Cách làm pizza theo kiểu Nhật, với 2 lò nướng mở và các món bày biện như làm sushi làm nhà hàng ấm cúng, gần gũi. Đó là bước tiến so với năm 2005, thời điểm anh ở Tokyo, tự mày mò đắp lò nướng trong vườn, mời bạn đến thưởng thức bánh do anh với bạn thân Takaaki Yoshikawa tự chế.
“Nhờ Internet dạy cả,” anh kể. Anh mời kiến trúc sư từ Nhật sang Việt Nam thiết kế nhà hàng và làm lò nướng. Yoshikawa, vốn là quay phim quảng cáo, đồng ý sang TP. HCM dù trước đó chưa từng biết Việt Nam. Giờ thì người đàn ông đeo cặp kích màu đỏ, cao to và có bàn tay rất dài là đầu bếp chính, phụ trách 1 lò nướng. Lò thứ hai do đầu bếp Việt Nam đảm nhiệm.
Theo kế hoạch, trước khi Yosuke 39 tuổi, việc kinh doanh sẽ là một vòng tròn sinh thái khép kín, bền vững, xanh. Hiện tại, trang trại và nhà máy của anh ở Đà Lạt cung cấp được một số nguyên liệu như rau, cà chua, phô-mai nên rất tươi, thơm. Mozzarella, Camembert, Ricotta và Burrata, như anh cho biết, đang được sử dụng ở các khách sạn lớn tại Việt Nam và phân phối tới nhiều tỉnh thành. Đó có thể là loại phô-mai hiếm hoi sản xuất tại Việt Nam thuyết phục được những tâm hồn ăn uống sành điệu.
Tại sao lại mở nhà hàng ở TP.HCM mà không phải nơi khác? Vì Việt Nam thích ăn bánh mì, mà pizza là một loại bánh mì của người Ý, Yosuke giải thích. Thị trường trẻ trung, cởi mở với cái mới. “Nếu có một địa điểm nào đó mà tôi muốn mở kinh doanh riêng, thì đó là Việt Nam.”
Những ngày này Yosuke rất bận. Khách của anh đang phàn nàn vì, như nhận xét trên TripAdvisor, “họ thành công đến mức trở nên kiêu ngạo.” Không phải lúc nào khách cũng có thể đến để thưởng thức pizza họ muốn. Lý do: thời điểm trả lời phỏng vấn đầu tháng 7.2013, quy mô nhà hàng 45 chỗ ngồi. Khách phải đặt bàn trước vào bữa trưa và tối nếu không muốn đến rồi lại hậm hực về. Yosuke mở rộng nhà hàng sang bên cạnh, tổng cộng 95 chỗ ngồi. Theo nhận định của Forbes Việt Nam, mỗi khách hàng trung bình chi khoảng 200-400 ngàn đồng.
Với giới công nghệ thông tin Việt Nam, Yosuke không xa lạ khi anh từng là trưởng đại diện đầu tiên của công ty đầu tư mạo hiểm Nhật Bản CyberAgent từ năm 2008. Nguyễn Mạnh Dũng, giám đốc tại Việt Nam và Thái Lan của CyberAgent cho biết, thời gian 2008-2010, quỹ đầu tư vào Vatgia, VGame và VMG. Tháng 8.2010, Yosuke nghỉ việc để kinh doanh, sau 5 năm làm đầu tư mạo hiểm cho CyberAgent.
Mục tiêu lớn nhất của Yosuke là mở khu nghỉ dưỡng sinh thái bền vững, để trẻ em có thể học trong lúc chơi. Pizza 4P’s là viết tắt của Platform of Personal Pizza for Peace (tạm hiểu: Nơi có pizza đáp ứng nhu cầu của cá nhân vì hòa bình) chỉ là bước một. Chủ động một phần đầu vào của nguyên liệu giúp anh giữ được giá sản phẩm kể từ khi mở nhà hàng. Chi phí cho 1 chiếc bánh rất đa dạng. Anh cho biết chiếc đắt nhất (420 ngàn đồng) có chi phí ròng khoảng 50%.
Một số nguyên liệu của nhà hàng từ vùng Naples và Parma (Ý) như xốt cà chua, prosciutto (thịt xông khói được cắt mỏng dính), nhưng Yosuke đang hợp tác với một trang trại ở Đà Lạt để trồng cà chua Ý làm nước xốt. Anh cũng bắt đầu làm thương mại điện tử, bán hàng qua mạng.
Kế hoạch tiếp theo anh sẽ đưa Pizza 4P’s đến mỗi địa phương. (Thực tế, trong lúc tôi trò chuyện đã có 1 khách hàng Mỹ gợi ý anh mở nhà hàng ở California).
“Tôi không muốn mở quá nhiều do khó có thể kiểm soát được chất lượng sản phẩm,” anh cho biết. “Tôi thích mỗi nơi chỉ có 1 địa điểm hơn.”
Giấc mơ kinh doanh của Yosuke đã thành hiện thực, “thú vị hơn, thách thức hơn” so với đầu tư mạo hiểm. Anh chưa từng chi tiền vào tiếp thị hay truyền thông về nhà hàng, vì “nếu có tiền thì sẽ đầu tư cắt giảm giá thành sản phẩm. Tôi muốn giảm giá nữa để nhiều người đến ăn hơn. Giá giờ vẫn hơi đắt.”
Tác giả: Khổng Loan. Ảnh: Lê Quang Nhật
© Forbes Vietnam. Tháng 8.2013