Hí hửng với cuộc đời

Bạn thấy thế nào khi gặp một người mà bạn thấy người đó như tỏa ánh hào quang ấm áp? Người đó vui vẻ, lắng nghe, không nói quá 2 giây về mình mỗi lần (số 2 giây là chỉ dấu cho thấy người đó không phải quá ám ảnh về bản thân mình.)? Họ hỏi, lắng nghe, rồi chia sẻ. Họ không phán xét. Họ hiểu cuộc đời là sự đa dạng. Họ hiểu sự hỗn độn và họ ôm vào lòng những sự hỗn độn đó. Họ bình tĩnh như mặt hồ. Họ đã thấy cơn cuồng loạn và họ hiểu vị trí của mình trong vũ trụ, hiểu quy luật cuộc đời, khích lệ những ai muốn làm tốt và an ủi động viên những người vừa thất bại. Bạn cảm thấy người đó có một trường năng lượng khiến mình thấy tự tin hơn, lạc quan hơn, vui vẻ hơn.

Ở đâu cũng đẹp, bạn có nhìn ra không?

Hành trình năm tháng cuộc đời có thể khiến ta thay đổi về vật chất, lối sống, lối sinh hoạt, cùng với đó là những thay đổi của tầng thức tư duy, nhận thức cuộc sống, nhưng cái quan trọng, với mình, đến nay, là khi chứng kiến những con người có đầy sự hí hửng với cuộc đời. Sự hí hửng đấy, bản thân nó đã đem đến biết bao niềm vui. Sống thì phải vui. Không vui thì thật phí.

Nhìn lại giật mình thấy cuộc đời trôi đi quá nhanh. Mới ngày nào tràn đầy sinh lực, giờ thì thi thoảng thấy đau đầu gối hoặc uống một ly vang là thấy đầu nặng trĩu sáng hôm sau mãi mới dậy được. Đấy là cuộc đời gõ cốc cốc hello thời gian đây nè chớ quên ta. Thế nên khi một người sống cảm nhận thời gian trôi và vẫn giữ trong lòng sự hí hửng với cuộc đời thì nó mới tuyệt diệu làm sao.

Continue reading

Một lối sống “contented”

Những bông hoa rụng đẹp quá, xếp chúng lại thành hàng.

“Contented” – nghĩa là mãn nguyện. Là thấy happy và at ease. Tôi đã thực hành vài phương thức mà có thể bạn sẽ tham khảo.

Dành thời gian cho mình. Có những hôm tôi sẽ rời nhà trong 2-3 tiếng. Đến một quán cafe thật đẹp, yên tĩnh, cà phê ngon, bánh ngon, nhạc hay. Và ngồi đọc, viết. Tôi tâm sự với chính tôi và tôi an ủi linh hồn tôi. Hoặc ra một không gian thiên nhiên, ngồi dưới một cái cây, bên một bờ sông, nhìn nước trôi, nhìn mây bay. Chả phải nghĩ gì. Chỉ để cơ thể và trí não của mình bứt khỏi những dòng chảy bình thường của cuộc cuộc sống. Kết nối với thiên nhiên, ngắm hoàng hôn, những cái cây, đám mây. Tạo ra những mối tâm giao với không gian và thiên nhiên. Kết nối với bên trong con người mình.

Continue reading

Tết Wandering – Tết lang thang

Mỗi tuần, ta có thể cần ít nhất 1 tiếng để yên lặng, ngồi trong một không gian tĩnh lặng. Hoặc không để làm gì. Hoặc nhìn vào hư vô. Hoặc nhìn ngắm trời, nhìn ngắm đất, nhìn ngắm cây. Nhìn ngắm một không gian khoáng đạt.

Thử đừng làm gì. Đừng sợ vô tích sự. Đừng sợ vô ích. Đừng sợ phí. Có thể cơ thể chúng ta cần như thế. Cần không làm gì. Cần nghỉ ngơi.

Thành công không phải là làm việc điên cuồng. Và làm việc điên cuồng thì cũng không đảm bảo thành công.

Tết 2023 tôi được lang thang, được không làm gì. Được đắm mình vào thiên nhiên. Được tĩnh lặng. Được cảm thấy gió. Được nhìn thấy mây. Được ngắm bình minh trọn tầm mắt. Được phóng mắt xa ra đường chân trời ở biển. Được thấy những chiếc lá rung rinh. Được thấy những ánh nắng xuyên qua tường. Được nhìn mà tầm mắt không bị chặn lại bởi một điều gì đó, như bận, như vội, như nhà, như người, như một tấm màn che phủ.

Có cơ hội đi dọc đất nước mình sinh ra quả là ân huệ cuộc đời. Để thấy đất nước thật vô cùng đẹp, văn hóa phong phú. Một vẻ đẹp thuần khiết.

Hạnh phúc nhất là được sống trong thiên nhiên, thật nhiều cây và thật nhiều mây.

Continue reading

Năm mới 2023: Sửa mình

Khi dành thời gian tìm hiểu, quan sát đời sống con người, sự vận hành của vạn vật, và đọc trên các mạng xã hội, thì tôi nhận thấy là con người ta “chê người thì dễ, sửa mình mới khó.” Vì vậy, trong năm nay, một từ khóa mà tôi đặt ra cho mình là “sửa mình.” Nôm na là, điều chỉnh mình một cách chú tâm, sao cho mình đi đến hướng mà mình muốn đi, thành người mà mình muốn thành.

Hành trình “đập đi sửa lại” đã diễn ra nhiều chục năm rồi, nhưng chưa bao giờ là một hành trình thực sự chủ động cả. Chúng ta vẫn làm điều đó mỗi ngày, một cách vô thức, khi chúng ta mong muốn mình hôm nay tốt hơn mình hôm qua và ngày mai mình tốt hơn ngày hôm nay. Nói vậy thôi, chứ số đông con người chỉ ưa những gì nhàn nhã, không phức tạp, đau đầu, làm ít hưởng nhiều. Đó là bản tính của loài người, hiếm có cá nhân thích cái khó khăn, đâm đầu vào núi, đâm quàng vào bụi rậm.

“Sửa mình” – nghĩa là Tu thân. Với những ai ưa tìm hiểu về Khổng giáo, một trong những tư tưởng ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của các xã hội châu Á, trong đó có Việt Nam, thì đã nghe và hiểu câu Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ. Mọi việc náo loạn nơi đất trời này đều xuất phát từ việc lòng không an, mỗi con người đều không chú tâm sửa mình trước khi muốn sửa thiên hạ, cách sắp xếp phân bổ quyền lực trong xã hội có những cái trớ trêu tréo ngoe (mà nó vẫn hợp lý một cách bất thình lình ^^).

Continue reading

Nuôi dưỡng một đứa trẻ thích đọc

Trẻ con sinh ra đã tò mò về cuộc sống. Sự tò mò và ham hiểu biết luôn ở đó. Nhưng người lớn chúng ta đôi khi đã triệt tiêu những tính cách đó của con trẻ mà không biết.

Để nuôi dưỡng sự tò mò thông qua sách vở và học tập, có vô số cách, mỗi nhà mỗi cảnh. Mỗi người mỗi cách, mỗi chiêu. Đây là cách mà tôi đã áp dụng trong 7 năm qua để hướng dẫn con mình coi việc đọc sách là thú vui, sở thích, là việc nên làm, phải làm và cần làm.

Quan điểm: Xác định quan điểm từ đầu là yếu tố mấu chốt dẫn dắt tới hành động. Quan điểm “cần phải đọc sách” phải được chia sẻ giữa cha mẹ, con cái, các thành viên trong gia đình (ông bà, chú dì cô bác, người giúp việc nếu sống chung).

Mọi người có cùng sự hiểu biết là việc đọc là cần thiết, là yếu tố quan trọng để giúp cho quá trình nhận thức của mình về thế giới xung quanh và chính con người mình được phát triển, mở rộng.

Tất cả thành viên đều phải tham gia vào quá trình đó, hay ít nhất không được nói linh tinh luyên thuyên khi thấy một đứa trẻ đọc sách.

Continue reading