Guy Kawasaki, cựu chuyên gia tiếp thị của Apple (người góp phần biến bạn thành tín đồ của Apple), và hiện là cố vấn cấp cao về tiếp thị cho MotorolaX (loại lắc lắc, Google Now) đến Sài Gòn vào những ngày mưa gió (tức là mới tới đó. Sài Gòn dạo này ngày nào cũng mưa). Bậc thầy về marketing truyền giáo này nói về marketing, về sản phẩm, về đặt tên miền.
Ông dự Bootcamp, khích lệ tinh thần start-up và doanh nhân, tức là làm đi làm đi, kinh doanh đi kinh doanh đi, mua cái này đi bán cái kia đi, kiếm tiền đi. Đại khái thế.
Nhưng thông điệp rõ nhất mà tôi nghe được: Hãy tạo ra cái gì đó mới đi. Hãy làm điều gì có ý nghĩ đi, cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn và những người xung quanh bạn, chứ kiếm tiền không nên là mục tiêu tối thượng.
Well, những điều đó, nếu bạn biết đến Guy và những bài nói chuyện của ông ở khắp thế giới, thì thấy khá quen thuộc. Sự sung sướng của các diễn giả là ta có thể đi khắp nơi trên thế giới, và lặp lại những điều ta đã nói rất nhiều lần. Thường những lần đi nói chuyện như thế, ông hay nói về những gì mình viết trong những cuốn best-selling trước đây, chắt lọc từ những năm tháng ở Apple và Google. Đây là những thứ ông nói trên YouTube:
– Mỗi một sản phẩm đều cần có 1 thông điệp rõ ràng. Thông điệp đó không dài, độc đáo, và dễ nhớ. What do we stand for? Tức là bạn ủng hộ điều gì, giá trị gì? Lý do tồn tại của sản phẩm hay con người bạn?
– Để thực hiện thì phải có mô hình kinh doanh rõ ràng, thật cụ thể: Ai là khách hàng của ta, làm sao ta có được tiền của người đó? Cá nhân tôi thấy những người ở miền Nam có tinh thần doanh nhân rất mạnh mẽ. Bạn yên tâm là mình không thể vượt ra ngoài con mắt hình đô la của những người khác. Bạn thấy họ rất vui vẻ ngọt ngào và quyến rũ bạn rút tiền trong túi thật là êm ái.
– Vậy ta phải hỏi ai nếu tự dưng ta có ý tưởng kinh doanh và một mô hình kinh doanh tiềm năng? Guy Kawasaki cho rằng, chớ có hỏi đàn ông. Vì sao? Vì gien tiêu diệt đối thủ trong đàn ông rất mạnh. Đó là lỗi gien cơ bản của đàn ông. Gien gây chiến, oánh nhau. Guy nói hãy hỏi phụ nữ, người yêu, vợ, mẹ, bà…những người không có killer gene. Phụ nữ hay có xu hướng sống hòa bình. Còn đàn ông hay có xu hướng “a, ta đã nghĩ ra một mô hình hay quá, mình sẽ tiêu diệt đối thủ nhờ tài năng của mình.”
– Niche yourself, hãy tìm ra Chén Thánh trong tiếp thị, đưa ra các sản phẩm độc đáo hay dịch vụ độc đáo, có giá trị cho khách hàng.
– Quy luật 10-20-30: Đó là khi trình bày ý tưởng với nhà đầu tư để gọi vốn, và thực tế là có thể áp dụng với nhiều trường hợp tình huống khác nhau. Tức là mỗi một presentation chỉ nên có 10 slides (tiêu đề, vấn đề, giải pháp, mô hình kinh doanh, điểm đặc biệt, marketing and sale, competition, team, projection, status and timeline). Đến slide 11 là potential investors ngủ rồi. Gần đây tôi dự 1 buổi presentation mà người nói dùng đến gần 100 slides. Bạn cũng đoán được phần nào kết quả. 20 là 20 phút, nói 20 phút thôi. 30 là size font. To cho dễ nhìn.
Trong buổi nói chuyện ở TP.HCM, ông cũng lặp lại một số thứ về tiếp thị như sau:
– Likability:
- Hãy bán nụ cười, nhớ cười bằng cả mắt và cả bằng miệng. Ông lại kể lại chuyện tỉ phú Richard Branson đã quyến rũ ông dùng hãng hàng không Virgin của mình ra sao, khi quỳ xuống và lấy khăn đánh giầy của ông, nói ông nhớ đi máy bay của em, em cảm ơn.
- Default to yes: Khi gặp khách hàng, hãy nghĩ mình có thể giúp gì được họ, từ từ hãy nghĩ mình sẽ kiếm tiền từ họ bằng cách nào. Hôm nay mình đi mua áo ở An Phước, không có size mình cần. Mình đã phải gợi ý với cô bán hàng là hãy gọi điện kiểm tra các nơi và sau đó báo cho mình qua điện thoại. Ơ, cô ấy chả sáng kiến gì và cũng chả chủ động gì. Vấn đề là cô ấy cũng chả mỉm cười gì và cũng chả cám ơn chi sau khi mình có sáng kiến giúp cho nơi trả lương cho cô ấy hàng tháng bán được thêm hàng. (Đồ An Phước khá ok nhé, rõ là đầu tư vào R&D rất ổn. Mỗi khấu bán hàng lại chưa ổn).
- Chấp nhận sự đa dạng và không cố tình sửa đổi người khác. Hãng Zappos trở nên rất thành công là nhờ cho phép khách hàng (phụ nữ) mua giầy qua mạng mà không cần thử trước, nếu không thích thì trả lại, miễn phí. Vì Zappos tin người khác trước.
– Hãy tư duy như một người nướng bánh, tức là tạo ra thật nhiều sản phẩm, vì mình có khả năng làm bánh mà. Đừng tư duy như 1 người ăn bánh, vì ăn bánh thì chỉ lo thằng khác ăn mất phần mình. Thị trường lúc nào cũng nở ra bột mì. Người nướng bánh sẽ nghĩ mình sẽ làm càng nhiều bánh càng tốt.
– Hãy tạo ra những thứ hay ho, vừa mỹ miều, vừa có giá trị, vừa empowering (tăng cường năng lực cho người khác), vừa sâu sắc, vừa thông minh. Ôi…
Trong buổi nói chuyện, có 1 bạn trẻ lên hỏi, tôi đang có dịch vụ chiết xuất dữ liệu trên web, đặt tên website của mình là busyneed, theo ông có hay ho không? Guy trả lời là nghe tên có vẻ hơi tiêu cực, vừa bận vừa cần. mà khách hàng lại chả hiểu dịch vụ đó là dịch vụ gì.
Vậy lời khuyên của ông của ông khi đặt tên miền là hãy dùng động từ, bắt đầu bằng chữ cái abc, ngắn thôi. Nghe I am going to google it có vẻ hợp lý hợp I am going to busyneed it. (Well, what does it mean?). (Bởi vậy, mình nghĩ một lúc nào đó tiếng Việt sẽ có câu là: “Chúng ta cần ASA công trình kiến trúc này cho đẹp vào buổi tối“.) Hi hi.
Vậy nếu có thể đưa ra lời khuyên dài 140 ký tự cho một start-up, ông sẽ nói gì? “Tôi chẳng cần dài đến thế, tôi chỉ cần ngắn thôi. Đó là “protype”. Hình mẫu sản phẩm đâu? Hãy đưa đây càng sớm càng tốt.
Nếu bạn muốn đọc xem ông ấy đã nói với Forbes Việt Nam những gì về social media và social marketing thì tìm đọc Forbes Việt Nam số 4, ra ngày 3.9.2013. Ông ấy có 1,5 triệu người theo dõi trên Twitter, Google Plus có 4,5 triệu người, Facebook có 300 ngàn người, LinkedIn có 300 ngàn người, Pinterest có 500 ngàn người, Instagram có 500 ngàn người. So, he really has something to tell.
P.S: Mấu chốt cuối cùng, như em Ngân Sâu đã nói, là ta sẽ làm gì sau những đợt có các chuyên gia đến chia sẻ như vậy. Ta sẽ rút được điều gì cho ta, kiên định đi theo những giá trị mà ta theo đuổi đến mức nào. Bởi nếu không như thế, những buổi chia sẻ đó là vô ích, mất thời gian.
Cảm ơn chị vì một bài viết hay và rất “inspiring”.
Cảm ơn chị lần nữa vì những chia sẻ rất bổ ích 🙂