Forbes Việt Nam số 6: Trải nghiệm khác (hay mô hình du lịch của nền kinh tế chia sẻ) ở Việt Nam

Hải cho biết họ có 2 đối thủ ở Nhật và Withlocals ở châu Âu. Ra mắt ở Hà Lan đầu năm 2013, với 500 ngàn đô la Mỹ từ quỹ đầu tư Greenhouse Group, Withlocals đang xâm nhập Đông Nam Á.

Withlocals khai thác những địa điểm Triip cũng làm là Thái Lan, Malaysia, Singapore, bên cạnh Sri Lanka, Nepal với tiêu chí: “Ai cũng giỏi ở lĩnh vực nào đó. Chúng tôi muốn giúp mọi người có cuộc sống tốt hơn bằng cách sử dụng sức mạnh và kỹ năng của họ.”  Thanh Thiên, 33 tuổi, công việc chính tại ILA Việt Nam, là một trong những đại diện đầu tiên của Withlocals tại khu vực phía Nam Việt Nam.

Cô đánh giá chất lượng tour, chụp hình và báo cáo về Withlocals theo 3 mảng dịch vụ ẩm thực, đi tour và các hoạt động khác. “Withlocals có tầm nhìn là 3 năm tới có ít nhất 10 ngàn mini-restaurant (nhà hàng gia đình) của họ,” Thiên cho biết. Dự kiến, đầu tháng 12.2013, Withlocals sẽ ra mắt trang web beta. Triip chưa nhận đầu tư bên ngoài nhưng cũng không chịu quá nhiều áp lực về chi phí.

Năm người đồng sáng lập đều đang làm mọi việc và không nhận lương. Chi phí vận hành  thấp, khoảng 4 triệu đồng/tháng, chủ yếu cho máy chủ, phần mềm. “Đó là điểm cạnh tranh, chúng tôi không phải chịu quá nhiều áp lực chi phí,” Hải nói.

Ở Việt Nam, khách của Triip hóa ra không phải Tây ba lô như dự tính ban đầu, mà đa phần là những khách nghỉ ở các khách sạn 5 sao, muốn có thêm trải nghiệm bổ sung. Người du lịch “bụi,” muốn tìm hiểu địa phương, có sức khỏe và thời gian sục sạo khắp nơi lại rất tiết kiệm, không dễ chi tiền cho hướng dẫn viên.

Triip vừa lọt vào vòng bình chọn hạng mục “Công ty khởi nghiệp thú vị nhất châu Á-Thái Bình Dương” giải thưởng Sáng kiến du lịch 2013 của TravelMole. Trở về từ lễ trao giải tại Singapore và dự hội chợ dành cho start-up của TechCrunch tại Mỹ, Hải tỏ ra không vội vàng để quy mô hóa dịch vụ, mà tập trung tối ưu hóa website, chuẩn hóa tiếng Anh, làm giao diện đẹp và phát triển ứng dụng.

Triip.me cũng là mô hình gần giống như Trip.me do André Kiwitz đồng sáng lập và hiện là CEO tại Đức hoạt động từ đầu năm 2013, khi họ cùng khai thác xu hướng cá nhân hóa, trực tiếp trong du lịch. Hiện Trip có khoảng 200 tour chủ yếu nhắm tới thị trường châu Âu, châu Mỹ.

Nếu Trip chủ yếu là cung cấp toàn bộ hành trình trọn gói, thì Triip chủ yếu là các tour ngắn vài tiếng, theo ngày hoặc vài ngày. André cho biết sẽ gia tăng số lượng tour đến Việt Nam “vì có nhiều yêu cầu.”

Theo André, các khảo sát du lịch ở châu Âu và Bắc Mỹ cho thấy nhu cầu cá nhân hóa tour du lịch đang tăng vì khách du lịch muốn có khoảnh khắc vui vẻ riêng tư cùng với một nhóm nhỏ bạn bè hay gia đình, chứ không phải đi cả đoàn đông người.

Còn quá sớm để nói về sự thành công của ý tưởng, khi hầu hết các website đều mới ra mắt. Nơi nào kiểm soát chất lượng tốt thì sẽ tồn tại, vì mô hình kinh doanh nào cũng đều có thể bị sao chép.

Tác giả: Khổng Loan

© Forbes Vietnam. Tháng 12.2013

Note: Khi mình nói chuyện với Hải, ý tưởng mới đang bắt đầu. Bây giờ Triip đã “go global”. Very good for them!

Comments