Forbes Việt Nam số 4: Nhà kỹ nghệ thực phẩm (hay câu chuyện của Hồ Văn Trung – Trangs Group)

Thị trường siêu thị thế giới như tấm chắn bịt kín trước doanh nghiệp, vì “chẳng ai biết anh là ai.” Nhưng nhờ kiên trì, cộng với đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, ông mở được cánh cửa đầu rồi mở được nhiều cánh cửa khác. Để nâng cao sản lượng, ông tiếp tục sáng chế. Sau khoảng 4 năm, ông có dây chuyền mới. Mỗi ngày ông có thể làm ra 8 tấn cơm chiên Dương Châu mà chỉ cần 4 người làm, vừa nấu vừa đóng gói. “Lợi nhuận khi đó rất cao, 20% lợi nhuận ròng và 50% lợi nhuận gộp nếu bán tại Úc. ”

Đến nay, các dây chuyền vẫn được sử dụng tại các nhà máy của Trangs Group. Ở Úc, tự động hóa chiếm nhiều hơn trong quy trình sản xuất. Còn ở Việt Nam, các quy trình thường bán tự động, vì nhân công rẻ và làm những sản phẩm đòi hỏi khéo léo.

Từ nhà máy nhỏ ở Úc, đến nay Trang’s Food Pty Ltd thành tập đoàn quốc tế cung cấp hàng hải sản giá trị gia tăng, có văn phòng ở các thị trường lớn và bán trực tiếp cho các siêu thị lớn trên thế giới, điều mà doanh nghiệp Việt Nam mong muốn, do họ vẫn phải qua trung gian, hoặc mới chỉ tiếp cận được các thị trường ngách phục vụ khách hàng gốc Á.

Có đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp là bí quyết của ông Trung. “Chính người bản xứ mới hiểu nhu cầu người bản xứ.” Họ làm R&D, có sản phẩm mẫu, rồi mới chào hàng. Khi siêu thị sơ bộ đồng ý, họ mời đại diện đến nhà máy, thương lượng về sản phẩm. Muốn thế, doanh nghiệp cần thông hiểu thị trường bán lẻ và có nguồn tài chính lớn. Nhờ “mua tận gốc, bán tận ngọn,” ông tiết kiệm khoảng 20% chi phí. Chả giò, tôm tẩm bột chiên xù, cá, mực… là những mặt hàng chủ lực của Trangs tại hệ thống siêu thị thế giới.

Nhưng khai phá thị trường toàn cầu ở tuổi 50 không hoàn toàn suôn sẻ. Ông mất ít nhất 2 triệu đô la Mỹ sau khi xâm nhập châu Phi thất bại do thiếu chuẩn bị kỹ về con người. Nhưng ông tin đây vẫn là thị trường cần khai phá, không chỉ với Trangs mà cả với Việt Nam vì “họ cần tất cả mọi thứ.” Ông cũng thất bại ở Pháp do rào cản ngôn ngữ trước khi đưa châu Âu thành thị trường lớn nhất của Trangs Group như hiện nay.

Ông Trung về Việt Nam lần đầu tiên năm 1989 cùng phái đoàn thương mại của chính phủ Úc, và lập công ty cổ phần Trang tại Việt Nam năm 2005. Nhà máy của công ty là nhà máy lớn nhất của Trangs Group đặt tại khu công nghiệp Hiệp Phước (TP. HCM) với 800 công nhân, công suất 30 tấn/ngày. Nhà máy có trang trại nuôi trồng nguyên liệu, xây dựng được đối tác chiến lược nên dù giá cả tăng do đầu vào khan hiếm và tình hình kinh tế khó khăn, lợi nhuận “vẫn ổn định.” Trangs Group cũng có công ty liên doanh tại Trung Quốc, đang hoàn tất mua nhà máy ở Mỹ và xây nhà máy tại Anh để sản xuất mặt hàng người địa phương cần nhưng không nhập được liên quan tới thịt và trứng.

“Ông ấy là người đặc biệt,” Will Guillaume Perdreau, người Pháp, giám đốc kỹ thuật của Trangs Việt Nam, nói về ông Trung. “Người kết hợp được nền tảng kỹ thuật và tiếp thị như ông ấy hơi hiếm. Đầu ông ấy lúc nào cũng có hàng trăm ý tưởng nhảy múa.”

Ông Nguyễn Văn Ánh, giám đốc Đông Dương của Asia Irrigation Pty Ltd (Úc) cho rằng người bạn học, sếp cũ của mình có “khả năng lãnh đạo tốt, biết nhìn nhận bản chất con người, thấy được những ưu điểm để sử dụng đúng người, đúng chỗ.” Ông Ánh làm việc cho ông Trung từ năm 1998-2000, đưa kỹ thuật tưới hiện đại tới nông dân Đà Lạt.

Ông Trung (người nước ngoài gọi là Trang Ho) nay chỉ giữ vai trò cố vấn, để lại gia sản, việc điều hành tập đoàn cho người con thứ hai, David Ho. Họ không tiết lộ doanh thu cũng như lợi nhuận của Trangs Group, một tập đoàn gia đình. Theo thông tin từ công ty cổ phần Trang, công ty được miễn thuế 3 năm từ 2008-2010, và được giảm 50% từ năm 2011-2017. Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp công ty đang được hưởng ưu đãi là 15%/năm. David tin thành công của cha đến từ quyết tâm của cha và hỗ trợ của gia đình, đặc biệt từ mẹ mình, còn ông Trung cho rằng bí quyết là chính mình làm cho mình chứ mình không lệ thuộc ai.

Nhận mình “gốc nông dân,” hằng ngày ông Trung vẫn ngủ dậy lúc 5 giờ sáng, và thích ăn rau muống luộc, cá khô. Ông vẫn hồi tưởng lại cảm giác ấm áp an lành lúc nằm nệm rơm bao bố khi còn là cậu bé mồ côi cha, nghèo khổ, nhiều thiệt thòi của mẹ ngày xưa, dù đã trải nghiệm giường êm nệm ấm ở khách sạn 7 sao tại Dubai giá 3.000 đô la Mỹ/đêm.

Từng chịu cảnh gần chết đói vì 3 ngày liền không có bất cứ thứ gì vào bụng do hết tiền nhưng chưa đến kỳ nhận lương gia sư, nay ông Trung chủ yếu dành thời gian viết sách, chơi golf và hiện thực hóa mong muốn thành lập quỹ từ thiện Trangs Foundation. Ông đã tự viết xong hồi ký về cuộc đời mình, một đứa trẻ chăn trâu quê La Khê, Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên-Huế, vượt qua bao chông gai thành chủ tịch tập đoàn. Dự kiến ông sẽ xuất bản bằng tiếng Anh trên thế giới và bằng tiếng Việt tại Việt Nam trong tương lai rất gần.

Điều khiến ông Trung tự hào nhất không phải là sản nghiệp, mà là gia đình có người vợ “tuyệt vời” và ba người con. “Giá trị thật sự lớn nhất tôi có được là con cái. Vì con cái, tôi mới chuyển đổi kinh doanh, rồi mở rộng kinh doanh. Sự nghiệp, với tôi, đi sau con cái.”

Tác giả: Khổng Loan. Ảnh: Phan Quang

© Forbes Vietnam. Tháng 8.2013

Comments