Forbes Vietnam số 1: Con đường màu hồng của Dung Tấn Trung

Dung Tấn Trung tại văn phòng MobiVi. Ảnh: Phan Quang

© Forbes Vietnam. Tháng 6.2013

Với 12 triệu đô la Mỹ đầu tư khai thác thị trường thanh toán trực tuyến và tín dụng vi mô ở Việt Nam, liệu “huyền thoại giới công nghệ cao Mỹ” Dung Tấn Trung có lặp lại “American Dream” tại quê hương?

Lập trình viên, doanh nhân Dung Tấn Trung không xa lạ với Forbes. Năm 1998, Forbes Mỹ giới thiệu ông trong bài “Tangling the web” khi ông giữ vai trò sáng lập viên, giám đốc công nghệ của công ty OnDisplay. Sau đó, OnDisplay được IPO giá 1,7 tỉ đô la Mỹ, trở thành một trong những vụ IPO thành công nhất Mỹ thời điểm đó. Người ta gọi ông là tỉ phú Mỹ gốc Việt.

“Thực sự mình không phải tỉ phú. Mà chuyện đó qua lâu rồi, mình cũng không muốn nhắc lại,” ông nói khi trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam tại văn phòng MobiVi (công ty cổ phần hỗ trợ dịch vụ thanh toán Việt Phú) tại TP.HCM. Ông cho biết ông có 15% giá trị của thương vụ IPO lịch sử đó.

Bây giờ, với kỹ thuật lập trình viên và đầu óc doanh nhân, triệu phú Dung Tấn Trung đang tham vọng khai phá thị trường còn sơ khởi ở Việt Nam: thanh toán điện tử với các công cụ như ví điện tử và tín dụng vi mô.

Năm 1992, khi 25 tuổi và rời Sài Gòn được 7 năm, lần đầu tiên chàng trai gốc Chăm làm quen với công cụ trình duyệt ở đại học Illinois và cảm nhận ngay đây sẽ là cuộc cách mạng lớn trong ngành công nghệ thông tin. Lần khởi nghiệp 15 năm trước rơi đúng thời bùng nổ Internet; ý tưởng hay kết hợp điểm rơi thị trường giúp ông thành câu chuyện thành công lớn ở thung lũng Silicon.

Ứng dụng phổ biến nhất của OnDisplay là giúp các website xây dựng chức năng mua sắm so sánh (giá cả, ngày giao hàng, hàng có sẵn…) của nhiều nhà cung cấp dịch vụ/sản phẩm để người dùng khỏi phải đi nhiều nơi. Bí quyết thành công của thương vụ IPO OnDisplay đơn giản: “Đón trước được sự bùng nổ thị trưởng xảy ra năm 1998, thị trường có nhu cầu và mình có sản phẩm.” Dù trước đó, ông cũng qua thời gian dài thuyết phục nhà đầu tư, mà “mình gặp 10 người thì 9 người không hiểu mình nói gì.”

Trong những công ty đầu tư ông thuyết phục thành công có Matrix Partners, nằm trong nhóm các công ty đầu tư mạo hiểm thành công nhất của Mỹ trong 30 năm qua. Với khoảng 30 triệu đô la Mỹ ông huy động cho dự án, “các nhà đầu tư đã thu lợi không dưới 700 triệu đô la Mỹ,” ông cho biết.

Sinh năm 1967, Dung Tấn Trung đến Mỹ khi đã 18 tuổi. Ông học toán – khoa học máy tính tại đại học Massachusetts, rồi cao học khoa học máy tính tại đại học Boston, bỏ dở chương trình tiến sĩ để khởi nghiệp với OnDisplay, theo lời ông, dù “không biết gì về tài chính, xây dựng công ty; tôi chỉ là kỹ sư phần mềm, nhưng nghĩ tới viễn cảnh các website tự động tìm kiếm thông tin và xử lý thông tin sẽ xảy ra.”

Sau khởi đầu thành công vượt trội, từ 2001-2005, ông mở công ty thứ hai, Fogbreak. Ông đặt tham vọng cao hơn, cùng đối tác tạo phần mềm quản trị quy trình sản xuất thuê ngoài, bán cho doanh nghiệp rất lớn. Mỗi doanh nghiệp chi từ 250 ngàn – 1 triệu đô la Mỹ, và phải mất 6 tháng – 1 năm triển khai. Tổng cộng, doanh nghiệp sẽ phải đầu tư từ 1-2 triệu đô la Mỹ. Mô hình truyền thống đáng lý sẽ vẫn như vậy nếu Mỹ không suy thoái, buộc doanh nghiệp cân nhắc hơn.

Ba khách hàng đầu tiên đồng ý trả mỗi người một triệu đô la Mỹ để triển khai phần mềm của Fogbreak. Nhưng chào đón nồng nhiệt không đồng nghĩa thành công lâu dài. Khách hàng ít, không ổn định là thách thức lớn; cho tới khi ông nhận ra thị trường thay đổi.

Nhưng đã quá trễ. Trong 13 triệu đô la Mỹ huy động được (cộng thêm 2 triệu đô la Mỹ của ông), ông chi “gần hết 2/3”, cuối cùng trả tiền lại cho nhà đầu tư vì thấy khó thành công. “Tôi không thực sự cảm nhận được mô hình thuê và cho thuê, hay dự báo xu hướng thị trường từ năm 2001.”

Sau thành công rực rỡ là thất bại đầu tiên.

Tôi từng nghĩ công nghệ quan trọng nhất, nhưng sau chuyện đó tôi hiểu mô hình kinh doanh là quan trọng nhất, giải quyết được nhu cầu khách hàng mới quan trọng. Mình có sản phẩm tốt mà người ta không mua được thì cũng không thành công. Vậy mình phải có mô hình phù hợp với thị trường và đó là cái quan trọng hơn công nghệ.

Nhưng Dung Tấn Trung tin rằng “bản chất của doanh nhân là nhìn màu hồng của cuộc đời nhiều hơn màu đen.”

Comments