Sao mình ghét cái tiếng hú còi báo động cháy ở khu nhà mình thế. Nó thật vô tổ chức, vô kỷ luật, vô duyên. Nói chung, tổng hợp các loại vô.
Nó hú vào bất kể giờ giấc nào. Nửa đêm đang học bài. Hú.
3h sáng, vừa leo lên giường đi ngủ. Hú.
12h trưa, đang chẳng làm gì. Hú.
8h tối, đang ăn tối. Hú.
Mà hôm nay nó mới khiến mình bực mình khủng khiếp. Tối nay mình nấu món mỳ Ý. Thật là đĩa mỳ ngon nhất từ trước tới nay mình từng nấu. Thịt bò xào nhừ với cà chua, hành tây, rồi bơ…Nóng sốt, ngon lành. Đang ăn, rồi đang uống tí rượu Úc nữa, trong tâm trạng đói và mệt. Nó hú.
Mà đã hú là phải sơ tán ra khỏi nhà. Mà không được đi bằng thang máy, phải đi bộ từ tầng 8 xuống. Rồi phải mặc quần áo ấm, quàng khăn, đi tất. Giời ơi là giời.
Còn nửa đĩa chưa xong. Phút cuối quyết định cầm đĩa mỳ xuống
đất ăn tiếp.
Thế là con giời vừa đứng giữa trời lạnh, vừa ăn mỳ nóng.
Mà sao nhiều người lạ thế. Nướng bánh mỳ vào nửa đêm, rồi để quên nó cháy bốc khói. Hoặc nhiều người nấu ăn để nhiều khói bốc lên quá, cái máy báo động ngửi mùi được. Nó hú ầm ĩ.
Cũng có hôm nó hú mà chả ai phát hiện ra vì sao.
Một tuần nó phải hú ít nhất một tuần thì mới yên. Lâu lâu không thấy nó hú, người ta lại nhắc: “Hay là cái máy bị hỏng”.
Mà lỡ nó hỏng, cháy thật thì teo.
May mà hôm nay mình đang trong tâm trạng phởn phơ vì vừa được nhận vào thực tập ở một tờ báo lớn của Anh mà mình yêu thích. Thế cũng bõ công có suy nghĩ rằng có thể trong tương lai mình sẽ ăn chay. Đấy là mình mới có suy nghĩ thế thôi nhé, chưa có ý định làm. Nếu mà mình làm thì biết đâu, mình sẽ trở thành first vegetarian shark in the world.
Có bốn bức tượng. Mà chả phải là tượng. Là bốn con khỉ. Người ta có thể làm nó bằng đủ mọi vật liệu: vỏ trái dừa, đá, gỗ.
Bốn con khỉ đó ở bốn tư thế khác nhau. Một con ôm đầu, úp mặt vào đầu gối, tỏ vẻ không biết gì đến xung quanh. Một con lấy hai tay bịt chặt lấy mắt, tỏ vẻ chả thèm nhìn xung quanh. Một con lại lấy hai tay bịt lấy hai tai, tỏ vẻ chả thèm nghe xung quanh. Con còn lại thì lấy hai tay bịt miệng, tỏ vẻ chả thèm nói chuyện với xung quanh.
Nhiều người thích, mua về bày trong tủ, để trên bàn. Cũng là một cách trang trí nhà cửa cho thêm phần sinh động và phong phú.
Nhiều người làm vậy vì thấy “hay hay”, nhưng cũng có người làm vậy để bày tỏ quan điểm của mình với đời: Không nghe, không nhìn, không thấy, không biết. Yên chuyện!
Một người bạn của mình dạo này rất hay phàn nàn rằng lớp học của bạn toàn nữ, chả có nam. Cái môn phê bình nghệ thuật và quản lý nghệ thuật của bạn ấy chẳng hấp dẫn được anh chàng nào vào học. Đã vậy, các giảng viên được mời đến giảng chả có ai là nam. Thật là một tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng, rất không tốt cho sức khoẻ, tạo sự căng thẳng ức chế thần kinh, không tốt cho học hành. Bạn ấy nói sẽ phàn nàn với trưởng khoa về việc này. Để thế đâu có được!
Một người bạn khác có thể nói chuyện hàng giờ về lịch sử thế giới. Từ Chevez đến Bush, từ Mugabe đến Fidel Castro, từ Blair đến Saddam Hussein. Thích ông này, ghét ông kia. Người bạn này lại học về kinh doanh, chả dính dáng gì đến lịch sử chính trị thế giới cả. Bạn ấy bảo bạn ấy là người nhiều ý kiến, thích bày tỏ quan điểm của mình.
Môn Tin quốc tế của mình, ngoài một buổi nói chuyện một tuần trên lớp, các học viên thảo luận trên discussion room trên mạng của trường. Ai cũng phải đưa ra ý kiến của mình về vấn đề thảo luận trong tuần. Thầy giáo và các bạn sẽ phản hồi ngay trên đó. Đọc để thấy rằng có nhiều ý kiến trái ngược, nhưng thật sự mang tinh thần xây dựng và bổ ích. Tuần này, lớp học nói về vấn đề tách biệt giữa đưa tin và bình luận. Mình bảo rằng, bản thân các sự kiện trong tin đã hấp dẫn rồi, chả cần phải “thêm mắm dặm muối” làm gì. Reporter là report, comment là việc của commentator. Vấn đề là nên sắp đặt các chi tiết thế nào cho hấp dẫn, và biết đâu lại thể hiện quan điểm của mình? Thầy giáo và các bạn liền phản hồi. Có người đồng ý, có người đưa thêm ý kiến, có người hỏi thêm. Chóng cả mặt, mà thích.
Trước ngày hôm qua, bài tập môn Báo chí và xã hội khiến cả nhóm
của mình đau cả đầu, vì chưa gặp nhau để nói chuyện cho ra đầu ra đũa. Mọi người đều cả thấy frustrated và lo lắng. Đến tối qua thì ổn. Gặp nhau hơn 2 tiếng, từ 6-8.30, nói hết ý kiến của mỗi người, rồi cãi nhau, rồi tranh luận, gay gắt có, nhẹ nhàng lịch sự có. Cuối cùng, vấn đề được giải quyết. Ai cũng vui hơn, và thú nhận thật thà là trước đó cảm thấy thật khó làm việc. 5 người: một Nhật, một Pakistan, một Canada, một Việt Nam và một Trung Quốc. Lại nói về vấn đề liên quan đến CHDCND Triều Tiên. Dễ mới là lạ!
Lại có câu “Dĩ hoà vi quý” – hiểu nôm na là có được sự yên hoà, không conflict là cao quý.
Mỗi người hiểu một cách khác nhau.
Có người hiểu “hoà” là không làm mất lòng ai (Mô Phật, hình như
đời em làm mất lòng nhiều người, đặc biệt là các anh, lắm lắm).
Có người hiểu rằng “hoà” là kệ người khác, kệ việc đó, không phải của mình, đừng có dính vào, đừng có ý kiến, “chỉ tổ mang hoạ vào thân”, rồi
nó ghét mình, chẳng được yên thân. Đâm thiệt! Nói chung là “ngậm tăm”.
Có người bảo rằng, “quý” là cao quý. Thế nên mới có nhiều người tránh xa trần tục, lui về một chốn điền viên thôn dã, tránh xa cãi lũ người lau nhau tầm thường, tranh cãi về những thứ xa xôi, chả ảnh hưởng gì đến miếng cơm manh áo của mình. Thế nên nhiều người mới tôn thờ
những người như thế, cho rằng họ tránh xa được cái bụi hồng trần, cái nỗi vất vả khổ sở giành giật đấu tranh của kiếp làm người. Âu cũng là một sự thoát tục, bay bổng khỏi mặt đất để lên mây.
Lại có người hiểu rằng “hoà” là thảo luận, là đưa ra ý kiến, là bàn bạc, là không “mũ ni che tai”. Vậy là “hoà” là cái kết quả, chứ không phải cái bắt đầu.
Mà “quý” tức là thay đổi, là tốt hơn, là phát triển.
Mà suy cho cùng, muốn tham gia thảo luận thì cũng phải biết thì
mới nói với người ta được. Chả biết gì mà cứ thưa thốt thì người ta lại quát cho “dựa cột mà nghe”.
Ấy là phải biết. Cái biết này nhiều, mà khó. Lại còn phải tách bạch công việc và tình cảm. Cái ý kiến trong công việc chả ảnh hưởng gì đến quan
hệ cá nhân ngoài công việc. Thế mới khó, thế mới cần phải khoáng đạt.
Mà tại sao lại là “ý cò”? Vì ý này nó bé lắm, nên nó là “ý cò”. Nếu nó to hơn, nó đã là “ý kiến”.
Hôm nay là một ngày điên khùng. Toàn những việc không đâu, mệt mà chả được tích sự gì.
Đến ngân hàng ở gần ga Angle để unblock cái tài khoản của mình. Đúng là sống ở Anh, hiện đại đâm ra hại điện. Tự nhiên thẻ ngân hàng của
mình không dùng được, với lý do là thi thoảng HSBC block cái thẻ của mình, mình phải tự gọi điện đến để khẳng định là tôi là tôi đang dùng đây, không ai khác dùng đâu. Mua hàng ở Tesco, trả tiền bằng thẻ không được. Gọi ngân hàng, giải thích, cung cấp thông tin mỏi cả miệng. Người ta bảo unblock rồi, cuối cùng vẫn không dùng được thẻ để mua vé tube. Cuối cùng đành phải đến ngân hàng. Điên tập 1.
Đến thư viện ngồi đọc 2 cuốn sách. Đói hoa cả mắt, đọc chả hiểu chữ nào. Bây giờ chỉ nhớ hai cái tựa sách, còn nội dung thì chả nhớ chữ nào. Mà chán thế cơ chứ, trưa mới ăn gói mỳ nấu với thịt, rồi ăn một ly chè đỗ xanh, rồi ăn một trái táo lúc 4h. Thế mà vẫn đói. Mắt thì đọc sách, đầu thì bảo về nấu cơm, nghĩ ăn món gì nhỉ. Thế thì có mà tài thánh cũng chả nhớ. Hà hà. 7h về. Đáng lý là 9h mới về. Điên tập 2.
Đi học từ 1h-4h.30. Dạo này mình học hành tử tế quá. Có lẽ vì thế mà bị stress. Nhưng cũng kịp vào thư viện mượn hai đĩa phim Amelie và American Beauty (em biết em lạc hậu. Hai phim hay thế mà chưa xem. Hu hu).
Mua cái treo quần áo. Cái tủ trong phòng bé quá, chỉ đủ để quần áo sạch, mà quần áo mặc dở thì không thể nhét vào tủ được. Đành bấm bụng bỏ ra 7 bảng để mua. Mua xong rồi, trên đường về mới nhìn vào cái vỏ ngoài thì nó bảo là “Kid’s”. Thế thì chết rồi, mua đồ dành cho Kid là sao? Vừa đi vừa lo ngay ngáy. Về đến nhà đánh vật với nó để lắp nó vào. Không kid, nó to ra phết. (Ặc ặc). Đầu óc phụ nữ, không lô-gíc. Lắp ráp lắp riếc là phải nhờ đến nam giới, nhưng tạm thời không có ai xung quanh nên sau một hồi phát sốt lên vì nóng (phải mở cả cửa sổ giữa mùa đông), đụng chỗ này thì nó tung chỗ kia ra, cuối cùng cũng được. Được, nhưng với điều kiện là không được đụng vào nó, kẻo nó đổ kềnh ra. Vừa tức vừa buồn cười. Điên tập 3 .
Nấu ăn nhé. Cái này không điên tí nào. Gà rán tẩm bột. Cà chua nấu thịt. Rau sống xà lách. Nước mắm chấm pha ớt. Cơm nóng. Vừa ăn vừa xem ti vi. Được!
Làm smoothie. Cái này cũng không điên. Bạn Carmen hàng xóm
from Bahamas sang bảo Loan ơi làm smoothie uống đi. Mình bảo thôi làm nước ép. Mình ép cà rốt, táo, nho, dâu. Tình hình là ngon hết xảy con mẹ bảy. Bạn thích lắm. Có lẽ mở được nhà hàng bán nước quả ép được. Kể ra cũng có cái nghề, nếu sau này thất nghiệp, không ai thuê viết cái gì, nhỉ?
Về cơ bản, và hầu hết thời gian, tôi thuộc tuýp người trẻ trung và họat bát. Đấy là theo đánh giá một cách chủ quan của tôi và một vài người mà tôi gặp (nói một cách khiêm tốn là vậy). Nhưng tôi đang rơi vào trạng thái tinh thần không ổn định, lúc nào cũng lo lắng và căng thẳng.
Tôi cảm thấy mình có quá nhiều việc phải làm, có quá nhiều thứ phải học, có quá nhiều sách để đọc, có quá nhiều thứ cần phải biết, có quá nhiều điều cần suy nghĩ.
Mà không, chả có gì là quá cả. Chỉ tại tôi dốt nên tôi thấy thế.
Thật đấy. Tôi sợ phải nói điều gì đó
khi tôi chưa hiểu về nó. Nhiều khi, tôi chắc chắn về nhưng suy nghĩ chủ quan của bản thân về một vấn đề gì đó. Sau đó, khi tôi tìm hiểu lại vấn đề đó, tôi cảm thấy xấu hổ lắm lắm, vì mình dốt nên mới nói thế. Dốt mà không biết mình dốt. Thế mới khổ. Những người họ biết, họ sẽ cười mình vì mình dốt. Thế mới đáng xấu hổ.
More science, more worries. Có phải tôi đang trở nên già đi hay không?
Hy vọng là không.
Hôm nay tôi đọc một mẩu ngắn trên mạng về quy tắc giữ sự trẻ trung. Tôi thích theo quy trình ngược, kiểu như để tránh bị già đi thì làm thế nào để giữ sự trẻ lại.
Họ nói rằng, trẻ trung là một trạng thái của tinh thần, vì thực tế, không ai trẻ mãi mãi về mặt thể xác được, ngoại trừ những người có gen cực kỳ đặc biệt hoặc đi mỹ viện. Tôi thì không có gen đặc biệt, cũng chả có gan (và tiền) để đi mỹ viện, vậy thì tôi chỉ còn một cách.
Đó là dám thử những cái mới. Tôi không hướng tới một sự lựa chọn an toàn mà cố gắng để luôn theo kịp với những gì đang xảy ra. Tôi dám thử những hương vị mới, đi tới những địa điểm mới, thử những phong cách mới, ham học hỏi, không phản ứng tiêu cực (Cái này tôi đang cố gắng. Sao tự nhiên dạo này tôi hay mất bình tĩnh quá. Như chiều nay chẳng hạn, tôi hét lên (nhỏ thôi) Sh** vì cái hộp chip rơi vương vãi trong túi). Tôi có cái nhìn mới mẻ về thế giới, tôi ham thích cái mới. Tôi hoạt bát và thích phiêu lưu, mạo hiểm.
Hôm nay, cuối tuần, tôi đến TATE Britain, một gallery nghệ thuật rất lớn tại London để xem bộ sưu tập tranh màu nước của họa sỹ bậc thầy về tranh phong cảnh người Anh, Turner. Tôi cũng xem nhiều bộ sưu tập và các tác phẩm nghệ thuật khác của các nghệ sỹ khác. Tôi tự giận mình vì chỉ hiểu lõm bõm về nghệ thuật. Tôi cho rằng, không hiểu gì về nghệ thuật tức là chỉ sống một nửa cuộc đời.
Tôi xem một cuốn sách với những tác phẩm ảnh chụp từ Afghanistan
của một nghệ sỹ nhiếp ảnh Mỹ để thấy đất nước Afghanistan đã bị tàn phá khủng khiếp và cuộc đời người dân ở đây khốn khổ vì chiến tranh thế nào, để hiểu rằng cái từ “tái thiết” mà người ta hay dùng để nói về hậu chiến tranh ở cái đất nước này chỉ đơn giản là xây lại nhà, thật nhiều nhà cao tầng mà thôi. F***
Rồi tôi đi bộ dọc quảng trường Trafagar, về Covent Garden và về Leicester Square. Nơi đây, ánh điện rực rỡ, cuộc sống thật vui tươi và nhộn nhịp, con người thật giàu có và sung sướng. Sao nó khác những hình ảnh ở Afghanistan
đến thế.
Tôi về nhà và xem lại bộ phim Billy Eliot. Một cậu bé đã dám sống với ước mơ trở thành vũ công ballet của mình. Bộ phim là sự giằng xé nội tâm của nhiều nhân vật, là sự bế tắc của những con người không thể thực hiện được ước mơ và hoài bão của mình. Họ giận dữ, dằn vặt nhau. Họ không yêu thương nhau. Họ không thể yêu thương được khi trong lòng họ không hạnh phúc. Các cá nhân hạnh phúc thì họ sẽ truyền hơi ấm cho nhau, làm nên hạnh phúc của cả tập thể. Có quy trình ngược không?
Bộ phim là âm nhạc, là nhảy, là những tiếng la hét, là những tiếng cười, là những tiếng gào thét, là những ánh mắt nghi kỵ, là sự thù hận giận dữ. Xem lại lần hai mà tôi vẫn thấy nó rất hay. Nó thúc đẩy khao khát theo đuổi ước mơ của mỗi người.
Bobby McFeri nói là đừng có lo lắng, cứ vui lên mà sống. Ừ, nói thì dễ lắm, làm mới khó. Nếu bạn thấy mình có nhiều dự định, có nhiều mơ ước và mong muốn, thời gian thì có hạn, lại thi thoảng “vỡ kế hoạch” thì sẽ sao nhỉ?
Hôm qua chẳnng hạn, định đến trường, học xong sẽ lên thư viện đọc sách và xem một vài tài liệu.
Vậy mà sáng học xong, buổi trưa thì đi ăn buffet chay ở nhà hàng Thái, buổi chiều học xong thì đi xem phim Babel và rẽ qua hàng quần áo shopping.
Vỡ hết kế hoạch, chán như con gián!
Hôm nay đến lớp học môn báo điện tử, thấy mọi người nói về cuộc đời thứ hai (Second life), một trò chơi trực tuyến cho phép bạn tự đóng giả bạn ở cuộc đời ảo. Mình hỏi thầy: Em không hiểu người ta lấy đâu thời gian để còn sống tiếp một cuộc đời khác bên cạnh cuộc đời thực như thế.
Em thấy một cuộc đời hiện tại đối với em đã là nhiều rồi. Em chẳng có đủ thời gian làm những gì em muốn nữa.
Thầy bảo, profound question!
Người ta sống cuộc đời thứ hai để sống với những gì học thực sự muốn. Họ có thể trở thành kẻ trừ gian diệt ác mà đời thực họ là những người hèn nhát. Họ có thể trở thành nàng tiên xinh đẹp mà đời thực họ là những cô gái không xinh đẹp vàvầ giỏi giang. Họ có thể trở thành đầu bếp giỏi mà đời thực họ chả nấu ăn bao giờ.
Mình cũng mơ như thế, nhưng chẳng có thời gian. Sống trọn vẹn cho một cuộc đời là tốt lắm rồi. Hơi đâu mà tham thế.
Chẳng mơ đâu, làm thôi.
Cần chất lượng chứ cần gì số lượng.