Forbes Việt Nam số 16: Lên mạng học

screenshot_2©Forbes Việt Nam số 16. Tháng 9.2014

Mỗi ngày, Nguyễn Thành Chung, 37 tuổi, phó giám đốc phụ trách kinh doanh của công ty CPharma (Hà Nội) dành trung bình khoảng 30 phút truy cập vào hệ thống giảng dạy trực tuyến của tổ hợp Công nghệ Giáo dục Topica (Topica) để trả lời câu hỏi của học viên các khóa học phát triển kỹ năng cá nhân, marketing căn bản, quản trị marketing mà anh giảng dạy.

Chung không phải là giảng viên theo lối truyền thống. Topica tìm thấy Chung trên LinkedIn năm 2011. Anh chủ yếu điều phối các cuộc thảo luận của học viên qua mạng và ít khi gặp trực tiếp học viên trên lớp. Theo quy chế về đào tạo từ xa của bộ GD-ĐT, các học viên của Chung không phải thi đầu vào, họ lấy tài liệu học qua mạng, nhưng làm bài thi ở lớp theo cách truyền thống. Chung thuộc số hơn 1.000 “giảng viên doanh nghiệp,” là các nhà quản lý, chuyên gia đến từ các doanh nghiệp, tổ chức tham gia chương trình giảng dạy cấp bằng cử nhân dựa trên nền tảng công nghệ của Topica. Chung ví “Topica như khu công nghiệp, còn các trường là nhà máy thuê đất, sản xuất. Topica cũng là nơi tìm khách hàng, bán sản phẩm của các trường.”

Mô hình giáo dục trực tuyến cho phép người học ở bất kỳ đâu, thời gian nào có thể học bất kỳ thứ gì và có thể học tập suốt đời đang phát triển mạnh ở Việt Nam, khi 30% dân số tiếp cận được với Internet và tỉ lệ này đang tăng nhanh. Topica được xem là đơn vị hàng đầu về cung cấp nền tảng giáo dục trực tuyến ở Việt Nam. Sau sáu năm hoạt động, nhà sáng lập Topica Phạm Minh Tuấn cho biết hơn 1.600 người tốt nghiệp cử nhân, tỉ lệ tốt nghiệp khoảng 64%.

TS. Phạm Minh Tuấn, 39 tuổi, chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc Topica nhận ra tiềm năng của giáo dục trực tuyến ở cả quy mô phát triển lẫn chất lượng khi đang là phó viện trưởng viện Tiên tiến và Khoa học công nghệ (HAST) thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội. Anh thực hiện dự án phát triển nền tảng và học liệu giáo dục trực tuyến tại 64 tỉnh thành, có tài trợ từ Microsoft, Qualcomm, Hewlett Packard và USAID.

Anh nhớ lại: “Dự án khá thành công, tỉ phú Bill Gates và phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm tới thăm.” Sau đó, họ tổ chức khoá học thử nghiệm với học viện Công nghệ Massachusetts (MIT, Mỹ). Giáo sư giảng bài từ Mỹ, qua mạng và cung cấp bài giảng quay sẵn cho 30 sinh viên Việt Nam theo học tại Hà Nội, với hai nghiên cứu sinh người Việt ở Mỹ làm trợ giảng. Kết quả “ngoài mong đợi”: khi thi chung đề với sinh viên học viện MIT , sinh viên Việt Nam nhận số điểm A và A- nhiều hơn (không có A+, tức xuất sắc, như một người của MIT). Minh Tuấn và các cộng sự tìm hướng phát triển dài hạn chương trình giáo dục trực tuyến chất lượng cao. Họ thành lập Topica năm 2008, với 20 người trong nhóm dự án, làm những việc mà anh gọi là “khó và mới.”

Topica “hóa giải” một trong những cơn đau đầu của những người muốn đầu tư vào đào tạo trực tuyến là cấp bằng được công nhận cho học viên. Họ cung cấp công nghệ và dịch vụ hỗ trợ để 5 trường gồm ĐH Kinh tế quốc dân, viện ĐH Mở Hà Nội, ĐH Thái Nguyên, ĐH Trà Vinh, ĐH Duy Tân, và ĐH AMA (Philippines) triển khai năm ngành học là quản trị kinh doanh, kế toán, tài chính ngân hàng, tin học và luật. Bằng do các trường cấp, bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận, bên cạnh chứng nhận cho sinh viên của Topica. Ngoài giáo dục đại học, Topica có chương trình Topmito khởi động từ đầu năm 2014, mà họ được quyền đại diện tổ chức khảo thí để cấp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế CASEC.

Ngoài ra, chương trình ươm tạo khởi nghiệp của Topica, một nhánh hoạt động tại Việt Nam của quỹ Khởi nghiệp (Founder Institute) từ thung lũng Silicon, đang có lứa học viên thứ ba.

Phạm Minh Tuấn từ chối chia sẻ với Forbes Việt Nam các thông tin liên quan đến các nhà đầu tư, số tiền đã được đầu tư đến nay, doanh thu, số lượng học viên mỗi năm và lợi nhuận. Theo tìm hiểu của chúng tôi, họ có được đầu tư vòng đầu (series A) từ quỹ mạo hiểm IDGVV (nơi cũng là nhà đầu tư vào công ty truyền thông Tương Tác, phụ trách kinh doanh của Forbes Việt Nam) và CyberAgent Ventures, nhưng số tiền đầu tư không được tiết lộ. Topica hiện có 400 nhân viên, 1.100 giảng viên và 100 cộng tác viên. Những người đó “đã góp phần xây dựng được môi trường  ‘được làm vua, thua làm hiệp sĩ’ để có thể đưa công nghệ và phương pháp mới nhất vào áp dụng,” anh Tuấn cho biết. “Có giảng viên là lãnh đạo ngân hàng rất bận rộn, nhưng vẫn dành hơn 800 giờ một năm để giảng dạy online, tức là gần ba giờ mỗi ngày, và trả lời hàng ngàn câu hỏi của sinh viên.”

Giáo dục trực tuyến đang trở nên phổ biến trên thế giới vì các lý do: học phí tăng, công nghệ và thị trường lao động thay đổi nhanh chóng. Theo nghiên cứu của Carl Benedikt Frey và Michael Osborne thuộc ĐH Oxford tháng 9.2013, 47 % việc làm ở Mỹ sẽ được tự động hóa trong vài thập kỷ tới, đòi hỏi cá nhân phải liên tục cải thiện năng lực nếu muốn có việc làm. Giáo dục trực tuyến có thể giúp quy trình đào tạo và tái đào tạo thuận lợi hơn do khả năng quy mô hóa nhờ lợi thế công nghệ, giúp học phí giảm và tính phổ cập tăng.

Theo anh Tuấn, trong 10 năm tới, đa số việc dạy và học sẽ diễn ra qua Internet, từ kiến thức đại học, phổ thông cho đến kỹ năng, ngoại ngữ. “Cũng giống như cách đây 10 năm chúng ta chỉ đọc báo giấy, gọi điện thoại bàn, nghe nhạc trên đĩa CD, và chụp ảnh bằng máy phim nên khó có thể tưởng tượng một ngày nào đó đa số sẽ đọc báo mạng, gọi điện trên mobile, nghe nhạc online và chụp ảnh trên smartphone xong là đưa ngay lên Facebook,” anh nói.

Có nhiều người đang tin như thế. Được cho là đi sau thế giới khoảng 5 – 10 năm, thị trường giáo dục trực tuyến ở Việt Nam đang có một số doanh nghiệp đầu tư khai thác các phân khúc như cấp bằng cử nhân, học thêm, luyện thi, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng (xem bảng). Jacob Stiglitz, đồng sáng lập trung tâm Rockit Online, nhận xét thị trường ở Việt Nam có “tiềm năng và nhu cầu rất lớn.” Rockit Online đã gọi được gần 500 ngàn đô la Mỹ từ các nhà đầu tư cho mô hình học trực tuyến có tương tác giữa người học và giáo viên.

Comments