Hồ sơ xin việc – “sát thủ” hữu hình đã “khử” bạn thế nào?

25 DiciplineTuyển dụng là sự tìm kiếm lẫn nhau giữa nhà tuyển dụng nhân sự và người đang đi tìm việc. Cá nhân tôi cho rằng thị trường lao động ở Việt Nam dù nhiều người, nhưng chất lượng không cao, tính chuyên nghiệp thấp. Có lẽ cũng vì lẽ đó mà nhân công rẻ so hơn so với những quốc gia khác. Đã có lần tôi viết về hồ sơ xin việc của các ứng viên và lý do vì sao họ không được chọn.

Kết luận của tôi là các hồ sơ được làm một cách cẩu thả, và nó thể hiện thái độ kém chuyên nghiệp, thiếu cẩn trọng, coi thường công việc tương lai của các ứng viên. Mà điều khó có thể tha thứ nữa là công việc xin vào được xếp vào loại “professional” – các ngành nghề đòi hỏi đào tạo và có ảnh hưởng lớn tới xã hội:

Chính tả: Đó là điều căn bản nhất. Nếu bạn không viết cẩn thận từ cái hồ sơ xin việc của mình, thì người tuyển dụng có nên tin là bạn sẽ cẩn thận trong công việc tương lai không?

Viết thư: Cho dù bạn đã gửi cover letter và CV, thì 1 vài dòng giới thiệu về mình, lý do mình email (rất ngắn gọn) sẽ giúp người tuyển dụng quyết định có nên mở email của bạn không. Nếu họ không biết bạn là ai, thư không có dòng nào, thì why should they care abt you? Viết sao cho đủ ý, ngắn gọn, đừng dài dòng vì loằng ngoằng mất thời gian cho các bên. Nhiều hồ sơ chỉ gửi kèm file đính kèm, không một dòng chữ nào khác. Ơ? 

Đọc kỹ nội dung tuyển dụng: Đừng đọc lướt qua nội dung, vì bạn có thể sẽ gửi hồ sơ vào vị trí thư ký tòa soạn trong khi chính thư ký tòa soạn đang là người tuyển dụng bạn. Well, thật đáng xấu hổ và bạn phải trả giá cho sai sót của mình. Nhưng lần sau bạn sẽ cẩn trọng hơn. Hãy xem mọi yếu tố trong yêu cầu tuyển dụng của họ, và nếu không rõ gì, hãy liên lạc để tìm hiểu kỹ trước khi nộp hồ sơ.

Nếu bạn không đáp ứng yêu cầu của họ, đừng nộp hồ sơ cho phí thời gian. Nhà tuyển dụng đưa ra 10 điểm, bạn nên có khoảng 7 điểm để hi vọng họ để ý đến hồ sơ của bạn. 

Tên email của bạn: “Cún con dễ thương”, “Lãng tử đa tình”. Đó là những cái tên tôi bịa ra, nhưng bạn có tin là có những tên email cũng ngộ nghĩnh không kém như vậy trong hồ sơ xin việc không? Đúng là không nên oánh giá nhau, nhưng việc những người xin việc cần làm là tạo ấn tượng tốt, nghiêm túc, và thể hiện mình là 1 người trưởng thành.

Hứa thì phải làm: Có bạn hứa là sẽ làm thử, đưa ra thời gian, xong mất hút. Khi bạn có cơ hội làm thử, việc quan trọng nhất là hãy làm đúng hẹn.

Không tìm hiểu về nơi mình sẽ làm việc: Đây là thái độ coi thường chính bản thân của người đang nộp hô sơ tìm việc. Tại sao bạn lại không coi trọng chính bản thân bạn, rằng bạn thật có giá trị, có đủ kỹ năng, và bạn sẽ rất khó tính để tìm cho mình nơi làm việc. 80% thời gian của cuộc đời bạn là ở nơi làm việc, với những đồng nghiệp. Nếu bạn không tìm thấy niềm vui, mục đích tựu thành ở nơi làm việc, thì thử hỏi cuộc đời còn có gì vui? Có nhiều bạn nộp hồ sơ vào một vị trí ở tòa soạn báo, nhưng chưa từng đọc tờ báo đó, không biết gì về thị trường báo chí (và không hề tỏ ra quan tâm), không biết ấn phẩm có đặc điểm gì khác biệt trên thị trường. Vì sao bạn lại mạo hiểm trao thân cho một nơi mình mù mờ như vậy? Thế có  phải lãng phí thời gian không? 

Xưng hô thế nào: Trong thư, nên xưng hô lịch sự. Nhiều bạn gọi nhà tuyển dụng là “bạn” và xưng “mình”. Không ai là bạn ở đây cả. Hoặc sự thân thiện của bạn không phù hợp trong trường hợp này. Hãy tỏ ra tôn trọng người tuyển dụng bằng cách gọi họ là Anh/Chị, hoặc Ban Tuyển Dụng…hoặc cái gì đó tương tự. Thường người tuyển dụng cũng sống …hơi bị lâu năm rồi.

Tìm hiểu kỹ xem mình có hợp không:  Khi tìm việc, có vài thứ quan trọng bạn cần để ý. 1. Làm gì, có phù hợp với năng lực của bạn không. 2. Có phù hợp với sở thích của bạn không. 3. Có thu nhập để bạn đủ sống không. 3. Có cơ hội để bạn phát triển và học hỏi không. 4. Các đồng nghiệp tương lai, sếp có tử tế, chuyên nghiệp không. 5. Có vui không. 6. Có giúp bạn đạt được mục đích cuộc đời mình không…Có nhiều câu hỏi đặt ra, tùy vào nhu cầu mỗi người. Nếu bạn tìm được 1 công việc chỉ đáp ứng 1 thứ duy nhất là tiền cho bạn thì bạn sẽ rơi vào bi kịch. Vì bạn sẽ rất chóng chán. Làm gì cũng phải có tình yêu, đam mê, cam kết tận tâm thì mới làm giỏi và tiến bộ nhanh được. Hãy tìm kiếm công việc để bạn có cơ hội phát triển trong tương lai.

Bạn có cái họ cần không? Cũng có những bạn có rất nhiều kỹ năng, cái gì cũng có vẻ giỏi, nhưng cái chuyên môn cần nhất mà nhà tuyển dụng cần, bạn lại không có. Thế thì khả năng của bạn sẽ thấp hơn so với những người chuyên môn cần nhất có dù họ chẳng có những thứ khác như bạn. Những hồ sơ bạn nộp cho nhà tuyển dụng giống như mọi hồ sơ bạn từng nộp, thì bạn sẽ khó được chọn cho ngành nghề chuyên nghiệp. Mỗi nơi cần 1 hồ sơ khác nhau. Nhớ đấy. Đừng lười.

Đừng tỏ ra “bố tướng”: Người tuyển dụng tìm kiếm gì? Một cộng sự làm việc ăn í. Họ không tìm sếp mới. Họ tìm cộng sự để làm việc cùng, để đạt mục tiêu chung. Vì vậy, tỏ ra khiêm tốn, chân thành, trân trọng…không làm chết ai cả. Hãy đưa ra ý tưởng để người tuyển dụng thấy giá trị của bạn khi tham gia vào đội ngũ họ. Người tuyển dụng đang tìm kiếm maker, not breaker. Đừng tỏ ra quá tự tin, rằng tôi biết tất cả và người tuyển dụng quá dở nếu không tuyển tôi. Họ sẽ chúc bạn may mắn…lần sau.

Thiên thời địa lợi nhân hòa: Yếu tố này rất quan trọng. Nếu bạn đã đáp ứng hết rồi mà họ vẫn không tuyển bạn thì đơn giản là bạn còn thiếu một cái gì đó, hoặc chưa hợp thời thế. Đừng thất vọng hay buồn bã. Vì bạn vẫn luôn là bạn, bạn có thể cố gắng hơn cho những lần sau, ở những nơi khác.  😎

 Đọc cách Google tuyển dụng.

 

Comments