Nhưng ông Khanh đã thấy rõ cạnh tranh về giá sẽ không còn bền vững. Vì thế, ông cho biết sẽ tập trung đầu tư chiều sâu, rút ngắn quy trình sản xuất, cùng với phát triển xưởng sản xuất đồ nội thất bằng kim loại để phù hợp với xu hướng quốc tế. Sau Myanmar, Bhutan, AA dự kiến sẽ mở rộng ở thị trường Campuchia, và có thể là Sri Lanka cho thị trường Ấn Độ. AA vừa ký hợp đồng cung cấp nội thất rời và lắp đặt cho khách sạn Watergate, địa điểm xảy ra vụ bê bối của tổng thống Richard Nixon và là một trong những toà nhà gắn liền với lịch sử hiện đại của Mỹ.
“Ông ấy là ông giáo giỏi với cái đầu phân tích nhạy bén,” Alex nói về sếp của mình. “Ông ấy quan tâm tới chi tiết và là típ người điềm tĩnh nên khi nhân viên gặp rắc rối, họ sẵn sàng chia sẻ với ông ấy để lắng nghe lời khuyên.” Có thể ông Khanh không giống mình cách nay 20 năm, thời ông thiên về chiến lược hơn là “chuyện bếp núc” như người từng làm với ông thời đầu nhận xét.
Dù đứng đầu công ty với khoảng 2.000 nhân viên, giờ đây, ông Khanh, người khi trẻ đã rất yêu thích Henry Ford vì tài năng thiết kế xe hơi, vẫn giữ thói quen vẽ tay từ thời xưa. Ông lúc nào cũng mang theo cuốn sổ vẽ, trong đó ông vẽ nhiều thứ, từ bàn, ghế, tới máy bay, xe tăng như thú giải trí khi rảnh rỗi. Ông cho biết mình vẫn tham gia vào công việc thiết kế hiện nay của công ty.
Khi ông Khanh chia sẻ hào hứng về câu chuyện thiết kế, về những thứ nhỏ nhắn mà ông vẽ, người ta dễ thấy trong đó sự đam mê. Đam mê thiết kế không thay đổi sau ngần ấy năm, ông vẫn thích nhất là xuống dưới xưởng để cùng làm thiết kế và sửa thiết kế (dù không có nhiều thời gian để làm như vậy nữa,) ông vẫn ngồi đọc hàng giờ những cuốn sách về thiết kế, và vẽ đủ hình dáng xe hơi, máy bay (dù ông nói mình không muốn sở hữu những thứ đấy.)
Nhưng ông cũng đang thấy rất ít gương mặt trẻ của Việt Nam theo học ngành thiết kế ở nước ngoài, lĩnh vực ông tin cần phải được đầu tư để tạo ra nhiều tài năng nếu muốn nền kinh tế đất nước thay đổi. “Tôi đến thăm Rhode Island School of Design – một trong những trường về thiết kế nổi tiếng của Mỹ, 40% sinh viên nước ngoài là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan. Việt Nam không có ai cả,” ông kể. Trong khi các nước láng giềng đã xem thiết kế là một ngành quan trọng, thì “Việt Nam sẽ phải mất rất nhiều thế hệ, phải lâu lắm thì mới có được thế hệ thiết kế tài năng.” Các nhà sản xuất của Việt Nam vẫn đang theo dạng gia công, không tham gia vào các quá trình gia tăng các giá trị khác của sản phẩm, trong đó có thiết kế.
Ông Khanh và vợ, bà Lý Quỳnh Kim Trinh, con gái của cố nhà báo nổi tiếng Lý Quí Chung là cặp bài trùng: ông bổ sung về chuyên môn cho năng khiếu thiết kế và ẩm thực của bà. Họ cùng gia đình mở nhiều nhà hàng nổi tiếng có gu riêng ở TP.HCM. Hai người con trai của họ đều không theo nghiệp kinh doanh (con trai lớn làm trong lĩnh vực điện ảnh tại Việt Nam và con trai út đang học quản trị nghệ thuật tại Mỹ.) “Tôi khuyến khích các con chọn ngành mà chúng có đam mê. Tôi tin vào niềm đam mê giúp con người ta thấy vui trong cuộc sống và cống hiến.”
“Tôi luôn nói với các bạn trẻ là khi thấy mỗi thách thức trước mắt, họ hãy tự tin, vui vẻ, chứ đừng căng thẳng. Vì nếu công việc không khó khăn thì dù làm được cũng không sướng.”
Ông Khanh muốn người khác nhìn mình như một nghệ sĩ, chứ không phải nhà kinh doanh.“Nếu là nhà kinh doanh, thì cái gì họ cũng phải tính toán thiệt hại, và không muốn rủi ro lớn. Tôi không tính hết, sẵn sàng chấp nhận rủi ro vì đam mê,” ông nói.
“Tại sao các doanh nghiệp của Việt Nam chưa khai phá những thị trường Bhutan và Myanmar? Tôi không biết. Nhưng tôi cứ nói với họ là đi đi, đừng có ngại gì.”
Lời ru nước Nam
Dù gia đình kinh doanh nhiều nhà hàng lớn ở TP.HCM, những ngày này ông Khanh thích nói về tiệm cà phê mới mở của mình là Ru Nam, nơi bán loại cà phê được làm theo ý ông. “100% là cà phê, không pha bất kỳ chất tạo hương vị nào,” ông khẳng định. Ý tưởng bán loại cà phê nguyên chất của ông ban đầu bị gia đình phản đối, vì không giống như cà phê đang bán trên thị trường và phù hợp thị hiếu số đông. Nhưng ông có cái lý của mình. “Tôi nói với gia đình là ‘không ai uống tôi không cần biết. Một ngày nào đó người ta sẽ hiểu bản chất của cà phê là thế.’” Ông mời một chuyên gia cà phê người Ý sang Việt Nam nghiên cứu và xác định chất lượng những hạt cà phê ở Việt Nam, rồi mở quán đầu tiên cách nay khoảng 1 năm, sau 2 năm nghiên cứu. Các quán Ru Nam tiếp theo dự kiến xuất hiện ở Hà Nội, Đà Nẵng, và có những đề nghị mở ở Quảng Châu, Dallas. Ông đặt mục tiêu tất cả nhà hàng bán đồ Việt Nam trên thế giới khi pha cà phê sẽ dùng cà phê Ru Nam.
©Forbes Việt Nam số 20. Tháng 1.2015. Tác giả: Khổng Loan