“Rõ ràng bây giờ đúng là thời điểm để đầu tư,” Stiglitz nói. “Sự tiếp cận Internet, sự tò mò của mọi người, sự tương tác, những phát minh sáng kiến, những người tiên phong là các yếu tố thuận lợi.” Mới ra mắt từ tháng 4.2014 đến nay, họ gần 2.000 người đăng ký và 170 người nhập học, trong đó 2/3 là học tiếng Anh, còn lại là toán, lý, hóa, với 45 giáo viên bán thời gian. Họ đặt mục tiêu thu hút 2.000 học sinh nhập học và 100 giáo viên trong 1-2 năm tới. “Học trực tuyến hay ở chỗ bạn không cần đến một nơi nào đó mới có được giáo viên giỏi hay học trò giỏi, muốn học. Mọi thứ đều có thông qua mạng,” đồng sáng lập, CEO Rockit Online Đào Thu Hiền nói thêm.
Nhưng đào tạo trực tuyến không phải chỉ là ghi hình bài giảng của giáo viên hay số hóa giáo trình đưa lên mạng. Anh Tuấn cho biết đến nay, Topica đã xây dựng 12 hệ thống phần mềm và hơn 300 quy trình quản lý, không chỉ bao gồm lớp học, phòng học mà còn có thể hỗ trợ học viên, kiểm tra đánh giá, phòng ngừa bỏ học, chăm sóc giảng viên, theo dõi tuyển sinh, quản lý điểm và hồ sơ. “Họ có hệ thống nhắc nhở nếu giảng viên chậm trễ trả lời câu hỏi, hay học viên không chuyên cần,” Chung cho biết.
Theo anh Tuấn, tỉ lệ sinh viên tiếp tục theo học ở Topica sau 12 tháng đầu là 79%, nằm ở mức khá cao so với tỉ lệ các chương trình học trực tuyến ở nước ngoài. Theo AskForEducation, tỉ lệ ở các chương trình đại học trực tuyến hàng đầu ở Mỹ năm 2012 là 14% đến 93%. Theo tạp chí HR tháng 8.2013, chỉ có khoảng 4% số người đăng ký là học theo mô hình giáo dục mở trực tuyến đại trà (MOOC) là học hết khóa.) Topica cũng áp dụng nhiều công nghệ mới vào giảng dạy như mô phỏng 3D cho môn kinh tế vi mô, luật doanh nghiệp, giải thuật; bài giảng, thảo luận, trắc nghiệm có thể thực hiện trên điện thoại thông minh và máy tính bảng; và bài giảng có thể xem được qua truyền hình qua giao thức Internet (IPTV).
Cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng dịch vụ không phải là thách thức lớn nhất với những nhà cung cấp dịch vụ, mà là việc họ phải chạy đua để theo kịp với tốc độ thay đổi chóng mặt của công nghệ. Theo anh Tuấn, “cứ 12 tháng thì cách thức làm tiếp thị trực tuyến hiện nay sẽ lỗi thời, cứ hai năm thì nội dung đào tạo cần phải cập nhật, và cứ ba năm thì toàn bộ phương pháp đào tạo cần phải nâng cấp toàn diện.” Anh cho rằng cạnh tranh khốc liệt nhất chính là ở khâu thu hút nhân tài, và sân chơi cạnh tranh là ngành Internet nói chung chứ không chỉ đào tạo trực tuyến nói riêng. Cũng như giáo dục truyền thống, giáo dục trực tuyến vẫn cần yếu tố quan trọng nhất là đội ngũ chuyên môn, nhưng “vẫn đang thiếu rất nhiều nhân tài phù hợp để phát triển các công nghệ và chương trình đào tạo chất lượng cao.”
Theo TS. Phạm Thị Ly, giám đốc trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá giáo dục đại học (ĐH Nguyễn Tất Thành), hình thức truyền thông dùng kỹ thuật số sẽ có vai trò quan trọng đối với Việt Nam trong tương lai rất gần, trong đó có hoạt động dạy và học. “Trong lúc nhà trường Việt Nam chuyển biến quá chậm bởi nhiều rào cản không đáng có, giáo dục số sẽ lấp lỗ hổng ấy.” Nhưng thực tế là các nhà đầu tư lớn trên thế giới cũng đang tiếp tục tìm kiếm mô hình tài chính ổn định cho loại hình này. Bà Ly nhận xét một số trường ĐH, nhất là khu vực ngoài công lập ở Việt Nam sử dụng giáo dục trực tuyến để giảm chi phí, nhưng chưa thực sự thành công.
“Các nhà đầu tư không quan tâm lắm tới mô hình này, một phần do chưa có nhiều sản phẩm thuyết phục họ là sẽ phát triển đột biến,” Nguyễn Thanh Minh, thành viên sáng lập và giám đốc điều hành của công ty cổ phần DeltaViet Education, nền tảng học trực tuyến về kỹ năng cho người đi làm (kyna.vn) cho biết. Phát triển theo mô hình Udemy (nền tảng và thị trường học online), đến nay kyna đã có 22 khóa học, 11 giảng viên, với mức học phí khoảng 200 ngàn – 300 ngàn đồng/ khóa và đến nay có 40 ngàn người đăng ký học, trong đó có 12 ngàn người có trả tiền. “Vấn đề là người học muốn học nhưng chưa sẵn sàng trả tiền để học online.”
Võ Thành Công, người đang phát triển nhiều ứng dụng học tập trên Facebook cho rằng, ở Việt Nam, không có nhiều người đầu tư vào lĩnh vực giáo dục trực tuyến vì “mọi người đang tập trung vào game và thương mại điện tử, các lĩnh vực có mô hình kiếm tiền rõ ràng hơn.” Việt Nam đi sau thế giới, trong khi mô hình giáo dục trực tuyến ở thế giới vẫn trong giai đoạn sáng tạo và thử nghiệm, nên chưa có mô hình kinh doanh nào rõ ràng để sao chép như Amazon, Groupon…
Các yếu tố cần để giáo dục trực tuyến thành công là mô hình kết hợp giảng viên giỏi, bài giảng sinh động, tương tác trực tuyến tốt, hỗ trợ học viên, tạo động lực và kiểm tra đánh giá thường xuyên. Công nghệ đang thay đổi ngành giáo dục như xuất bản và báo chí. “Giáo dục số ở Việt Nam chắc chắn sẽ có bước phát triển nhanh chóng, vì thị trường giờ đây đã là thị trường toàn cầu,” TS. Ly cho biết.
©Forbes Việt Nam số 16. Tác giả: Khổng Loan