Đưa tin về trẻ em: Hãy cất thói tò mò ích kỷ vào một góc!

"Tôi có quyền." "Tôi cũng thế."
“Tôi có quyền.”
“Tôi cũng thế.”

Dư luận đang hết sức phẫn nộ sau khi video ghi hình cảnh một thanh niên hành hạ một bé trai ở Campuchia lan truyền trên mạng. Cảnh sát hai nước đẩy nhanh quá trình tìm kiếm nghi phạm và đến nay đã bắt giữ được người bị cho là đã hành hạ bé trai đó. Tôi đoán chắc là các luật sư, những người biểu biết pháp luật đều cảm thấy có cái gì đó sai sai khi phóng viên vào tận phòng tạm giam, đặt máy quay ghi hình tường tận chi tiết nghi phạm. Báo chí cũng làm việc hết công suất, đăng tải những cái tít câu khách liên quan tới xu hướng tình dục và thay mặt tòa kết tội ngay nghi phạm (và đã bị sửa lưng như ví dụ này.) Nhưng hai hiện tượng nổi bật này của báo chí không phải là lý do của entry này, mà là sự có mặt của nạn nhân trẻ em, cháu bé 2 tuổi.

Cách một quốc gia đối xử với người khiếm khuyết về cơ thể, trẻ em (và cả động vật nữa) thể hiện trình độ văn hóa của đất nước đó. Tôi không hiểu tại sao ở khắp nơi đều đăng tải hình ảnh cháu bé là nạn nhân của vụ lạm dụng như vậy. Điều này tốt gì cho công chúng, cho cháu bé, cho cha mẹ cháu bé và những người xung quanh? Có làm cho cuộc sống của chúng ta, đặc biệt của cháu bé tốt đẹp hơn không? Tôi không nghĩ vậy. Bạn đừng nói là đăng hình cháu bé sẽ giúp cho nhiều người cho tiền cháu nhé.

Hãy lùi lại một bước và nghĩ xem nếu cháu bé là một người thân của mình thì sao?

Ở bất kỳ xã hội nào cũng có những người gặp vấn đề về tâm thần thích hành hạ người khác, và bất kỳ đứa bé nào cũng có thể là nạn nhân bạo hành của những người quanh nó, kể cả cha và mẹ nó. Bạo hành ở nhiều dạng khác nhau, từ bạo hành về cơ thể, tình dục và tâm lý, đến việc bị bỏ rơi, ấu dâm là một dạng. Và ở những nước nghèo, kém phát triển như Việt Nam và Campuchia, chuyện này  không hề hiếm.  Ở nước phát triển, chỉ cần nghi ngờ có hiện tượng lạm dụng trẻ em thôi, không cần phải có bằng chứng, cũng có thể báo cảnh sát được.

Truyền thông, trong đó có báo chí và cả mạng xã hội, trong cơn khát like, khát view  và cả sự tức giận, bất bình, phẫn nộ  của mình đã săn lùng và chia sẻ rất nhiều hình ảnh cháu bé. Hãy bình tĩnh, đừng làm vậy. Đừng bốc đồng, đừng chạy theo view. Đằng sau câu chuyện này là số phận của cháu bé.

Trong tài liệu Cách đưa tin có đạo đức về trẻ em và vì trẻ em của Unicef, có yêu cầu báo chí thế này:

– Phải tôn trọng quyền và lợi ích của trẻ.

– Phải tránh gây hại tới trẻ thông qua tin tức.

– Phải tránh khiến trẻ có nguy cơ bị xã hội xỉ nhục.

– Thông thường, lợi ích cộng đồng thường quan trọng hơn lợi ích cá nhân. Nhưng nếu đám đông hay xã hội gây hại một cách không công bằng tới cá nhân, thì lợi ích của cá nhân lại quan trọng hơn. Khi đối phó với những vấn đề nhạy cảm, bạn phải xét đoán  xem cái gì là quan trọng – lợi ích của cá nhân hay lợi ích của cộng đồng?

– Trong trường hợp ở Campuchia này, việc đưa chi tiết gia đình, mặt mũi nạn nhân thì có lợi ích gì cho cộng đồng? Có hại gì cho nạn nhân?

  • Công chúng có quyền biết sự thật. Nhưng sự thật này không được gây ra tổn hại hay đưa bất kỳ ai vào rủi ro mà họ không mong muốn. Huống chi đó là một đứa trẻ hoàn toàn không thể tự vệ. Cha mẹ em có thể không hiểu biết, các tổ chức đoàn thể bảo vệ trẻ em có thể vô tích sự. Nhưng báo chí không thể hùa theo để thỏa mãn sự khát khao vô lý của đám đông được. Nếu tiết lộ mặt của cháu nhỏ, ai sẽ có lợi và có lợi ra sao? Ai sẽ bị hại và bị hại ra sao?
  • Nếu ai đó bị hại thì báo chí hãy cố gắng giảm thiểu thiệt hại càng nhiều càng tốt. Việc giữ bí mật danh tính của nạn nhân trẻ nhỏ là điều bắt buộc. Nên nhớ là không bao giờ xâm phạm quyền riêng tư của một cá nhân trừ phi điều đó cần thiết cho lợi ích chung. Nguyên tắc này áp dụng cho cả đời sống riêng  của các nhân vật công chúng và người nổi tiếng, huống chi là một cháu bé yếu ớt. Hãy tôn trọng sự riêng tư và phẩm giá của người khác, kể cả khi họ không biết là mình có phẩm giá và không đủ khả năng bảo vệ điều đó.

Thế nên, chúng ta hãy cố gắng nhốt phần con của mình lại, nhốt sự tò mò vô lý và ích kỷ của mình lại.

Phẩm giá và quyền của mọi em nhỏ cần phải được tôn trọng ở trong bất kỳ tình huống nào.

Hãy dừng ngay việc chia sẻ hình ảnh của cháu nhỏ nạn nhân.

Đọc thêm ở đây về hướng dẫn đưa tin tức có liên quan tới trẻ em của UNICEF ở đây hay ở đây.

Comments