Ông hầu như không biết nhiều về thị trường Việt Nam cho tới năm 2006, lần đầu về nước và thấy không khí “nóng rực” như thời khởi nghiệp ở thung lũng Silicon. Ông thấy cơ hội xây dựng hệ thống thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam – thị trường hầu như còn rất sơ khai lúc đó. Một năm sau, ông lập MobiVi, và hiện nắm vị trí phó chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc. “Đó là con người có nhiều ý tưởng và có khả năng nhìn thấy nhu cầu thị trường,” Võ Thành Nhân, người từng làm giám đốc kinh doanh của MobiVi, sau gần ba năm biết ông Dung, nhận xét.
MobiVi là một trong hơn 10 đơn vị được phép thí điểm cung cấp dịch vụ hỗ trợ thanh toán. Mô hình ông Trung mang về là cung cấp công cụ thanh toán giống như PayPal dành cho người Việt. Ông cho biết, hiện ngân hàng nhà nước đang hoàn tất khung pháp lý để có thể cung cấp giấy phép hoạt động chính thức cho MobiVi. Khách hàng sử dụng ví điện tử của công ty mua thẻ game, thẻ điện thoại, đặt vé xe, máy bay, và thanh toán hóa đơn. Ngoài ra, công ty cung cấp giải pháp thanh toán, dịch vụ kiều hối và mua sắm trực tuyến. Công ty cũng xây dựng hệ thống phân phối trực tuyến, tập trung vào các nhà cung cấp dịch vụ. Đến nay, MobiVi cho biết có khoảng 4.000 đại lý có thể tiếp cận kho hàng đó chỉ bằng vài cái nhắp chuột hay nhắn tin.
Ông Nguyễn Hoàng Ly, người được biết đến với sản phẩm Payoo của công ty cổ phần dịch vụ trực tuyến Cộng Đồng Việt (VietUnion), hiện là chủ tịch công ty cổ phần Komtek, nhớ lại thời gian đầy khó khăn khi VietUnion, MobiVi và nhiều doanh nghiệp khác tham gia với Ngân hàng Nhà nước, tạo khung pháp lý đầu tiên cho thanh toán điện tử. “Không ai hiểu chúng tôi đang nói gì,” ông nói. Sau thời gian phát triển nền tảng, thị trường thanh toán điện tử và ví điện tử Việt Nam đang chững lại. Dù tiềm năng, các loại ví điện tử chưa chứng minh được sự vượt trội so với phương thức thanh toán giao hàng nhận tiền quen thuộc với người Việt Nam.
Ông Trung tìm ngã rẽ ba năm trước. Ông hướng ví điện tử tập trung hơn vào doanh nghiệp. Ngoài ra, ông liên kết với ngân hàng, cửa hàng gia dụng để cấp thẻ tín dụng cho nhóm đối tượng thu nhập ổn định nhưng “chưa được ngân hàng chăm sóc.”
Đó là khoảng 10 triệu người, theo MobiVi ước tính, làm công chức, nhân viên doanh nghiệp thu nhập 5 – 15 triệu đồng/tháng. Hạn mức tín dụng 20-50% mức lương tháng. Chủ thẻ ECC có thể mua hàng điện tử, gia dụng giá dưới 5 triệu đồng tại địa điểm đối tác của MobiVi, đến cuối tháng họ sẽ bị cấn trừ tự động vào lương. Họ cũng có thể trả góp trong vài tháng, lãi suất 0%. Ông hi vọng sẽ tiến thêm một bước đưa thẻ tín dụng trở nên thông dụng ở Việt Nam.
Nhắm tới đối tượng mà nhà kinh tế C.K. Prahalad gọi là “kho báu dưới đáy kim tự tháp” trong cuốn sách cùng tên, ông Trung tránh đối đầu với những gã khổng lồ cung cấp thẻ tín dụng. Nhóm khách hàng của ông Trung có tiềm năng cải thiện thu nhập, tuy chi tiêu không nhiều song nhờ số lượng lớn nên quy mô thị trường cho dịch vụ của ông không nhỏ. Việc kết hợp với các doanh nghiệp vừa và lớn, các cơ quan nhà nước là cách khôn ngoan để MobiVi hạn chế rủi ro (liên quan tới khả năng chi trả của chủ lao động). Ngoài ra, đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng kéo theo số người làm công ăn lương tăng theo và số người được cấp thẻ sử dụng cũng tăng, nhân rộng mô hình dễ hơn.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Minh, chủ tịch công ty cổ phần Xu hướng Thời trang (concung.com), chuỗi siêu thị bán lẻ hàng hóa phổ thông dành cho mẹ và bé, nói: “Nếu vay được tín dụng nhỏ và không phải trả lãi như vậy, khách hàng quyết định mua hàng dễ hơn, doanh nghiệp bán được nhiều sản phẩm hơn và kích thích mua hàng trên mạng. Mô hình này giải quyết tốt các bài toán là thẻ tín dụng, vay nợ cho người thu nhập trung bình khá, và thúc đẩy thanh toán trực tuyến.”
Trong năm 2013, MobiVi dự kiến phát hành 100 ngàn thẻ, năm 2014 là 500 ngàn-700 ngàn thẻ. Ông Nguyễn Đình Tùng, tổng giám đốc ngân hàng Phương Đông (OCB), một trong vài ngân hàng hợp tác phát hành thẻ với MobiVi nói sản phẩm tín dụng lần này “khác với những sản phẩm có ở thị trường, vì hướng tới đối tượng và nhu cầu cụ thể, giao dịch thanh toán cho sản phẩm nhỏ hằng ngày.” Theo ông, cơ hội thành công là rất cao nhờ số người đi làm ngày càng đông, quản trị rủi ro độc đáo có thể kiểm soát được mục đích sử dụng của người dùng và dòng tiền chảy vào trả nợ. Đây là loại thẻ không nhắm tới số dư lớn mà số giao dịch lớn. “Tiềm năng của thị trường là khổng lồ,” ông Bolat Duisenov, giám đốc quỹ đầu tư Kusto Việt Nam (một nhà đầu tư của MobiVi), ủy viên hội đồng quản trị MobiVi, nhận xét.
Nhưng thách thức với mô hình này là triển khai nhanh chóng chiếm thị phần, đảm bảo an toàn và giữ lòng trung thành của người dùng. Ngoài ra, duy trì nguồn vốn đầu tư (vì các doanh nghiệp bán hàng nhận được ngay tiền sau ngày bán, giá bằng bán bình thường, MobiVi chỉ nhận tiền cuối tháng). Theo ông Trung, giả sử mỗi khách thẻ được cấp tín dụng 2 triệu đồng mỗi tháng, MobiVi cần 500 triệu đô la Mỹ đến 1 tỉ đô la Mỹ để hoạt động hằng tháng. Ngoài ra, họ cần thêm các đối tác liên minh, cũng như mở rộng mạng lưới nguồn hàng. Nhưng nếu mô hình đầu tiên của Việt Nam này thành công, hi vọng sẽ tạo trào lưu mua trả góp, tạo nên cuộc cách mạng tiêu dùng, ảnh hưởng lớn tới thị trường mua sắm trực tuyến ở Việt Nam.
“Không quá khó để bắt chước mô hình,” ông Tùng nhận xét. Nhưng ông Bolat cho rằng: “Nếu mô hình bị sao chép, thì còn tốt hơn, vì cho thấy chúng tôi không một mình một chợ. Cái bánh rất to, có người ngồi ăn cùng càng thích. Vấn đề không phải ai mạnh để đẩy người khác đi, mà ai giúp khách hàng hiểu sản phẩm của mình tốt nhất.”
Còn quá sớm để nói về thành công của mô hình tín dụng MobiVi. Công ty có khoảng 150 nhân viên và vẫn trong giai đoạn đầu tư với số tiền 12 triệu đô la Mỹ, trong đó có từ 2 công ty mạo hiểm nước ngoài. Ông Trung thừa nhận nếu không từng thành công ở nước ngoài thì ông khó có khả năng kêu gọi được nguồn vốn đầu tư lớn như vậy. Ông hi vọng “cuối năm 2013 bắt đầu có lãi.”
Ông Trung ưa mặc quần kaki và áo thun đơn giản, đang sống cùng vợ và hai con gái sinh đôi gần 2 tuổi ở TP.HCM; cha, 2 chị em gái và con trai ông ở Mỹ. Gương mặt trong cuốn “The American Dream” (Giấc mơ Mỹ, về những điển hình thành công của người di cư đến Mỹ, Dan Rather, 2002) tiếp tục tìm kiếm cơ hội để tạo khác biệt ở Việt Nam.
“Nhìn lại khi khởi nghiệp, tôi thấy tự hào vì đóng góp nhất định vào sự phát triển Internet,” ông Trung nói. “Tới một lúc nào đó, tiền không tạo khác biệt trong cuộc sống mình nữa. Với những gì đang làm hiện nay, tôi mong 20 năm sau, có thể nhìn lại và nói rằng mình có đóng góp cho sự phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam.”
Tác giả: Khổng Loan. Ảnh: Phan Quang
© Forbes Vietnam. Tháng 6.2013