Năm mới 2023: Sửa mình

Khi dành thời gian tìm hiểu, quan sát đời sống con người, sự vận hành của vạn vật, và đọc trên các mạng xã hội, thì tôi nhận thấy là con người ta “chê người thì dễ, sửa mình mới khó.” Vì vậy, trong năm nay, một từ khóa mà tôi đặt ra cho mình là “sửa mình.” Nôm na là, điều chỉnh mình một cách chú tâm, sao cho mình đi đến hướng mà mình muốn đi, thành người mà mình muốn thành.

Hành trình “đập đi sửa lại” đã diễn ra nhiều chục năm rồi, nhưng chưa bao giờ là một hành trình thực sự chủ động cả. Chúng ta vẫn làm điều đó mỗi ngày, một cách vô thức, khi chúng ta mong muốn mình hôm nay tốt hơn mình hôm qua và ngày mai mình tốt hơn ngày hôm nay. Nói vậy thôi, chứ số đông con người chỉ ưa những gì nhàn nhã, không phức tạp, đau đầu, làm ít hưởng nhiều. Đó là bản tính của loài người, hiếm có cá nhân thích cái khó khăn, đâm đầu vào núi, đâm quàng vào bụi rậm.

“Sửa mình” – nghĩa là Tu thân. Với những ai ưa tìm hiểu về Khổng giáo, một trong những tư tưởng ảnh hưởng lớn tới sự phát triển của các xã hội châu Á, trong đó có Việt Nam, thì đã nghe và hiểu câu Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ. Mọi việc náo loạn nơi đất trời này đều xuất phát từ việc lòng không an, mỗi con người đều không chú tâm sửa mình trước khi muốn sửa thiên hạ, cách sắp xếp phân bổ quyền lực trong xã hội có những cái trớ trêu tréo ngoe (mà nó vẫn hợp lý một cách bất thình lình ^^).

“Cách mạng cá nhân” luôn là một cuộc cách mạng lớn lao và vĩ đại nhất, cần thiết nhất trước tất cả các cuộc cách mạng khác,” Thu Giang – Nguyễn Duy Cần đã viết như vậy trong cuốn “Một nghệ thuật sống” xuất bản cách nay cả 60 năm. “Là vì chỉ những kẻ thật sáng suốt, đã giải thoát cho mình rồi mới có thể giúp đời mà không hại đời thôi.”

Theo thuyết của Khổng Tử, tu thân là bước thứ 4 trong 8 bước để thực hiện cương lĩnh Nho giáo. Từng bước bao gồm:

  • Cách vật: Luôn tiếp xúc, nghiên cứu kỹ sự vật, sự việc để nhận thức rõ phải, trái (tức là chớ có phán bừa, phán vội, phán lấy được, phán lấy like, lấy share, mà không nghĩ đến việc mình không có đủ thông tin, đủ hiểu biết về chân tướng sự việc để nói cho một cách có trách nhiệm, phù hợp với vị trí, với bối cảnh. Đương nhiên, cách vật là một việc khó, rất khó. Vì con người luôn có nhận thức chủ quan, được kết tạo bởi vô số tàng thức, ý thức, và luôn bị động trước cuộc sống. Ai mà nói con người chủ động được là xạo thôi, chỉ chủ động thích ứng thôi, chứ không dẫn dắt được. Chúng ta là một yếu tố nhỏ nhoi trong cuộc sống xã hội, chứ không có cá nhân nào “chính là cuộc sống” cả).
  • Trí tri: Luôn ngẫm nghĩ để thấu hiểu điều mình đã nhận thức được (lần gần nhất bạn ngồi một mình, để tâm thân trí hòa vào làm một, để bạn hồi suy, tư duy, suy nghĩ một cách tĩnh lặng, ngẫm nghĩ theo đúng nghĩa của món “hầm” là khi nào? Có lẽ đã lâu rồi nhỉ, hoặc có thể là chưa bao giờ. Chúng ta hiếm người hiểu được giá trị quý giá của tĩnh lặng vì bản tính là động vật xã hội, nên không chịu được sự tĩnh lặng. Linh hồn của con người có khi phải sống trong sự ồn ào thì mới vui chăng? Đến đám tang buồn thế cũng phải kèn loa ầm ĩ kích âm ly lên mới chịu. Những âm thanh / tiếng ồn đấy có thể làm cho người ở lại thấy có sự sống quanh đây và quên đi nỗi buồn ly biệt, nhưng có thể với người qua đời, những tiếng ồn có thể làm gián đoạn hành trình chuyển sang một kiếp khác, một dạng thức tồn tại vật lý khác, hoặc có thể tạo ra sự tiếc nuối về chốn dương gian nhiều thú vui chưa thưởng thức hết. Việc chỉ có mình với ta giúp chúng ta nhận thức rõ ràng về sự hiện diện của chính mình, và chăm sóc linh hồn và thể xác của chính mình, nếu chúng ta cất cái điện thoại đi và ngắt kết nối với mạng xã hội.
  • Thành ý: Tức là luôn chân thật, không dối mình và dối người (chân thật không có nghĩa là cái gì cũng nói ra, nói huỵch toẹt cả ra. Đời sống này không có gì, hay không có ai hoàn hảo, tất nhiên cả chính chúng ta. Chúng ta đều là những tác phẩm đang được hình thành (becoming), mà hành trình hình thành đó mỗi người mỗi khác. Không dối mình là điều quan trọng nhất, nhưng hãy giữ một điều gì đó trong lòng nếu điều mình nói ra đó có thể làm tổn thương người khác. Và nhớ câu rằng kỷ sở bất dục vật thi ư nhân – điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác.)
  • Chính tâm: Luôn suy nghĩ và hành động ngay thẳng, không dối người và không dối mình (Ngay thẳng không có nghĩa là rạch ròi trắng đen, không trắng thì phải đen và ngược lại. Con người ta tinh vi và phức tạp hơn cái công tắc điện nhiều, và đời thì có vô số cạnh chứ không phải chỉ có 2D. Trên cái trắng đen là cái đạo của mỗi người. Cái đạo ấy không giống ông thầy bà nào dạy, mà là cái đạo của mỗi người, không ai giống ai, không ai cần bắt chước ai.)
  • Tu thân: Luôn nghiêm khắc với bản thân, sửa chữa những thiếu sót, không bảo thủ để nhận rõ những sai lầm nhằm hoàn thiện bản thân. Mỗi con người là một tiểu vũ trụ đang dần hoàn thiện. Ai ưa ngạo mạn chê bai, bỉ bôi người khác thì thường hiếm khi tự soi gương tự vấn mình. Chê người thì dễ, hoàn thiện và nghiêm khắc với chính mình thì mới khó. “Biết rõ ta là gì, cái ta thật của ta và những sở năng của nó như thế nào. Cái đó mới là vô cùng khó. Thành kiến, phong tục, sách vở, lý thuyết, phe phái, luân lý…là những cái tạo ra ta” – trích. Tu thân là những thay đổi phải đến trong cuộc đời. Ta thấy ta sao mà cái gì cũng có vẻ biết, chuyện đông chuyện tây chuyện giường ngủ nhà hoàng tử công chúa, hay ngôi sao nay nọ, rồi bình phẩm chê bai chuyện thiên hạ sao mà dễ, mà nhanh.
  • Tề gia: Làm cho gia đình mình tốt đẹp, tề chỉnh có nề nếp, gia phong. Gia phong, có lẽ nên gọi đó là văn hóa của gia đình. Cách vận hành, sinh khí của một tổ chức là gia đình. Protocol là gì? Expectation là gì? Behaviors là gì?
  • Trị quốc: Lo toan việc nước, cai trị đất nước cho có kỷ cương, phép nước. Đấy, đi bao nhiêu chặng mới tới được đây, chứ đâu phải có ông chú ông bác ông anh đặt vào cái ghế mà tưởng mình sẽ làm được. Tưởng phúc mà lại là họa ai ngờ.
  • Bình thiên hạ: Ôi giời ôi cuối cùng cũng là đến lúc thiên hạ thái bình, lòng người quy thuận. Đến lúc đó coi như mình đã già. ^^

Năm mới, xin chúc bạn một tâm hồn tươi trẻ. “Tươi trẻ”, như diễn dịch của  Krishnamurti, một nhà tư tưởng Ấn Độ, mà tôi rất tâm đắc, đó là không phải tâm hồn chỉ lo chơi đùa, chỉ thích vui vẻ, mà ý là một tâm hồn không bị dỡ nhiễm, không bị trầy xước, không bị bóp méo, không bị biến dạng trước những vặn xoắn, tai nạn, sự cố trong cuộc sống, một tâm hồn không bị mài mòn bởi những tranh đấu, bởi lòng tham.

Khó nhỉ? Khó thế thì mới chúc, cũng giống ta hay chúc nhau đầu năm ấy. Đấy là ước nguyện để có mục tiêu phấn đấu.

To the unknown future.

Comments

18 thoughts on “Năm mới 2023: Sửa mình

Comments are closed.