Forbes Việt Nam số 40: Giấc mơ thứ hai của Khalid

©Forbes Việt Nam số 40. Tháng 9.2016

screenshot_20Nổi bật ở góc phải của sảnh giới thiệu dự án đô thị mới Ecopark ở Văn Giang, Hưng Yên, cách trung tâm Hà Nội 30 phút chạy xe, là hai buồng điện thoại màu đỏ điển hình của nước Anh có hàng chữ đại học Anh quốc Việt Nam (British University Vietnam, BUV). Những khách hàng tiềm năng của BUV có thể vào xem video giới thiệu về BUV, hoặc nhấc điện thoại lên để được kết nối với bộ phận tư vấn tuyển sinh. Bên cạnh là mô hình thu nhỏ của học xá BUV mới trong tủ kính và mô hình BUV nằm trong tổng thể Ecopark.

Học xá mới của BUV, một trường đại học mới đang xây dựng hình ảnh và tên tuổi, đặt trong khu đô thị sinh thái hàng đầu đang được hoàn thiện. So với khoảng 120 sinh viên thuộc ba khóa đã tốt nghiệp từ học xá hiện tại, vốn khá khiêm tốn về không gian nằm trên đường Bà Triệu ở trung tâm Hà Nội kể từ khi BUV bắt đầu tiếp nhận sinh viên năm 2010, học xá mới đủ rộng để đón khoảng 10 ngàn sinh viên khi hoàn tất ba giai đoạn xây dựng. Đó là bước nhảy vọt về quy mô đầu tư của Khalid Muhmood và vợ là Arabella Peters, hai nhà đồng sáng lập của BUV và cũng là đồng sáng lập trung tâm Anh ngữ Apollo English nổi tiếng tại Việt Nam.
“Động lực để thành lập BUV là (tôi muốn) để lại di sản,” Khalid nói với Forbes Việt Nam trong cuộc trao đổi qua điện thoại. “Ai cũng phải chết, tôi ở vị trí có thể làm được điều gì đó thì tôi sẽ làm để lưu lại di sản sau này.”

Sau hơn 20 năm kể từ khi đặt chân đến Việt Nam, Khalid được biết đến trước hết là với vai trò đồng sáng lập và chủ tịch HĐQT Apollo English, nơi cung cấp dịch vụ đào tạo tiếng Anh chất lượng cao theo chuẩn quốc tế (trung tâm là chi nhánh của International House, tên tuổi lâu đời và uy tín trong giảng dạy tiếng Anh trên thế giới). Khi Apollo English đã có chỗ đứng vững vàng, Khalid nhận thấy với mạng lưới quan hệ của mình, ông có thể lập một trường đại học, và quan trọng hơn là “sẽ đóng góp vào mục tiêu giáo dục con người trở thành những công dân quốc tế” mà ông theo đuổi.

Xét về quy mô đầu tư và số lượng sinh viên, với khuôn viên mới bắt đầu đi vào hoạt động dự kiến vào năm 2018, BUV sẽ không thua kém dự án lớn theo mô hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào giáo dục là đại học RMIT Việt Nam, dù diện tích nhỏ hơn (6,5 héc ta so với 12,4 héc ta). Sự khác biệt là khi mở trường cách nay 15 năm, RMIT Việt Nam, phân hiệu ở nước ngoài được xem là thành công nhất của RMIT Úc, có các nguồn vay từ các tổ chức tài chính lớn và tiền thiện nguyện, trên nền tảng bề dày lịch sử và kinh nghiệm lâu đời của RMIT, thì BUV chủ yếu hình thành dựa trên nền tài chính từ gia đình Khalid và tổ chức Taylor’s Education của Malaysia, nơi có hơn 50 năm hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đang điều hành nhiều trường các cấp ở Malaysia và Singapore. Theo Khalid, quỹ đầu tư mạo hiểm IDG Ventures Vietnam, nhà đầu tư vào Forbes Việt Nam, là cổ đông thiểu số trong BUV.

Việc Khalid và vợ đầu tư sâu trong lĩnh vực giáo dục không phải điều bất ngờ đối với những ai đã biết về gia đình ông. Người đàn ông 46 tuổi này sinh trưởng trong gia đình có bốn người con. Mẹ ông là bà Rhoda Elizabeth Muhmood (người Anh) và cha là Muhmood E Muhmood. Năm 1978, họ lập Kuwait English School (KES) và trở thành một trong những trường quốc tế cung cấp giáo trình theo chuẩn giáo dục Anh quốc tốt tại Kuwait. Cha Khalid hiện vẫn giữ vị trí chủ tịch trường và mẹ vẫn là giám đốc điều hành (Bà Rhoda đã được nữ hoàng Anh Elizabeth II phong tước Thành viên Đế chế Anh (MBE) vì đóng góp của bà trong ngành giáo dục.)

Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ ngành giáo dục học của đại học Exeter (Anh) năm 1993, Khalid đến Singapore dạy toán và tìm cơ hội để theo đuổi giấc mơ thành lập tổ chức giáo dục của riêng mình. Khalid nhớ lại, khi ông đến Việt Nam, đất nước còn rất nghèo, trên phố toàn xe đạp, rất ít nhà có TV. Nhưng ông vẫn chọn nơi này vì nhận thấy tinh thần ham học tập của người dân. “Tôi nghĩ mình sẽ làm cái gì đó đặc biệt ở đây,” ông kể lại. Cơ hội đầu tư vào giáo dục tại Việt Nam thời điểm đó như một mảnh đất màu mỡ đang cần người gieo hạt và chăm sóc, để một lúc nào đó có thể hái quả ngọt.

Khi đó, vợ ông, bà Arabella vẫn còn là bạn gái và sống ở London. Nhưng ông không tốn nhiều công sức để thuyết phục bà đến Việt Nam, cho dù gia đình hai bên đều nghĩ họ “hâm hấp” vì họ đều không nói được tiếng Việt hay có quan hệ gì ở đất nước mà thế giới biết đến chỉ vì cuộc chiến đẫm máu và lệnh cấm vận của Mỹ. Họ cùng chuyển đến Hà Nội năm 1995.

Với số vốn ban đầu từ gia đình khoảng 50 ngàn đô la Mỹ, họ liên kết với trường đại học Công đoàn để mở cơ sở đầu tiên của Apollo Education Center trên phố Tây Sơn, quận Đống Đa. Đó là một phòng tập thể thao cũ cần phải cải tạo. “Tôi nhớ rõ nhất là nhà vệ sinh mùi nồng nặc, và tất nhiên chưa có xí bệt như giờ, chưa có giấy vệ sinh,” bà Phan Thị Hoàng Hoa, người đã làm việc tại Apollo từ năm 1996 và hiện là tổng giám đốc, nhớ lại. “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sửa chữa cơ sở vật chất, tạo môi trường học tập hiện đại và sạch sẽ.”

Nhưng thuận lợi lớn nhất là thị trường rất hiếm cơ sở ngoại ngữ nào có người nước ngoài dạy. Bà Hoa kể, mỗi khi Apollo quảng cáo ở báo Hà Nội Mới thì điện thoại réo liên tục đến nỗi không ai ăn trưa được.

Thời gian đầu, Khalid dạy học và quản lý giáo viên, còn Arabella tiếp thị và bán hàng – những lĩnh vực sở trường của họ. Năm 1998, họ khai trương trung tâm dạy tiếng Anh 100% vốn nước ngoài đầu tiên của Việt Nam tại phố Lê Văn Hưu trước sự chứng kiến của bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Minh Hiển và hoàng tử Anh Andrew, công tước xứ York. Là người Anh, với nền tảng và hiểu biết trong lĩnh vực giáo dục, cộng với mạng lưới quan hệ rất tốt mà Khalid tạo dựng được, và cơ sở vật chất được đầu tư mạnh tại thị trường còn rất sơ khai và ít cạnh tranh, Apollo English nhanh chóng có được các hợp đồng tốt phục vụ các khách hàng là doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân như bộ Giáo dục, ngân hàng Nhà nước và nhiều công ty đa quốc gia muốn được đào tạo tiếng Anh chất lượng cao tại đất nước mới mở cửa. Năm 2000, hợp tác đối tác với đại học Công đoàn chấm dứt.

Hiện nay, Apollo English thường xuyên có khoảng 20 ngàn người đang theo học nhằm mục tiêu “trở thành công dân thế giới” thông qua ngôn ngữ và những giáo trình và thiết bị giảng dạy cập nhật nhất. Công ty cho biết đã đào tạo được 500 ngàn lượt học viên trong hơn 20 năm qua. Theo bà Lê Thị Kim Chi, phó tổng giám đốc, dịch vụ mà Apollo English cung cấp thuộc tốp đầu hiện nay, và xét về học phí thì thấp hơn Hội đồng Anh khoảng 20%.

“Kinh doanh giáo dục đòi hỏi phải có ‘personal touch’ – sự thân tình và cá nhân. Đây không phải là loại doanh nghiệp ‘vô diện,’  Nguyễn Hồng Nam, người từng điều hành một trung tâm đào tạo tương tự ở Úc, và mới về làm giám đốc phụ trách phía Nam của Apollo English, nhận xét.

Chắc chắn là Khalid đã làm rất tốt việc xây dựng hình ảnh thân tình đại diện của Apollo English khi đào sâu vào văn hóa Việt Nam để tiếp cận và thu hút cảm tình của công chúng qua việc nhập mọi vai từ vua Trần Hưng Đạo, đến Hùng Vương thứ 18, đến người của núi rừng Tây Nguyên trong những chương trình truyền hình được giới trẻ ưa thích.

Đó là một phần của kế hoạch tiếp thị và thành công và Khalid có những biệt danh mới như Mr Hello, Mr Golden Bell, hay Celebrity Teacher sau khi xuất hiện trong các chương trình Rung chuông vàng, Bảy sắc cầu vồng, Đường lên đỉnh Olympia. Nhưng kế hoạch tiếp thị thành công bao trùm nhất, theo ông, chính là “tập trung vào công việc của mình, tức là quá trình giáo dục.”

“Sẽ chẳng có ai chọn học trường bạn chỉ vì các chương trình trên TV nếu bạn không có được lớp học chất lượng,” ông nói.

Apollo English được biết đến là nơi chi phí tiếp thị ít hơn so với các đối thủ, không nhượng quyền, và việc thuộc sở hữu gia đình khiến họ có thể đặt mục tiêu dài hạn thay vì phải thực hiện những quyết sách mang tính trung và ngắn hạn. Trong lĩnh vực đào tạo tiếng Anh, biên lợi nhuận dao động từ 10-20% tùy vào thời điểm phát triển của công ty và cách làm ăn lâu dài hay “ăn xổi” của chủ đầu tư. Apollo English đã có lãi từ rất lâu, và họ tái đầu tư hầu hết. Bà Arabella, sau 18 năm sát cánh cùng chồng gầy dựng trung tâm và giữ vai trò giám đốc điều hành, giờ dành thời gian chăm sóc hai đứa con bốn và sáu tuổi. Bà chủ yếu chỉ tham gia vào các quyết định lớn của trung tâm và BUV. Sở hữu toàn bộ trung tâm, họ vẫn duy trì lối kinh doanh bảo thủ, không giảm giá nhiều, chủ yếu dựa vào tiếp thị truyền miệng.

“Chúng tôi theo nguyên tắc là tăng trưởng với tốc độ có thể quản lý được, và đó phải là tăng trưởng tự nhiên,” Khalid cho biết và nhấn mạnh mình không mang nợ. Apollo English đang có kế hoạch trong vài năm tới sẽ tăng gấp đôi số lượng học viên và tăng trưởng số lượng trung tâm.

Trong bối cảnh chỉ riêng địa bàn TP.HCM đã có cả ngàn trung tâm ngoại ngữ, vài chục cái đóng cửa mỗi tháng, trong 5 năm qua, Apollo đã tăng từ sáu trung tâm giảng dạy lên 26 trung tâm tại 7 tỉnh thành toàn quốc, trong đó có 11 trung tâm ở TP.HCM.

Thành công của Apollo trong việc duy trì vị thế hàng đầu trong giảng dạy tiếng Anh là bàn đạp vững chắc để Khalid tiến tới giấc mơ thứ hai của mình tại Việt Nam, khi ông bắt đầu suy nghĩ về BUV cách đây 10 năm. Người Việt Nam thích giáo dục chất lượng của Anh quốc nhưng nhiều người không đủ tiền cho con đi Anh học do chi phí đắt đỏ hàng đầu thế giới. BUV hứa hẹn tạo cơ hội học ở Việt Nam vẫn có bằng cấp và trải nghiệm như ở Anh quốc nhưng với tổng chi phí chỉ bằng khoảng 30% (9.000 đô la Mỹ/năm so với 30 ngàn đô la Mỹ) với giáo viên hoàn toàn là người nước ngoài. Sự khác biệt trong vận hành Apollo English và British Education Partnership (BEP), một tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ giảng dạy tiếng Anh cho khoảng 40 trường ở Việt Nam mà gia đình Khalid cũng sáng lập, với BUV là gì?

“Cách tốt nhất để giải thích là Apollo và BEP giống như đội tàu thủy, còn BUV giống như tàu sân bay,” ông nói.

Rõ ràng, BUV đòi hỏi nhiều tài chính, công sức, kiến thức, cách quản trị khác do quy mô và sức ảnh hưởng lâu dài to lớn của nó trong xã hội.

Theo số liệu của bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2015, lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào giáo dục Việt Nam có 213 dự án, tổng vốn đầu tư 822 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, phần lớn các dự án này là trong lĩnh vực đào tạo ngoại ngữ, các khóa học ngắn và cho giáo dục phổ thông. Còn dự án giáo dục đại học thì số đếm chưa quá một bàn tay, và BUV là một trong vài dự án có quy mô lớn nhất.

Là người quảng giao, Khalid có rất nhiều mối quan hệ ở cấp cao có thể hỗ trợ ông trong việc biến tầm nhìn thành hiện thực. Nhưng  các luật sư mà Khalid tiếp cận đều nói rằng dự án BUV là không thể làm được. “Bạn bè tôi ở bộ GD-ĐT đều nhắc là sẽ rất khó khăn – và thường họ nói thế có nghĩa là không thể,” Khalid kể. Dù rất quyết tâm, chính Khalid cũng thừa nhận bản thân đã đánh giá thấp các thách thức sẽ gặp phải. Năm 2008, thủ tướng khi đó là ông Nguyễn Tấn Dũng trong chuyến thăm đến đại học London (UoL) đã công bố chấp thuận về nguyên tắc thành lập Apollo University, tên cũ của BUV, trước sự chứng kiến của hiệu trưởng UoL khi đó và cũng là hiệu trưởng BUV hiện nay, Sir Graeme Davies.

Comments