Forbes Việt Nam số 2: Nước lên thuyền lên (hay chuyện Google ở Việt Nam)

Nơi nhân viên của Google nghỉ ngơi, thư giãn và trao đổi ý tưởng công việc tại văn phòng Google, Singapore.
Nơi nhân viên của Google nghỉ ngơi, thư giãn và trao đổi ý tưởng công việc tại văn phòng Google, Singapore.

 

© Forbes Vietnam. Tháng 7.2013

Quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam đang đem lại lợi nhuận không chỉ cho  Google mà cả các doanh nghiệp trong nước.

Chính thức ra mắt trang tìm kiếm tiếng Việt năm 2003 và giới thiệu dịch vụ quảng cáo Google Adwords năm 2007, khoảng hai năm trở lại đây, Google mới thực sự thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp Việt Nam về dịch vụ quảng cáo, cỗ máy đóng góp gần 95% tổng lợi nhuận toàn cầu của Google.

Làm thế nào để thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn đạt hoặc vượt mục tiêu lợi nhuận, lại biết ngay được hiệu quả kinh tế của những đồng tiền đầu tư vào quảng cáo? Các doanh nghiệp Việt Nam dù cắt giảm chi phí quảng cáo nói chung, nhưng không hề giảm tiền chi cho quảng cáo trực tuyến vì có thể đo được lợi ích và tối ưu hóa cách làm để phù hợp với chi phí từng thời điểm.

Theo ước tính của ông Nguyễn Minh Quý, chủ tịch kiêm CEO của công ty cổ phần tập đoàn truyền thông và công nghệ Nova (NovaAds), doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến của Việt Nam năm 2012 khoảng 80 triệu đô la Mỹ, tăng trưởng  50-60% hằng năm.

Mảng quảng cáo tìm kiếm trên thế giới chiếm đến 43%, nhưng tại Việt Nam phần lớn quảng cáo trực tuyến nghiêng về quảng cáo hiển thị, đặc biệt trên các website tin tức phổ biến. Tuy nhiên, cũng tại thị trường này, thị phần quảng cáo hiển thị đang giảm, từ 79,4% năm 2009 xuống còn 66,1% năm 2011 do sự trỗi dậy của các mạng quảng cáo.

Trong quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam, thị phần dành cho quảng cáo tìm kiếm mà Google sở hữu (gần như tuyệt đối ở Việt Nam) chưa vượt qua mảng quảng cáo hiển thị nói chung. Nhưng cùng với sự ra mắt gần đây của mạng quảng cáo hiển thị Google (Google Display Advertising Network), “tổng thị phần quảng cáo của Google đang tăng nhanh chóng.”

Công ty của ông Quý sau khi ký hợp đồng 2 năm làm đại lý bán quảng cáo tìm kiếm cho Yahoo! đã không ký tiếp vào năm 2012, do “Yahoo! không tiêu được tiền của khách hàng” vì “tỉ lệ người Việt Nam tìm kiếm trên Yahoo! thấp, khác với trên thế giới.” Còn công ty cổ phần Quảng cáo Thông minh (CleverAds) cũng có tới hơn 80% khách hàng đề nghị sử dụng dịch vụ của Google để quảng cáo, còn lại là Yahoo!, Facebook và các công cụ khác.

Không phải ngẫu nhiên các doanh nghiệp chú ý đến dịch vụ quảng cáo của Google.

Với đại lý bán vé máy bay Hoàng Việt, biết đến quảng cáo trực tuyến với Google Adwords là dịp đổi đời. So với 1 năm trước, Hoàng Việt nay có thêm khoảng 20 nhân viên mới, dịch vụ đa dạng hơn, phục vụ hàng trăm khách mỗi ngày ở khắp mọi nơi, kể cả nước ngoài.

Trước đây, công ty chỉ có vài khách mỗi ngày chủ yếu ở địa bàn TP. HCM. Dù chỉ chi trung bình 40 triệu đồng/tháng cho Adwords, chị Kiều Ngân, phụ trách tài chính công ty tiết lộ doanh thu hằng tháng hiện đã tăng lên 10 tỉ đồng, thay vì 1 tỉ đồng như trước đây. Hoàng Việt có thể kiểm soát được mức chi tùy theo ngân sách, đo lường hiệu quả của quảng cáo và thấy rõ tỉ lệ chuyển đổi từ người xem trang web (quan tâm dịch vụ) thành khách hàng rất tốt, vào mùa du lịch lên tới 70%.

Sử dụng mô hình bán hàng thông qua đấu giá độc đáo, Google để cho các doanh nghiệp như Hoàng Việt cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng ngành để trả tiền cao nhất cho từ khóa mà họ muốn quảng cáo và kéo khách hàng vào website mình. Hệ sinh thái Google tạo ra được cho là bảo vệ quyền lợi của 3 bên chặt chẽ.

Google bán không gian quảng cáo trên trang hiển thị kết quả tìm kiếm với số tiền tốt nhất có thể (nhưng không có nghĩa là cao nhất), doanh nghiệp sẽ chi tiền tùy hầu bao, còn người sử dụng Internet nhiều khả năng sẽ nhận những thông tin quảng cáo phù hợp với mối quan tâm, sở thích, vị trí địa lý của họ. Mô hình đó chỉ có thể tồn tại dựa trên “niềm tin lẫn nhau” và nền tảng công nghệ cùng dữ liệu người dùng khổng lồ, điều mà Google đang có sẵn.

Cùng với các công ty dịch vụ du lịch như Hoàng Việt, các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực điện tử và giáo dục đang là những khách hàng ổn định và chi tiêu mạnh nhất cho quảng cáo tìm kiếm ở Việt Nam.

Họ có thể tự quảng cáo (liên hệ trực tiếp với Google), tìm đến các đại lý nhỏ lẻ hoặc 3 đối tác cao cấp chính thức của Google ở Việt Nam là NovaAds, CleverAds và VCCorp. Nếu các thương hiệu lớn, có tài chính mạnh thường nhắm tới Yahoo! để làm quảng cáo hiển thị, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn chiếm 95% trong nền kinh tế và góp 40% vào GDP của Việt Nam, có xu hướng chọn Google vì chi phí “vừa phải,” theo công ty CleverAds.

Thị trường quảng cáo trực tuyến, theo dự báo của ông Nguyễn Khánh Trình, giám đốc CleverAds, sẽ còn tăng trưởng cao trong ít nhất 8 năm tới trước khi đi ngang. Dựa trên dữ liệu công ty, từ khóa có chi phí đắt tiền nhất là “máy phát điện,” “thông bồn cầu,” “chuyển nhà trọn gói,” “thông tắc bể phốt,” “camera giám sát,” “camera chống trộm.” Mỗi lần quảng cáo của doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm này được khách hàng click, doanh nghiệp đó có thể phải trả chi phí lên tới 20-30 ngàn đồng. Giá trung bình cho 1 từ khóa ở Việt Nam là 2.000-3.000 đồng.

Google không tiết lộ số tiền đầu tư hay doanh thu từ thị trường Việt Nam. Nhưng “nước lên thuyền lên,” thị trường mới đang bùng nổ giúp cho các công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo trực tuyến ăn nên làm ra khi hợp tác và chia sẻ lợi nhuận với Google.

CleverAds có mức tăng trưởng trung bình 200%/năm liên tục 4 năm qua, lấy mức phí dịch vụ từ 10-20%, và “khách hàng lý tưởng nhất thường chi từ 50-100 triệu đồng/tháng.” Sau khi có thêm vốn từ một quỹ đầu tư mạo hiểm của Nhật, CleverAds tiếp tục mở rộng thị trường và đã có mặt ở một số nước khu vực. Vẫn sử dụng đầu tư từ nguồn vốn “trong nhà,” NovaAds đang tiếp tục mở rộng văn phòng, thị trường và tin vào khả năng đạt doanh thu 1 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030.

Việc Facebook xuất hiện và nhanh chóng chiếm lĩnh “tâm trí” của người Việt Nam cũng giúp mạng xã hội này thành một yếu tố quan trọng với các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo. Điều này sẽ càng đúng hơn khi Facebook có được những đại lý đầu tiên tại Việt Nam ở tương lai rất gần, nằm trong chiến dịch toàn cầu của Facebook.

Google coi Đông Nam Á là thị trường đầy tiềm năng, do nền kinh tế Internet khu vực này vẫn còn nhỏ. Ở Việt Nam, ngoài Adwords, Adsense, Display Advertising Network của Google cung cấp thêm lựa chọn về hình ảnh, sự tương tác, âm thanh… cho người quảng cáo.

Comments