Tranh cãi 24.04.2007 12:38

Cả ngày hôm qua ở nhà làm bài tập mà chả hoàn thành xong. Đến tối, một đứa bạn cùng lớp rủ đi ăn nhà hàng của Yemen, quê hương yêu dấu của cậu ta. Zaid hơn mình một tuổi (mà cậu ta cứ không chịu tin vào sự thật này, vì cho rằng mình mới chỉ có 22 tuổi), đã có vợ ở quê nhà.
Cậu này có một tình yêu sâu sắc với vợ. Đàn ông nên thế, nhỉ? Yêu và dành tình yêu cho một người đáng được hưởng chẳng há tốt hơn là dành lung tung loạn xì ngầu lên chăng.
Mình hỏi: “Zaid này, vợ cậu chắc nhớ cậu lắm. Làm thế nào để cậu vỗ về cô ấy?”. “Oâi Loan ơi, nếu vợ tớ nhớ tớ bằng này, thì tớ nhớ cô ấy thế này này.” Zaid vừa nói vừa giang rộng cánh tay ra, làm thành một vòng tròn bé, rồi làm thành một vòng tròn to. Mình chắc hẳn vợ cậu ta sẽ rất hạnh phúc và sung sướng.
Một người phụ nữ may mắn.
Hai đứa rủ thêm Bill – cậu bạn người Hy Lạp và bạn gái cậu ta là Tarma đi ăn cùng cho vui. Cả bọn đến một nhà hàng Yemen ở gần ga Egdware Road.

Mình gọi món cá nướng và cơm. Các bạn ăn cừu và cơm. Gạo hạt dài, màu vàng, hơi khô so với gạo nhà mình. Cá nướng tẩm gia vị, hơi mặn so với khẩu vị của mình.

Nhưng mình thích trà Yemen, ngọt ngào như mật.
Cuộc nói chuyện của bốn đứa xoay quanh nhiều chủ đề. Từ đồng tính cho tới các món ăn Việt Nam, tới món ăn Yemen, chiến tranh Iraq, rồi đâu là cái nôi của văn minh nhân loại hay loài người xuất hiện từ đâu.
Tarma nói rằng cô vừa mất một vài người bạn đồng tính. Ở Mỹ, người ta có những học viện dành cho người đồng tính đến học nếu họ không muốn là người đồng tính nữa.
Họ được dạy để cảm thấy tự ghê tởm mình, rằng đồng tính là xấu xa.
Trường học thành công đến nỗi những người này bị tẩy não hoàn toàn, nhưng họ không thể cưỡng lại được tiếng nói tự nhiên bên trong cơ thể.
Kết cục là một sự giằng xé nội tâm khủng khiếp, và họ tự sát.
Zaid nói rằng anh tôn trọng cuộc sống riêng của mỗi người, nhưng anh cho rằng đồng tính là điều trái với tự nhiên.
Tarma hỏi, nếu con anh sau này không thích người khác giới thì anh sẽ làm gì? Zaid suy nghĩ một hồi lâu rồi nói, anh có thể sẽ giết đứa con đó.
Cả ba đứa còn lại ồ lên: Zaid, anh sẽ không làm thế đâu.
Zaid bảo là theo đạo Thiên Chúa, Chúa trời sinh ra Adam và Eva chứ không phải là Adam và Peter.
Nhưng Zaid theo đạo Hồi. Anh cũng không tin là loài người xuất hiện do sự tiến hoá của các con khỉ mà thành.
Anh nói đấng Allah tạo ra loài người chứ làm gì có khỉ khiếc gì ở đây. Hơi căng thẳng một tí.
Mình bảo Zaid là Yemen được xem là một trong những cái nôi cổ nhất của văn minh nhân loại, là hợp điểm của những nền văn minh.
Zaid cười sung sướng. Nhưng Bill không đồng ý. Bill bảo đó là ở một nơi nào đó ở châu Phi, nơi người ta tìm ra chữ viết cổ nhất.
Thế là cả bọn lại cãi nhau. Có ý kiến nào đúng tuyệt đối không nhỉ?
Có lẽ điều duy nhất cả bọn đồng ý là món ăn ngon. Sau đó, cả bọn cùng hút shisha – một loại thuốc lá hút bằng ống dài, có tẩm ướp mùi nho.
Hút xong về nhà mình mới biết là mình vừa đưa lượng chất độc tương đương với khơ khớ thuốc lá vào dạ dày. Dại không?
Tâm trạng mấy hôm nay rất lạ. Như cảm thấy mất mát một điều gì đó. Như trống rỗng. Như mất hết sinh khí. Như mất hết năng lượng.
Không hiểu tối qua có giúp gì cho mình không nhỉ?

Dân chơi không sợ mưa rơi

Báo chí ở nhà đưa tin hơn 1.000 dân chơi bị bắt ở vũ trường New Centuary. Hà Nội nhiều dân chơi quá. Đọc mà choáng, choáng vì các phóng viên tự đặt mình vào vị trí cho phép đánh giá hành vi của người khác là ‘chơi’ hay không ‘chơi’.
Mình không nghĩ rằng một người đến vũ trường lại nghiễm nhiên được khoác cái áo ‘dân chơi’ như thế.
Nói vậy, những người dân chơi xịn sẽ cảm thấy bị xúc phạm lắm, còn những kẻ dân chơi nửa mùa thì sướng rơn lên, vì bỗng nhiên được thăng hạng.
Đến vũ trường để làm nhiều thứ chứ đâu chỉ có dùng thuốc lắc hay nhảy cột đâu.
Vẫn biết là New Century là tụ điểm ăn chơi khét tiếng, nhưng số người bị cho là có liên quan đến ma tuý – thứ mà nhà mình cấm – không phải là đa số trong số người bị bắt.
Thế có nghĩa là những người không liên quan đến ma tuý thì không thể nói là dân chơi được. Gia đình họ sẽ không muốn tiếng là nhà mình có đứa con là dân chơi – từ bị kỳ thị.
Mà nó chơi thật đi thì còn đỡ, đây chỉ lò dò đến vũ trường nghe nhạc, xem thiên hạ, nhảy mấy điệu mình thích thì có gì mà chơi.
Có rất ít tờ báo viết nhìn nhận những người bị bắt là ‘người’.
Các độc giả đọc xong các bản tin ngay lập tức có ý niệm là những người đến vũ trường đều xấu, và vũ trường là xấu.
Mình đến New Century một lần. Một thế giới khác, hình như không hợp với người nhiều tuổi và thích cuộc sống sôi động.
Nhạc hay, toàn ca sỹ hot, laze nhập nhằng.
Có gì là xấu khi đến nơi đấy nhỉ? Đứa nào nhảy cứ nhảy, đứa nào nghe hát cứ nghe, làm gì thì làm.
Làm sao buộc thanh niên lúc nào cũng phải ngoan hiền như thỏ, đi học là về đến nhà, không đi chơi bạn bè, không nhảy nhót cho được.
Có bị ảnh hưởng bởi môi trường sống hay không là tuỳ thuộc vào bản lĩnh của mỗi người.
Người ta bảo yếu thì đừng ra gió, không biết gì về điện thì đừng có sờ đến súp-von-tơ.
Mình không nghĩ vũ trường là nơi đẻ ra tệ nạn. Mình thích nhìn mọi người khiêu vũ, và nhảy múa hát ca. Có gì là trái với thuần phong mỹ tục đâu?
Cứ đi khiêu vũ đi. Đến sàn nhảy chưa đủ trở thành dân chơi đâu, vì thành dân chơi khó lắm.
Dân chơi không sợ mưa rơi !!!!
(Bài viết 28.04.2007 18:46)

James Bond vớ vẩn

Tức lắm, mất hơn 2 tiếng để xem bộ phim Sòng bạc Hoàng gia – bộ phim mới nhất về James Bond, lại tốn thêm 3 bảng đi tàu nữa, nên phải viết cho bõ ghét.
Anh James Bond đẹp giai thì có đẹp giai thật, so với những anh bụng phệ mà mình vẫn gặp hàng ngày thì hơn chán vạn lần.
Lại bảnh choẹ nữa, râu tóc cạo đẹp, lúc nào cũng bóng bẩy, chơi bạc siêu, đánh nhau giỏi. Xem xong, mình không chịu được đành phải thốt lên “bulls***t”.
Đại khái là James Bond của tập này đánh nhau kinh người lên, bạo lực khủng khiếp, máu đổ tùm lum.
Kẻ thù của anh ném dao vào anh, tất nhiên nó ném hụt. Anh bắt được, ném lại, tất nhiên là trúng. Thế mới tài.
Rồi khi anh đuổi theo kẻ thù, anh đánh nhau với mười thằng khoẻ như voi, to như bò mộng, anh đều hạ gục. Anh ngã lên lộn xuống xong vẫn đứng lên đuổi tiếp kẻ thù.
Anh bị bọn xấu hạ độc, anh tự cứu mình bằng cách gọi về MI6. Anh chết rồi, anh lại được cứu đến phút chót.
Rồi anh khiến một cô nàng bốc lửa đầu tiên ghét anh điên lên, sau đó lại yêu anh say đắm. Anh đủ tài để đưa một nàng vừa gặp xong lên giường.
Anh bảo anh thích phụ nữ đã có chồng, cho “đời đơn giản”.

Nói chung bộ phim chả dạy được cái gì, ngoài việc khoe khoang MI6 của Anh hoành tráng, cứu Mỹ thua vài bàn trông thấy. Thực tế làm gì có ai luôn luôn thắng như thế?

Đúng là phim! Vớ vỉn!
(Bài viết 29.04.2007 21:52)

8.000

Tiêu đề 8.000 này là 8.000 đôla chứ không phải giống như tiêu đề 300 của bộ phim nổi phềnh phềnh của Hollywood gần đây, nói về 300 dũng sỹ Spartan hiên ngang tiêu diệt quân thù Ba Tư xâm lược đâu nhé. Nó chả liên quan gì đến nhau cả.
Hãy hình dung 8.000 đôla là một cột mốc. Theo nhà nghiên cứu của Mỹ, ông David G.Myers, con người nếu có thu nhập hơn 8,000 đôla /năm thì cũng chả hạnh phúc hơn nhiều so với những người thu nhập 8,000 đôla.
Tức là hết cảm giác sướng hơn. 10.000 đôla hay 20.000 đôla thì cũng vậy cả.
Con số 8,000 đôla khiến mình cảm thấy thú vị. Thu nhập bình quân đầu người ở VN là hơn 500 đôla/năm (chính xác là 517 đôla), tức là mình còn chạy hụt hơi mới đến số 8,000 đôla của thế giới này.
Cần 12,7 năm nữa thì thu nhập bình quân đầu người của VN mới đạt được bằng Trung Quốc hiện nay (khoảng hơn 1.000 đôla). Nhưng Trung Quốc có đợi mình để đạt bằng, rồi làm “đôi bạn cùng tiến” đâu nhi?
Theo nghiên cứu của David, rõ ràng dân châu Á ít người được sướng lắm.
Chỉ có dân Tây là sướng thôi. Cách đây vài năm, thu nhập của dân các nước phát triển đã là trên 20.000 đôla Mỹ.
Nhưng số người cảm thấy “rất hạnh phúc” giảm từ 35% xuống còn 33%.
Giàu có gấp đôi nhưng không thấy hạnh phúc hơn. Tỉ lệ ly hôn tăng gấp đôi. Số
trẻ em thành niên tự sát gấp đôi. Tội phạm bạo lực gấp 4. Tỉ lệ người bị trầm cảm tăng đột biến.
Cảm giác sung sướng và hài lòng là quan trọng trong cuộc đời lắm.
Con người ta tham sân si đủ cả. Tham lắm, hận lắm, yêu lắm, lanh chanh lắm, thích nhiều thứ lắm.
Hãy quan sát lòng mình một cách thành thật xem mình muốn gì ?
Chúng ta muốn bình an hay kích động ? Phải chăng chúng ta đều náo nức muốn cái gì ?
Mỗi buổi sáng, chúng ta vội vã cầm lấy tờ báo để tìm các tin tức sôi nổi nhất. Nếu không có tin gì về chiến tranh, thiên tai, xáo trộn, khó khăn kinh tế – – thì chúng ta vất tờ báo xuống đất, và than rằng chả có gì đáng xem.
Có phải thế không ? Chúng ta muốn sống yên ổn, không thích xáo trộn, nhưng rất thích thú nghe nói về các sự xáo trộn của kẻ khác.
Chúng ta dành nhiều giờ để bàn cãi sôi nổi về người này, người nọ, chê bai ông này, diễu cợt bà kia.
Phải chăng chúng ta vẫn làm thế ? Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi, tại sao chúng ta lại làm thế không ?
Lòng ta còn ham tiền bạc, danh vọng, địa vị, sức khoẻ, và chỉ cầu bình an cho chính mình thôi, nên chẳng bao giờ thoả mãn.
Nếu ai có hỏi thì ta cũng sẽ chối quanh như đại đế Alexander chỉ xin một giấc ngủ bình an mà thôi.
Giấc ngủ bình an nào có khó, nào xa xôi diệu vợi, tốn công nhọc sức mới có. Làm sao ta có thể lao đầu vào vật chất phù du, xây dựng danh vọng địa vị, thỏa mãn cái phàm ngã hữu hình hoại đồng thời tìm sự bình an, yên tĩnh ?
Chính các điều trên đã phá vỡ sự yên tĩnh sung mãn của nội tâm tạ Phiền não là do chính ta tạo nên, chứ đâu phải hoàn cảnh phải không các bạn ? Ngày hôm nay chúng ta đã nói chuyện rất lâu rồi.
Các bạn sẽ còn trải qua một hành trình dài, gặp gỡ nhiều bậc danh sư, hiền triết. Tôi chúc các bạn tìm được niềm an tĩnh của tâm hồn.
Thế mới thấy sống khó, nhỉ? Về với u thôi!!!! À, khoan đã. Có nơi nào trả 8.000 không nhỉ?

(Bài viết 30.04.2007 17:39)

Vì sự thật

Hôm nay là ngày Tự do Báo chí thế giới – một ngày đặc biệt quan trọng với những người cầm bút. Một trong những quyền căn bản nhất và quan trọng nhất của con người là tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến. Nó đã được ghi rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc và được tất cả các nước thành viên ký kết thông qua.
Ngày Tự do báo chí thế giới nhằm mục đích nhắc nhở cả công dân và chính phủ rằng họ cần phải luôn ghi nhớ quyền này là “một nền tảng thiết yếu cho một xã hội thông tin”.
Tuy nhiên, số người cầm bút bị tống vào tù và bị giết hại khi thực hiện sứ mệnh đem tin tức hàng ngày đến với con người ngày càng cao.
Ngày đặc biệt này chính thức được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn từ năm 1993.
Năm 1997 là năm đặc biệt khi Liên hợp quốc quyết định trao giải thưởng hàng năm cho những cây viết xuất sắc, tổ chức có đóng góp đặc biệt cho công cuộc bảo vệ và thúc đẩy tự do báo chí ở bất kỳ nơi nào trên thế giới – đặc biệt ở nơi mà quyền này bị vi phạm nghiêm trọng.
Năm đó, người được nhận giải là Guillermo Cano Isaza, một phóng viên Colombia đã bị ám sát trước cửa toà soạn năm 1986 ở thủ đô Bogota. Anh đã viết các bài về hoạt động của các tập đoàn buôn bán ma tuý ở Colombia.
Hai mươi năm sau, những phóng viên như Cano vẫn tiếp tục chết khi tác nghiệp
Thực tế, năm 2006 là thời điểm chứng kiến số phóng viên bị ám sát, bắt cóc, hoặc tống vào tù cao kỷ lục. Riêng ở Iraq đã lên tới vài chục người. Nga, Mexico, Philippines…là những nơi vô cùng nguy hiểm cho công việc của nhà báo.
Giữa hai chiến tuyến

Tôi đã tham gia viết lời thỉnh nguyện để bọn bắt cóc tại Iraq trả tự do cho phóng viên BBC, Alan Johnston .

Trước cửa Bush House là hình của anh, nhắc nhở rằng vẫn còn có những phóng viên gặp nạn khi cố đưa tin tức đến với chúng ta.

Phóng viên là người giữa hai chiến tuyến, họ làm công việc đưa tin và đôi khi trở thành vật đổi chác giữa các thế lực thù địch trong một nước.
Anh bị bắt cóc đã hơn 2 tháng nay tại Gaza. Đến nay vẫn chưa có thông tin là anh đang bị bắt ở đâu, đã bị giết hại chưa.
Năm nay, giải thưởng của UNESCO dành cho nữ phóng viên nổi tiếng của Nga, Anna Politkovskaya. Bà đã bị bắn chết ở thang máy gần căn hộ của mình tại Mátxcơva ngày 7-10-2006.
Những kẻ thủ ác vẫn chưa bị đưa ra ánh sáng và bị trừng phạt.
Kết cục này không khiến tôi ngạc nhiên, vì nó cũng giống như rất nhiều vụ ám sát phóng viên khác từ năm 1991 đến nay ở Nga. Không bao giờ tìm ra thủ phạm.
Vụ ám sát Anna Politkovskaya (sinh năm 1958) đúng ngày sinh nhật của Tổng thống Putin khiến báo chí thế giới rúng động và tạo nên nỗi tiếc thương lớn của mọi người đối với một nữ nhà báo tài năng và dũng cảm.

Bà là nhà báo Nga nổi tiếng nhất thế giới với những thiên phóng sự về thảm họa ở Chechnya, chỉ trích nhà cầm quyền vốn là liên minh của Tổng thống Putin.
Bà công khai chỉ trích chính phủ của ông Putin vì những gì đang diễn ra ở Chechnya.
Lòng dũng cảm theo đuổi sự thật, vì sự thật của bà đã tạo một dấu ấn mạnh mẽ và là sự khích lệ lớn lao với những người cầm bút khác.

Stop killing journalists!
(Bài viết 03.05.2007 18:36)