Học tiếng Pháp cho “sang”, hay tư duy thuộc địa của ngôn ngữ

Hôm qua, có một người đã gợi ý tôi học tiếng Pháp vì đây là một ngôn ngữ “sang”. Học tiếng Pháp thì tôi vẫn đang học trên Duolingo, nhưng lý do mà người đó gợi ý tôi học vì nó “sang” thì quả là một lý do lạ lẫm với tôi.

Tôi chưa bao giờ chọn học ngôn ngữ vì nó “sang”. Ở đất nước Việt Nam, chắc ít người có cơ hội tự do chọn theo học một ngôn ngữ nào đó vì nó “sang”. Nhưng học một ngôn ngữ vì lý do gì? Tôi cảm thấy rất tò mò muốn tìm hiểu và hồi tưởng lại những gì đã xảy ra với mình và với những người quanh mình liên quan tới quá trình học ngôn ngữ, để hiểu về xã hội mình đang sống.

Văn hóa của Việt Nam sẽ tồn tại và vững vàng khi chúng ta nói và gìn giữ được tiếng Việt. Trong thời toàn cầu hóa rồi đến hậu toàn cầu hóa như hiện nay, tiếng Anh và tiếng Trung Quốc tiếp tục phát triển là ngôn ngữ được dùng nhiều nhất, rồi đến tiếng Hindi và Tây Ban Nha. Những ngôn ngữ nói nhiều nhất lại không được dán mác là một ngôn ngữ sang. (Và bạn đừng quên có rất nhiều ngôn ngữ đang dần biến mất. Ngôn ngữ biến mất, trở nên ít thông dụng, trở nên không được ưa chuộng đều là hàm ý của một nền văn hóa biến mất, một tộc người đã bị đồng hóa, một cộng đồng không còn bản sắc của riêng mình).

Chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ (linguistic imperialism) là từ tôi đọc được khi tìm hiểu về vấn đề này. Chủ nghĩa đế quốc ngôn ngữ xuất hiện khi ngôn ngữ của một cộng đồng lớn, hay áp đảo hay ngôn ngữ của phe thống trị được chuyền giao sang những người khác ở cùng một khu vực sinh sống. Cụm từ này cũng không khác lắm so với cụm từ “tư duy thuộc địa” mà tôi đã nghĩ ra trong đầu. Có nhiều nguyên nhân, từ di cư, tới xâm chiếm, chinh phục, giao thương, và sự đàn áp hay vượt trội về văn hóa, cùng với sự lan truyền tôn giáo. Những thay đổi về ngôn ngữ có thể là tự nhiên, hoặc thay đổi vì cưỡng bức, vì bắt buộc.

Vào thời đỉnh cao của Pháp, tiếng Pháp đã trở thành ngôn ngữ phổ biến, sau đó đến tiếng Anh. Hai ngôn ngữ này được nói bởi vô số quốc gia. Còn tiếng Trung Quốc, bản thân Trung Quốc đã là một quốc gia khổng lồ, một nền văn minh riêng biệt, thì chỉ cần người Trung Quốc nói là đủ áp đảo về số lượng rồi.

Thời xưa xửa xừa xưa, tiếng Pháp vào Việt Nam cùng với người Pháp, và những ảnh hưởng của văn hóa Pháp lên văn hóa Việt Nam sâu sắc, khiến người Việt Nam đến giờ vẫn coi bất kỳ thứ gì từ Pháp đều là đẹp và là chuẩn mực hoàn hảo (không chỉ Việt Nam, rất nhiều quốc gia đều như thế, và đó là điều bình thường của một tiến trình lịch sử). Rồi cách nay 30 năm, có người chọn học tiếng Nga vì đó là quy định bắt buộc, khi quan hệ Việt – Nga đang tốt đẹp và là đồng minh. Việc biết tiếng Nga đã mở ra vô số cơ hội về công việc và cuộc sống. Rồi sau đó đến tiếng Anh. Tiếng Anh là ngôn ngữ của thương mại quốc tế. Chỉ cần thế giới vẫn mở cửa, các quốc gia vẫn giao thương, thì tiếng Anh vẫn là một công cụ cần thiết và luôn có nhu cầu, vì thông qua ngôn ngữ, ta hiểu về thế giới.

Với thế hệ tôi, 20 năm trước, chọn học tiếng Anh vì có năng khiếu, vì sở thích, chứ chưa nghĩ được đến một cái gì đó sâu xa hơn. Có thể vì tùy từng gia đình. Có gia đình cha mẹ hiểu biết thì sẽ hướng cho con cái lựa chọn những gì tốt cho mình. Nhưng học một ngôn ngữ (bất kỳ ngôn ngữ nào) đều giúp mình làm việc, giúp mình hiểu về thế giới, giúp mình trưởng thành hơn với tư cách là một con người.

Những dân tộc mạnh sử dụng ngôn ngữ nhằm đồng hóa, và có thể dẫn tới triệt tiêu những nền văn hóa yếu ớt. Nếu coi ngôn ngữ là một công cụ không thể thiếu để kết bạn với thế giới, ta phải học ngôn ngữ đó thật giỏi, hiểu về văn hóa của thế giới, để làm bạn và làm ăn với thế giới. Giỏi ngôn ngữ bên cạnh ngôn ngữ mẹ đẻ của mình là điều bắt buộc trong thế giới này, nếu bạn muốn phát triển con người mình.

Ở mặt khác, nếu chỉ giỏi tiếng Anh, hay bất kỳ ngôn ngữ nào khác (như tiếng Pháp, tiếng Trung) mà không biết và không giỏi tiếng Việt, thì vô tình ta sẽ làm suy yếu nền văn hóa của chính dân tộc mình. Nói thì nghe rất nghiêm trọng phải không? Đúng là như vậy. Một nền văn hóa mạnh là nền văn hóa mà mọi thành viên của nó đều có ý thức giữ gìn ngôn ngữ mẹ đẻ, hiểu và quảng bá vẻ đẹp của ngôn ngữ mẹ đẻ. Ngôn ngữ chính là văn hóa. Mất ngôn ngữ là mất văn hóa. Là mất gốc. Là một điều đáng lo ngại nếu bạn nghĩ về tính dân tộc, vận mệnh của một quốc gia, sự linh thiêng của hai từ Tổ Quốc, hay căn tính của mình. Loài người luôn trong cuộc đấu tranh dữ dội để tranh giành lãnh thổ, thể hiện uy quyền, giống như trong xã hội hoang dã, giống loài nào mạnh sẽ chiến thắng.

Vì vậy, nếu chọn học một ngôn ngữ, hãy nghĩ tới lợi ích hiểu về thế giới loài người hơn, làm ăn với đối tác tốt hơn, đừng nghĩ là vì nó “sang”.

Ngôn ngữ chính là một chiến trường giữa các quốc gia.

Đọc thêm một bài phỏng vấn hay ở đây.

Comments