Forbes Việt Nam số 6: Trải nghiệm khác (hay mô hình du lịch của nền kinh tế chia sẻ) ở Việt Nam

screenshot_14© Forbes Vietnam. Tháng 12.2013

Hình dung thế này: Bạn đến một đất nước, tham quan những địa điểm truyền thống nổi tiếng, và muốn hiểu hơn về cách sống, thưởng thức đặc sản theo cách của người địa phương. Nhu cầu khá đa dạng, khó lòng tạo ra một sản phẩm đại trà nên không nhiều đại lý du lịch sẵn lòng đáp ứng.
Triip.me là trang web theo mô hình “chợ” du lịch trực tuyến, chuyên cung cấp tour cá nhân do chính người địa phương hoặc am hiểu địa phương gợi ý và hướng dẫn.

“Sài Gòn còn gì khác nữa ngoài chợ Bến Thành, nhà thờ Đức Bà, bưu điện thành phố? Chúng tôi là câu trả lời,” Hồ Việt Hải, một trong 5 người sáng lập trang web cho biết. Song không phải có ý tưởng về tour và đăng ký là được giới thiệu trên Triip. Hơn 2.000 người đăng ký làm tour, đến nay họ chỉ chọn khoảng 300 tour.

Mô hình kinh doanh như Triip phát triển trên nền công nghệ Internet và các thuộc tính của “nền kinh tế chia sẻ” (share economy) hay “cùng sử dụng” (collaborative consumption). Đây là xu hướng mới cho phép chia sẻ có thời hạn tài nguyên không được người chủ dùng hết với những người có nhu cầu, giúp  người chủ có thêm thu nhập và người dùng tiết kiệm chi phí. Những người điều hành Triip chịu trách nhiệm về quy trình sàng lọc tour.

Sau thời gian thử chi 15 đô la Mỹ/ngày để quảng cáo trên Facebook nhưng không hiệu quả và quá tốn kém, nhóm của Hải chủ động tiếp cận những cá nhân họ đánh giá là thú vị, độc đáo, thích du lịch, sẵn sàng chia sẻ và kết nối để mời họ tạo tour trên trang.

Triip tốn khoảng 30 ngàn đồng để tạo tour mới, “tiếp cận 50 người, ít nhất 20 người làm tour, duyệt được 5 tour.” Hầu hết những người làm tour (kiêm người hướng dẫn) đều có công việc ổn định, thời gian họ hướng dẫn khách tour chỉ là “niềm vui nhỏ.” Không cạnh tranh trực tiếp với các hãng lữ hành truyền thống, sau gần 1 năm ra mắt, giờ Triip mở rộng ra 8 nước ở Đông Nam Á, cung cấp các tour đến 38 địa phương và trung bình mỗi tuần có khoảng 4 tour được kết nối.

Khai thác những điểm đặc biệt nhất của người hướng dẫn, họ có những tour “không hãng lữ hành nào làm” như học thiền, viết thư pháp, tìm hiểu các công ty khởi nghiệp, bán vé số, nấu ăn, vui chơi Sài Gòn về đêm. Ba ngày sau khi tour kết thúc, người hướng dẫn nhận được 90% giá trị tour họ rao, Triip nhận được 10%.

Nhóm 5 người bạn, trong đó có 2 cặp vợ chồng, sáng lập nên Triip. Ngoài Hải, 28 tuổi, có kinh nghiệm về truyền thông và tiếp thị, hiện làm tại Project Lana, phụ trách phát triển sản phẩm, còn có Lâm Thị Thúy Hà (vợ Hải, kinh nghiệm hướng dẫn du lịch và sáng lập mạng lưới tình nguyện viên du lịch Saigon Hotpot, chuyên đánh giá tour và kiểm soát chất lượng); vợ chồng Hồng Anh Khoa và Phạm Thị Diệu Linh phụ trách kỹ thuật (Khoa từng vào chung kết cuộc thi lập trình quốc tế ACM-ICP,  Linh cũng là chuyên viên viết ứng dụng) và Trần Việt Tùng, có kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính.

Trước khi Triip ra đời tháng 2.2013, mô hình này đã có mặt trên thế giới. Lê Huỳnh Kim Ngân với sự am hiểu cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam đang cung cấp 2 tour độc đáo trên Triip là tham quan, tìm hiểu các công ty khởi nghiệp (38 đô la Mỹ, đã làm được 3 tour) và tour bán vé số, ăn trưa tại chính gia đình cô, học lái xe máy, và học cách pha cà phê Việt Nam (53 đô la Mỹ).

Trước đó, năm 2012, Ngân đã sử dụng dịch vụ của meetrip.to (mô hình tương tự Triip) khi đến Nhật Bản năm 2012. Tốn 10 đô la Mỹ, Ngân được người địa phương đưa đến những điểm văn hóa và những cửa hàng đặc trưng truyền thống.

“Du lịch hay cuộc sống đều là những trải nghiệm, nên tôi cảm thấy chính bản thân mình khi dẫn tour hoặc là người sử dụng tour có được trải nghiệm lạ lẫm, thú vị, không dễ gì có được,” Ngân nói, “Ví dụ như nếu đi tour theo đoàn, có lẽ tôi chỉ biết về Tokyo qua những địa điểm nổi tiếng, nhưng đi với người địa phương thì tôi lại được đến những chỗ rẻ, vui và sống như người bản địa.”

Comments