Forbes Việt Nam số 20: Tìm đến thị trường mới

screenshot_12

©Forbes Việt Nam số 20. Tháng 1.2015

Hình ảnh xưởng sản xuất của công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA trên ngọn đồi cao 3.650m so với mặt nước biển ở Thimpu, Bhutan được treo tại phòng trưng bày sản phẩm ở đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1 (TP.HCM), cùng với nhiều hình ảnh công trình mang dấu mốc lịch sử của công ty. Chủ tịch AA, ông Nguyễn Quốc Khanh cho biết đây là xưởng của Việt Nam duy nhất chuyên về ngành gỗ ở Bhutan.

Sau hơn 20 năm kể từ khi thành lập, AA (Advanced Architecture – Kiến trúc tiên tiến) hiện ở vị trí hàng đầu trong lĩnh vực nhà thầu nội thất tại Việt Nam,  chuyên làm các công trình lớn. AA cho biết họ đã thực hiện trên 1.000 công trình trong và ngoài nước (ở cả 5 châu.) Nhưng những biến động kinh tế cách nay 3,4 năm đã khiến cho các thị trường của AA thu hẹp, và khiến cho người đứng đầu công ty tìm đến những thị trường mới bất ngờ: Myanmar và Bhutan. Hai thị trường mới này mang về khoảng 40% trong tổng doanh thu của công ty năm 2014 (ước tính khoảng 80 triệu đô la Mỹ), tăng 10% so với 2013.

Ông Khanh thừa nhận thị trường Myanmar đã cứu AA khỏi cơn khủng hoảng việc làm trong hai năm qua. Việc tập trung vào thiết kế và sản xuất nội thất trong ngành gỗ đã cho AA những thế mạnh nhất định so với nhiều ngành nghề truyền thống khác ở cả Myanmar và Bhutan. Dù được thị trường biết đến như một người có tầm nhìn tiên phong và thường đưa ra những quyết định đúng lúc, cơ hội xâm nhập sâu vào Myanmar đến một cách bất ngờ với ông Khanh. Trước khi ông đến Myanmar vào năm 2011 trong một chuyến công tác, AA đã trúng thầu cung cấp nội thất cho Shangri-La Residences tại Yangon. Khi sang đến nơi, ông Khanh thấy Myanmar như Việt Nam khi mới mở cửa: nhu cầu khách sạn, nhà nghỉ, văn phòng rất lớn. “Người ta cần bên tôi, trong khi đó Myanmar không có công ty nào có khả năng như AA. Sau một thời gian dài đóng cửa, không phát triển nên thợ thầy đi làm nơi khác hết như Singapore, Thái Lan, cho nên cả một thị trường Myanmar bỏ ngỏ,” ông Khanh nhớ lại.

Trong khi Bhutan, đất nước nhỏ bé ở Nam Á với gần 700 ngàn dân đang nổi lên thành thiên đường nghỉ dưỡng, với văn hóa, lối sống của người dân gắn liền với những chính sách phát triển du lịch bền vững, Myanmar được cho là “biên giới cuối cùng của mọi ngành nghề,” vừa mở cửa với thế giới sau nhiều năm tách biệt. Các doanh nghiệp khắp thế giới đang dồn về đây để khai thác thị trường mới. “Myanmar đang là công trường lớn. Tương lai cho việc kinh doanh của AA ở Myanmar rất tốt,” Ooi Wee Tat (Alex), tổng giám đốc của AA cho biết. Alex là người Malaysia, đảm nhiệm vị trí CEO của AA gần 6 tháng nhưng cũng đã kịp có 1 nhiệm kỳ ngắn ở Myanmar.

Theo đánh giá của ông, ở cả Myanmar và Bhutan, AA mới đặt những viên gạch đầu tiên ở hai thị trường có nhu cầu xây dựng, phát triển khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang bùng nổ, ít nhất là 5-10 năm tới. AA Interior Myanmar được thành lập cuối năm 2012, hiện có 150 người (trong đó 80 người bản xứ) và nhà máy sản xuất dự kiến hoạt động vào tháng 4.2015. Còn tại Bhutan, AA vừa đưa vào hoạt động nhà máy 1,2 triệu đô la Mỹ tháng 11.2014 với 30 nhân sự.

“Một thị trường bỏ ngỏ” chính là mong ước của doanh nghiệp để có thể đặt chân vào khai phá và dẫn đầu. Sự ra đời của AA cũng bắt nguồn từ thị trường kiểu như vậy tại Việt Nam vào đầu những năm 1990 của thế kỷ trước. Sinh ra trong một gia đình tại Đà Lạt năm 1959, từ thời sinh viên đã đi trang trí các hội chợ, ông Khanh cùng các kiến trúc sư Lê Thanh Toàn và Nguyễn Văn Tất lập AA khi thấy các nhu cầu thiết kế khách sạn, nơi ở, trụ sở làm việc mới rộ lên, còn du khách cũng bắt đầu đến thăm đất nước, “y như những gì đang diễn ra ở Myanmar.”

Dù các công ty phương Tây hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và thi công nội thất cũng rất quan tâm tới thị trường màu mỡ ở Myanmar, nhưng “họ đâu có đủ sức cạnh tranh với mình,” ông Khanh cho biết.

Khách hàng của ông Khanh ở Myanmar và Bhutan có những đòi hỏi như những khách hàng ở bất kỳ thị trường nào: giao hàng đúng hẹn và giá tốt. Tại Myanmar, AA đang cùng lúc làm nội thất cho các khách sạn Novotel Yangon, Best Westerner Premier ở Naypyidaw, Inle Sanctum ở Inle và một tàu du lịch hạng sang. Trước đó, họ đã xong các khách sạn và khu căn hộ Shangri-La Residences, cùng văn phòng chi nhánh FPT.

Tại Bhutan, AA đang thực hiện dự án khách sạn Le Méridien theo mô hình chìa khóa trao tay, đảm nhận mọi khâu từ thiết kế đến cung cấp nội thất. “Nếu AA chỉ thành công trong nước thì có thể nói là vì AA có quan hệ này nọ, nhưng nếu thành công ở Myanmar thì chứng tỏ là Việt Nam đủ sức có sản phẩm cạnh tranh với thị trường quốc tế,” ông Khanh nói.

Ông Khanh, hiện cũng là chủ tịch hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM, cho biết tính riêng về ngành đồ gỗ, xét về doanh thu xuất khẩu, Việt Nam đứng thứ sáu thế giới, thứ nhì châu Á, chỉ sau Trung Quốc. “Năm ngoái Việt Nam xuất khẩu gỗ trị giá sáu tỉ đô la Mỹ, Indonesia chỉ có 3,6 tỉ đô la Mỹ, bỏ cách rất xa. Tức là nền công nghiệp gỗ của mình đang rất mạnh,” ông nói.

Không những thế, “đây là ngành mà công ty nước ngoài không có cửa để cạnh tranh lại ngay tại thị trường Việt Nam trong 20 năm tới.” Ở thời điểm hiện tại, mọi sản phẩm của AA đều được sản xuất tại các nhà máy ở Việt Nam, trong đó có nhà máy lớn ở Long An. Việc lập xưởng sản xuất ở Myanmar và Bhutan sẽ giúp AA giảm chi phí trong bối cảnh các hoạt động hiện nay của họ ở đây đều đang đem lại lợi nhuận. Theo Alex, lĩnh vực mà AA hoạt động có tỉ suất lợi nhuận trung bình khoảng 5%, tùy vào sự điều hành hiệu quả, có thể lên 8%.

“Khanh là người rất khôn ngoan, bén nhạy trong các kế hoạch kinh doanh. Đó là phẩm chất từ thời đầu khiến cho Khanh là linh hồn của quản trị và chiến lược kinh doanh của công ty,” KTS Nguyễn Văn Tất, người sau đó rời AA để lập công ty Tư vấn Thiết kế TAD của mình và hiện là chủ tịch HĐQT TAD nhận xét. (Ông Tất vẫn còn nhớ thời ông Khanh mở tiệm kem mới bán giá 30 ngàn đồng, trong khi kem Bố Già mới có giá 10 ngàn đồng, vì ông Khanh tin tiệm kem đắt hơn sẽ là lựa chọn của các cặp tình nhân.)

Thời đầu, dưới sự điều hành của 3 nhà sáng lập, trong đó ông Khanh phụ trách xưởng sản xuất, đối ngoại và thiết kế, “công việc khi đó rất nhiều, đòi hỏi của khách hàng rất cao và chúng tôi đáp ứng được. Sản phẩm tốt, giá rất ngon và lợi nhuận rất tốt,” ông Tất nhớ lại. Cơ hội lớn đầu tiên đến với họ là vào năm 1994, khi dự án cải tạo hai khách sạn ở Đà Lạt là Dalat Palace và Novotel Dalat đến tay.

Nhưng rủi ro cũng lớn không kém, vì doanh số của AA khi đó chưa đến 200 ngàn đô la Mỹ, còn công trình họ nhận là 4 triệu đô la Mỹ. Ba nhà sáng lập quyết làm, thuê người quản lý dự án chuyên nghiệp với mức lương tháng bằng tiền thuê 12 kỹ sư trong nước. “Lúc đó chưa có công ty Việt Nam làm được công trình nào như vậy,” ông Tất nhớ lại.

Quyết định đó đưa tên tuổi AA lên tầm mới, và họ tập trung vào thị trường các công trình cao cấp. Đến nay, theo ông Tất nhận định, “AA là công ty hàng đầu quy mô quốc gia và ngoài quốc gia xét về tổng thể,” với “đẳng cấp riêng, có chiều sâu, cảm xúc, làm những sản phẩm đặc biệt.” AA hiện có một quỹ đầu tư đang sở hữu 26%, 74% còn lại do ông Khanh và một số cộng sự AA sở hữu.
Tìm ra thị trường nước ngoài là bước đi dễ hiểu khi thị trường trong nước nhỏ, và AA cũng đã có được phần lớn thị phần.

Lần đầu tiên AA làm công trình nước ngoài là vào năm 1998, tại Sri Lanka và Maldives ở thời điểm kinh tế Việt Nam khủng hoảng. Từ năm 2009, AA đưa ra mục tiêu trong 5 năm tới, doanh số xuất khẩu của công ty là 60%, và 5 năm tiếp theo là 80% tổng doanh thu.

“Các công ty nội thất trong nước e dè trước thị trường nước ngoài. Họ sợ, ngại. Tôi cho rằng nghĩ thế là không đúng, mình phải chấp nhận rủi ro, đương nhiên là cũng có thể thất bại, nhưng phải thử chứ.”

Là người nói tiếng Pháp và tiếng Anh trôi chảy, ông Khanh thường đặt nhân viên vào những tình huống để họ tự xử lý rào cản lớn nhất là ngoại ngữ khi ra nước ngoài. “Nói không được thì dùng tay, mỏi tay quá thì phải học. Phương châm của tôi là thế, từ thời ngày xưa.”

Ngoài sản xuất, thi công nội thất, AA tham gia vào thị trường bán lẻ các mặt hàng đồ gỗ nội thất chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài nước.

Tháng 5.2014, diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bầu chọn AA là một trong 20 công ty tăng trưởng toàn cầu của khu vực Đông Á, với tiêu chí bình chọn dựa vào mô hình kinh doanh, doanh thu hằng năm, tốc độ phát triển, dàn lãnh đạo và vị thế doanh nghiệp trên thị trường. Cho đến nay, AA cạnh tranh được dựa vào kinh nghiệm làm những công trình lớn, nhà xưởng ở quy mô hóa cao và giá thành cạnh tranh hơn nhờ giá nhân công của Việt Nam rẻ.

Comments