Châu Quần Phi, một người phụ nữ Trung Quốc năm nay 45 tuổi, vừa trở thành “nữ hoàng” đầy bất ngờ của ngành công nghệ thế giới. Tài sản của bà giờ là 10 tỉ đô la Mỹ, vượt trên cả Eric Schmidt của Google, nhờ vào giá cổ phiếu tăng vọt như tên lửa của Lens Technology, công ty gia đình bà sở hữu 88% hiện nay.
Người phụ nữ này nếu trở nên hấp dẫn không đọc một chi tiết về bà. Đó là cha bà, một người đàn ông một mình nuôi 3 đứa con do vợ mất sớm, luôn thử thách, truyền cảm hứng và động viên bà đọc những thứ quá tầm hiểu biết của bà khi bà còn nhỏ. Mãi về sau này, bà mới hiểu ông đang dạy bà “lo liệu mọi thứ”, và “lựa chọn kinh doanh của bà, và việc bà đặc biệt thích thú với lĩnh vực đổi mới và nghiên cứu, có được phần lớn nhờ cha tôi.” (chi tiết đọc thêm trên Forbes Việt Nam số tháng 6.2015)
Hôm qua tôi ra một hiệu sách của nhà nước. Nơi này được đúng y như những năm 1980, tức là sách vở được bày biện theo cách rất không muốn người đọc tìm thấy và mua, nhân viên thì tất nhiên cũng không có ý định bán hàng và thái độ quả là chẳng vui vẻ gì lắm. Đây là nơi giới thiệu sách của một NXB, nhưng phí quá. Vì mặt bằng đấy mà để làm giới thiệu sách như vậy thì quá phí khi xét tới hiệu quả. Giới thiệu sản phẩm là phải đẹp, phải hấp dẫn, phải dễ nhìn để người ta còn muốn mua. Và phải online nữa để ở đâu cũng thấy. Thế mà hiệu sách này chẳng đáp ứng được gì, làm chẳng đến đầu đến đũa, dù thương hiệu thì lớn, uy tín, quá phí quá phí.
Nhìn hiệu sách đó, tôi nhìn rộng ra về thói quen đọc sách, mua sách hiện nay. Mỗi lần có dịp đi nước ngoài, tôi thường mê mệt trong các hiệu sách, và lần nào cũng thấy thèm thuồng thích thú. Hiệu sách lại, đẹp, nhiều sách, trẻ em người lớn vào trong đó ngồi đọc, mua sách, trao đổi về sách và các kiến thức mới thật tuyệt diệu.
Nhưng rất nhiều cửa hiệu sách lớn nhỏ trên thế giới đang đóng cửa. Hôm trước xem truyền hình nói về một hiệu sách ở góc phố nhỏ nước ngoài. Bà chủ hằng năm vẫn phải bù lỗ vì bán sách là sở thích của bà. Nhưng áng chừng khó bỏ tiền ra hoài, vì người mua sách cũng có người đến hiệu sách vì cảm giác thân thuộc lâu nay với bà, nhưng đa phần đến để so sánh giá với Amazon, rồi về mua Amazon hay ebook, vốn cung cấp giá cả tốt hơn. Đó là đơn lẻ, nhưng còn những chuỗi cửa hàng khổng lồ về sách báo, băng đĩa cung chịu chung số phận. Ví dụ Borders đã đóng cửa năm 2011 trong khi có gần 20 ngàn nhân viên sau 40 năm hoạt động.
Ở Việt Nam còn chưa có được chuỗi nhà sách lớn như vậy nhưng các hiệu sách và các nhà xuất bản cũng vẫn phải hứng chịu áp lực từ nền kinh tế kỹ thuật số. Áp lực lớn hơn nữa là thói quen đọc sách của người Việt Nam hầu như không có. Nếu không có thói quen thì lý do gì để mua sách?
Ở thị trường sách Việt Nam, chúng ta thiếu những cây bút lớn, những nhà tư tưởng lớn vượt trên tầm thời đại. Nhìn lại các loạt sách, hầu hết là các tên tuổi cũ, câu chuyện cũ. Những loại sách bán chạy thì không hẳn là làm người ta khôn ngoan hơn. Các loại sách thiếu nhi thì thiếu thốn trầm trọng, rất nhiều sách dịch cả cho người lớn và thiếu nhi. Có NXB mạnh về thể loại sách chính trị (đã cắt bỏ những phần quan trọng khi sách nhắc tới VN), có NXB mạnh về sách kinh doanh, có NXB mạnh về các loại sách dạy làm người, người tốt việc tốt. Nhưng một đất nước gần 90 triệu dân mà số lượng nhà sách như hiện nay là quá ít, các con phố đẹp, trung tâm thì chủ yếu là quán nhậu, quán nhậu tràn lan. Hiệu sách thì bé tẹo.
Nhưng có lẽ, thế hệ sau chúng ta sẽ không còn cần những hiệu sách nữa. Không gian đọc sách và không gian thảo luận tri thức sẽ được chuyển lên mạng. Thế hệ hiện nay đang là loại hỗn hợp lai tạp giữa online và offline, tức vừa thích đọc sách giấy vừa thích đọc sách trên thiết bị điện tử. Nhưng sẽ sớm thôi, chẳng ai đọc sách giấy nữa, vì sản xuất quá tốn kém, rồi công vận chuyển, in ấn, tàn phá tài nguyên, trong khi các phương tiện và thiết bị điện tử hỗ trợ lại ngày càng rẻ, dễ tiếp cận, dễ dùng và hiện đại hơn.
Hiện nay, các công ty cung cấp nền tảng đọc sách báo trên Internet ở Việt Nam đang chạy đua dữ dội để đón đầu xu thế và giữ được bạn đọc là những người sớm có thói quen đọc sách báo, tạp chí online. Các vấn đề với những nền tảng này là sách hơi ít, không đa dạng, đôi khi còn đắt, khiến người tiêu dùng lưỡng lự. Trong khi như bất kỳ doanh nghiệp hay dịch vụ nào muốn xâm nhập thị trường, họ phải hướng dẫn thị trường, tạo thói quen, tạo niềm tin, giá cả phải thấp, dịch vụ phải tốt. Và đó là những bài toán không dành cho những người yếu tim để giải đáp.
Tôi dùng vài ứng dụng đọc sách báo, tạp chí cho mình. Ví dụ như Kindle, Magzter, Alezaa, Pocket, iBooks, Ybook reader, Miki Ebook, Viet Bookstore, Quầy báo, Zinio, Komo Reader. Nói chung là các dịch vụ khá đa dạng và phân mảnh, tuỳ vào nhu cầu. Mỗi dịch vụ đều có ưu và khuyết.
Ví dụ như Kindle thì service tốt, trơn tru, nhưng ít sách tiếng Việt, giá sách lại cũng mắc. Nhiều khi 1 cuốn sách in giá 15 $ mà ebook giá 11$. Thu nhập ở VN mà mua sách với giá thế giới thì cũng phải nghiến răng kèn kẹt.
Alezaa là một nền tảng đọc sách dành cho người Việt. Nói chung đây là một khoản đầu tư dũng cảm, khi thói quen đọc sách báo và mua sách báo của người Việt còn thấp. Hầu như thích ngồi tán chuyện vớ vẩn, lướt web đọc tin nhanh miễn phí, ngủ, chơi game…đại khái những thói quen không dính dáng nhiều đến phần đọc #longread, thế thì bán thế nào? Nhưng nếu họ làm tốt service và mở rộng ra các thị trường nước ngoài nữa thì sẽ có nhiều hi vọng. Ví dụ như service dành cho trẻ con là đọc sách multimedia và gamification, vì trên một nền tảng có thể optimize được thì cái gì chẳng làm được? Các loại hình này có thể áp dụng trong giáo dục trường học hay dành cho các bậc phụ huynh cùng đọc sách với con. Nhưng nói chung cứ có nhà cung cấp dịch vụ là khách hàng được lợi. Để thu hút người dùng, họ vừa đưa ra gói combo giá cả rất lợi ích, ví dụ nếu bạn đăng ký gói dịch vụ 1 năm, tổng số tiền phải trả chỉ là gần 400 ngàn đồng, có gói 6 tháng, 3 tháng. Tính ra mỗi ngày chỉ tốn 1 ngàn đồng mà đọc toét toè loe các loại sách, từ Luận Anh Hùng tới Dạy con thành thiên tài… 😆 Quá lợi nên mình đã đăng ký, đọc thoải mái thư thái.
Dựa vào những trải nghiệm mình đã từng có với các app do các nhà xuất bản thực hiện thì nhìn chung các app của các NXB làm chưa làm tốt, thường là làm cho có, lấy lệ là à tôi rất trendy, nhưng không focus vào người dùng, có lẽ vì không nắm được phần công nghệ (thế giới phân công lao động chuyên môn thì không nên ôm đồm). Tuy nhiên, cũng có thể hiểu vì sao các NXB ít đầu tư vào mảng này, có lẽ một phần cũng do mảng này sẽ khó kiếm ra tiền, lại có cơ móc túi tiền từ mảng xuất bản sách in. Cái dilema này cũng giống như báo in hiện nay. Ai cũng biết là người đọc đang chuyển sang online, mobile và app, nhưng quảng cáo lại không đến từ nguồn này, trong khi quảng cáo cho báo in lại ngày càng thu hẹp. Loay hoay không biết làm sao trong khi bước chân thì đã đến gần bờ vực rồi.
Magzter là một ứng dụng tạp chí cũng rất thú vị. Họ cũng bán combo 1 tuần giá khoảng 10 $, đọc được khá nhiều tạp chí khắp thế giới, nhưng một số tạp chí đỉnh như Forbes, Newsweek, Esquire thì phải mua. Hầu hết các tạp chí dạng phong cách sống thì miễn phí, Entrepreuner cũng free, rồi The Atlantic… Nói chung là cũng lợi lắm nên mình cũng mua. Lại thi thoảng còn có flash sale nữa mới ghê. 😀 Nếu xét về giá cả, so với những số tiền mà mình phải trả hằng năm cho một số tờ như HBR, Columbia Journalism Review, NATGeo…thì gói combo 10 $ này rất có lợi.
Nói chung, sách báo là một ngành rất xương xẩu trong thời kỳ kỹ thuật số này. Ở VN, NXB thì chuyển động chậm chạp, tác giả lớn không có nhiều, ý tưởng không được sẻ chia dưới các lưỡi dao kéo kiểm duyệt, chính sách hỗ trợ kinh doanh ngành này để cạnh tranh thực sự và để tốt cho xã hội thì không rõ ràng. Bởi vậy, các nhà đầu tư sẽ nghĩ là đầu tư vào quán nhậu sẽ tốt hơn đầu tư vào nhà sách hay NXB.
Thế hệ trẻ có cần nhà sách, ý là một không gian brick and mortar không? Thế hệ già vừa vừa hay rất già cứ nghĩ là họ cần, nhưng nhiều khi chúng ta cứ hay nghĩ thay và lo thay cho người khác. Chắc bọn trẻ sẽ không cần đâu, vì chúng đọc theo cách khác. Mà không chỉ đọc, mà cảm nhận và trải nghiệm, học tập, tiếp thu kiến thức theo những cách hoàn toàn khác biệt. Cá nhân mình thì cho rằng #longread vẫn là cách để khiến con người sâu sắc và hiểu biết, khôn ngoan hơn, chứ không phải những bản tin nhảm nhí hay các chương trình thực tế mỳ ăn liền.
Một trong nhiều vấn đề của việc giao dịch online hiện nay ở VN là lòng tin. Người tiêu dùng cứ sợ bị lừa đảo, bị thiệt. Nhưng sách vở hay tạp chí điện tử là một lĩnh vực mà what you see is what you get. Bạn sẽ ít có nguy cơ bị lừa đảo trên mạng nếu mua sách báo online. Và mỗi lần đọc sách là một lần gặp được những người bạn mới, từ những thế giới mới, so fresh, so cool bước ra từ đó, trong khi giá cả lại càng ngày càng tốt hơn, lựa chọn càng ngày càng nhiều hơn, thế thì tại sao lại cứ phải lựa chọn những thứ củ chuối mà không lựa chọn cho mình những thứ hay ho?
Khi những đứa trẻ tiếp cận được kiến thức khắp thế giới, nhiều khi là vượt quá sự hiểu biết theo độ tuổi (mà người già và hơi già vẫn áp đặt), thế giới hi vọng sẽ có nhiều Châu Quần Phi.