Forbes Việt Nam số 15: “Lạc xoong” thời kỹ thuật số

Phúc không phải là người duy nhất nhìn ra cơ hội ở thị trường có tiềm năng lợi nhuận thậm chí lên tới 100% như thanh lý hàng cũ. Có nhiều trang web kinh doanh tương tự như hangthanhlysaigon.com, thanhlyhangcu.vn, hay hangthanhly436.com. Trong đó trang web đang cạnh tranh mạnh với trang của Phúc là thanhlyhangcu.vn của Nguyễn Thọ Hưng, 34 tuổi, giám đốc công ty TNHH thanh lý hàng cũ Tuấn Hưng. Hưng cho biết hiện họ có mặt bằng là nhà kho và xưởng rộng 600m2 ở Bình Chánh, và biên lợi nhuận của các mặt hàng của họ có thể là 10% hoặc cao nhất là 100% khi mặt hàng đó được những người chủ cho không.

Cuộc nói chuyện với phóng viên liên tục bị ngắt ngang do Hưng phải nghe điện thoại từ khách hàng. Internet đem đến công cụ kinh doanh quan trọng và cơ hội cho tất cả. Hưng không đậu đại học, đi lao động xuất khẩu ở Malaysia từ 2003-2008, rồi lái xe tải cho một công ty chuyên dọn nhà, văn phòng trọn gói. Nhìn thấy các gia đình bỏ đi những đồ dùng vẫn còn sử dụng được quá lãng phí, anh tìm cách tái chế và bán cho người cần.

Sau gần bốn năm kể từ khi Hưng, người chưa từng kinh doanh bao giờ, mở công ty với 10 nhân sự, tỉ lệ tăng trưởng hơn 50% và lợi nhuận ở mảng đồ văn phòng, nhà hàng, khách sạn lên đến 50%. Hiện Hưng đang cùng Nguyễn Công Thành, 25 tuổi, chuyên về công nghệ thông tin, phát triển công ty, mỗi người một mảng. Hưng phụ trách kinh doanh, Thành tập trung vào kỹ thuật để website luôn dễ được nhìn thấy nhất khi Google trả lại kết quả tìm kiếm.
“Tôi tin trong tương lai, tất cả mọi người có nhu cầu thanh lý nhà hàng, khách sạn, quán café hay bất kỳ mặt hàng nào cũng sẽ tìm lên mạng để giao dịch vì tiết giảm chi phí,” Thành nói. “Công cụ, kỹ thuật rồi ai cũng sẽ tiếp cận được nhờ Internet. Mình làm được thì người khác cũng làm được. Thế thì mình phải đẩy nhanh việc xây dựng thương hiệu và đảm bảo uy tín.”

Với Internet, họ có những cách để khách hàng nhớ đến mình, như luôn cập nhật hàng liên tục, sẵn sàng cho khách hàng đổi, trả nếu không ưng ý, không sử dụng được sau khi mua về, cộng với dịch vụ email marketing, chăm sóc khách hàng, hay cả cộng điểm “khách hàng thân thiết.” Loại hình mới này có những bất lợi nhất định, trong đó lớn nhất là chưa thể tạo được uy tín, nhưng thuận lợi là họ có thể được khách hàng ở bất kỳ nơi đâu tìm thấy họ ở trên mạng.

Việc kinh doanh của những doanh nghiệp nhỏ như của Phúc và Hưng đang có những sự hỗ trợ lớn từ hệ sinh thái mà các doanh nghiệp thương mại điện tử, trong đó có nền tảng quảng cáo rao vặt chuyên dành cho đồ cũ, tạo ra. Trang rao vặt Chợ Tốt đã chi số tiền lớn, “quá lớn” như tổng giám đốc Bryan Teo cho biết, cho tiếp thị từ khi vào thị trường Việt Nam cách nay 2 năm, để “tạo ra thói quen lên mạng, trao đổi, mua bán hàng cũ giữa những người có nhu cầu với nhau.” Họ có thể rao mua và bán trên mạng, nhưng đến tận nơi, xem hàng và trả tiền ở thực tế.” Theo Bryan, trên Chợ Tốt hiện có khoảng 3.000 giao dịch thành công/ngày, với 20 triệu lượt đến thăm trang/tháng và 1 triệu quảng cáo mới được chấp thuận cho đăng tải/tháng.

Nếu Chợ Tốt là nơi khách hàng rao tất cả mọi thứ, website như của Phúc và Hưng đi vào ngách nhỏ hơn là hàng thanh lý. Cho dù lượng ghé thăm trang của họ không lớn hay lượng thông tin không phong phú bằng, song khách hàng có nhu cầu lại dễ hoàn tất mua bán hơn, theo lập luận của Phúc.

“Mô hình website thanh lý hàng cũ như của tôi có giá hàng hóa chấp nhận được để khách lựa chọn giữa hàng mới và hàng cũ, kho hàng được cập nhập thường xuyên, khách có thể mua nhiều món một lúc để giảm chi phí vận chuyển và hàng bán ra được bảo hành sử dụng,” Phúc nói về những điểm mạnh của các website giống của mình. Trong tương lai gần, những công ty kinh doanh mô hình tương tự có thể không phải lo lắng nhiều, nhưng về lâu dài, thách thức của họ là phải sử dụng công nghệ làm quá trình mua bán nhanh chóng và thuận tiện hơn, tạo ra nhiều khách hàng trung thành hơn và tối ưu hóa lợi nhuận.

Phúc đang xây nhà mới, và nhờ kinh doanh trong lĩnh vực hàng cũ, hàng thanh lý, anh tiết kiệm được khoảng 500 triệu đồng chi phí so với người bình thường khi xây nhà. Trong khi nghề “mua giá ve chai, bán giá cẩm lai” vẫn đang tốt, Phúc cho biết sẽ mở rộng quy mô hoạt động ở nhiều mảng và địa bàn. “Thị trường đang mênh mông, nhất là các tỉnh thành ngoại vi có thể cho biên lợi nhuận cao hơn,” Phúc nói.
Mãi gần đây Phúc mới có danh thiếp, chuyên dành cho khách hàng mảng đồ văn phòng mới chứ cũng không dùng cho các khách mảng hàng thanh lý. Anh cho biết lâu nay, anh tránh đến dự các buổi khai trương, ra mắt nhà hàng, doanh nghiệp. Có ai vừa khai trương doanh nghiệp lại muốn đón người chuyên mua bán, thanh lý hàng cũ đến không?

©Forbes Việt Nam số 15

Tác giả: Khổng Loan

Comments