Bài viết đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Link ở đây.
Fuckup Nights tập trung vào “tôi đã thất bại như thế nào?”, nói về muôn vẻ thất bại – viễn cảnh mà tuyệt đại đa số (90%) công ty khởi nghiệp sẽ gặp phải, một sự thật phũ phàng mà mọi người kinh doanh đều cần hiểu.
Bề ngoài, đó giống như một buổi gặp gỡ để làm quen và kết nối (networking hay meetup) trong giới khởi nghiệp. Khoảng 50-100 người, hầu hết là các gương mặt trẻ, tập hợp trong một không gian nhỏ ấm cúng, thoải mái, uống bia, làm quen với nhau, trò chuyện rôm rả.
Có điều các diễn giả trên sân khấu sẽ chỉ được nói về việc “tôi đã làm dở, ngu ngốc và phá hỏng mọi thứ ra sao, ngớ ngẩn thế nào… trong quá trình khởi nghiệp” – nói chung là những hành động và thái độ mà tiếng Anh gọi là “fucked – up”.
Mỗi buổi sẽ có 3, 4 diễn giả, mỗi người có 7 phút trên sân khấu với nhiều nhất là 10 slide trình chiếu. Sau đó sẽ là thời gian dành cho gặp gỡ, kết nối và bia.
Ý tưởng này ra đời vào tháng 9-2012 tại Mexico khi 5 đồng sáng lập gồm Pepe, Julio, Luis, Charlie và Leti trong lúc ngồi uống bia và mezcal với nhau đã nhận ra rằng ngoại trừ với bạn thân, họ chưa bao giờ chia sẻ với người khác về thất bại của mình.
Họ quyết định tổ chức một sự kiện, lấy tên là Fuckup Nights, nơi mọi người có thể thoải mái và cởi mở chia sẻ về thất bại của mình.
Theo nghiên cứu của Công ty phân tích CB Insights có tiêu đề “Xu hướng chết của các công ty khởi nghiệp” (“The RIP Report – startup death trends”), các công ty thường “chết” khoảng 20 tháng sau vòng gọi vốn gần nhất và sau khi gọi được 1,3 triệu USD.
Trong cuốn Fuckup Book có rất nhiều câu chuyện “fucked – up” được kể lại. Cú sẩy chân trong quan hệ với truyền thông thời đầu khởi nghiệp của Linda Michina, đồng sáng lập Machina Wearable Technology, có thể là một câu chuyện điển hình.Nói về thất bại không phải là điều cấm kỵ
“Hôm nay, tôi sẽ kể cho các bạn về sản phẩm của chúng tôi, sản phẩm thành công nhất và cũng là thất bại ê chề nhất: MIDI Controller Jacket – loại áo khoác sử dụng sự chuyển động của cơ thể người mặc để tạo ra âm nhạc nhờ ứng dụng di động – Linda kể
– Mọi việc bắt đầu vào năm 2011, khi chúng tôi trình diễn sản phẩm tại sự kiện giới thiệu sản phẩm công nghệ, sau đó được mời tới trình bày sản phẩm ở Campus Party Brazil – một trong những sự kiện công nghệ quan trọng nhất ở Mỹ Latin.
Khi chúng tôi rời sân khấu, một nhà đầu tư tiềm năng tên Paul (tôn trọng sự riêng tư, xin gọi ông ấy bằng một cái tên khác) đến gặp chúng tôi.
Quá ấn tượng với sản phẩm và thương hiệu nên ông ấy đã mời tất cả đối tác của Machina tới New York, hứa hẹn rất nhiều điều tốt đẹp. Ông ấy đã hình dung ra tương lai đầy hứa hẹn của chúng tôi, nói rằng chúng tôi sẽ trở thành triệu phú, sẽ làm việc với những tên tuổi DJ hàng đầu thế giới như Tiesto. Tương lai dường như rất rực rỡ!
Khi chúng tôi đến New York, Paul đưa đến gặp chủ tịch của Hãng Louis Vuitton tại Mỹ, người cũng rất hào hứng với dự án của chúng tôi. Ông ấy nói đã lâu lắm rồi mới thấy một ý tưởng và thương hiệu được làm tốt như vậy, rồi: “Tôi có người bạn chắc sẽ muốn làm đại sứ sản phẩm của các bạn. Để tôi gọi điện thoại”.
“Alo, Kanye! Anh khỏe không? Anh đến văn phòng tôi đi, gặp một vài người cực kỳ hay ho đang làm những thứ cực kỳ xuất sắc mà tôi tin rằng anh sẽ rất thích” (Kanye West là nhà sản xuất âm nhạc và ca sĩ nhạc rap rất nổi tiếng của Mỹ – NV).
Chúng tôi rời văn phòng Louis Vuitton trong tâm trạng cực kỳ phấn khích, trở về Mexico cùng nhà đầu tư từ Brazil và trình bày sản phẩm của mình tại một sự kiện cao cấp hơn.
Khi kết thúc, truyền thông tiếp cận dồn dập. Tôi phụ trách truyền thông và tiếp thị cho thương hiệu, rất hào hứng. Tôi không suy nghĩ nhiều, chỉ chia sẻ với truyền thông rằng có khả năng chúng tôi sẽ làm được những điều lớn lao.
Ngoài ra, tôi không khẳng định điều gì cả. Sáng hôm sau, báo chí, trong đó có những trang thông tin rất quan trọng, đăng những thông tin sai lệch gồm cả thông tin về khoản đầu tư chưa chốt, một câu trích dẫn mà tôi không nói, trích tên của người mà chúng tôi chưa từng gặp (ví dụ như Bernard Arnault là chủ tịch của Louis Vuitton toàn cầu, trong khi chúng tôi chỉ gặp chủ tịch LVMH tại Mỹ).
Sau các bài báo này, chúng tôi mất 200.000 USD đầu tư, mất luôn khả năng hợp tác với Kanye West, nhà đầu tư người Brazil hủy kết bạn với tôi trên Facebook. Đó là khi bạn nhận ra mọi thứ vuột khỏi tầm tay. Tôi đã “fucked-up” như vậy đấy!”.
Trong trao đổi qua email với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, Yannick Kwik, CEO của Fuckup Nights, cho biết đến nay cả 5 nhà sáng lập vẫn tham gia mọi hoạt động kinh doanh và sự kiện xuất phát từ ý tưởng ban đầu của họ, gồm hai nhánh chính là Fuckup Nights tập trung vào các hoạt động sự kiện và Viện Thất bại (The Failure Institute) – nhánh nghiên cứu của họ.
Bốn năm kể từ thời điểm “a ha” đó, họ nhận thấy cảm nhận của mọi người về thất bại đang thay đổi rõ rệt, thất bại không phải là một điều cấm kỵ không được nói đến nữa.
Các công ty đang nhận ra họ cần phải mạo hiểm chấp nhận rủi ro nếu muốn thích ứng với thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Sáng tạo và phát minh luôn đi kèm với thất bại. “Cố gắng tránh cặp đôi tự nhiên này là một sai lầm” – Yannick cho biết.
Điều thú vị, theo Yannick, là ở những quốc gia chưa có văn hóa chấp nhận thất bại như một phần tất yếu của hành trình kinh doanh, Fuckup Nights lại có xu hướng thành công hơn. Có thể bởi vì “người ta tìm thấy ở Fuckup Nights nơi họ có thể nói thật về chuyện kinh doanh”.
Ý tưởng Fuckup Nights đang phát triển rất nhanh ở châu Á, với các sự kiện đã được tổ chức ở Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Philippines, Nepal, Ấn Độ và Đài Loan.
Sự kiện đến nay đã có mặt ở 240 thành phố tại 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với hơn 30 ngôn ngữ, hơn 100.000 người đã tham dự và công ty đã xuất bản 5 báo cáo về thất bại – dựa trên các nghiên cứu dữ liệu mà họ thu thập được từ những nhà khởi nghiệp trong 5 năm qua. Dĩ nhiên hàng ngàn lít bia cũng đã được tiêu thụ.
Yannick cho biết ngày càng nhiều công ty yêu cầu tổ chức các sự kiện Fuckup Nights nội bộ để thúc đẩy văn hóa coi thất bại là chuyện bình thường, cùng lúc đó giảm thiểu văn hóa thứ bậc trong công ty và xây dựng tinh thần sáng tạo.
Một mô hình gần giống với Fuckup Nights là FailCon – hội nghị kéo dài một ngày dành cho doanh nhân công nghệ, nhà đầu tư, phát triển, nhà thiết kế – để nghiên cứu về thất bại của mình cũng như của người khác.
Cảnh giác trước những thành công bị thổi phồng
Các quốc gia đang “nóng” với các ý tưởng khởi nghiệp công nghệ – nơi mà dường như thành công chỉ ập đến sau một đêm, truyền thông thường thích viết về thành công và quên đi 90% thất bại đã biến mất trong lặng lẽ.
“Những người làm kinh doanh và đầu tư (ở Việt Nam) cũng cảm thấy nhu cầu được chia sẻ về thất bại” – Quách Đức Anh, sáng lập và là CEO của Akira Education & Technologies, nói với Tuổi Trẻ Cuối Tuần.
Trong bài viết về “Những sai lầm ngu ngốc tôi đã mắc phải trong 4 năm khởi nghiệp”, Đức Anh kêu gọi: “Đừng tiếc 5 phút để đọc bài viết này vì nó sẽ giúp bạn tránh được những sai lầm ngu ngốc tôi đã mắc phải trong 4 năm vật vã khởi nghiệp”.
Anh tin rằng “Những startup thành công đều có cách thức riêng của họ, còn những startup thất bại thường mắc phải những lỗi ngớ ngẩn giống nhau. Chúng ta được truyền cảm hứng từ những câu chuyện khởi nghiệp thành công, nhưng chắc chắn không thể có Facebook hay Google thứ hai xuất hiện. Để thành công, bạn phải tìm ra con đường của riêng mình”.
Những câu chuyện thành công là có thật, ngọt ngào và “dễ nuốt trôi”, được nhớ mãi và được nhắc tới nhiều.
Nhưng đôi khi chúng bị thổi phồng vì nhiều lý do, trong đó có cả lý do chính những người khởi nghiệp làm như vậy vì mục đích gọi vốn, để thỏa mãn cái tôi của mình hoặc cho đẹp một báo cáo của ai đó. Điều này dẫn tới ảo tưởng, mơ mộng, thiếu thực tế về các công ty khởi nghiệp.
Đức Anh, 28 tuổi, sau khi học thạc sĩ ngành quản lý giáo dục tại Nhật, khởi nghiệp cách nay 4 năm bằng mô hình trung tâm đào tạo tiếng Nhật kết hợp phát triển hệ thống các bài học tương tác trực tuyến mở.
Ban đầu anh viết như một cách để chia sẻ với bạn bè trong giới và cộng sự, nhưng những bài viết có sức lan tỏa không ngờ trên Facebook. Anh có thấy mình mất gì không, nhất là khi chia sẻ về thất bại trong khi vẫn đang mò mẫm bước đầu trên con đường khởi nghiệp?
– “Tôi không thấy mình mất gì ngoài sự tự cao. Khi phải đối mặt và thừa nhận sự thất bại của bản thân là lúc phải bỏ đi cái tôi kiêu ngạo”.
Văn hóa chấp nhận và coi thất bại là chuyện “đương nhiên, bình thường” đã được Thung lũng Silicon “thấm nhuần” từ lâu.
Đó là một trong nhiều lý do khiến nơi đây trở thành trung tâm sáng tạo của thế giới, với các mô hình khởi nghiệp có thể vươn ra toàn cầu nhanh chóng và được định giá tỉ đô. Châm ngôn gối đầu giường ở Thung lũng Silicon là: “Thất bại nhanh, thất bại thường xuyên”.
Thậm chí, những nhà sáng lập nếu thất bại rồi còn được nhà đầu tư tin tưởng hơn (với hi vọng nhà sáng lập sẽ không lặp lại thất bại cũ).
Đừng âm thầm nói về thất bại
Tại Việt Nam, các cố vấn và những người khởi nghiệp cũng có xu hướng chia sẻ thất bại của mình với những nhóm thật thân thiết và tin tưởng nhiều hơn là với cộng đồng nói chung – nơi mà ngày càng có nhiều người thuộc thế hệ Y vốn được bao bọc hơn nhiều so với các thế hệ trước đang ấp ủ mong ước khởi nghiệp mà không biết thách thức, áp lực và khó khăn nào đang chờ đợi.
Trần Mạnh Công, đồng sáng lập của Topica Founder Institute (TFI) Vietnam và Thái Lan, cho biết với mô hình hỗ trợ các nhà khởi nghiệp tốt hơn ở TFI, họ có khách mời là những cố vấn hỗ trợ theo từng giai đoạn từ lúc ý tưởng đến lúc đưa sản phẩm ra thị trường (mô hình kinh doanh, xây dựng đội ngũ, phát triển sản phẩm, bán hàng & tiếp thị, gọi vốn…).
TFI thường mời các cố vấn đã thành công và có sở trường theo từng chủ đề chia sẻ về những thất bại, bài học xương máu và giải pháp, kinh nghiệm vượt qua những thử thách đó để đạt được thành tựu đang có.
“99% là chia sẻ về khó khăn thử thách, đi kèm giải pháp đã áp dụng để vượt qua hoặc kinh nghiệm tránh giẫm lại, nhưng các cố vấn thường cởi mở hơn khi chia sẻ trong các nhóm kín, nơi khán giả là chọn lọc” – Công cho biết.
Nhu cầu tìm hiểu về các kinh nghiệm thất bại của những người khởi nghiệp ở Việt Nam khá lớn, nhưng hiện tại có rất ít kênh thông tin và nội dung chia sẻ về việc này rộng rãi.
Là người vừa bắt tay vào khởi nghiệp với Công ty Caramo chuyên mua bán ôtô cũ online, Công tin rằng: “Văn hóa chia sẻ và lắng nghe thất bại là tốt cho cộng đồng và hệ sinh thái khởi nghiệp, giúp các công ty khởi nghiệp có góc nhìn nhiều chiều và thực tế hơn”.
Bài viết đăng trên Tuổi Trẻ Cuối Tuần. Link ở đây.