Ai thấp kém hơn? Who is inferior?

Chuỗi phim Beyond the lobby về các khách sạn và khu nghỉ dưỡng lạ và đẹp nhất thế giới đã giúp tôi đỡ nghiền mỗi khi cơn thèm chu du trỗi dậy. Tập về khách sạn Royal Mansour (Morocco) đã kết thúc bằng một phỏng vấn ngắn của người dẫn chương trình và một người phục vụ phòng riêng, gọi là butler.

Nói thêm về khách sạn này, là khách sạn sang trọng nhất ở Morocco, trung bình 15 người phục vụ 1 khách. Nhân viên đều chủ yếu ở tầng hầm, đi lại trong một hệ thống rất tinh vi ở dưới, khách ở hầu như rất hiếm khi thấy họ, chỉ thấy phòng ốc lúc nào cũng đẹp đẽ sạch sẽ, như bà tiên trong quả thị hiện ra rồi biến mất. Đỉnh cao của luxury là sự riêng tư tuyệt đối. Ta không thấy ai mà không ai thấy ta.

Trong một buổi ngồi trò chuyện ở gia đình người butler, ở quê, một gia đình rất giản dị và đang có đời sống vật chất khá hơn nhờ đứa con đi làm xa, người dẫn chương trình hỏi: “Khi anh phục vụ anh có thấy mình thấp kém không?”

Anh phục vụ trả lời” Có một câu trong ngôn ngữ Arab: The master of the people is the one who serve them. Ông chủ chính là người phục vụ. So I never feel shame or inferior to serve or to do any kind of work. Thế nên tôi không bao giờ cảm thấy xấu hổ hay thấp kém khi phục vụ hay làm bất kỳ công việc gì.”

Suy nghĩ của anh butler này khiến anh ta trở thành người đáng trọng quá đỗi.

Servant leadership. Lãnh đạo phục vụ là một cụm từ mà ở các khóa dạy về lãnh đạo hay nhắc tới. Người lãnh đạo lo cho người khác ăn rồi mới đến lượt mình ăn. Đi trước mà về sau. Người lo được cho người khác là người khỏe mạnh. Người làm cho người khác hạnh phúc là người nhiều hạnh phúc hơn cả.

Tất cả mọi thứ trên đời này, con người chúng ta đã áp đặt, và dán nhãn cho nó đủ cả. Rồi chúng ta thuyết phục người khác rằng đó là thế đấy. Những khái niệm đó trở nên phổ biến khi chúng ta đều tin và nhất trí về nó, cùng gọi nó bằng 1 cái tên.

Những thứ nhìn thấy được như cái cây, ngôi nhà, đàn ông, đàn bà, bầu trời, mặt đất, con tàu, cái xe.

Đến những thứ vô hình hơn như quốc gia, dân tộc, hạnh phúc, khổ đau, đức hạnh, tự trọng, đẹp, xấu, khinh bỉ, đáng thương.

Rồi đến một lúc nào đó ta nhận ra rằng có rất nhiều thứ vô hình lại là “state of mind” – trạng thái tinh thần. Đó là suy nghĩ của mình mà thôi. Nó có thể khác nếu ta thay đổi suy nghĩ. Suy nghĩ của ta là của ta. Ta có thể nghĩ đó là hạnh phúc thì đó là hạnh phúc. Đó là khổ đau thì đó là đau khổ. Khác với cái giường êm, thì nó phải làm ta không đau lưng. Nhưng những cái gì vô hình hơn thì lại không dễ dàng định nghĩa, xếp đặt, phân loại như vậy.

Anh chàng butler đã chuyển đổi trạng thái tinh thần, tư duy của mình một cách ngoạn mục nhờ những lời dạy bảo từ những trí tuệ của người Arab. Hằng ngày anh ta làm việc chăm chỉ, và đó là hạnh phúc. Anh ta không nghĩ đó là kém cỏi, là thấp kém, phục vụ người khác là thấp kém. Mà phục vụ người ta bởi ta có thể làm việc đó. Chứ nó không liên quan gì tới việc so sánh hay phân biệt.

Thế nên khi mình nhìn thấy một người lãnh đạo, quản lý, hay bất kỳ ai có tinh thần phục vụ, làm cho người khác thoải mái, an toàn, tốt đẹp hơn, thì mình thấy rất ngưỡng mộ. Cần rất nhiều trí tuệ để có thể hành động như vậy chứ không hề đơn giản. Những đầu óc hạn hẹp không thể phục vụ người khác.

Comments