Bản quyền Forbes Vietnam. Tháng 4.2017.
Ảnh: Haaretz.com
Đọc bản đầy đủ trên Forbes Vietnam số tháng 4.2017.
Nhân chuyến thăm của tổng thống Israel Reuven Ruvi Rivlin và phu nhân tới Việt Nam cuối tháng 3.2017, Forbes Việt Nam trò chuyện cùng ông Avi Hasson, nhà Khoa học trưởng, bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel, chủ tịch cơ quan Sáng tạo Israel (Israel Innovation Authority). Phần phỏng vấn sau đây đã được cắt gọn:
Ông Avi Hasson cho biết: trong chuyến thăm đầu tiên của mình đến Việt Nam, tại buổi nói chuyện với hội Doanh nhân trẻ TP.HCM (YBA), ông nhấn mạnh thông điệp về sự hợp tác. “Tôi nhấn mạnh về niềm tin lớn lao của mình là để thành công, bạn phải hợp tác, không chỉ trong bình diện quốc tế, mà trong nội bộ các ngành, giữa các công ty với nhau. Tôi nghĩ đó chính là một phần của bí mật thành công của Israel.”
Forbes Việt Nam: Ông từng quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm Gemini Israel Funds ở Israel trước khi tham gia vào khu vực nhà nước, ông vẫn đang tiếp tục đầu tư?
Avi Hasson: Không. Khi chuyển sang làm việc cho chính phủ sáu năm trước thì tôi tách biệt hẳn. Cũng như Aharon Aharon, người mới trở thành CEO của cơ quan Sáng tạo Israel. Ông ấy từng là CEO của Apple ở Israel. Nhìn lại thì tất cả những người tiền nhiệm của tôi đều đến từ phía kinh tế tư nhân. Nên nếu bạn tận dụng được hết những kinh nghiệm từ kinh tế tư nhân để đặt nó vào phục vụ cho phía nhà nước thì sẽ có hiệu quả tích cực.
Forbes Việt Nam: Ở Việt Nam chưa có nhiều người sau thời gian đảm nhận vị trí cao trong khối tư nhân chuyển sang quản lý ở các cơ quan chính phủ.
Avi Hasson: Ở Israel, hiện tượng này cũng không phải nhiều. Nhưng riêng với cơ quan Sáng tạo Israel, ở văn phòng của nhà Khoa học trưởng, đây là truyền thống. Có lẽ bởi chúng tôi là sự giao thoa giữa khối nhà nước và tư nhân.
Tôi nắm vai trò của nhà Khoa học trưởng nằm trong bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel, trong lúc đồng thời là chủ tịch Cơ quan sáng tạo Israel, có nhiệm vụ kết nối sáng tạo để tạo ra thịnh vượng kinh tế. Thường thì bắt đầu là nghiên cứu khoa học, rồi ứng dụng vào thực tiễn. Ở Israel, Intel vừa chi 15,3 tỉ đô la Mỹ để mua lại Mobileye, công ty chuyên về xe tự hành. Công ty này thành lập từ cách nay 20 năm, trong phòng thí nghiệm của giáo sư Amnon Shashua ở ĐH Hebrew.
Cơ quan Sáng tạo Israel nhận hỗ trợ tài chính hoàn toàn từ chính phủ, linh hoạt hơn trong việc soạn thảo và thực hiện chính sách hỗ trợ sáng tạo, hạ tầng, và cả ngân sách hỗ trợ nghiên cứu phát triển cho các nhà nghiên cứu trong mọi lĩnh vực của công nghệ ở mọi giai đoạn.
Forbes Việt Nam: Theo ông, sai lầm chung khi hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp của các quốc gia đang phát triển là gì?
Avi Hasson: Nói chung, rất khó và thậm chí nguy hiểm khi so sánh các quốc gia. Ngay cả với những quốc gia tưởng chừng giống nhau về diện tích, về trình độ phát triển, nhưng lại rất khác biệt về văn hóa. Sai lầm tôi thường thấy là sự can thiệp quá sâu của nhà nước. Tôi cho rằng chính phủ nên nhận ra mình làm được việc gì hiệu quả, khối tư nhân làm được việc gì tốt hơn và đừng cố mà đổi chỗ của nhau.
Tôi muốn chia sẻ thêm việc mà chúng tôi làm ở Israel là chính phủ luôn cố gắng chia sẻ rủi ro liên quan tới sáng tạo. Vì sáng tạo có rất nhiều rủi ro, hầu hết các dự án là thất bại. Nhưng chính phủ đôi khi có lợi ích từ chính những dự án thất bại đó thông qua những đóng góp vào nền kinh tế, kiến thức… Chính phủ nên nhận lãnh rủi ro cùng. Bởi vậy chúng tôi cố gắng tập trung nguồn lực ngân sách vào những ý tưởng sáng tạo nhiều rủi ro nhất, dù không phải lúc nào cũng thành công nhưng nó đáng giá.
Vốn tài chính là một vấn đề lớn trong hệ sinh thái sáng tạo. Nhưng cũng phải nói là chúng tôi mất tới 25 – 30 năm để tạo ra những gì chúng tôi có được hiện nay. Với các quốc gia bây giờ bắt tay vào khởi nghiệp công nghệ, không nên mất quá nhiều thời gian đến mức vậy. Các bạn có thể sử dụng rất nhiều thông tin, vốn, công nghệ… sẵn có, bạn có thể làm được nhiều mà không phải cần nhiều vốn như cách đây 10 – 15 năm.
Ngoài ra, bạn cần có những cá nhân trở thành tấm gương, có vai trò hình mẫu, được tôn vinh, ca ngợi, cả nam và nữ, để mọi người đều chúc mừng thành công của họ, và họ trở thành cảm hứng cho những người khác.
Forbes Việt Nam: Cơ quan Sáng tạo Israel vừa cho ra đời chương trình Phòng thí nghiệm Sáng tạo (Innovation Labs) hỗ trợ kết nối sáng tạo. Ông có thể chia sẻ thêm về hiệu quả chương trình này?
Avi Hasson: Tôi nghĩ hơi sớm nói về hiệu quả. Đây là một trong nhiều quỹ hiện nay ở Israel hỗ trợ phát triển quá trình sáng tạo mở (open innovation) dành cho các công ty khởi nghiệp giai đoạn sớm. Chúng tôi hỗ trợ các công ty lớn kết nối và tương tác với các nhà phát minh trong lĩnh vực hoạt động của mình nên gọi là “sáng tạo mở”. Ngoài ra, mô hình này giúp cho các công ty mới tiếp cận được với hạ tầng kiến thức, quan hệ của các công ty lớn. Như vậy có thể đề cập tới hạ tầng vật lý như phòng thí nghiệm, không gian làm việc, trong bất kỳ lĩnh vực nào. Chúng tôi cũng tham gia vào hỗ trợ tài chính thành lập phòng thí nghiệm hay dự án cụ thể…Có khoảng 100 công ty muốn mở phòng thí nghiệm kiểu như vậy. Chúng tôi chọn khoảng năm ứng viên tốt nhất để làm thử, nếu thành công chúng tôi sẽ mở rộng.
Chúng tôi giúp điều phối và chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp bằng cách hỗ trợ tài chính, không gian, sau đó thì đứng tránh đường để các doanh nghiệp và cá nhân làm việc cùng nhau. Tôi nghĩ việc quan trọng nhất là “làm mai” – kết nối những người thông minh với nhau, họ sẽ biết phải làm gì.
Forbes Việt Nam: Ở Israel, các công ty khởi nghiệp nông nghiệp được hỗ trợ như thế nào từ chính phủ?
Avi Hasson: Chúng tôi có tất cả các thành phần tham gia trong ngành nông nghiệp kết hợp làm việc với nhau. Ngoài Volcani là cơ quan nghiên cứu nông nghiệp còn có các viện nghiên cứu khác, các nhà phát minh, và người sử dụng. Tôi nghĩ đó là lợi thế, và người nông dân là thành phần rất quan trọng. Vì trong rất nhiều trường hợp, cách duy nhất để biết phát minh có hiệu quả hay không là trồng cấy, làm việc với người dùng sẽ tạo ra nhiều sự khác biệt.
Forbes Việt Nam: Chúng ta chứng kiến nông nghiệp thế giới đang thay đổi nhanh chóng: hiệu suất sản xuất tăng cao nhờ công nghệ, nhưng ngược lại cũng còn rất nhiều người nghèo và sự cách biệt lớn về công nghệ giữa các quốc gia. Vậy theo ông, một quốc gia nên tập trung đầu tư vào đâu nếu muốn thịnh vượng và phát triển bền vững?
Avi Hasson: Tôi là người rất tin rằng không có đầu tư nào tốt hơn là đầu tư vào công nghệ, R&D. Đây là lĩnh vực năng động và bền vững nhất của nền kinh tế, đem lại kết quả tốt nhất. Ví dụ với Israel, mọi người biết Israel là quốc gia hàng đầu về việc chi rất nhiều tiền cho R&D, nhưng phần trong chi phí này của chính phủ lại rất thấp, dưới 5%. Đây không phải chuyện của 25 năm trước. Nhưng nếu bạn tạo ra (một cơ chế), bạn sẽ thấy khối tư nhân hưởng ứng liền, và có kết quả tuyệt vời. Mỗi đồng tiền được đầu tư vào công nghệ, R&D, khi tạo ra ảnh hưởng trong nền kinh tế, giá trị của nó tăng lên 5-10 lần xét về đóng góp vào GDP, nên đó là khoản đầu tư tốt nhất. Và thị trường của tương lai sẽ thuộc về công nghệ. Mọi khía cạnh nền kinh tế sẽ được công nghệ hóa. Nên nếu muốn tham gia thì phải có kiến thức và hiểu biết, và vượt trội.
Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam
Bản quyền Forbes Việt Nam
Tác giả: Khổng Loan