Thảm họa và việc làm báo

Những lời khuyên khi phỏng vấn nạn nhân:

1. Luôn luôn đối xử với nạn nhân bằng sự tôn trọng, như cách bạn muốn được tôn trọng nếu bạn ở vào tình huống tương tự. Các phóng viên luôn tìm cách tiếp cận những nạn nhân, người sống sót sau thảm họa, nhưng họ nên làm điều đó với sự nhạy cảm, và biết khi nào thì nên dừng lại, hay lùi ra sau.

2. Hãy giới thiệu về bản thân mình rõ ràng: “Tôi là Joe Hight ở tòa soạn báo The Oklahoman và tôi đang viết bài về cuộc đời Jessica.” Đừng ngạc nhiên nếu bạn thấy họ phản ứng rất gay gắt lúc ban đầu, đặc biệt từ cha mẹ của nạn nhân là trẻ em. Tuy nhiên, bạn cũng đừng nên phản ứng gay gắt và căng thẳng giống họ.

3. Bạn có thể nói bạn “xin lỗi” về sự mất mát, nhưng không bao giờ nói rằng “Tôi hiểu” hoặc “Tôi biết cảm giác đó,” đặc biệt khi đưa tin về các vụ bạo động chính trị. Hãy tỏ ra tôn trọng họ.

4. Đừng bao vây đối tượng bằng quá nhiều câu hỏi quá khó. Hãy bắt đầu bằng những câu dễ hơn như: “Anh/chị có thể kể cho tôi về cuộc đời của Jerry không?” hoặc, ” Jerry thích làm gì? Sở thích của cậu ấy như thế nào?” Sau đó, bạn hãy lắng nghe. Sai lầm lớn nhất của phóng viên là nói quá nhiều.

5. Đặc biệt cẩn trọng khi phỏng vấn những người sống sót và có người thân đang mất tích, và cố gắng giải thích và làm rõ rằng bạn muốn biết về cuộc sống của người thân họ trước khi mất tích, chứ không định viết điếu văn. Nếu bạn không thể liên hệ với nạn nhân hay những người sống sót, cố gắng liên hệ với họ hàng họ, hay nhà an táng để hỏi thêm. Nếu bạn bị phản ứng dữ dội, hãy để lại liên lạc của mình và giải thích là nạn nhân sống sót có thể gọi lại bạn nếu họ muốn nói chuyện sau. Điều này thường giúp bạn có được câu chuyện rất hay.

Lời khuyên khi viết về nạn nhân

1. Tập trung vào cuộc sống của người đó. Tìm xem điều gì khiến người đó đặc biệt: cá tính, niềm tin, môi trường xung quanh, những điều họ thích hay không thích. Hãy đối xử với cuộc sống của người đó thật cẩn thận.

2. Luôn chính xác. Hãy kiểm tra lại họ tên, sự kiện và ngay cả những lời trích dân. Lý do là khi bạn đầu tiên nói chuyện với các nạn nhân, họ có thể bối rối và lúng túng, rồi cung cấp tin chưa chính xác. Kiểm tra 2,3 lần có thể giúp bạn đảm bảo thông tin chính xác. Ngoài ra, biết đâu bạn lại có thể các thông tin hay trích dẫn để sử dụng trong bài viết.

3. Sử dụng các chi tiết thích đáng có thể giúp bạn mô tả nạn nhân như họ đang còn sống, hay vẽ lên hình ảnh về cuộc sống của họ. Ví dụ: “Johnny thích chơi guitar buổi tối để cả nhà anh thư giãn, nhưng cũng giúp anh giảm bớt căng thẳng trong công việc của một phó chỉ huy cảnh sát.”

4. Trách những chi tiết không cần thiết về cái chết của nạn nhân. Sau vụ đánh bom ở thành phố Oklahoma gây rúng động nước Mỹ, có những phóng viên chọn cách không đưa tin các phần thi thể của nạn nhân treo lơ lửng trên những cái cây gần tòa nhà liên bang gần đó. Hãy tự hỏi xem các hình ảnh đó có cần thiết hay không, liệu có gây những thiệt hại hay đau đớn không đáng có đối với các thành viên của gia đình nạn nhân, độc giả hay người xem của bạn không. Hãy viết bằng ngôn từ trong sáng, đơn giản, không nên sử dụng những từ quá phức tạp, rối rắm để mô tả sự kiện.

5. Sử dụng trích dẫn từ các người thân hay bạn bè nạn nhân để mô tả về cuộc sống của nạn nhân trước đó. Đặc biệt khi nói về việc nạn nhân đã vượt qua khó khăn ra sao. Tìm hình ảnh mới nhất của nạn nhân để biết họ đã trông thế nào.

Lời khuyên khi đưa tin về các sự kiện đau thương trong cộng đồng:

1. Hãy hiểu rằng bản tin của bạn về 1 sự kiện đau thương sẽ gây ảnh hưởng lớn tới độc giả, người xem và người nghe của bạn. Giọng điệu của bản tin cũng thể hiện phản ứng của cộng đồng trước sự kiện.

3. Cung cấp diễn đàn đề mọi người có thể chia sẻ, động viên nhau. Cung cấp danh sách những việc mà mọi người có thể làm để giúp đỡ, hoặc những gì họ đã làm.

4. Tìm những cách mà mọi người có thể giúp nhau, và viết nó vào trong bài viết về diễn tiến hội phục. Điều này có thể giúp cộng đồng có thêm hy vọng.

5. Luôn cần tự hỏi mình: Cộng đồng cần biết những gì, và mình nên đưa tin ở mức độ nào thì phù hợp?

Lời khuyên để phóng viên tự chăm sóc bản thân khi đưa tin về thảm họa:

1. Hãy biết giới hạn của bạn. Nếu bạn được giao nhiệm vụ quá phức tạp và không thể làm được, hãy trình bày mối lo ngại của mình một cách lịch sự với người cấp trên. Hãy nói với họ rằng bạn có thể không phải là người tốt nhất để giao nhiệm vụ này. Hãy giải thích vì sao.

2. Hãy nghỉ ngơi. Vài phút hay vài giờ tránh xa khỏi tình hình cũng có thể giúp bạn bớt căng thẳng.

3. Tìm một người biết lắng nghe để tâm sự. Đó có thể là biên tập của bạn, hay đồng nghiệp, nhưng bạn phải tin rằng người đó sẽ không đưa ra những đánh giá về bạn. Có thể là những người đã từng có trải nghiệm như bạn trước đây thì sẽ dễ thông hiểu hơn.

4. Học cách xử lý cảm giác căn thẳng của bạn. Hãy tập thể dục, làm gì bạn bạn thích, tốt nhất là dành thời gian cho gia đình và bạn bè. Hít vào thở ra thật sau. Những điều này sẽ tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của bạn.

5. Hãy hiểu là vấn đề của bạn có thể trở nên quá lớn. Trước khi qua đời năm 1945, phóng viên chiến trường Ernie Pyle viết, “Tôi đã để mình chìm ngập trong sự căng thẳng quá lâu. Tinh thần của tôi đau đớn còn trí óc lại luôn bất an. Nỗi đau trở nên không thể chịu đựng nổi.” Nếu bạn gặp tình trạng tự, hãy đi gặp chuyên gia tư vấn.

Lời khuyên với các phóng viên ảnh tại các thảm họa:

1. Bạn có thể là người đầu tiên tới hiện trường. Bạn có thể gặp tình huống nguy hiểm, lực lượng bảo vệ hay đại diện luật pháp và công chúng có thể phản ứng dữ dội khi thấy bạn. Hãy bình tĩnh và tập trung. Nhưng nhớ rằng máy ảnh không bảo vệ được bạn khỏi bị thương. Đừng ngại rời bỏ hiện trường khi thấy tình hình quá nguy hiểm. Bất kỳ lãnh đạo tòa soạn nào cũng hiểu cuộc sống của 1 con người quan trọng hơn nhiều so với bức hình đăng báo.

2. Hãy đối xử với nạn nhân với sự nhạy cảm, tôn trọng. Đừng phản ứng căng thẳng với họ khi họ phản ứng như vậy với bạn. Luôn nói cho họ biết bạn là ai khi hỏi họ về thông tin.

3. Có thể bạn sẽ thu thập được nhiều hình ảnh máu me. Hãy hỏi bản thân xem những hình ảnh này có quan trọng cho mục đích lưu giữ hay không, hay nó quá sức chịu đựng đối với người xem để quyết định.

4. Hãy làm mọi việc có thể để tranh xâm nhập vào nỗi đau riêng tư của ai đó. Điều này không có nghĩa là bạn không nên chụp hình hay quay phim những tâm trạng có ở hiện trường. Nhưng không nên làm phiền người khác nếu họ đang thể hiện nỗi đau của mình hay xâm nhập tư gia bất hợp pháp.

5. Hãy hiểu rằng bạn là con người cần quan tâm tới tinh thần cảm xúc của bản thân. Hãy chấp nhận những cảm xúc của bạn. Hãy chia sẻ điều đó với những người tin cậy. Hãy viết về cảm xúc đó, hãy thay thế những hình ảnh kinh khủng bằng những hình ảnh tích cực hơn. Duy trì những thói quen tốt cho sức khỏe. Tiến sĩ Elana Newman, nhà tâm lý họ đã điều tra 800 phóng viên ảnh nói tại Hội nghị Hiệp hội phóng viên ảnh Mỹ rằng: “Chứng kiến cảnh chết chóc hay thương tật thực sự rất có hại, càng chứng kiến nhiều càng có hại. Người phóng viên ảnh càng phải làm nhiều công việc như vậy thì họ càng có nhiều nguy cơ chịu hậu quả về tâm lý.” Nếu bạn thấy mình như vậy, và không thể chịu đựng được, hãy đến gặp các nhà tư vấn.

(Theo dartcenter.org)

Lời khuyên đáng suy ngẫm (tiếp)

Xã hội:

25.    Gọi điện cho gia đình thường xuyên (nếu ở xa)

26.    Mỗi ngày tặng những người khác điều gì đó tốt đẹp

27.    Tha thứ tất cả mọi điều

28.    Dành thời gian cho những người trên 70 tuổi và trẻ dưới 6 tuổi

29.    Cố gắng làm cho ít nhất 3 người cười mỗi ngày

30.    Người khác nghĩ gì về bạn không phải việc bạn phải để ý

31.    Công việc của bạn sẽ không quan tâm tới bạn khi bạn bị ốm, nhưng bạn bè của bạn thì có đó. Hãy giữ liên lạc với bạn mình.
Cuộc sống:

32.    Làm những điều đúng đắn! (ặc ặc)

33.    Từ bỏ những thứ vô ích, không đẹp hay vui vẻ

34.    Chúa hàn gắn mọi điều

35.    Dù tình hình tồi tệ hay tốt đẹp đến thế nào nữa, nó cũng sẽ thay đổi

36.    Dù bạn cảm thấy thế nào đi nữa, hãy thức dậy, mặc quần áo và xuất hiện trước mọi người

37.    Điều tốt đẹp nhất sẽ đến.

38.    Nếu sáng tỉnh dậy mà bạn vẫn còn sống, hãy cảm ơn Chúa vì điều đó

39.    Trong thẳm sâu bạn luôn hạnh phúc. Vì vậy, hãy cảm thấy hạnh phúc.

phần 1

(sưu tầm)

Vĩ thanh về “Memorial”

Với sự hỗ trợ của Cảnh Toàn, sinh viên năm 3 của Khoa báo chí – ĐHXHNV, ĐHQGHCM, bản dịch bài điều tra dài 13 ngàn từ của Sherin Fink đã hoàn thành. Điều đặc biệt là tôi và Cảnh Toàn chưa từng gặp nhau, mà chỉ liên hệ qua email. Vì vậy, Viva Technology!

Bài phóng sự đọat giải Pulitzer danh giá đã khiến tôi rất thích thú ngay từ lần đọc đầu tiên, sau khi dịch, Cảnh Tòan cũng rất thích thú vì những chi tiết đặc tả trong bài viết, khiến nó giống như “kịch bản Hollywood”.

Sau đây là bài cuối cùng của lọat bài đó. Bài này không xuất hiện trên báo, mà chỉ có 1 phần nhỏ được đính kèm vào phần cuối cùng của lọat bài viết.

—–

Oscar Wilde (1854 – 1900), nhà văn, nhà thơ và nhà mỹ học nổi tiếng người Ireland đã từng nói: “Sự bất tuân, trong con mắt của bất kỳ ai đã từng đọc qua lịch sử, là đức hạnh đầu tiên của loài người. Thông qua sự bất tuân đó mà có tiến bộ…”

Sheri Fink
Tiến sỹ y khoa, bác sỹ, nhà báo Sheri Fink. Ảnh: The Guardian

Nhà báo Sheri Fink là bác sỹ và tiến sỹ y khoa, với nhiều kinh nghiệm làm việc trong các tổ chức cứu trợ nhân đạo quốc tế, các cơ quan chăm sóc y tế cộng đồng của chính phủ Mỹ và các trung tâm nhân quyền,đã đặt lên bàn vấn đề đang gây tranh cãi trong xã hội Mỹ.

Chăm sóc sức khỏe cho người dân, đảm bảo mỗi người dân đều được quan tâm  và chữa trị khi ốm đau là trách nhiệm của chính phủ. Đó là thời bình. Rồi khi thảm họa xảy đến (trong bối cảnh loài người đang ngày càng chứng kiến các thảm họa diễn ra với tần suất và sức mạnh cao hơn), thì các nhân viên y tế phải thực hiện sứ mệnh của họ như thế nào khi tài nguyên nhân lực, vật lực đều thiếu thốn.

Trong khi báo chí Mỹ nói ca ngợi nỗ lực của các nhân viên, lực lượng cứu hộ sau Katrina, Sheri Fink đã nhìn theo một cách khác vào vấn đề. Trong khi dư luận tỏ ra phẫn nộ khi các bác sỹ mà họ yêu quý bị bắt và bị điều tra vì tội giết người, Sheri Fink đã đi tìm câu trả lời “vì sao lại như vậy? chuyện gì đã xảy ra?”.  Tất cả chỉ để giúp trong tương lai, con người có thể giảm thiểu được hậu quả của thiên tai, “vì con người chúng ta xứng đáng được như vậy.”

Ngoài giải Pulitzer danh giá cho thể loại báo chí điều tra, lọat bài “Những sự lựa chọn chết người ở Trung tâm y khoa Memorial” còn đọat giải “Tác phẩm xuất sắc khi đưa sự kiện mang tính chấn thương” năm 2010 của Trung tâm báo chí và Chấn thương Dart thuộc Đại học Báo chí Colombia. 13 ngàn từ đã mô tả sự hỗn loạn sâu sắc đánh quị các bác sỹ, y tá và nhân viên bệnh viện khi họ chờ đợi trực thăng đến cứu trong 4 ngày trong điều kiện không khác gì thời chiến tranh khi cơn bão Katrina tấn công năm 2005.

Đâu là lằn ranh giới giữa những khái niệm đạo đức vốn đã rất lờ mờ? Hội đồng giám khảo đã mô tả tác phẩm có sức“ám ảnh khủng khiếp ” và “vừa toàn diện vừa kiềm chế.” Câu chuyện của Sheri thể hiện kiến thức sâu sắc của tác giả, sự bền bỉ đi đến cùng sự việc, quyết tâm kể câu chuyện ở mọi khía cạnh, và mọi tầng lớp.”

Trong báo chí, ít có thể loại nào khó hơn cách viết tường thuật tái hiện. Nếu bản thân nhà báo chứng kiến câu chuyện cũng đã đòi hỏi rất nhiều nỗ lực mới kể được câu chuyện xúc động. Nhưng nếu phải dựa vào những nhân chứng đang cố gắng nhớ lại câu chuyện đã xảy ra, kể về những diễn biến chưa từng được tiết, thì khó khăn với nhà báo còn lớn hơn gấp bội. Nhưng thách thức lớn nhất là khi nhà báo tìm các chi tiết để dựng lại câu chuyện; mà câu chuyện có thể chống lại mong muốn của những nhân vật chính – những người có thể đối mặt với pháp luật nếu sự thật được tiết lộ. Sheri đã mất hơn 2 năm cho bài viết, phỏng vấn hơn 140 người (trong đó nhiều người cô phỏng vấn nhiều lần), và thuyết phục mọi mọi nguồn tin đồng ý xuất hiện với đầy đủ tính danh trên bài báo –  điều khá hiếm hoi trong báo chí điều tra ngày nay.

Bài viết đã có tác động tức thì tới các nhà làm luật khi đăng tải trên trang web ProPublica và New York Times Sunday Magazine năm 2009, vào dịp kỷ niệm 4 năm thảm họa Katrina – 1 trong năm thảm họa kinh khủng nhất trong lịch sử nước Mỹ. Viện Y tế – cơ quan cung cấp thông tin và tư vấn liên quan tới chính sách khoa học và y tế của Mỹ –  đang soạn thảo các hướng dẫn về cách đối phó với tình trạng thiếu các thiết bị cứu người trong trường hợp cấp cứu diện rộng. Họ đã đưa ra những gợi ý, đề xuất và xác nhận có ảnh hưởng từ bài báo.

Bruce Shapiro, Giám đốc điều hành của trung tâm Dart, hỏi Sheri: “Làm thế nào để chị có được sự tin tưởng của các bác sỹ, nhân viên y tế đang chịu tiếng là “vô đạo đức”, và là “thủ phạm của những vụ giết người” nói chuyện với chị?” Sherin nói: “Rất ít người muốn trở thành ác quỷ vì việc làm của mình. Nói chung, người ta đều tin vào mục đích của việc mình đã làm. Là một nhà báo, tôi cảm thấy rằng, nếu tôi đến với họ, sẵn sàng lắng nghe điều thật nhất – đó là cái chìa khóa chính. Tôi đã trải qua điều tương tự khi đưa tin ở Bosnia, khi tôi viết về sự kiện diệt chủng trong bệnh viện. Tôi phỏng vấn người ở hai chiến tuyến của cuộc xung đột. Nếu tôi sẵn lòng muốn nghe câu chuyện của họ, sẵn lòng lắng nghe sự thực, mọi người thường muốn chia sẻ. “

Theo Sheri đánh giá, câu chuyện ở Trung tâm Memorial quan trọng vì 1 số lý do: Những người ở bệnh viện (nhân viên y tế và bệnh nhân) không bao giờ nên phải đối mặt với những hoàn cảnh tương tự nữa. “Với tất cả khả năng có thể, chúng ta cần làm tốt hơn để hạn chế hoàn cảnh đưa con người vào những tình huống khó khăn, quyết định khó khăn và gây tranh cãi.” Ngoài ra, các bác sỹ, y tá, người dân khi biết một bác sỹ rất được tôn trọng đã bị bắt, họ thường tỏ ra lo lắng và muốn cải cách pháp lý. Họ muốn có thay đổi luật để không thể khởi tố hay kiện những người đã cố gắng làm điều tốt nhất trong tình huống xấu nhất. Người Mỹ đang thảo luận về một bộ chuẩn đạo đức y tế mới trong điều kiện thảm họa. “Tuy nhiên, những người Mỹ, những công dân bình thường, cần phải được tham gia để thảo luận nên thay đổi bộ chuẩn, và thay đổi thế nào. Câu chuyện đến đúng vào lúc phù hợp với thời điểm, khi nước Mỹ đang thảo luận về hệ thống y tế. Memorial có thể coi là 1 dạng điển cứu cho các vấn đề vĩ mô hơn về cách quản lý tài nguyên; tầm quan trọng của việc đầu tư chuẩn bị cho thảm họa trong hệ thống y tế.

Nước Mỹ nói riêng và loài người nói chung sẽ đối mặt với những thảm họa trong tương lai, sẽ còn nhiều bão tố, bệnh tật. Sẽ có lúc tài nguyên cạn kiệt, và có lúc, không may là chính quyền thất bại trong nỗ lực bảo vệ người dân, và nhân viên y tế rơi vào tình huống cực kỳ khó khăn. Vậy lý do chính là xem xét lại câu chuyện và cùng đặt câu hỏi thẳng thắn: “Ta đã học được bài học gì từ sự kiện đó”

Bài học của Katrina không phải chỉ cho nước Mỹ. Không phải ngẫu nhiên mà các tổ chức, cơ quan ở các nước phát triển đều có cái gọi là “Kế hoạch đối phó với thảm họa” (Crisis Management Plan). Trung tâm Y khoa Memorial đã có kế hoạch đối phó dầy hơn 200 trang đã được ban lãnh đạo bệnh viện thông qua. Nhưng tầm nhìn của những người thực hiện đã không tính tới các tình huống bất thường. Đó cũng là lý do người ta phải cập nhật và thay đổi kế hoạch này hàng năm cho phù hợp với tình hình.

Như Sheri đã nói: Vì con người xứng đáng có điều đó”. Đặt cộng đồng vào tất cả các quyết định và các dự định, và trở lại với gốc rễ của vấn đề là “phục vụ con người”.

KHỔNG LOAN

Phần 12: Sự lựa chọn chết người ở trung tâm y khoa Memorial

Tháng 3-2007, những thành viên trong ban bồi thẩm sẽ xem xét số phận của bác sỹ Pou đã tuyên thệ. Mùa xuân đó, họ bắt đầu gặp nhau mỗi tuần một lần tại địa điểm bí mật. Thông thường, những công tố viên sẽ tìm kiếm điểm luận tội, yêu cầu những nhân chứng có giá trị nhất đối chất và cam kết bảo vệ họ khỏi liên lụy để đổi lấy những thông tin quan trọng. Nhưng người trợ lí công tố viên Michael Morales, người nhận được rất nhiều thư chỉ trích mỗi ngày vì đã cố tình kết tội bác sỹ Pou, nói với tôi là anh và công tố viên Eddie Jordan của Orleans đã không thực sự “hào hứng” về việc luận tội trường hợp này. “Chúng tôi sẽ phải để mắt một chút tới bên bị”, anh nói, bởi vì vụ án của bác sỹ Pou không giống như vụ hình sự cáo buộc tội giết người bình thường. Vào cùng thời điểm đó, bởi vì một thẩm phán đã ký lệnh bắt giữ bà Pou và nhiều nhân chứng khác sẵn sàng đối chất, “Chúng tôi sẽ không trốn tránh trách nhiệm của mình và ỉm nó đi được.” Anh nói cá nhân anh không quan tâm đến hậu quả “kiểu này hay kiểu khác”.

Bác sĩ Frank Minyard ngày 6-8-2009 tại phòng làm việc ở New Orleans. NYT

Thay vì trình bày những bằng chứng với các thành viên hội thẩm và luận tội thường làm, anh nói, anh đã mời các vị đó cùng với các luật sư quận vào vai trò như các nhà điều tra và quyết định xem những bằng chứng nào họ muốn xem xét. Điều này đã không được tổng chưởng lý và nhân viên của mình chấp nhận. Foti nói với tôi, ông đã nhiều lần yêu cầu văn phòng luật sư trình bày tất cả bằng chứng và danh tính các chuyên gia.

Phiên điều trần của bồi thẩm đoàn diễn ra trong bí mật, khiến rất khó biết chính xác những thông tin các thành viên hội thẩm nghe được. Minyard nói với tôi, cuối cùng ông quyết định 4 bốn trong số 9 người chết trên tầng thứ 7 đã bị giết, bao gồm Emmett Everett và Rose Savoie. Cho đến nay, ông đã không bao giờ tiết lộ công khai kết luận trên. Ông cũng nói về bác sỹ Pou,”Tôi có một niềm tin mạnh mẽ rằng bà ấy đã không lên kế hoạch để giết bất cứ ai, nhưng mọi việc lại cho thấy có vẻ như bà đã làm điều đó.”

Bồi thẩm đoàn đã lắng nghe Minyard chứ không phải bất kỳ của chuyên gia pháp y của ông, cũng như không phải từ thành viên hai gia đình ở trên lầu của trung tâm LifeCare trong hầu hết thời điểm khó khăn; cũng không phải nhân viên điều tra của Sở Tư pháp đã làm việc với trường hợp này trong một năm và đã giúp thu thập 50.000 trang chứng cứ. Chỉ có 2 trong số các nhân chứng chính tại trung tâm LifeCare được đưa đến trước khi bồi thẩm đoàn bước vào phần cuối của quá trình xét xử. Bodu và Landry, những người bắt buộc phải làm chứng sau khi công tố viên đã quyết định không truy tố họ, đã công khai tỏ ra ủng hộ bác sỹ Pou.

Các hội thẩm viên từ quần chúng, chắc chắn là chỗ dựa vững chắc trong lòng của bác sỹ Pou. Bà có một trong những công ty quan hệ công chúng hàng đầu tại New Orleans làm đại diện.Thăm dò dư luận do văn phòng luật sư của bà thực hiện để đánh giá khả năng thắng của ban bồi thẩm cho thấy rất ít người dân New Orleans ủng hộ bản cáo trạng.

Bất kỳ thẩm phán nào đã bật radio hay TV, hoặc mở báo The Times-Picayune (của New Orleans), hoặc lướt web sẽ nghe tiếng trống biểu trưng cho sự ủng hộ của cộng đồng với bà. Gần như mỗi ngày, người dẫn chương trình trò chuyển nổi tiếng nhất trên radio tại New Orleans, Garland Robinette, lại cất giọng trầm của mình trên chương trình “Think Tank” của truyền hình WWL, tỏ giận dữ về “những điều đang xảy ra với ba người này khi cố gắng cứu những mạng sống khác”. Vào 17-7-2007, một đợt tuần hành ủng hộ để đánh dấu sự kiện lần đầu tiên câu chuyện bác sỹ Pou bị bắt trở thành chủ đề hàng đầu trong chương trình của Robinette và nhiều bản tin địa phương khác. Hàng trăm người tụ tập tại công viên thành phố. Các loa phát thẳng ý kiến của mình nhắm trực tiếp vào bồi thẩm đoàn, cảnh báo rằng các chuyên gia y tế, những người vốn đã bị ảnh hưởng lớn bởi Katrina, sẽ chạy biến khỏi Louisiana lũ lượt nếu có chuyện một bác sĩ đã bị truy tố sau khi phục vụ trong thảm họa.
Trong tuần diễn ra biểu tình, các thành viên hội thẩm dừng nghe bằng chứng. Văn phòng luật sư quận đã chuẩn bị bản án 10 tội chống lại bác sỹ Pou cho bồi thẩm đoàn xem xét. Một tội là giết người cấp độ 2 trong trường hợp của bệnh nhân Emmett Everett và 9 tội về âm mưu thấp hơn nhằm thực hiện giết người cấp độ 2, mỗi tội là một bệnh nhân trên tầng 7 của LifeCare.

Điều này có nghĩa rằng các thành viên hội thẩm đã được yêu cầu quyết định xem liệu những bằng chứng họ có được có đủ thuyết phục là bác sỹ Pou có “ý định cụ thể giết người” hay không. Đây là một phần của định nghĩa tại Louisiana về tội giết người cấp độ 2.
Ngày 24 – 7 – 2007, các hội thẩm viên đến Khu vực E của Tòa án hình sự Orleans, tòa nhà nơi mà Minyard đã trú ẩn khi bão Katrina đổ bộ. Thẩm phán Calvin Johnson đọc to các bản cáo trạng 10 tội danh. Tuy nhiên, bồi thẩm đoàn đã không truy tố Pou với bất kỳ tội danh nào.
4 năm sau Katrina, mùa hè lại đến với New Orleans, và cây tường vi đang nở rộ. Rodney Scott, bệnh nhân mà Ewing Cook đã có ý định giúp kết thúc cuộc đời, vẫn còn sống.

Scott vô cùng sung sướng khi được sống cùng gia đình. Là một cựu y tá, ông nói ông không biết có chuyện tiêm thuốc gây hôn mê dẫn đến chết người ở trung tâm Memorial hay không; nhưng nếu nó đã xảy ra, ông muốn biết các bác sĩ và y tá đã nghĩ gì lúc đó. ”Làm thế nào bạn có thể nói trợ tử là tốt hơn so với sơ tán”, ông hỏi tôi cách đây không lâu. ”Nếu họ có những dấu hiệu còn sống”, ông nói, ‘hãy cứ mang họ ra, và việc còn lại là của Chúa”.

Các cuộc tranh luận giữa các chuyên gia y tế về cách xử lý trong thiên tai được đẩy mạnh hơn, và bác sỹ Pou cùng câu chuyện của bà ở Trung tâm Memorial thường được đem ra bàn luận. Tại một cuộc họp với giám đốc điều hành bệnh viện và những nhà hoạch định thiên tai quốc gia một vài tháng trước ở Chicago, bác sỹ Pou đã không đề cập là bà đã tiêm thuốc cho bệnh nhân, mà chỉ nói rằng máy bay trực thăng đến chiều thứ 5, ngày 1-9, và ”chúng tôi đã có thể di tản phần còn lại”.

Bác sỹ Pou chiếu lên màn hình các bức ảnh bà bị bắt khi bà lập luận là cần bảo vệ cho những cho nhân viên y tế khỏi trách nhiệm dân sự và hình sự khi làm việc trong điều kiện thiên tai.

Trước khi bắt đầu phát biểu phần quan trọng, bác sỹ Pou đã tham gia vào ủy ban “các vấn đề luân lí và đạo đức’, bàn về những tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe có thể bị thay đổi trong điều kiện thảm họa. Có thời điểm, một trong những thành viên của ủy ban, Cha John F. Tuohey, Giám đốc khu vực Trung tâm dự phòng Chăm sóc y tế Đạo đức ở Portland, Oregon, nói có nguy hiểm khi đưa ra những quy tắc mà có thể từ chối hoặc không cho một số nhóm bệnh nhân tiếp cận tài nguyên có thể cứu sống tính mạng trong bệnh viện. Điều này có ngụ ý rằng nếu những người bên ngoài cộng đồng y học không biết rằng những luật lệ này là gì, hoặc là cảm thấy bị loại ra khỏi quá trình làm luật, hoặc không hiểu vì sao có người nhận được sự chăm sóc cần thiết còn những người khác thì không, thì lòng tin của họ vào những người đang chăm sóc tính mạng mình sẽ có nguy cơ bị giảm sút. “Điều đó cũng tồi tệ như các thiên tai,” ông nói, “thậm chí tồi tệ hơn là những người còn sống sót mà không tin tưởng nhau”.

Hết

SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010)
CẢNH TOÀN – KHỔNG LOAN dịch

Phần 11: Sự lựa chọn chết người ở trung tâm y khoa Memorial

Bên cạnh chín bệnh nhân vẫn còn trên tầng LifeCare, nhóm cũng xem xét lại cái chết của 13 bệnh nhân của Memorial và LifeCare đã được nhà bệnh học của Memorial ghi lại trên hành lang tầng 2 và các nơi khác.

Trong số 13 người, có chín người cho kết quả dương tính với midazolam và bốn người cho kết quả dương tính với morphine. Các nhà điều tra phát hiện những bản kê thuốc với liều lớn morphine cho ba trong số họ. Trong đó có các toa thuốc ghi ngày thứ năm 1-9 và do bác sĩ Anna Pou ký.

Thi thể trong nhà nguyện trên tầng 2 của Trung tâm Memorial – Ảnh: Tony Carnes

Bất chấp ý kiến mạnh mẽ của Wetch và Baden rằng cái chết của các bệnh nhân trung tâm LifeCare là hậu quả của việc tiêm thuốc độc, Minyard muốn có thêm thông tin để có thể đưa ra quyết định. Ông đã gửi những báo cáo y khoa, kết quả khám tử thi và báo cáo độc dược đến ba chuyên gia khác nhau để có một kết luận độc lập.

Bác sĩ chuyên khoa về ung thư và chuyên gia chăm sóc giảm đau Frank Brescia kết luận: “Giết người”. Bác sĩ James Young, cựu trưởng điều tra viên của Ontario, Canada, sau này là chủ tịch Viện Khoa học hình sự Mỹ, kết luận: “Giết người”. “Tất cả bệnh nhân này đều đã cố gắng sống sót trong những ngày kinh hoàng trước đó, và mỗi bệnh nhân ở tầng lầu này đều phải chết trong thời gian chỉ có ba giờ rưỡi với độc dược trong cơ thể thì không còn là sự ngẫu nhiên nữa”.

Một chuyên gia nội khoa địa phương kết luận: trong khi các ghi chép y khoa và kết quả khám nghiệm tử thi của vài bệnh nhân hé lộ những vấn đề y học có thể dẫn đến cái chết của họ, thì phần lớn ghi chép về các bệnh nhân không thể hiện điều này. Trong báo cáo gửi tới Minyard, ông viết rằng đó là “chứng cứ” cho thấy Emmett Everett đang trong tình trạng sức khỏe ổn định và “không có chứng cứ rõ ràng cho thấy cái chết sắp đến gần”. (Luật sư của Pou lại cho rằng Everett hầu như chắc chắn chết vì chứng phình tim, chứ không phải do tình trạng sử dụng thuốc quá liều).

Minyard cho mời một số nhân viên hành chính LifeCare đến văn phòng để trao đổi. Câu chuyện của họ tập trung vào bác sĩ Anna Pou. Minyard chưa hề được gặp bác sĩ Pou, nhưng hai tháng sau khi bà bị bắt, ông đã thấy bà tự bào chữa cho mình và các y tá đồng nghiệp rất mạnh mẽ trên chương trình “60 phút”. Bà nói với Morley Safer: “Tôi muốn mọi người biết rằng tôi không phải là kẻ sát nhân. Tôi không tin vào cái chết êm ái”.

Sau câu chuyện “60 phút”, một vài đồng nghiệp lâu năm của Minyard đã hỏi ông tại sao ông lại điều tra việc này. Một ngày sau khi kênh CBS phát chương trình, Hội Y khoa Mỹ (AMA) phát một thông báo: “AMA rất tự hào về những thầy thuốc anh hùng và các chuyên gia chăm sóc sức khỏe khác đã hi sinh và hoàn thành công việc giải quyết hậu quả cơn bão Katrina một cách xuất sắc”.

Minyard nói với tôi sau khi bác sĩ Pou xuất hiện trên truyền hình quốc gia, ông đã có thêm động lực để tìm gặp bà, để tán gẫu với bà khi uống cà phê và cố gắng “hiểu hơn về bà ấy”. Ông từng làm điều này trước đó với những người bị tố cáo là có tội. “Khoa học rất tuyệt vời, nhưng có một điểm bạn phải vượt lên trên khoa học; bạn phải đi bằng những cảm xúc tận lòng mình, cho dù bạn làm gì đi nữa”. Ông đã mời luật sư của bà Pou đưa bà tới thăm văn phòng.

Đối diện!

Bác sĩ Pou ngồi chéo với Minyard, “đó là một phụ nữ rất phụ nữ, một quý bà miền nam quyến rũ”. Trên bàn ông là cuốn Kinh thánh, trên tường treo hình thập giá và xung quanh là những tấm hình về thành phố quê hương của họ. Họ sớm nhận ra mình có nhiều bạn chung và đã nói chuyện về vài thành viên của đại gia đình theo Công giáo của bác sĩ Pou mà Minyard có quen biết rõ. Họ cùng nhớ về người cha quá cố của bác sĩ Pou, vốn là bác sĩ gia đình, trước đây đã rất tử tế với Minyard và nhiều lần giới thiệu bệnh nhân của mình đến chỗ Minyard khi ông mở phòng khám phụ sản.

Họ nói chuyện gần một giờ. Bác sĩ Pou nói bà đã cố gắng để làm dịu nỗi đau đang chịu đựng. Vì vị luật sư của bà đang ngồi kế bên, Minyard cẩn thận không đi trực tiếp vào vấn đề những gì bác sĩ Pou đã làm. Hoàn cảnh của Trung tâm Memorial mà bác sĩ Pou miêu tả đã khiến Minyard nhớ lại những ngày ông mắc kẹt ở tòa án trong cơn bão Katrina. Lúc đó thức ăn và nước uống quý giá biết bao. Quả thật không thể ngủ được khi tiếng súng vang vọng xung quanh.

Minyard nói với tôi trong thâm tâm ông ít thông cảm với Pou hơn so với những gì ông thể hiện cho bà thấy. Ông nói ông tin ít nhất ông đã cố gắng cứu sống Emmett Everett. Chắc chắn phải có cách để mang người đàn ông 173kg này xuống lầu. Nhưng một điều khác cũng khiến Minyard băn khoăn là những tài liệu có được cho thấy rất ít bệnh nhân lớn tuổi đã chết khi đang được điều trị giảm đau.

Minyard đã liên hệ với chuyên gia nổi tiếng về đạo đức y học ở Đại học Pennsylvania Arthur Caplan để có thêm lời khuyên. Caplan xem xét các tài liệu và kết luận tất cả chín bệnh nhân của Trung tâm LifeCare tại tầng 7 đã bị làm hôn mê đến chết, và cái cách tiêm thuốc như vậy “không phù hợp với những chuẩn mực đạo đức của việc chăm sóc giảm đau tại Mỹ”. Những tiêu chuẩn này rất rõ ràng, Caplan viết, và cái chết của bệnh nhân không thể là mục đích của công việc điều trị của một bác sĩ.

Bất chấp những kết luận của tất cả chuyên gia về việc giết người, Minyard vẫn còn gặp khó khăn về nội dung trao đổi với bồi thẩm đoàn. Ông nhờ thêm một nhà nghiên cứu bệnh học là bác sĩ Steven Karch để tư vấn. Karch đã đặt cược cả sự nghiệp của mình khi lập luận liều thuốc tìm thấy trong tử thi có thể không liên quan gì đến liều lượng những loại thuốc này ở thời điểm trước khi người bệnh qua đời. Ông kết luận: “Thật vớ vẩn khi cố gắng xác định nguyên nhân của những cái chết mà tử thi đã nằm tại đó hơn 10 ngày trong cái nóng 380C”.

Điều tra viên nói nếu vụ việc ra tòa thì bên bị sẽ đưa những người như nhà nghiên cứu Karch ra để cung cấp thêm sự nghi ngờ hợp lý. “Chúng tôi sẽ thua vụ này – Minyard nói với tôi – Điều đó sẽ không tốt cho thành phố, cho công việc phục hồi thành phố. Đó là một bức tranh lớn hơn mà tôi cần suy xét chứ không chỉ là một chuyện khoa học cơ bản thuần túy”.

Minyard đau đớn. Ông nghĩ việc cố tước đoạt một mạng sống “là điều rất, rất xấu xa. Chỉ có Chúa mới biết khi nào bạn sắp qua đời”. Câu chuyện này đã ảnh hưởng nhiều tới cuộc sống của Minyard, khiến ông nghĩ ngợi và giật mình tỉnh khỏi những giấc mơ lúc nửa đêm. Ông gọi cho các chuyên gia liên tục để tìm kiếm lời khuyên và sự ủng hộ.

SHERI FINK (Giải Pulitzer năm 2010) – CẢNH TOÀN – KHỔNG LOAN dịch

Còn tiếp