Forbes Việt Nam số 2: Nước lên thuyền lên (hay chuyện Google ở Việt Nam)

screenshot_11Google cũng liên tục mở văn phòng ở Philippines, Indonesia và Thái Lan, bên cạnh Nhật và Singapore. Ông Julian Persaud, giám đốc điều hành Google tại Đông Nam Á nói với Forbes Việt Nam, mấu chốt trong quyết định mở văn phòng ở bất kỳ đâu là cơ sở hạ tầng và khung pháp lý phù hợp cho hoạt động, và sứ mệnh từ khi thành lập đến nay của Google là “sắp xếp thông tin của thế giới và làm cho thông tin đó trở nên hữu dụng và có thể truy cập trên toàn cầu.”

“Chúng tôi không sẵn sàng thỏa hiệp vì có thể vi phạm các nguyên tắc đạo đức của mình,” ông nói và nhận xét hạ tầng ở Việt Nam là “chưa đủ” dù mọi thứ đều đang tiến triển “đúng hướng và nhanh chóng.”

Google đang mở rộng tại khu vực, với số nhân viên tăng nhanh đến nỗi Amy Kunrojpanya, giám đốc truyền thông Google tại tiểu vùng Mekong (Thái Lan, Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanmar) cũng thấy khó khăn khi cập nhật các con số và những gương mặt mới. Cô cho biết mỗi ngày đều thấy những Googler mới và thực sự đây là một thời điểm rất thú vị với Google và các doanh nghiệp ở đây.

Tất nhiên, bây giờ là thời điểm thú vị nếu xét tới 31 triệu người Việt Nam đang sử dụng Internet, 56% qua thiết bị di động (theo WeAreSocial, tổ chức có trụ sở chính ở Anh nghiên cứu độc lập về truyền thông xã hội toàn cầu tháng 10.2012). Ông Nguyễn Minh Quý nhận định tỉ lệ sử dụng Google ở Việt Nam là 95%. Quảng cáo trên di động cũng đang trở thành xu hướng nổi bật nhờ tỉ lệ chuyển đổi từ người quan tâm quảng cáo sang người mua hàng rất cao, tới 70%.

Kinh tế số ở Việt Nam hiện mới chiếm 0,9%, tức chưa tới 1% trong nền kinh tế, theo hãng tư vấn McKinsey. Ở Malaysia là 3,9%. Chi phí các doanh nghiệp Việt Nam chi cho quảng cáo trực tuyến cũng chưa tới 1%, trong khi ở Vương quốc Anh là 35% (lớn hơn cả truyền hình). Một thị trường đầy hứa hẹn lợi nhuận cho những bên tham gia kiếm lợi, nhất là với những bên vừa có công nghệ vừa có tiền.

Cốc Cốc hay Wada là thế hệ trang web tìm kiếm thứ hai dành riêng cho thị trường Việt Nam đang thu hút sự chú ý. Cốc Cốc chi 15 triệu đô la Mỹ đầu tư 4 năm qua và đang tiếp tục kêu gọi đầu tư để đạt được tham vọng “lật đổ Google tại Việt Nam, chiếm vị trí số 1 trong thị trường tìm kiếm.” Giới công nghệ và kinh doanh vừa tỏ ra nghi ngờ cho mục tiêu chiếm 5% thị phần tìm kiếm năm 2013 của Cốc Cốc, vừa thừa nhận sự “quyết tâm và tiềm lực kinh tế thực sự” của bộ máy đằng sau trang web này.  Dư âm không tích cực từ thế hệ trang web tìm kiếm đầu tiên của Việt Nam vẫn còn lan đến tận ngày nay.

Cho đến nay, áp lực cạnh tranh với Google trên thị trường Việt Nam hầu như không có. Wada hay Cốc Cốc chưa chứng minh được gì. Bing vẫn chưa mạnh ở Việt Nam nhưng đang mở rộng trên thế giới, còn Baidu nói lời tạm biệt chưa biết bao giờ trở lại (dù công nghệ và sức mạnh của cả hai đều là đối thủ đáng gờm của Google). Món ngon là một thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam quá tiềm năng, mà như Cốc Cốc ước tính đạt 340 triệu đô la Mỹ năm 2020, trong đó hình thức quảng cáo theo ngữ cảnh sẽ chiếm tỉ trọng lớn.

Các trang mạng quảng cáo sẽ khó cạnh tranh được với Google khi Google vẫn nắm thị phần tìm kiếm, tức đang nắm khối óc của cả cơ thể quảng cáo theo ngữ cảnh. Ông Julian vẫn giữ quan điểm của Google khi nói về cạnh tranh: “Google không tập trung đánh bại đối thủ, mà tập trung vào người dùng. Nếu người dùng vui vẻ, hài lòng, thì việc kinh doanh của chúng tôi tiếp tục tốt đẹp.”

Cho đến bây giờ, các tờ báo lớn của thế giới vẫn đặt dấu hỏi lớn về việc “liệu chúng ta có tin Google, đủ để trao hết cho họ những bí mật của mình hay không?” Forbes hồi cuối năm 2009 đã kể về cách Google xâm nhập và muốn sở hữu bộ não của chúng ta ra sao. Trong khi những câu hỏi lớn đó còn tiếp tục gây tranh cãi lâu dài, thì trước mắt, dễ thấy nhất là cơ hội làm ăn. Tất nhiên, với những ai nhanh chân chạy trước.

Tác giả: Khổng Loan.

© Forbes Vietnam. Tháng 7.2013

Comments