Tiếng vỗ tay

Một ấn tượng rõ nét nhất mỗi khi mình đi xem nghệ thuật ở nước ngoài là khán giả thường vỗ tay rất lâu khi người nghệ sĩ biểu diễn xong. Màn chào khán giả của các nghệ sĩ luôn khiến mình phấn khích nhất. Mình luôn mở to mắt nhìn những người xung quanh mình. Họ vỗ tay thật dài, thật to.

bravo

Họ cám ơn và tôn vinh những người nghệ sĩ vừa cống hiến cho họ những màn biểu diễn đặc sắc. Với các vở nhạc kịch hay hòa nhạc chẳng hạn, thường các nghệ sĩ sẽ chào một lần, xong vào sau cánh màn, rồi cánh màn lại mở ra, họ lại chào lần nữa. Có lần mình đã thấy họ ra chào 4 lần tất cả.

Vì sao? Vì khán giả vẫn tiếp tục vỗ tay cám ơn họ. Nhìn thích lắm. Đó là một sự trân trọng đúng nghĩa. Cám ơn các nghệ sĩ, dù vé đắt, nhưng “chúng tôi hiểu là trong rất nhiều trường hợp, dù có tiền cũng không phải lúc nào cũng được xem những chương trình hay như vậy. Và chúng tôi trân trọng những giọt mồ hôi đổ xuống sàn tập.”

Mình không thấy điều đó khi đi xem nghệ thuật ở Việt Nam. Những chương trình ca nhạc thường thì khi MC thông báo kết thúc, cũng là lúc khán giả đứng lên ra về. Đó là chưa kể kha khá người đã chạy ra trước khi kết thúc rồi. Cũng có một vài người ngồi lại vỗ tay, nhưng thường rất ít. Các vở kịch cũng thế. Ở IDECAF là nơi hiếm hoi ở Việt Nam mà khán giả vỗ tay lâu hơn và dài hơn một chút với những vở kịch hay. Ví dụ vở Ngàn năm tình sử, bà con vỗ tay lâu quá trời; vở Hợp đồng mãnh thú hay Người đàn bà không ngủ cũng thế.

Vậy thái độ khích lệ, tôn vinh, chúc mừng thành công, tài năng của người khác nên nhìn nhận thế nào?  Làm thế nào để học cách thể hiện sự trân trọng của mình với nỗ lực, cống hiến của những người khác? Thái độ trân trọng và biết ơn là một thái độ cần có ở bất kỳ xã hội nào. Tất nhiên, đi cùng với đó là sự trung thực. Trung thực trong cách thể hiện khả năng; trung thực trong cách nhìn nhận, đánh giá; trung thực khi thể hiện thái độ. Nếu sự trung thực mất đi thì mọi giá trị và mọi sự đánh giá đều vô nghĩa.

Hôm nay, đọc tin này trên Tuổi Trẻ thấy kỳ lạ quá. Nguyên văn bản tin thế này:

“Thầy/ cô rất tự hào về em”, “Thầy cô tin chắc em sẽ có kết quả tốt hơn, nếu…”. “Bài làm tốt, rất đáng khen”… là những lời nhận xét dành cho học sinh (HS) lớp 1 mà giáo viên nên sử dụng khi đánh giá HS của mình.

Đó là nội dung văn bản mà Sở GD-ĐT TP.HCM vừa gửi trưởng phòng GD-ĐT các quận, huyện và hiệu trưởng các trường nhiều cấp học, hướng dẫn tạm thời việc đánh giá không cho điểm đối với học sinh lớp 1 trong năm học 2013- 2014 trong khi chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ GD-ĐT.

Cụ thể, sở yêu cầu giáo viên (GV) cần đánh giá HS dựa trên nguyên tắc công bằng và toàn diện, không so sánh em này với em khác, không chê trách và tạo áp lực cho HS.

Ngoài bài kiểm tra cuối năm học, GV tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình dạy học, kể cả bài kiểm tra thường xuyên.

Cụ thể, giáo viên đánh giá HS thường xuyên bằng nhận xét dưới các hình thức: nhận xét miệng qua từng bài học, nhận xét qua bài viết (dưới 20 phút), quan sát và nhận xét HS qua hoạt động học tập, thực hành vận dụng kiến thức, kĩ năng. 

Trong giai đoạn HS lớp 1 chưa đọc được lời nhận xét trong vở, giáo viên dùng những hình thức động viên kèm theo nhận xét bằng lời trực tiếp với HS. Khi HS đã đọc được, giáo viên ghi nhận xét, lời phê trong vở của HS. Hàng tháng, giáo viên nhận xét vào sổ liên lạc.

GV cần có những hình thức động viên, khuyến khích sự tiến bộ của HS, không được sử dụng các hình thức chê trách (như ký hiệu mặt buồn hay đánh giá C, D, …). Nếu bài làm hoặc hoạt động giáo dục HS thực hiện sai hoặc chưa hoàn chỉnh, cần hướng dẫn các em thực hiện lại cho đúng và đầy đủ.

Sở cũng hướng dẫn cụ thể cách đánh giá HS như sau:

HS hoàn thành tốt bài làm, GV có thể nhận xét: “Bài làm tốt, đáng khen.” hoặc “Thầy /cô rất hài lòng về bài làm của em. Tiếp tục như thế em nhé”.

HS hoàn thành bài làm đạt kết quả khá, GV có thể nhận xét: “Bài làm khá tốt, nếu … em sẽ có kết quả tốt hơn”. hoặc “Bài của em đã hoàn thành khá tốt. Để đạt kết quả tốt hơn, em cần…”.

HS hoàn thành bài làm, GV có thể nhận xét: “Em đã hoàn thành bài làm, nếu rèn thêm … em sẽ có kết quả tốt hơn”. hoặc “Bài làm đạt yêu cầu. Nếu em chú ý những vấn đề như … thì kết quả sẽ tốt hơn”.

HS chưa hoàn thành bài làm, GV có thể nhận xét: “Em cần nỗ lực nhiều hơn, cần … và … thầy/ cô tin chắc em sẽ có kết quả tốt hơn.”  hoặc “Em đã cố gắng thực hiện bài làm. Nếu lưu ý những điểm như … em sẽ có kết quả cao hơn”.

Nếu HS có nhiều tiến bộ, GV có thể nhận xét: “Em đã có nhiều tiến bộ trong việc… và thầy/ cô rất tự hào về em”.

Ngoài bài kiểm tra vào cuối năm học được đánh giá bằng điểm số (theo thang điểm 10, không cho điểm 0 và điểm thập phân) kết hợp với nhận xét những ưu điểm, hạn chế và góp ý, sửa lỗi cho học sinh, các bài kiểm tra định kì giữa kỳ, cuối kỳ được đánh giá bằng nhận xét.

Thế thầy cô lại không nhớ khích lệ học sinh ư? Sao lại phải cần cấp trên yêu cầu, rồi đưa ra mẫu khích lệ? Tại sao cấp trên lại phải làm như vậy? Thái độ khích lệ, động viện, gợi cảm hứng cho học sinh chẳng phải là yêu cầu tối thiểu của nghề giáo ư? Tôi nghĩ những ai không có phẩm chất này thì không nên làm nghề giáo. Sau 1 tối xem The Voice có Hồng Nhung là huấn luyện viên, tôi đã viết trên Facebook rằng: “Chị Nhung nếu không làm ca sỹ thì chị làm giáo viên cũng rất ổn đấy. Chị có kiến thức, có tay nghề cao, thực tế nhiều, thị phạm rất tốt, và kỹ năng truyền thụ rất hay. Và quan trọng nhất là chị ấy rất inspiring, gợi mở và khích lệ những điều tốt đẹp bên trong học viên.”(Nhân tiện cũng nói luôn là dạo này tôi hiếm khi  xem TV, đa phần là nhảm nhí mất thời gian.)

Đó là ý kiến cá nhân của tôi về nghề giáo. Làm nhà giáo là phải làm thế. Không làm thế thì không nên làm nhà giáo. Nghề giáo là nghề đòi hỏi sự sáng tạo hơn cả, bởi giáo viên chính là những người quan trọng ươm những phần “người” bên trong một con người, tạo cảm hứng sáng tạo cho những tâm hồn đang trưởng thành. Chuyện “cầm tay chỉ việc” – phải khen đi – nghe có gì đó không ổn.

Đưa “phải khen”, “cấm chê” thành một nguyên tắc ứng xử có phải ép buộc giáo viên không? Tôi nghĩ chỉ nên đào tạo giáo viên giỏi về chuyên môn, giỏi về tâm lý, tự họ sẽ biết xử lý thế nào với học trò (rất đa dạng về tâm tính, khả năng). Hãy để cho họ tự quyết định. Vấn đề là, giáo viên cấp 1 cần phải trải qua những đợt đào tạo, sát hạch kỹ càng, khó khăn ra sao mới được làm giáo viên cấp 1? Nghề giáo ở đâu cũng là nghề vừa nặng nhọc, vừa vất vả. Ở Việt Nam tất nhiên cũng không phải là ngoại lệ. Hãy để những con người tự do đào tạo ra những con người có tư tưởng tự do. Infant Playing with Mother

Comments