5 lý do để đọc sách self-help

self-helpCác loại sách self-help giờ không chỉ giới hạn là loại sách cho những lời khuyên để mỗi cá nhân tự phát triển bản thân nữa. Nó đã lan ra nhiều thể loại, và không chỉ là loại sách khuyên lý thuyết, mà còn là những loại sách dựa trên những nghiên cứu, dữ liệu đầy đủ. Tôi xếp Đắc Nhân Tâm, hay Từ tốt đến vĩ đại, hay Dấn thân…đều là những loại sách self-help. Vì nó giúp con người tiến bộ, thay đổi nhận thức, suy nghĩ…

 Trong khi có những lập luận về việc đọc sách “tự phát triển bản thân – self-help” không giúp ích gì cho con người, tôi có 5 lý do để nên đọc sách self-help:

  1. Đọc sách là học tập. Dân số Việt Nam có hơn 80% là nông dân, những người hằng ngày chỉ biết đến ruộng đồng, con trâu, cái cày, và rất ít khi đi ra khỏi lũy tre làng. Tiếp đến là công nhân, vất vả trong các nhà máy, xí nghiệp, tối tăm mặt mũi từ sáng đến chiều tối, có khi phải tăng ca đến cả nửa đêm. Đồng lương ít ỏi còm cõi, ăn còn phải chật vật, nói gì đến những thứ xa xỉ như giáo dục xịn, trường xịn, thầy cô xịn, bác sĩ xịn, rồi du lịch, trải nghiệm. Nếu bạn sinh ra trong một gia đình có cha mẹ, anh chị, họ hàng đa phần là nông dân, công nhân, nhưng bạn muốn thay đổi cuộc đời mình, muốn mình sống tốt hơn, con cái mình có cuộc sống tốt hơn (những ước mơ vô cùng chính đáng), thì không còn cách nào khác phải tự học, tự tiến bộ để có cơ hội thoát ra cảnh đói nghèo, lạc hậu, thiếu kiến thức. Thế nhưng xung quanh bạn lại không có ai là một bậc hiền triết, chỉ bảo, hướng dẫn bạn để bạn vượt khỏi cái khuôn khổ tầm thường thì bạn nhờ cậy vào đâu? Chỉ có sách thôi. Nếu bạn ở các thành phố nhỏ lẻ, nơi cuộc sống văn hóa rất nghèo nàn, nơi mà bạn nhìn xung quanh không thấy ai đọc sách, thì bạn sẽ làm sao? Khi đấy bạn chỉ có sách làm bạn thôi. Sách chính là thầy giáo tốt, mà lại là thầy rất đa dạng, đến từ mọi nơi, với đủ mọi nền tảng kiến thức khác nhau.
  2. “Đọc sách self-help chỉ dạy con người ta làm giàu, ham tiền, giả dối, và mộng mơ hoang tưởng…” Đó là một lập luận trong số rất nhiều lập luận nói về tác hại của sách self-help. Nhưng quan điểm này không xem xét và nhìn ở nhiều góc độ. Có rất nhiều loại sách self-help. Quá trình đọc giống như quá trình chọn thức ăn. Khi bạn đói, bạn sẽ ăn ngấu nghiến mọi thứ mà mình có. Rồi bạn bắt đầu có khả năng kinh tế tốt hơn thì bạn sẽ cẩn thận hơn, ăn những thứ quý hiếm, đắt đỏ. Rồi khi bạn ăn hết những thứ quý hiếm đắt đỏ thì bạn sẽ ăn một cách điều tiết, ăn những thứ tốt cho cơ thể, không hại tới môi trường. Đại khái là bạn đã đạt đến mức “đại đồng đoàn kết”, ăn một cách có trách nhiệm với cơ thể mình, với thế giới, với tương lai. Thế thì chuyện đọc cũng thế, bạn trưởng thành hơn sau mỗi cuốn sách. Và rồi đến một lúc nào đó bạn sẽ hiểu là đọc sách thôi không đủ, mà phải hành động. Các cuốn sách “Đắc nhân tâm” hay gì gì đi nữa chỉ là một lát cắt của kiến thức, cái sợi chỉ xuyên suốt của nó là “làm gì cũng phải xuất phát từ sự chân thành, từ trái tim.” Ví dụ, việc một ông giám đốc tự hào nói rằng nhà máy của ông ấy chưa từng có đình công một phần do ông ấy nhớ tên của từng công nhân một và gọi tên họ trực tiếp. Điều này có thể hiểu là nếu ông ấy nhớ được tên, nghĩ là ông ấy thực sự quan tâm. Và từ quan tâm tới cái tên, tới quan tâm đời sống, tâm tư tình cảm của công nhân, và làm nhiều điều để cải thiện cuộc sống của họ thông qua lương bổng, phúc lợi xã hội. Và lẽ dĩ nhiên là khi đó công nhân sẽ hài lòng và họ sẽ không đình công. Nhớ tên người khác không phải là giả dối, đó là một kỹ năng mà giờ đây chúng ta biết là vô cùng cần thiết. Âm thanh êm ái nhất với người khác chính là cái tên của họ. Đọc mà chỉ nhìn đến hàng chữ thôi, không nhìn những thứ xa hơn hàng chữ thì cũng hơi phí. Rồi cũng có lập luận rằng sách self-help chỉ dạy con người ta làm giàu, đạt được những mục đích vật chất. Well, tiền bạc là một trong nhiều thước đó về sự thành công của con người. Bạn có thể không thích điều này, nhưng đa phần những người giàu có họ phải làm việc cật lực, và họ thường phải có cái “tài” và các kỹ năng gì đó hơn người để có thể đem lại giá trị vật chất lớn hơn về cho mình. Vì vậy, thử cố giàu như họ xem, khó lắm đấy.
  3. Người ta nói “đọc sách mà tin sách thì thà đừng đọc sách còn hơn”. Quả đúng vậy, vì khi bạn còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, bạn sẽ thường tin vào tất cả những gì sách nói. Sách luôn nói đúng phần nào đấy, và phần chưa đúng là do góc nhìn của tác giả, và cuộc sống luôn thay đổi; sách xuất bản với những triết lý, thông tin….chỉ đúng cho đến khi nó xuất bản/hoặc trước khi xuất bản rất lâu. Bạn sẽ trưởng thành đến một lúc nào đó, bạn đọc sách chỉ để xem mình nghĩ có giống sách nói không, hay sách có nói (đúng) như mình nghĩ không. Tức là vị trí đã thay đổi, bạn đôi khi đọc sách không phải để học từ sách, mà để xem những trải nghiệm của mình có giống tác giả nghĩ không. Và rất nhiều lần bạn sẽ nghĩ sách thật tầm bậy (khi ta đủ lớn khôn) 👿
  4. Việt Nam rất hiếm các triết gia, các nhà tư tưởng lớn. Những người tạm gọi là thành đạt (về mặt vật chất) trong xã hội hiện nay rất ít người nói hay, chia sẻ hay, hoặc có thể thể hiện được những gì họ nghĩ theo thang bậc, hệ thống…Có thể họ  chẳng có triết lý gì, hoặc những thành công của họ mới là ban đầu, chưa có gì chắc chắn, chưa thể tích lũy thành tư tưởng, triết lý vượt tầm, đáng thuyết phục. Tài sản tích lũy trong 1 thế hệ chưa có gì là đảm bảo thế hệ sau của họ sẽ vẫn còn; hay những bậc học giả trong xã hội cũng chưa có gì đảm bảo thế hệ sau sẽ đi theo họ. Thế thì sẽ rất hiếm các loại “self-help advice” được phổ biến từ những người trong nước. Một lý do quan trọng khác là tinh thần tự do biểu đạt, tự do ngôn luận rất hạn chế ở Việt Nam. Thế nên những góc như Speaker’s Corner ở Hyde Park (London) sẽ còn chờ lâu lâu mới có thể xuất hiện ở VN. Nếu các tư tưởng, suy nghĩ không được trao đổi, chia sẻ, cọ xát, thì sẽ khó có những nhà tư tưởng xuất chúng, vì trong một cái  ao tù, “thằng chột làm vua xứ mù.” Khi thế giới đã đi trước chúng ta từ rất lâu, thì những loại sách self-help được viết dựa trên các dữ liệu, nghiên cứu, tại sao lại không nên hoan nghênh? Có thể nói các loại sách được dịch sang tiếng Việt giúp rút ngắn khoảng cách về trình độ văn minh giữa thế giới và VN, và loại sách self-help cũng giúp chúng ta “tiến hóa” nhanh hơn, thay vì chỉ “vừa làm vừa học, vừa trả giá đắt.”
  5. Đây mới là lý do quan trọng nhất để bạn nên thi thoảng đọc sách self-help: Đó là đọc sách self-help giúp ta hiểu rất rõ những lý do ta chưa thành công. Và sau khi hiểu rõ rồi mà vẫn chưa thành công thì đó hẳn là do ta …lười, dốt, không phấn đấu, không thay đổi, không chịu tiến bộ…

P.S:

1. Việc thị trường có nhiều sách self-help, và nhiều doanh nghiệp xuất bản sách ăn nên làm ra nhờ mảng sách này cho thấy thị trường cần loại sách này.

2. Đến một lúc nào đấy, bạn sẽ không đọc sách self-help nữa. Đó là khi bạn đã trưởng thành. Bạn sẽ chuyển qua đọc sách world-help. Đó là khi cái nhìn và sự quan tâm của bạn không còn chỉ quanh quẩn quanh bạn nữa. Bạn đã hướng sự quan tâm tới cộng đồng, tới thế giới, tới những thế hệ tương lai.

3. Bây giờ không chỉ có những sách self-help, mà các kiến thức self-help được truyền dạy qua nhiều thể loại khác nhau. Các TED video, các khóa trên Coursera, các chương trình giảng dạy miễn phí trên YouTube, Google là những nền tảng mới. Bây giờ học gì cũng có, lại toàn thầy xịn. Ở trên mạng cả, không nhất thiết phải ra hiệu sách mới mua được sách self-help.

hit counter
web counter

Comments