Forbes Việt Nam số 28: Đào tạo hướng nghiệp (ở RMIT Việt Nam)

screenshot_49©Forbes Việt Nam số 28

Màu đỏ của khung thép bọc ngoài tòa nhà AB2 trong trường đại học quốc tế Công nghệ Hoàng gia Melbourne tại Việt Nam (RMIT Việt Nam) khiến nó nổi bật trên đại lộ Nguyễn Văn Linh, Q.7, TP.HCM. Tòa nhà sáu tầng hiện đại hoàn thành năm 2013 với chi phí 20 triệu đô la Mỹ. Văn phòng của giáo sư Gael McDonald, hiệu trưởng kiêm giám đốc nhà trường treo những tác phẩm của các họa sĩ đương đại quen thuộc ở Việt Nam như Tiffany Chung, Trần Văn Thảo, Nguyễn Mạnh Hùng.

Là hiệu trưởng chính thức thứ ba của RMIT Việt Nam, người phụ nữ New Zealand có phong thái trẻ trung này nhậm chức hơn một năm trước, nhưng bà vẫn giữ nguyên cách bài trí như thời người tiền nhiệm. “Tôi đã thay đổi và bổ sung hầu hết các vị trí quản lý của trường từ khi đến đây, nhưng sẽ không thay các bức tranh này, mà chỉ mua thêm các tác phẩm của các nghệ sĩ Việt Nam thôi,” bà nói.

Hỗ trợ cộng đồng nghệ thuật địa phương là một chính sách của RMIT Việt Nam, vì “chúng tôi là trường học Việt Nam,” bà giải thích. Nhưng thực tế, RMIT Việt Nam là trường đại học quốc tế 100% của Úc, phân viện duy nhất ở nước ngoài (offshore campus) của RMIT, được xem là thành công điển hình và mô hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào đại học ở Việt Nam đã chứng minh được hiệu quả sau 15 năm hoạt động.


RMIT Việt Nam không giống bất kỳ trường đại học nào ở Việt Nam về mô hình hoạt động và chương trình giảng dạy. Ngôi trường ra đời năm 2001, sau khi chính phủ Việt Nam mời RMIT đến mở phân viện và bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy phép hoạt động 50 năm. Với vốn điều lệ 23 triệu đô la Mỹ, đến nay, tổng đầu tư của RMIT vào Việt Nam là hơn 44 triệu đô la Mỹ. Mọi lợi nhuận làm ra, theo người lãnh đạo, đều được đầu tư trở lại trường học (đến nay là 14,1 triệu đô la Mỹ), thông qua nâng cấp, mở rộng khuôn viên, phòng ốc, và học bổng ở TP.HCM và Hà Nội (khoảng 150 tỉ đồng học bổng đã được cấp cho 700 sinh viên).

Từ chối tiết lộ doanh thu, nhưng bà Gael cho biết năm nay, RMIT Việt Nam cam kết đầu tư khoảng chín triệu đô la Mỹ để cải tạo khuôn viên ở Hà Nội và Nam Sài Gòn. Ngoài ra, trong ba năm tới, nguồn vốn cho phát triển trường là 18 triệu đô la Mỹ. Theo nhà nghiên cứu Phạm Thị Ly và Đàm Quang Minh, doanh thu của RMIT Việt Nam tương đương với tổng doanh thu của ba trường đại học hàng đầu Việt Nam.

Hiện RMIT Việt Nam có 5.500 sinh viên đang theo học ở hai cơ sở Hà Nội và TP.HCM. Trường đang nhắm tới cơ hội ở Đà Nẵng, thành phố đang lên của miền Trung với nhu cầu cho dịch vụ giáo dục quốc tế, cụ thể là chương trình đại học ở các môn như tiếng Anh, kỹ sư phần mềm, kinh doanh, thương mại. Đến nay, trường đã đào tạo được 8.300 sinh viên. Theo thống kê của trường năm 2014, sau ba tháng sinh viên tốt nghiệp, tỉ lệ có việc làm trong số những người sẵn sàng làm việc là 77,3%, bên cạnh 19,2% chọn học tiếp lên cao hơn, 7,8% mở công ty riêng hoặc làm việc tự do, làm cho gia đình.

Ra đời trong bối cảnh thuận lợi khi quan hệ Việt Nam – Úc rất tốt đẹp, nhưng RMIT Việt Nam phải vượt qua rất nhiều rào cản của chuyện “chưa từng có tiền lệ” ở Việt Nam.

Mô hình FDI vào giáo dục là hoàn toàn mới thời điểm đó, và Việt Nam lần đầu tiên không tốn một đồng ngân sách nào nhưng có một trường quốc tế thực sự chất lượng, với bằng cấp có giá trị tương đương với trường mẹ. Một thách thức khác của RMIT ban đầu là thu nhập trên đầu người Việt Nam còn thấp, chỉ 400 đô la Mỹ/ năm vào năm 2000, có thể ảnh hưởng tới số lượng sinh viên đầu vào.

Còn RMIT dưới thời giám đốc GS. David Beanland khi đó có lợi là có thể tăng tầm ảnh hưởng, uy tín và chất lượng đào tạo thông qua mức độ quốc tế hóa thành phần sinh viên, và vẫn giữ được quyền tự chủ trong điều hành, quản trị, nhân sự, và chương trình giảng dạy.

Comments