RMIT có tên ban đầu là Working Men’s College of Melbourne, ra đời năm 1887, nhờ tầm nhìn “đào tạo những con người có kỹ năng làm việc, phù hợp với mục tiêu công nghiệp hóa của Úc,” tức chú trọng vào tính hướng nghiệp và thực tiễn, cùng với lòng hảo tâm của chính trị gia người Scotland Francis Ormond. TS. Nguyễn Xuân Thu, cựu giảng viên trường RMIT, lý giải: “Đó là một trong những ĐH công nghệ hàng đầu của Úc, các chương trình đào tạo rất phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn bắt đầu mở cửa.”
Theo thống kê năm 2014, RMIT là một trong năm trường đại học công nghệ hàng đầu của Úc, có số sinh viên quốc tế lớn nhất nước Úc, và RMIT Việt Nam là cơ sở lớn nhất ở nước ngoài của một trường đại học trên thế giới.
Trong hồi ký Hành trình từ trường làng đến đại học RMIT Việt Nam vừa xuất bản, ông Thu, giờ đã ở tuổi 80 và vẫn tiếp tục cộng tác với RMIT Việt Nam, kể lại quá trình phôi thai của trường này. Cơ duyên bắt đầu khi ông ở tuổi 60, và được GS. Tony Adams, giám đốc chương trình quốc tế của ĐH RMIT đề nghị thành lập văn phòng đại diện của trường tại Việt Nam năm 1994. Ông rời Melbourne đến Hà Nội, bắt đầu các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo tại Việt Nam. Ban đầu, RMIT Melbourne dạy tiếng Anh cho người Việt, rồi đào tạo cán bộ quản lý và kỹ thuật cho Ford Việt Nam trước khi cơ sở này hoạt động tại Hải Hưng.
Rồi đến một ngày, TS. Thu “hết sức dè dặt” gợi ý với ông Trần Hồng Quân, bộ trưởng bộ Giáo dục – Đào tạo khi đó, về việc mời một trường đại học nước ngoài vào thành lập trường của họ ở Việt Nam. Ông Thu thảo thư gửi ban lãnh đạo trường ĐH RMIT, rồi chuyển thư của bộ trưởng Quân về Úc cho GS. David Beanland. Một tuần sau có thư trả lời. Trong vòng ba tháng, từ tháng 4 – 7.1996, vấn đề thành lập ĐH RMIT Việt Nam được trình lên văn phòng thủ tướng. Tuy nhiên, đây là mô hình chưa từng có tiền lệ, nên ba tháng sau, văn phòng thủ tướng yêu cầu văn bản bổ sung. Đến năm 1998, chính phủ Việt Nam đồng ý về mặt nguyên tắc để trường RMIT thành lập phân viện ở Việt Nam. Năm 2000, họ có giấy phép thành lập.
RMIT sau đó có nguồn vay 7 triệu đô la Mỹ của công ty Tài chính Quốc tế (IFC, thuộc Ngân hàng Thế giới) và ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cộng với tài trợ 15 triệu đô la Mỹ của quỹ Atlantic Philanthropies (quỹ này sau đó còn hỗ trợ thêm 6,5 triệu đô la Mỹ để xây các khu giải trí và ký túc xá.) RMIT Holding bỏ ra 16,5 triệu đô la Mỹ, và đã trả hết khoản tiền vay sớm hơn so với thời hạn. Trong thời gian chờ đợi, RMIT Việt Nam thành lập năm 2001 với vỏn vẹn 30 sinh viên tại khuôn viên nhỏ ở đường Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM.
Là người trong nhóm đi chọn địa điểm xây trường, ông Thu mô tả RMIT Việt Nam ở Q.7 ban đầu “toàn bèo hoa rau muống, hoang vu,” nhưng có lợi thế là chỉ cách trung tâm thành phố 5km. Giờ đây, sau 15 năm, RMIT Việt Nam là trường đại học hiện đại bậc nhất Việt Nam trên diện tích 12,4 héc ta, với các học xá được thiết kế không khác biệt nhiều so với ở Melbourne.
RMIT Việt Nam phát triển nhanh chóng thời gian đầu một phần nhờ khi đó, thị trường còn chưa có những mô hình đào tạo chất lượng quốc tế. Chương trình đào tạo của RMIT Việt Nam không giống như các trường đại học khác ở Việt Nam, ví dụ như không dạy môn chính trị, mà tập trung vào đào tạo các kỹ năng thực tiễn dành cho người làm việc thực sự. “Nhà trường dạy những gì cần thiết cho sinh viên khi ra trường, không dạy những điều thừa. Môn nào cũng là những kiến thức mình cần,” Lê Đặng Hiếu, tốt nghiệp chuyên ngành truyền thông năm 2014 và hiện làm giám đốc tiếp thị Applancer cho biết. Điều Hiếu tâm đắc là phương pháp dạy giúp cho “sinh viên có tư duy khác đi, không có khoảng cách thầy trò.”
“Mô hình của RMIT Việt Nam giúp có sự thống nhất trong lãnh đạo, điều hành và quản lý, tránh được những tranh luận gay gắt, vô bổ, mất thì giờ như đã xảy ra ở các cơ sở kinh doanh liên doanh vì những khác biệt về văn hóa trong cách thức quản lý, điều hành,” ông Thu, người có bằng tiến sĩ về giáo dục ĐH ở Mỹ trước năm 1975, nhận xét.
“Điểm yếu duy nhất của RMIT Việt Nam là học phí cao.”
Với khoảng 660 triệu đồng cho một bằng cử nhân bốn năm hiện nay, và tăng trung bình 6%/năm trong 15 năm qua, khoản học phí này nằm ngoài tầm với của đa số các hộ gia đình Việt Nam. Dù ít hơn khoảng 50% so học phí ở Úc, đầu vào của sinh viên vẫn rất hẹp, chỉ tập trung ở những gia đình có điều kiện tốt về kinh tế. Nhưng 15 năm qua cũng là thời điểm GDP Việt Nam tăng hơn gấp đôi. Dù ít chịu cạnh tranh trước đây, trường từng chứng kiến hiện tượng giảm số sinh viên nhập học khi kinh tế Việt Nam khó khăn vào năm 2010-2012.
Tuy vậy, GS. Gael tỏ ra đặc biệt lạc quan khi nhìn vào con số thu nhập thừa dành cho chi tiêu của các hộ gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới (theo World Bank.) “Văn hóa nơi đây trân trọng giáo dục chất lượng cao, và phụ huynh không muốn phải thỏa hiệp với chất lượng,” bà nói về thị trường còn rất mở cho dịch vụ giáo dục cao cấp. Theo bộ Giáo dục – Đào tạo, có khoảng 125 ngàn sinh viên Việt Nam du học năm 2013, tăng 15% so với năm 2012 và là con số tăng nhảy vọt kể từ giai đoạn 2008 – 2009. Người Việt cũng đang đầu tư mạnh cho con du học. Năm 2013, khoảng 1,8 tỉ đô la Mỹ được chi trả cho các khoản chi phí liên quan đến du học nước ngoài, chiếm khoảng 1% GDP.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang chứng kiến sự nở rộ của các chương trình đào tạo liên kết giữa các trường Việt Nam và nước ngoài, cộng với việc đào tạo ở các nhóm trường chất lượng cao cũng cải thiện đáng kể. Thách thức thời RMIT Việt Nam “một mình một chiếu” đã khác hiện nay, khi “chiếu” đã có nhiều người muốn ngồi cùng.
Theo báo cáo Giáo dục đại học có yếu tố nước ngoài của tác giả Phạm Hạnh Minh tại hội thảo hè VED 2014, RMIT Việt Nam ra đời trong giai đoạn thứ hai của quá trình bùng nổ đại học tư ở Việt Nam (2001 – 2013). Trong thời gian từ 2005 – 2009, số lượng đại học tư đã tăng gấp đôi, từ 35 trường lên 77 trường, là giai đoạn mà các nhà sáng lập là doanh nghiệp và nhà đầu tư như RMIT, FPT, Tân Tạo… RMIT Việt Nam hiện nằm trong nhóm trường tư có mức học phí cao nhất cùng với ĐH Anh quốc (BUV).
BUV mới thành lập năm 2009, với mức đầu tư dự kiến 40 triệu đô la Mỹ, và lứa sinh viên tốt nghiệp năm 2013 là 20 người. Nhưng BUV không phải là phân viện của một trường đại học, mà là hợp tác liên kết với ĐH London và ĐH Staffordshire. Còn quá sớm để đánh giá về hiệu quả của trường trong bối cảnh BUV sẽ phải cạnh tranh với RMIT Việt Nam vốn đã có bề dày hoạt động. Tiếp theo là nhóm các trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF), FPT, Tân Tạo, Hoa Sen, và ĐH Quốc tế Sài Gòn. Trong khi đó, nhóm đại học có mức học phí thấp nhất chỉ từ 1.000 đô la Mỹ đến 1.500 đô la Mỹ.
Thị trường đông hơn, và RMIT Việt Nam sẽ làm gì để duy trì vị thế? TS. Thu nhận định sẽ không có nhiều cạnh tranh với RMIT Việt Nam, ít nhất là trong thời gian tới. “Tìm hiểu một số trường nước ngoài đã hoạt động tại Việt Nam từ 7 – 8 năm lại đây, tôi chưa thấy đến năm 2020 các trường này là những thách thức lớn đối với trường ĐH RMIT Việt Nam. Thách thức lớn nhất của trường RMIT Việt Nam là chính nó,” ông cho biết.
“Để đạt mục tiêu muốn đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam như cam kết, RMIT Việt Nam phải đặt tiêu chí vươn lên thành một đại học dẫn đầu trong nghiên cứu.”
Về lâu dài, ông cho rằng ĐH Fulbright nếu hoạt động đúng như mô hình phi lợi nhuận, sẽ là thách thức lớn nhất của RMIT Việt Nam, tiếp đến là các trường công lớn trong nước, và các trường tư nếu họ quyết theo đuổi chính sách chất lượng tốt, mà không mở bung ra để chạy theo số lượng.
GS. Gael cho biết, chiến lược bà muốn thực hiện trong những năm còn lại của nhiệm kỳ là tăng trưởng thêm 20% số lượng sinh viên, trong đó sinh viên quốc tế sẽ tăng từ 10% lên 15%, tăng cường chất lượng và tạo sự khác biệt. Ngoài 15 chương trình cử nhân, 13 chương trình thạc sĩ trong 5 năm tới đang được xem xét bổ sung, RMIT Việt Nam sẽ đẩy mạnh nghiên cứu học thuật, mảng chưa được chú trọng cho tới hai năm trước đây, và tăng số lượng giảng viên có bằng tiến sĩ lên 70% vào năm 2020 (so với trung bình của các trường ĐH Việt Nam hiện nay là 24%).
Dưới góc nhìn của bà, cạnh tranh với RMIT Việt Nam sẽ đến từ 4 hướng: các trường địa phương đang tiến bộ với các công nghệ mới, các chương trình liên kết nhiều hơn; các trường quốc tế đang vào Việt Nam nhiều hơn, và nhu cầu của những gia đình khá giả muốn có con đi học trực tiếp ở nước ngoài thay vì trong nước. Nhưng “chúng tôi thực sự không theo dõi các đối thủ cạnh tranh, vì chúng tôi đứng riêng, và họ khác chúng tôi. Nếu bạn cứ lo lắng về đối thủ cạnh tranh, thì đầu óc bạn sẽ quá bận rộn mà không chú tâm vào việc của mình,” bà nói. Duy trì chất lượng tốt sẽ là chìa khóa để một trường ĐH có vị thế cao.
Là người có bề dày làm việc trong lĩnh vực giáo dục trước khi đến Việt Nam, bà Gael theo đuổi chính sách quản trị thực tiễn, mà theo bà là thuê những người giỏi nhất về làm cho mình, có tầm nhìn rõ ràng và minh bạch thông tin. Bà tỏ ra đặc biệt thích thú với chương trình phát triển cá nhân (personal edge) bắt đầu từ 1 năm trước tại trường, giúp sinh viên có kỹ năng thưởng thức nghệ thuật, bàn tiệc, dẫn dắt đội nhóm, trình bày ý tưởng…Ngoài ra, các chương trình về khởi nghiệp từ trong nhà trường cũng đang bắt đầu khởi động. RMIT Việt Nam đang thiết kế các chương trình hỗ trợ sinh viên hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của họ, và nhà trường đã có 3 nhà đầu tư từ Singapore, Mỹ và Việt Nam sẵn sàng rót vốn vào các ý tưởng lập nghiệp của sinh viên.
Đầu tư vào giáo dục đại học luôn là một lĩnh vực đầy thách thức. GS Gael tin rằng “giáo dục luôn là khoản đầu tư lớn. Thực tế là giờ đây sinh viên cần được tiếp xúc với môi trường quốc tế nếu họ muốn thành công.”
©Forbes Việt Nam số 28; Tác giả: Khổng Loan