Forbes Việt Nam số 17: Chuẩn mực doanh nhân

screenshot_3©Forbes Việt Nam số 17. Tháng 10.2014

Cách nay khoảng 9 năm, dịch vụ tư vấn hình ảnh và phát triển nhân cách, tài năng mà bà Võ Thị Xuân Trang, 44 tuổi, sáng lập, chủ trường John Robert Power (JRP) Việt Nam ký nhượng quyền với JRP và đưa về Việt Nam bị nhận xét là “trưởng giả học làm sang” trên một bài báo.

“Có doanh nhân từng yêu cầu tôi giữ bí mật việc họ đi học, vì họ ngại bị bạn bè chê cười ‘ném tiền qua cửa sổ’ khi chi rất nhiều tiền để học cách đi đứng, nói năng, mỉm cười, ăn tiệc…” bà nhớ lại. “Nhưng nay thái độ xã hội đã rất khác.”
Dịch vụ tư vấn hình ảnh xuất hiện nhiều hơn ở Việt Nam sau khi Việt Nam trở thành thành viên của tổ chức Thương mại thế giới. Các doanh nhân Việt Nam mở rộng môi trường kinh doanh ra khỏi biên giới đất nước, kéo theo nhu cầu cải thiện hình ảnh, tác phong chuẩn mực và chuyên nghiệp hơn để phù hợp với đối tác quốc tế.

Khách hàng của JRP Việt Nam chỉ có 10% là cá nhân doanh nhân theo học, nhưng họ là đối tượng chủ yếu đem lại nguồn thu chính cho trường, do họ cũng đầu tư cho con cái đi học, ký các hợp đồng đào tạo để nhân viên, quản lý các công ty mình đi học. Mức học phí để học trở thành người thanh lịch, tự tin, đẹp, có thần thái, phong cách không hề rẻ tại JRP Việt Nam: 1.000 đô la Mỹ cho một cấp độ, và một chương trình đầy đủ gồm năm cấp độ. Ngôi trường ở quận 3, TP.HCM “không có nhiều người ra vô đông đúc,” nhưng bà hiệu trưởng Xuân Trang cho rằng mình đã làm được phần nào việc “thay đổi suy nghĩ và chạm tới trái tim người khác.” Người ta thường thấy bà hiệu trưởng trong trang phục lịch lãm, nét mặt tươi cười, dáng đi thẳng, bước nhanh, tràn đầy năng lượng. Bà gọi phong thái đó là “I like myself” (Tôi rất thích mình.)
Những năm đầu tiên, JRP Việt Nam gặp khó khi thuyết phục khách hàng là các doanh nhân tạm quên đi suy nghĩ “tốt gỗ hơn tốt nước sơn.” Có những người sẵn sàng trả phí gấp đôi để học ở nước ngoài, chứ không sử dụng dịch vụ của JRP Việt Nam, do “niềm tin về chất lượng chưa có.”  Trong những tháng đầu tiên hoạt động, tiền ra rất nhanh, trung bình một tháng 10 ngàn đô la Mỹ để tiếp thị, nhưng tiền vào không có.
JRP Việt Nam bắt đầu có lợi nhuận sau ba năm. Số tiền phí hằng tháng mà JRP Việt Nam trả cho JRP là 12% doanh thu, và đến nay tổng số lên tới “cả triệu đô la Mỹ.” Hiện nay, học viên đến với trường chủ yếu qua truyền miệng. Bà Trang đã dừng chi tiền vào quảng cáo trên báo chí, tập trung vào tài trợ và tư vấn cho chương trình hoa hậu, người đẹp, người mẫu…
Theo Nguyễn Trịnh Khánh Linh, chủ tịch và CEO của trường Doanh nhân Đắc Nhân Tâm, đơn vị nhượng quyền Dale Carnegie tại Việt Nam, ưu tiên của doanh nhân là trở thành người có sức hút, truyền cảm hứng cho những người xung quanh mình. “Tư vấn hình ảnh” nằm trong một tổng thể về thay đổi, phát triển tư duy, hành vi, phong cách lãnh đạo, định hướng kinh doanh và chiến lược bền vững cho doanh nghiệp.

Comments