Vệ sinh thân thể là một trong những điều Bác Hồ dạy. Hẳn rồi, tất cả chúng ta ai mà đi học dưới mái trường ở Việt Nam đều đã thuộc lòng.
“Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ…”
Nhưng thời đó, chưa ai nghĩ tới thực tế là trí não chúng ta cũng dễ bị ô nhiễm.
Trí não bị ô nhiễm vì đại dịch thông tin.
Đại dịch chính là một cơn khủng hoảng y tế, mà số ca mặc một số loại bệnh nhất định đã vượt khỏi khả năng xử lý của lực lượng y tế.
Đại dịch với trí não là vì trí não chúng ta tiếp cận quá nhiều thông tin, bội thực, dư thừa, ăn đồ dở.
Trí não chúng ta thay đổi đương nhiên chính là nhờ những món mà chúng ta cho nó ăn hằng ngày. Kể cả vật chất và tinh thần.
Vật chất chính là đồ ăn. Ăn cân bằng, ăn tốt, đương nhiên sẽ ra trí não khỏe mạnh. Nếu ăn nhiều đường, nhiều muối, nhiều chất béo, hoặc quá ít một chất gì đó, đương nhiên sẽ luôn là không cân bằng, là có hại. Chúng ta sẽ buồn ngủ, sẽ mệt mỏi, sẽ yếu đuối, hoặc quá khỏe. Người ăn thịt nhiều quá sẽ có xu hướng bạo lực, vận động mạnh, và ngược lại, ăn chay tự dưng lại trở nên thư thái, da dẻ lại mềm mại. Không có gì là tốt hẳn hay xấu hẳn. Tùy vào bạn chọn cách nào. Bạn cũng có thể chọn một phương pháp ăn uống có dinh dưỡng cân bằng. Bạn chính là những gì bạn ăn.
Thức ăn cho tinh thần lại là những món ăn ta không nhìn thấy, nhưng ta ăn nó mọi lúc mọi nơi mọi giờ mọi khắc của cuộc sống. Tất cả những gì ta thấy, ta nghe, ta đọc, ta sờ, ta cảm nhận, chỉ là không bỏ vào miệng thôi. Nhưng bạn ăn những thứ dở bạn sẽ thấy mình chuếch choáng như ngộ độc, ốm mấy ngày không dậy nổi, theo đúng nghĩa đen.
Ta nghe thứ tốt, ta đọc thứ hay, ta tìm những cái đẹp đẽ bên trong cái thế giới hỗn mang này, ta sẽ có một tinh thần khác. Ta xem những thứ nhảm nhí, vô bổ, không đáng tin, kích thích sự thù hận, ghét bỏ, khinh bỉ, cay đắng, ta sẽ trở thành người như thế. Vì ông bà đã nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.” Không thể nào gần mực mà lại rạng. Hoặc nếu có, rất hiếm. Bởi hiếm, nên không đến lượt mình.
Social media trở thành một “nguồn tin đáng tin cậy” với nhiều người thì thật là đáng ngại. Vì để là một nguồn đáng tin cậy, thì phải có những yếu tố sau: “nguồn đó có thẩm quyền, có thông tin để nói về điều họ nói không; họ có chịu trách nhiệm về điều họ nói không; họ có chuyên môn về điều họ nói không.” Một trong những chức năng của tin tức là giải trí. Nhưng nếu coi giải trí chính là tin tức thì rất tiếc, sự hiểu biết của bạn mà bạn tưởng là hiểu biết, thật ra là vô tích sự.
Ai cũng nói rằng giờ đây có vô số nguồn thông tin để tiếp cận thông tin. Đúng là thế. Vì ai cũng có công cụ để tạo ra thông tin, đáp ứng nhu cầu hít drama của thế giới loài người. Nhưng, trích: “Nói rằng chúng ta hiện có nhiều nguồn tin tức hơn bao giờ hết cũng giống như nói rằng chúng ta có nhiều lựa chọn ăn uống hơn bao giờ hết: điều đó đúng, nhưng không có nghĩa là bất kỳ ai cũng trở nên khỏe mạnh hơn bằng cách ăn uống trong gần 300 ngàn chuỗi nhà hàng giá rẻ và cửa hàng thức ăn nhanh.”
Vì thế, bạn phải chọn cửa hàng mà ăn.
Đừng vì hào nhoáng bên ngoài.
Đừng vì những người khác đều đang ăn nhà hàng đấy nên mình cũng ăn nơi đấy.
“Sự lẫn lộn giữa giải trí, tin tức, kiến thức chuyên môn và sự tham gia bình luận của mọi người là một mớ hỗn độn không thực sự đem lại cho mọi người nhiều thông tin hơn, mà chỉ tạo ra ảo tưởng rằng họ nắm bắt được nhiều thông tin hơn. Giống như việc nhấp chuột qua vô số các trang web khiến cho mọi người nghĩ rằng họ đang học hỏi được rất nhiều điều mới, hoặc như việc ngồi xem TV hàng giờ và lướt qua hàng răm bản tin tóm tắt trên màn hình sẽ khiến cho người ta tin một cách sai lầm rằng họ biết nhiều tin tức. Tệ hơn, sự tương tác hàng ngày với quá nhiều phương tiện truyền thông khiến họ không muốn học hỏi thêm bất cứ thứ gì mà tốn quá nhiều thời gian hoặc không đem đến sự giải trí.” – trích Cái chết của giới chuyên gia.
Và do đó giáo dục bằng giải trí – Edutainment – lên ngôi. Học mà vui thì chỉ học những cái sơ khởi. Không có cái gì mà thành tài mà lại nhanh, đường tắt, hay dễ, hay vừa học vừa chơi.
HÃY TRÁNH NHỮNG TRÒ GIẢI TRÍ PHỔ THÔNG NHẤT
Trong số những cái được xem như sự giải trí chính đáng thì phần lớn đều thấp kém, vớ vẩn và chỉ khai thác hay phục vụ cho sự yếu đuối của quần chúng. Trong đám đông, hãy tránh buông mình vào những trò giải trí như thế. Đời quá ngắn và anh có những điều quan trọng để làm. Hãy phân biệt, chọn lựa những hình ảnh và ý tưởng nào mà anh cho phép lọt vào trong tâm trí mình. Nếu chính anh không chọn chúng thì một ai khác sẽ chọn, và những động cơ của họ có thể là không cao thượng. Thật quá dễ dàng trượt, một cách không hay biết, vào trong sự dung tục. Nhưng không cần phải để cho điều đó xảy ra, nếu anh quyết tâm không lãng phí thời gian và sự chú ý của mình vào những trò vô nghĩa. (Trích Epictetus, Nghệ thuật sống)