Vì sự thật

Hôm nay là ngày Tự do Báo chí thế giới – một ngày đặc biệt quan trọng với những người cầm bút. Một trong những quyền căn bản nhất và quan trọng nhất của con người là tự do ngôn luận, bày tỏ ý kiến. Nó đã được ghi rõ trong Hiến chương Liên hợp quốc và được tất cả các nước thành viên ký kết thông qua.
Ngày Tự do báo chí thế giới nhằm mục đích nhắc nhở cả công dân và chính phủ rằng họ cần phải luôn ghi nhớ quyền này là “một nền tảng thiết yếu cho một xã hội thông tin”.
Tuy nhiên, số người cầm bút bị tống vào tù và bị giết hại khi thực hiện sứ mệnh đem tin tức hàng ngày đến với con người ngày càng cao.
Ngày đặc biệt này chính thức được Đại hội đồng Liên hợp quốc chọn từ năm 1993.
Năm 1997 là năm đặc biệt khi Liên hợp quốc quyết định trao giải thưởng hàng năm cho những cây viết xuất sắc, tổ chức có đóng góp đặc biệt cho công cuộc bảo vệ và thúc đẩy tự do báo chí ở bất kỳ nơi nào trên thế giới – đặc biệt ở nơi mà quyền này bị vi phạm nghiêm trọng.
Năm đó, người được nhận giải là Guillermo Cano Isaza, một phóng viên Colombia đã bị ám sát trước cửa toà soạn năm 1986 ở thủ đô Bogota. Anh đã viết các bài về hoạt động của các tập đoàn buôn bán ma tuý ở Colombia.
Hai mươi năm sau, những phóng viên như Cano vẫn tiếp tục chết khi tác nghiệp
Thực tế, năm 2006 là thời điểm chứng kiến số phóng viên bị ám sát, bắt cóc, hoặc tống vào tù cao kỷ lục. Riêng ở Iraq đã lên tới vài chục người. Nga, Mexico, Philippines…là những nơi vô cùng nguy hiểm cho công việc của nhà báo.
Giữa hai chiến tuyến

Tôi đã tham gia viết lời thỉnh nguyện để bọn bắt cóc tại Iraq trả tự do cho phóng viên BBC, Alan Johnston .

Trước cửa Bush House là hình của anh, nhắc nhở rằng vẫn còn có những phóng viên gặp nạn khi cố đưa tin tức đến với chúng ta.

Phóng viên là người giữa hai chiến tuyến, họ làm công việc đưa tin và đôi khi trở thành vật đổi chác giữa các thế lực thù địch trong một nước.
Anh bị bắt cóc đã hơn 2 tháng nay tại Gaza. Đến nay vẫn chưa có thông tin là anh đang bị bắt ở đâu, đã bị giết hại chưa.
Năm nay, giải thưởng của UNESCO dành cho nữ phóng viên nổi tiếng của Nga, Anna Politkovskaya. Bà đã bị bắn chết ở thang máy gần căn hộ của mình tại Mátxcơva ngày 7-10-2006.
Những kẻ thủ ác vẫn chưa bị đưa ra ánh sáng và bị trừng phạt.
Kết cục này không khiến tôi ngạc nhiên, vì nó cũng giống như rất nhiều vụ ám sát phóng viên khác từ năm 1991 đến nay ở Nga. Không bao giờ tìm ra thủ phạm.
Vụ ám sát Anna Politkovskaya (sinh năm 1958) đúng ngày sinh nhật của Tổng thống Putin khiến báo chí thế giới rúng động và tạo nên nỗi tiếc thương lớn của mọi người đối với một nữ nhà báo tài năng và dũng cảm.

Bà là nhà báo Nga nổi tiếng nhất thế giới với những thiên phóng sự về thảm họa ở Chechnya, chỉ trích nhà cầm quyền vốn là liên minh của Tổng thống Putin.
Bà công khai chỉ trích chính phủ của ông Putin vì những gì đang diễn ra ở Chechnya.
Lòng dũng cảm theo đuổi sự thật, vì sự thật của bà đã tạo một dấu ấn mạnh mẽ và là sự khích lệ lớn lao với những người cầm bút khác.

Stop killing journalists!
(Bài viết 03.05.2007 18:36)

Comments