy hổ không ăn thịt người, nhưng nó sẽ ăn nếu nó thấy đói mà không săn được các con mồi khác (vì bọn đấy chạy khoẻ hơn).
Hổ thích nghịch nước (giống mình!). Nó có thể bơi được vài mét (khá hơn mình!). Một con hổ có thể ăn từ 18 đến 40 kg thịt một lúc. (khiếp!)

9/ Hổ là mèo phải không?
Đúng vậy. Hổ là con mèo lớn. Mèo là con hổ nhỏ. Ha ha.
10/ Có bao nhiêu con hổ còn lại trong tự nhiên? (Hổ thật ấy, hổ xịn ấy)

Theo Wiki, theo con số chưa đầy đủ, nhiều thông tin cho rằng có 200 con hổ ở VN. Nhưng thực tế là gì? Người ta nhìn thấy hổ từ 15 năm trước đây, sau đó, không ai còn thấy con hổ nào nữa, chứ đừng nói là theo dõi được nó. Vì vậy, hoặc là nó bị săn bắn ác quá nên teo hết rồi, hoặc là nó ghét người lắm nên nó không cho ai nhìn thấy.
Theo giáo sư Võ Quý, nhà bảo tồn đời sống hoang dã hàng đầu ở VN, chỉ còn 10-15 con hổ Đông Dương ở VN, xuất hiện ở những khu rừng thưa thớt. Nghĩa là gì? Nghĩa là chúng có thể bị tuyệt chủng nếu không có những dự án bảo tồn nghiêm túc nhằm duy trì môi trường sống cho hổ.
Tuy nhiên, không dễ chút nào vì các bác thợ săn thì phải đi săn mới có cái ăn, các bác nông dân thì cần đất nên đôi khi phá rừng làm nương rẫy. Còn rừng đâu cho hổ sống nữa!
Kết luận: Em yêu thiên nhiên và các loài động vật. Em không ủng hộ việc cá nhân nuôi hổ. Em không ăn thịt các thú rừng vì em không muốn tiếp tay cho bọn săn bắt thú rừng dã man. Nhưng em ăn thịt các loài mà nhà mình nuôi được, ví dụ như thịt heo, thịt gà, thịt bò, thịt …(Các bác biết em định nói tiếp thịt gì rồi đấy!)
Em không dùng cao hổ. Em có thể tìm một giải pháp thuốc khác thay thế cao hổ, vì cao hổ có phải thuốc tiên đâu!
Em không mặc áo lông hổ, vì …đắt.
Hãy là người uống bia thông thái!

Em xin hứa, xin hứa!

(Sau vài ngày, tự nhiên mình trở thành nhà hổ học!)

(Bài viết 06.04.2007 09:58)
free hit counter


web counter

Cảm giác cuối cùng

Chín giờ đêm. Paris. Đại lộ Elysee rực rỡ ánh đèn. Một lữ khách lững thững đi dạo trên vỉa hè. Hết một vỉa hè bên này rồi, ta quay sang vỉa hè bên kia. Ngắm đại lộ nổi tiếng nhất thế giới cho bõ cái công lần mò sang tận Paris, kẻo mai về rồi, chả biết bao giờ mới có dịp sang.
Người người tấp nập qua lại, đủ mọi sắc tộc, đủ mọi tuổi tác. Họ nhàn nhã, thảnh thơi. Trời lạnh khoảng 18 độ C, gió nhẹ. Nét mặt ai cũng có vẻ phởn phơ. Một niềm kiêu hãnh thầm kín khi đặt chân đến Paris. Trên thế giới, có biết bao nhiêu người mơ ước một lần đặt chân đến kinh đô ánh sáng?
Hai bên đường là các cửa hàng, văn phòng đại diện của
những nhãn hàng nổi tiếng nhất thế giới, sang trọng và đầy quyến rũ. Phong cách của dân Pháp khác hẳn phong cách của dân Anh. Dân Pháp ăn mặc trau truốt hơn, kiểu cách hơn, điệu hơn, còn dân Anh là kiểu mặc lúc thì thoải mái quá, lúc lại mang tính kinh doanh, công tác quá.
Không ghé mắt vào các cửa hàng thì chịu không nổi, mà ghé mắt vào thì còn chịu không nổi hơn! Cái giá ấy, thôi

đành chờ đến khi ta thành tỉ phú thì những nhãn hàng đó đừng hòng mà trêu ngươi ta nữa nhé!
Đến gần Khải Hoàn Môn. Đèn xanh, rẽ sang bên đường. Đặt chân sang đường bên kia chợt nghe kítttttttttttttt một tiếng dài đằng sau. Rồi cái gì đó rơi vỡ loảng xoảng. Nghe như tiếng cà mên đựng cơm. Quay lại nhìn. Một người đàn ông tầm 38, 40, nhỏ thấp lúng túng
nhặt thứ rơi giữa đường. Xe vẫn chạy qua vù vù.
Một chiếc xe màu xanh, nhỏ, trông kiểu cổ cổ đỗ đằng sau người đàn ông đó. Cửa chiếc xe mở ra. Một cậu thanh niên da đen cao to, mặc áo quần áo bảnh choẹ, cổ quàng khăng, mở cửa hùng hổ bước ra. Vốn tiếng Pháp không rành, cộng thêm trí tưởng tưởng và quan sát, diễn biến câu chuyện như sau:
– Này thằng kia, đi đứng kiểu gì thế hả? Mù à?
– Dạ, em xin anh. Em mải qua đường, không để ý.
Thôi thì chẳng may. Xin anh.

– (Sấn thêm bước nữa, chỉ tay vào xe) Ghét mày! Mày có
thấy cái xe của ông bị xước cái đầu không? (Xô có tí thế mà xước đầu!)-

(Điên lên rồi nhé) Này, ông đã nói nhẹ nhàng, xin lỗi tử tế rồi nhé. Mày hỗn vừa thôi
– Á à! (Tát một phát vào mặt)

– (Bù lu bù loa) Ối làng nước ơi, nó đánh tôi này. n
(Đánh lại. Hai người vật nhau giữa phố. Người đi đường giương mắt nhìn. Xe cộ vẫn chạy ầm ầm, chả có chiếc nào dừng lại. Người đàn ông bé hơn tất nhiên yếu thế hơn, bị đánh dúi dụi. Đánh chán, người thanh niên đứng lên, xốc lại quần áo. Định bước vào xe để đi tiếp. Người đàn ông chạy theo đánh trả để lấy lại lòng tự trọng và khẳng định “dòng máu anh hùng” chảy trong huyết quản.

Bực! Người thanh niên mở cửa xe, cởi áo, cởi khăn cho vào xe, lấy ra con dao. Trời ơi, ai đó làm gì đi chứ! Cảnh

sát đâu? Paris đấy à?)

Người đàn ông chạy lòng vòng quanh các đầu xe, quanh cái xe của người thanh niên, miệng kêu ầm ầm. Ông ta

giữ được một chiếc xe lại.
“Các anh ơi cứu em với. Em đi đúng đường, thằng điên kia tự nhiên xô vào em, bây giờ còn đánh em đây này.”
Lưỡng lự. Hai người đàn ông bước ra khỏi xe. Người thanh niên kia đã đóng xong cửa xe. Quay lại tìm “đối tác”.
Người thanh niên giơ dao lên đuổi theo người đàn ông. Vài tiếng rú lên. Không ai làm gì. Ai cũng đứng nhìn.
Người thanh niên bị hai người đàn ông chặn lại. Được thể, người đàn ông kia quay qua cái xe của người thanh niên, đá vài phát, đập vài phát vào đấy.
“Này thì xe này. Này thì xe quý này. Quý xe hơn người này. Ông đập cho mày chết này.”
Đống sắt rung rinh một tí.
Xót của, người thanh niên vùng tay ra khỏi hai người đàn ông, đuổi theo người đàn ông kia. Ông ta nhanh chân chạy ra sau lưng hai người đàn ông, kiếm tấm lá chắn.
Người thanh niên bị chặn lại. Con dao giơ lên bị đè xuống. Người đàn ông tranh thủ đá vài phát vào người thanh niên.
“Thôi nhá!”, một trong hai người đàn ông gằn giọng, “Có đi không thì bảo. Đi đi. Nó đang điên nó đánh chết bây giờ.”
Người đàn ông bước đi, miệng lầm rầm chửi rủa. Khuôn mặt trắng bệch. Người thanh niên được thả ra, xốc lại quần áo. Anh ta biết, một mình anh ta không thể đánh lại hai người đàn ông.
Hai người đàn ông bước vào xe, đóng cửa, đi tiếp. Người thanh niên về xe của mình, lấy khăn ra lau lau xe, chỗ người đàn ông vừa đá. Bực tức, hậm hực. Vào xe, đóng cửa đánh rầm. Đi.
Xe cộ vẫn chạy như thường. Vị trí ở ngay cạnh Khải Hoàn Môn.
Chóng mặt. Tức thở.
Cảm giác cuối cùng, trong vô số cảm giác ở Paris.
(Bài viết 03.04.2007 07:57)

free hit counter


web counter