Forbes Việt Nam số 4: Nhà kỹ nghệ thực phẩm (hay câu chuyện của Hồ Văn Trung – Trangs Group)

screenshot_14© Forbes Vietnam. Tháng 8.2013

Ông Trung gửi chiếc xe đạp mini ông gọi vui là “Mercedes” cho người bảo vệ tiệm Premium Gourmet (quận 7, TP. HCM). Ông nhanh nhẹn và trẻ trung hơn so với tuổi 63, trong chiếc quần kaki trắng và áo thun xanh đậm. Trong cuộc hẹn với phóng viên Forbes Việt Nam ở gần căn penthouse của ông, ông Trung, một người ưa chữ nghĩa, mang theo cuốn sách về chính trị đang đọc dở để tranh thủ đọc cho xong.

Ông là người tạo dựng nên Trangs Group, tập đoàn quốc tế chuyên về thực phẩm giá trị gia tăng của Úc, có nhà máy đặt tại Việt Nam. Chưa từng học về cơ khí máy móc, chỉ học cử nhân lý hóa của ĐH Khoa học Sài Gòn nhưng ông tự sáng chế được tất cả 9 dây chuyền tự động sản xuất mà Trangs Group đang sử dụng hiện nay để sản xuất hơn 100 mặt hàng thực phẩm ăn liền xuất khẩu khắp thế giới.

Hơn 30 năm trước, ông Trung và vợ cùng với 6 người khác vượt biên trên một chiếc ghe mỏng manh. Lênh đênh trên biển 2 ngày 3 đêm, suýt chết vì tay cướp biển nhưng cuối cùng họ cũng tới được Thái Lan rồi định cư ở Úc với hai bàn tay trắng.

Vợ chồng ông làm nhiều nghề, trước khi vay tiền mua lại một nhà hàng năm 1982. Nhà hàng “Trang Vietnamese Restaurant” (theo tên tiếng Việt của con gái đầu lòng), chuyên bán đồ ăn Việt Nam. Vợ nấu bếp, chồng vừa làm quản lý, vừa đón khách. Sử dụng lại 90% thực đơn của chủ cũ, chỉ trong 2 năm làm nhà hàng, ông mua được 2 căn nhà.

Nhưng vợ chồng ông không có thời gian cho con cái. Ông kể, nếu tiếp tục làm nhà hàng đến nay chắc sẽ mua được khoảng 30 căn nhà. Có chút vốn, ông muốn “đi xa hơn” nhưng chưa biết làm gì. Ông chỉ biết món ăn Việt Nam hấp dẫn người Tây phương và ai cũng muốn cắt giảm chi phí sinh hoạt, ăn uống tiện lợi.

Ông rong ruổi châu Âu rồi qua Mỹ tìm cơ hội. Dừng chân ở Texas, chứng kiến thành công của người bà con kinh doanh đồ ăn sẵn khiến ông nảy ý định làm giống họ, nhưng tại thị trường Úc.

Ông Trung đi sâu nghiên cứu kỹ nghệ thực phẩm và máy móc. Những kiến thức về điện, cơ khí từng cứu ông khỏi sóng dữ được vận dụng. Ông bán nhà hàng thu về gấp 15 lần số vốn bỏ ra, bán cả nhà cửa, vay mượn và có số vốn ban đầu khoảng 500 ngàn đô la Mỹ, lập Trang’s Food Pty Ltd. Ông đặt mục tiêu 5 năm sẽ lấy lại vốn để vợ yên tâm.

Báo chí Úc và Việt Nam ở Úc những năm 1990 miêu tả Hồ Văn Trung là người đầu tiên sáng chế ra dây chuyền làm chả giò hoàn toàn tự động. Mỗi phút, dây chuyền có thể làm ra 45 cuốn chả giò, chỉ cần 6 người vừa làm củ, nhân, vừa đánh bột và vận hành máy. Dây chuyền giúp tiết kiệm nhân công và tăng sản lượng, nhưng cũng khiến ông suýt phá sản do hàng bị trả về vì không đạt chất lượng. Còn ông phải hầu tòa tới 7 lần vì không trả nợ đúng hạn.

Tòa án Úc khoanh nợ, ông tiếp tục làm để trả. Ông kể, với sự thích thú không che giấu, là một chủ nợ khi đó là tập đoàn phân phối đồ tạp hóa lớn tại Úc, sau này tiếc vì không để ông “sập tiệm” luôn, vì 10 năm sau, ông vượt họ trong hệ thống siêu thị tại Úc. Ông Trung đảm nhận rất nhiều vai trò trong những ngày đầu tạo dựng nhà máy: sửa ống nước, thợ điện, sửa máy, sản xuất trực tiếp, đi chào hàng. Chút kiến thức về bán hàng và tiếp thị ông học được từ người bạn Úc Rod Glover giúp ông lần đầu đột phá thị trường siêu thị năm 1986. Khi đó, Woolworths vẫn chưa thành chuỗi siêu thị lớn nhất Úc như hiện nay. Chỉ 2 năm sau khi đưa hàng được vào siêu thị, ông lấy lại vốn.

Comments