Busyness isn’t a good business

Tôi luôn tự hỏi tại sao loài người tiến hóa rất nhanh, với vô số máy móc để giúp cho cuộc sống thuận tiện hơn, bớt phải dành thời gian cho những công việc lặp đi lặp lại (như lau nhà, giặt quần áo, nấu ăn…), nhưng chúng ta lại bận hơn, luôn cảm thấy không bao giờ hết việc.

Có lẽ, có một điều gì đó sai chăng?

Thực tế quả đúng là chúng ta không bao giờ hết việc. Làm xong việc này sẽ có việc khác trồi lên, hoặc việc khác đang chờ chúng ta giải quyết.

Nhưng đó là cuộc sống, bạn sẽ nói thế. Có thể ta sẽ không bao giờ có cách nào thoát ra khỏi vòng lặp này, cho đến khi ta chủ động ngắt quãng giữa những vòng lặp đấy. Giống như một con hamster nó cứ chạy đuổi vòng vòng ở cánh trò chơi vòng lặp của nó, chạy cho đến khi gục xuống.

Đó có phải là cuộc sống không nhỉ? Đó có phải là cuộc sống như đáng lý nó phải là không? Đó có phải là cuộc sống mà chúng ta mong muốn không? Nếu không như thế, không bận rộn như thế, chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta liệu có đạt được thành công như người đời vẫn định nghĩa (về những thứ vật chất và địa vị xã hội, tác động tới cuộc sống của người khác), hay chúng ta sẽ trở lại bản thể sơ khai nhất của con người, như khi ta đến với thế giới này. Một cách ngẫu nhiên theo định mệnh gì đó.

Tôi đã nhiều lần suy nghĩ về câu hỏi, rằng chúng ta đến thế giới này vì sao? Theo trí nhớ, có lẽ cả tôi và cả bạn đều chưa bao giờ biết mình đã quyết định đến thế giới này bằng cách nào, khi nào, và vì sao, để làm gì? Chúng ta đến để vui, để hạnh phúc, để bận rộn, để phục vụ, để phát triển, để chả làm gì cả. Mỗi người sẽ chọn một mục tiêu.

Một con người có biết bao nhiêu trách nhiệm trong cuộc đời mình. Trách nhiệm là một con người (tự chăm lo cho bản thân về sức khỏe tinh thần và thể chất, nuôi dưỡng niềm vui sống, bền bỉ vượt qua khó khăn blah blah…), trách nhiệm trong vai trò cho con cái, cha mẹ, cô dì chú bác; trách nhiệm trong các vai trò xã hội (bác sỹ, nhà giáo, công nhân, y tá, hộ lý, bán hàng…Có những người đã rũ bỏ mọi trách nhiệm, mọi sở hữu để nhập thất, để đi vào đời sống tinh thần và tâm linh họ mong muốn.

Hôm nay New York Times có bài gửi vào email buổi sáng cho các độc giả rất đáng chú ý về vai trò của AI. Kết luận đơn giản như tựa đề là hầu hết các công việc hiện tại vẫn không làm sao cả. Bài phân tích nhận định rằng AI sẽ giúp con người làm những việc thường xuyên và nhàm chán để có thời gian vào những việc có ý nghĩa, đặc biệt là việc chăm sóc và quan tâm đến nhau. Đây, cần nhấn mạnh là con người có thời gian để chăm sóc và quan tâm đến nhau.

Nhìn theo lịch sử thì công nghệ giúp con người tốt hơn chứ không phải đe dọa con người cho dù những giả thuyết giả tưởng có phần rùng rợn về sự tiếm quyền của máy móc. Có một điều nghịch lý là máy móc giúp con người nhiều hơn, nhưng con người lại trở nên bận rộn và quá tải hơn, không chỉ là đội ngũ lao động kỹ năng cao, mà cả những người lao động phổ thông. Ai cũng bận rộn mưu sinh và không bao giờ là đủ. Đó có thể do lòng ham muốn của chúng ta không có điểm dừng. Nhưng dán nhãn nó là lòng ham muốn cũng có thể là không đủ, con người phải hướng lên, nhìn lên, tiến bộ, cố gắng, phải có mục tiêu, phải đạt được điều gì đấy. Rồi khi chúng ta gặp những cơn địa chấn về tâm hồn, khủng hoảng tinh thần thì mới quay lại nói với nhau là slow down lại đi, chúng ta đang lái cái cơ thể của ta quá sức nhanh, nó mệt, nó chán, nó buồn, nó đứt dây vì khô dầu mỡ.

Rồi chúng ta sit down, lie down. Có người nhập thất. Có người nhảy ra khỏi vòng xoáy. Có người chọn lại những ưu tiên. Có người từ chối bớt những gì đời mang đến cho họ. Có lẽ kỹ năng quan trọng nhất của cuộc đời là chọn được cái gì quan trọng với mình và bỏ bớt những gì mình không trân trọng. Hoặc nói cách khác, kiểm soát được sự kỳ vọng và lòng ham muốn của mình.

Thế giới đem đến nhiều cho ta, nhưng có lẽ ta cũng kỳ vọng nhiều hơn ở thế giới. Rằng sống là phải trải nghiệm càng nhiều càng tốt. Càng phải ra ngoài, hướng ra bên ngoài. Nhưng cũng có người nói rằng không phải, phải hướng vào trong.

Bận rộn có phải là một lựa chọn không? Nó có phải là một căn bệnh của tâm hồn không? Nó có chữa được không? Có những loại thuốc gì?

Văn hóa hiện đại khiến cho việc bận rộn trở thành một tấm mề đay, là lời bảo chứng cho tầm quan trọng, cho vị trí của một cá nhân trong xã hội. Chuyện này có gì đó sai sai.

Busyness isn’t a good business. Busyness nó làm mình kiệt quệ, không thể làm việc hiệu quả. Vậy phải điều chỉnh lại rất nhiều agenda và kỳ vọng của mình, những gì quan trọng nhất, quan trọng nhì, làm từ từ cũng được, hay không làm cũng không sao. Để sắp xếp lại các mục tiêu như vậy đòi hỏi một sự sắp xếp lại về tinh thần và cuộc sống. Đó là một cuộc cách mạng cá nhân.

Rốt cuộc đó là lựa chọn của mỗi người.

Comments